Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
22:44 (GMT +7)

Chiếc quạt hoa của thầy cúng

VNTN - Đối với người dân thì chiếc quạt giấy chỉ là vật thông dụng dùng để quạt mát, nhưng đối với người hành nghề thầy cúng thì chiếc quạt giấy đó là một đạo cụ để hỗ trợ cho thầy hành nghề.

Theo nhánh pháp sư của một số tộc người miền núi, khi tổ chức Lễ Cấp sắc thầy cúng được ban một số đạo cụ để hành nghề, trong đó có chiếc quạt giấy. Chiếc quạt của thầy cúng người Tày, Nùng gọi là “quạt va”, “vi đooc” (quạt hoa). Khi hành lễ, chiếc quạt vừa là đạo cụ vừa là vật linh có phép thiên biến vạn hóa. “Quạt mây mây tan/ Quạt mù mù tản”. Chiếc quạt có vai trò mở lối cho thầy cùng đoàn âm binh vượt qua các cản trở để đưa lễ vật lên trời cúng các vị thần linh trong công việc cứu nhân độ thế.

Về nguồn gốc chiếc quạt hoa, trong lễ hát “Then cầu hoa kết tử” có đoạn kể về then cùng đoàn âm binh đưa lễ lên trời dâng các vị tiên thánh để xin các vị ban hoa xuống trần gian, khi đoàn đến ngọn núi Sơn Tây thì núi lửa cháy ngút ngàn chặn lối, hương cùng đoàn âm binh không qua được. Then đã dùng quạt vẩy cho núi lửa tắt để đoàn quân âm binh tiếp tục hành trình. Cảnh núi lửa được mô tả:

Hương sinh vượt lên núi Sơn Tây

Vượt lên núi những lửa sáng chói

Đôi hương dừng tiến thoái lưỡng nan

Nắng thiêu thêm lửa cháy ngút trời…

Chúa mượn quạt với bà Vương

Đại Thánh xưa khôn ngoan lấy được

Còn truyền để đến nay ta dùng

Chúa vẩy quạt lên núi lửa tan

Tự nhiên núi Thạch Bàn không nóng

Hương sinh lại nhanh chóng lên đường…

Nguồn gốc cây quạt thầy cúng dùng khi hành lễ được giải thích trong lời ca, đó là chiếc quạt do Tề Thiên Đại Thánh mượn được với bà Vương (Phựt luông trên trời) đem xuống trần gian để trừ tà khi đi phù trợ sư phụ Đường Tăng đi lấy kinh ở Tây Trúc. Chiếc quạt thầy cúng dùng khi hành lễ là tượng trưng của chiếc quạt Phựt Luông ban cho. Vì thế, trong mỗi cuộc lễ sau khi trình báo tổ tiên lý do cuộc lễ, thầy cúng nhờ hương dẫn đường lên cõi trời đến cung các vị quan tướng nhà trời để xin cấp binh mã và các đạo cụ trong đó có chiếc quạt hoa. Trong lời ca xin đạo cụ có đoạn:

Lủc xo mẻ vi đooc pây thàng

Lủc xo mẻ vi hoa pây lỏ

Vi đooc quét móc móc slán

Vi hoa quét nài nài slâư

Móc bấu làn tàng quan

Nài bấu làn tàng Slấy

(Con lên xin quạt hoa đi đường

Con lên xin quạt nụ hành lộ

Quạt hoa quạt mây, mây rẽ

Quạt nụ quạt mù, mù tản

Mây chẳng chắn lối đường quan

Mù chẳng che đường thầy bước…)

Chiếc quạt với phép thiên biến vạn hóa mở lối thầy đi đường, gặp ma thương, tà ác quạt tựa như cây gậy thần kỳ chỉ gốc thì chết khô, chỉ ngọn thì sống tươi tốt, khi vui chơi thì quạt như chiếc yến, (đánh yến) tựa như cây khăng (đánh khăng) phối hợp cùng chùm nhạc tạo nên khung cảnh vui nhộn của trò chơi trong lễ.

 

Thày cúng người Tày ở Tuyên Quang làm lễ Kỳ yên Nguồn: dantocmiennui.vn

Khi bói tìm bệnh hay đón vía người siêu tán thầy dùng góc nhọn của quạt gẩy lấy ít gạo trong bát gạo vía gia chủ đưa hơ qua trên ngọn các nén hương rồi nhìn vào đó phán những điều gia chủ yêu cầu cần biết. Nếu đón vía thì mấy hạt gạo đó được thả vào túi áo vía (gọi vía về nhập vào áo, người mặc áo vía sẽ nhập vào thân).

Quạt thầy cúng dùng có nhiều loại với những chất liệu khác nhau. Theo truyền thống các dẻ quạt thường được làm bằng tre, bằng nứa, gỗ… Cánh quạt được làm bằng giấy bản truyền thống, lọai giấy này được làm bằng cây mạy ra, loại cây đay mọc trên rừng. Đến mùa làm giấy người ta chặt cành bóc lấy vỏ cây đem ngâm cho rữa phần vỏ, còn lại phần lớp trong trắng ngà mới đem giã mịn hòa nước để làm giấy. Loại giấy này có độ dai, dẻo bền. Phần lớn giấy tờ dùng trong cuộc lễ cúng của các tộc người miền núi đều dùng loại giấy này. Nhất là việc cắt tiền âm, người ta chuộng loại giấy này hơn. Điều này thể hiện qua câu: “Dú tẩư lẻ pền bâư Ra / Khửn bân pền sèn hoa chải dủng” (Ở dưới chỉ là giấy Ra/ Lên trời là tiền hoa tiêu dùng). Ngoài ra cánh quạt còn được dùng bằng vải, bằng lụa… Hiện nay quạt còn được làm bằng các hợp chất khác bền hơn...

Phần dẻ quạt thường làm số lẻ như bảy dẻ, chín dẻ, mười một dẻ, số dẻ quạt phụ thuộc vào chu vi, đường kính của cánh quạt to hay nhỏ. Trong đó quạt chín dẻ thường được các thầy sử dụng nhiều. Trong đời sống tâm linh người Tày, Nùng,  con số chín liên quan đến khá nhiều hiện tượng trong cuộc sống con người như: Người mẹ mang thai con thường chín tháng... Trong các mẹ hoa đỡ đầu ban hoa (con) cho các cặp vợ chồng dưới trần gian thì “Mẹ Sam sẩu cẩu mồm” (người Dao, người Sán Chỉ gọi là Mẹ Chấu Nhàng - mẹ Cửu nương, người Kinh gọi là Cô Chín…) là mẹ hoa cao nhất trên trời, ai được mẹ ban cho con thì đứa trẻ đó dễ nuôi, thông minh nhanh nhẹn. Người Tày, Nùng có câu: “Bươn cẩu phẩu phi” nghĩa là tháng chín thì vượng về phần âm) nên người ta thường tránh việc cưới và làm nhà tháng này: “Bươn pét hết rườn rủ khẩu/Bươn cẩu hết rườn hâử phi” (Tháng tám làm nhà chứa lúa/ Tháng chín làm nhà cho ma). Khi làm thang cầu duyên cho trai gái các Thầy cúng thường làm thang chín bậc, cầu thang lên nhà sàn của người Tày, Nùng cũng thường làm chín bậc, hoặc phụ nữ thì chín vía, nam giới thì bảy vía, hoặc ăn tết mừng lúa mới vào ngày mùng chín tháng chín. Con số chín còn liên quan đến một số tập quán và quan niệm sống của các tộc người miền núi như có chín tầng trời, hoặc chín tầng địa ngục. Người có đức sống tốt thì khi chết hồn được siêu thoát lên chín tầng mây mà sống cuộc đời an nhàn, còn người có tâm địa ác, làm đủ mọi điều xấu thì khi chết hồn sẽ bị đày xuống chín tầng địa ngục để chịu tội đã gây ra khi sống ở thế gian và sẽ vĩnh viễn không được trở lại chuyển sinh kiếp làm người nữa mà phải làm kiếp lục súc như: trâu, bò, chó, ngựa, lợn… chuyển sinh chín kiếp để trả nợ tội đã gây ra.

Vậy, chiếc quạt hoa chín dẻ của thầy cúng dùng bao hàm những nội dung, ý nghĩa gì về mặt tâm linh?

Chiếc quạt của nhánh Phựt người Ngạn ở Cao Bằng có những đặc trưng riêng. Người Ngạn thuộc nhóm ngữ hệ Tày- Thái. Chiếc quạt của đạo pháp sư ở xã Vĩnh Quang (Cao Bằng) thuộc nhánh pháp sư người Ngạn. Quạt dùng có chín dẻ mỗi dẻ một chữ được sắp xếp theo vị trí sau: “vương”, “trường”, “sinh”, “binh” , “mã”, “nguyệt”, “hỏa”, “khiên”, “siên”. Theo cách đọc của chữ tượng hình thường đọc từ phải sang trái (tượng trưng như mặt trời mọc từ phương Đông chuyển sang lặn ở phương Tây) và khi khép quạt lại thì dẻ thứ chín chữ “vương” sẽ thành vị trí đầu, chữ “siên” sẽ đứng ở cuối. Nghĩa của các chữ trong các dẻ quạt như sau:

Dẻ thứ nhất chữ “vương”. Nghĩa làm vua của một cõi, của một công việc, một loại hình diễn xướng thầy cúng được coi là con của vị ngọc hoàng ở trên cõi trời được giáng xuống trần gian làm “vương” trông coi công việc cứu nhân độ thế nên họ có khả năng đặc biệt nhìn thấu mọi sự vật, sự việc ở cõi đất để hướng dẫn con người tuân theo qui luật của vũ trụ với mục đích hạn chế hoạn nại…

Dẻ thứ hai chữ “trường” có nhiều ý. Ý chữ “trường” là dài, lâu… “trường kỳ” chỉ công việc hành nghề cứu nhân dưới độ thế dưới trần gian của thầy cúng là việc lâu dài trường kỳ nhiều gian nan. Người làm việc này phải tận tâm, tận lực, nhẫn nạn…

Ý chữ “trường” còn có nghĩa là “từ trường”, trong một không gian nhất định thì có một trường bao quanh thân thể con người. Từ trường này yếu hay mạnh phụ thuộc vào thân thể từng người. Thường những người hành nghề thầy cúng thân thể họ có một “trường” năng lượng nhất định, năng lượng “trường” này tạo cho họ có khả năng đặc biệt để làm công việc cứu nhân độ thế.

“Trường” năng lượng này có hai loại, trường màu trắng tượng trưng cho điều tốt gọi là “đức” và trường màu đen là biểu hiện cho điều xấu gọi là “nghiệp”. Đức ở đây được xác định là loại vật chất là do con người chịu khổ, chịu khó rèn luyện bản thân làm những việc tốt mới có được. Người Tày, Nùng thường nói: “Au dăm công” (lấy âm đức) nghĩa là làm việc tốt để tích đức cho con cháu làm ăn sau này. Còn có câu kinh nghiệm khi chọn dâu con: “Chiêm nàng chiêm cái” (nhìn con cái tốt hay xấu thì nhìn người mẹ sẽ biết). Người có đức sẽ thuận lợi trong cuộc sống, phát tài, hoặc được làm đại quan. Còn những người làm nhiều điều xấu con cháu làm ăn sẽ gặp những trở ngại…

Dẻ thứ ba chữ “sinh” có nghĩa là đạo sinh chỉ sự tồn tại của các sinh vật trong trái đất. Khi sinh ra con người cũng như các sinh vật đều phải theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ: Sinh, lão, bệnh, tử. Con người phải có trách nhiệm giữ đạo sinh để bảo tồn, duy trì giống nòi loài người. Đây cũng là quan niệm của một số tộc người miền núi ai không giữ được đạo sinh thì thất lễ lớn với tổ tông .

Dẻ thứ tư chữ “binh” nghĩa là binh lính, quan, tướng bên cõi âm phù trợ cho thầy cúng khi hành lễ.

Dẻ thứ năm chữ “mã”, nghĩa là lừa, ngựa, voi, rồng bên cõi âm do quan trên cõi trời cấp cho người hành nghề thầy cúng.

Dẻ thứ sáu chữ “nguyệt” nghĩa là mặt trăng soi trái đất ban đêm. Người Tày, Nùng thường gọi mặt trăng là “mẻ hai” (mẹ trăng). Mẹ trăng là người sinh ra các loài vật dưới mặt đất nên mặt trăng tác động đến sự sinh trưởng, phát triển của các sinh vật trên trái đất. Điều này thể hiện trong cách tính ngày tháng năm sinh của con người. Người sinh ban ngày hay ban đêm đều do mặt trăng, mặt trời ảnh hưởng đến tính cách, tinh thần. Nên người ta hay nói “Trai mùng một, gái hôm rằm”, người Tày thì tính “Lủc sài slinh xo ât liệng ngải, slinh xo hả phải rườn” (con trai sinh mùng một dễ nuôi, sinh mùng năm thì hại gia) những người sinh vào ngày đó có tố chất đặc biệt.

Dẻ thứ bảy chữ “hỏa” là lửa, “hỏa” ở đây là chỉ mặt trời soi sáng, ban năng lượng cho trái đất để con người cùng các sinh vật tồn tại phát triển.

Dẻ thứ tám chữ “khiên” nghĩa là dẫn dắt, chỉ lối… Người hành nghề thầy cúng được trời ban cho khả năng đặc biệt, cảm được những điều “may”, “rủi” của đời người để hướng dẫn con người ta làm sao hạn chế được điều “rủi”, phát huy được điều “may” nắm cơ hội để làm ăn. Nghĩa là thầy cúng dùng khả năng đặc biệt nắm được thiên cơ mà dẫn dắt hướng dẫn cho người nhân quần đi theo con đường đúng đạo lý, trong đó phải lấy chữ “thiện” và “đức” đặt lên hàng đầu.

Dẻ thứ chín chữ “siên” nghĩa là tiên hoặc là thiên chỉ vị tiên thánh trên cõi trời. Chỉ người hành nghề thầy cúng được dân chúng coi như là người được tiên, thánh trên trời phái xuống trần gian làm việc cứu nhân độ thế.

Nội dung của các chữ trên quạt nghĩa là người cầm quạt là “vương”, “tiên” (con của cõi Trời) có được một “trường” năng lượng đặc biệt, được “sinh” ra dưới trần gian, được trời ban cho “binh” “mã”, hành nghề cứu nhân độ thế tâm phải sáng soi như lửa “hỏa”, ngày đêm trường kỳ, hướng dẫn con người sống theo đạo lý, tôn trọng mọi sinh vật tồn tại trong vũ trụ.

Khi cầm quạt hành lễ thầy phẩy quạt từ trái sang phải, ngón tay cái đặt vào vị trí chữ “vương”, hướng về phía Đông hướng mặt trời lên, ngón tay út đặt vào vị trí chữ “siên” hướng Tây mặt trời xuống. Nếu khi hành lễ thầy vẩy quạt không thuận hẳn có điều không hay.

Qua đó, cho thấy chiếc quạt của thầy cúng dùng khi hành nghề hàm chứa triết lý và quan niệm của người xưa về vũ trụ và tác động của vũ trụ đối với cuộc sống con người. Người hành nghề thầy cúng có trách nhiệm hướng dẫn con người sống dung hòa với trời đất, tuân theo qui luật của vũ trụ trong đó lấy chữ thiện chữ đức làm đầu.

Triệu Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy