Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:06 (GMT +7)

Chỉ là chuyện con mèo

Truyện ngắn. Hoàng My

Mẹ à, con Bông nó chết rồi!

- Trời ơi, sao vậy con?

Bên kia im lặng. Phải một lúc lâu mới nghe lại giọng thằng Bin nghẹn ngào:

- Ba đóng cửa, không thấy nó, nó bị đè bẹp mà chết…

Trà hình dung ra cảnh kinh khủng ấy. Lúc này hai đứa con Trà đều đã tan học về nhà, chắc hẳn chúng đều phải chứng kiến cái điều đáng sợ không nên thấy đó… Trà tức giận gọi vào số của chồng xem vì đâu ra nông nỗi. Anh làm gì mất tập trung tới mức khiến một sinh linh phải chết trong nhà thế hả? Đáp lại câu hỏi khó của Trà là cơn ho khan của chồng. Trà thở hắt một hơi chán nản, cúp máy.

Những đợt ho lẻ tẻ bắt đầu từ cuối mùa hè năm trước, khi mấy cơn mưa thất thường vẫn còn trút xuống thành phố. Trà bực bội nhắc trỏng “mua thuốc cảm mà uống vô chứ, có đâu có bệnh hoạn hoài”. Chồng nín thinh, như phản xạ bấy lâu trước những cằn nhằn khó chịu của vợ. Bản thân mình còn không biết tự lo, thì sao có thể chăm sóc, lo toan cho ai khác. Trà thầm kết luận, trong nỗi thất vọng ngày càng lớn hơn về người đàn ông lâu nay vẫn sống chung nhà.

Cú dập của cánh cửa, bằng sức nam giới, tuy chỉ còn nặng bốn mươi chín kí, nhưng cũng đủ để con mèo kêu lên một tiếng thảm thiết, trước khi tắt lịm. Là Trà tưởng tượng vậy. Trà như thấy con mèo nảy lên, giãy giụa, trong cảnh xúm xít, rối rít, hoảng loạn của ba cha con. Giữa trưa, Trà bươn bả phóng xe từ trung tâm thành phố về nhà. Đường đông, Trà thêm sốt ruột. Hai lần giọng thằng Bin nghẹn lại trong điện thoại. Nó vốn không phải đứa ẻo lả mau nước mắt. Con trai giống tính mẹ, cái gì còn gồng được là cố vượt lên, chẳng buông xuôi bỏ cuộc, nên Trà sao đành lòng ngồi lại trong văn phòng mát rượi, coi như chẳng có chuyện gì. Trà cũng tiếc nửa ngày phép nên phân vân tự hỏi, liệu có đáng không. Bệnh thì cũng bệnh rồi, mèo chết thì cũng chết rồi. Nhưng khoảnh khắc này, hai đứa con Trà hẳn là cần có mẹ bên cạnh. Cả người đàn ông kia cũng vậy, biết đâu cũng yếu đuối và mong mỏi có người đàn bà cáu kỉnh đi lại thoăn thoắt trong nhà.

Bé Chíp vẫn còn mặc bộ đồng phục ban sáng. Vừa nhìn thấy mẹ, nó liền òa lên nức nở. Giờ nhà mình còn có mỗi con Vàng Chanh. Jerry bỏ rơi Tom rồi, mẹ ơi! Hóa ra nước mắt của một đứa con gái ương ngạnh cũng có lúc rơi xuống thật dễ dàng. Trà nhói lòng hình dung sự đau đớn của con mèo. Nỗi ân hận nuối tiếc của chồng Trà. Cảm giác bất ngờ tới khó tin của hai đứa con mình. Bàng hoàng. Thảng thốt. Bất lực. Tỏ ra như không có chuyện gì, Trà vừa dỗ dành vừa nạt bé Chíp, kéo nó đứng dậy. Trà dọn cơm, lấy thêm tô dĩa, và một bộ chén bát riêng cho chồng. Hối tới lần thứ tư thì chồng xuống, cũng là lúc mấy mẹ con Trà cùng buông đũa. Cả nhà đều ăn ít, nên chỉ cần chồng lừng khừng chậm chạp như thói thường, là sẽ trở thành người ăn sau cùng, một mình. Mãi rồi cũng quen.

Con Bông ở trong nhà được tất cả mười bốn ngày. Cùng với con chuột hamster lông óng tên Vàng Chanh, chúng tạo nên một cặp thú cưng mèo chuột khá buồn cười. Trà vẫn nhớ buổi chiều muộn, thằng Bin gọi mẹ đầy háo hức. Con lượm được một con mèo nhỏ xíu ở thùng rác trong hẻm. Chân nó đi hơi khoèo một chút, nhưng mình vẫn nuôi được, đúng không mẹ? Trà điên tiết với ý nghĩa, hóa ra bọn nhóc đặt mẹ ở sự đã rồi, đã rước mèo về nhà còn bày đặt gọi hỏi xin nuôi này nọ nữa. Trà thử từ chối, nói không mà xong với chúng à!

Trà khó mà quên được mấy đêm lạ nhà của con Bông. Âm thanh meo meo vang tận trên lầu, vào căn phòng ngủ bé tí của mấy mẹ con Trà. Bé Chíp lo lắng hỏi, chẳng biết con Vàng Chanh có biết sợ tiếng mèo không nhỉ? Thằng Bin nhanh nhảu nói: Từ bé tới giờ nó cũng chưa thấy mèo lần nào, làm sao biết đó là kẻ thù được! Trà buồn cười với lý lẽ của hai đứa con.

Dạo này chồng Trà ngủ dưới trệt, tiếng là để tiện coi ngó nhà cửa, nhưng kỳ thực anh tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho mấy mẹ con. Nghe bảo ở bệnh viện đã dặn cả nhà cùng đi xét nghiệm, coi có con vi trùng ấy trong phổi hay chưa. Nhưng Trà vừa bận rộn vừa không dám đối mặt. Kệ đi, sức đề kháng của ba mẹ con chắc là đủ đương đầu. Nhất là từ dạo chồng mang cái kết luận ho lao, kèm theo bức chụp hình phim phổi lốm đốm rỗ chỗ về, Trà đã dán tên anh lên ly, chén, khăn mặt, ga giường… riêng biệt rồi.

Khi chồng khẽ khàng bưng con Bông từ cái gối salon màu đỏ chuyển qua cái túi nhựa ấy, bàn tay anh hết sức nâng niu, gượng nhẹ. Lớp lông của con mèo dường như có chút chuyển động, trong nhất thời một ý nghĩ xẹt qua đầu Trà: ồ hình như nó còn sống. Biết đâu có thể cứu được. Nhưng Trà không nói ra miệng. Lâu rồi, Trà bỏ thói quen nghĩ gì nói đấy. Không vội vàng nhận xét, phát biểu bất kỳ điều gì là quy tắc hành xử đã thành phản xạ của Trà. Thoáng qua, xong thì Trà cũng hiểu, đó chỉ là làn sóng của lông mèo trước sự dịch chuyển. Cảm giác còn mềm mại vì mới đây thôi, nó vẫn là con Bông đáng yêu sinh động của cả nhà.

Trà nổ máy. Cái bịch xốp chứa con Bông nằm ở chỗ để chân. Chồng Trà tiễn con mèo ra tận cửa cũng bằng một trận ho sù sụ. Đợt uống thuốc đầu tiên đã qua, và những ngày êm ả bớt ho hẳn của anh cũng lùi lại xa lắm. Giờ anh tiếp tục những cơn gồng người vì ho. Trà quát anh sao chưa chịu đi khám lại. Cứ chủ quan, định lây lan cho con mới chịu được à? Trà biết, mấy câu nói ấy có trọng lượng còn hơn cả những cơn ho mà anh đang gánh chịu.

Đó là hậu quả của nhiều năm làm việc không hợp lý, chẳng ăn ngủ cho ra hồn, bất kể giờ giấc. Trà nghiến răng nghĩ. Chẳng làm ông này bà nọ, công to việc lớn gì, chỉ là chuyên viên kỹ thuật của một công ty cổ phần thôi, nhưng sao chồng Trà vẫn cứ muốn bán mạng cho nó nhỉ? Lương bổng so với làm công là cao, nhưng so với mức sống xã hội bây giờ thì chỉ làng nhàng đủ chi dùng, đâu phải thu nhập khủng để phải đánh đổi tới độ ấy. Chung quy, cũng do anh chậm chạp lại cầu toàn. Viết một cái tin nhắn, gõ một cái email thôi cũng hết bộn thời gian. Xử lý công việc thiếu khoa học, cộng thêm bản tính lề mề ít biết sắp xếp. Ngay cả cuộc đời của anh, cũng chỉ xuôi theo trình tự tới đâu hay tới đó, chẳng hề thấy dự định gì rõ rệt cho mai này. Gần năm mươi tuổi, chồng Trà vẫn cặm cụi cả ngày lẫn tối tới khuya bên cái máy tính. Những khái niệm như nghỉ dưỡng, du lịch, về hưu sớm, chuyển việc… hầu như chẳng có trong từ điển cuộc đời anh. Trà chuyển dần từ vun vén góp ý sang chịu đựng, mặc kệ, ơ hờ rời rạc.

Cứ về nói với mẹ, chuyện gì mẹ cũng có thể xử lý được hết, ngoại trừ cái chết. Trà từng dạy thằng cu Bin như thế, để con cẩn trọng mỗi khi chạy xe đạp trong hẻm, hay leo trèo phá phách, nghịch ngợm đủ trò như cái tuổi nó đang trải qua. Để nó đừng bao giờ lo âu giấu diếm mẹ điều gì. Cái câu dặn dò thuần lý thuyết ấy bỗng đúng đến tận cùng, khi Trà bất lực nhìn con Bông nằm xải lai bất động trong cái bịch xốp nhàu nhò…

- Mẹ đưa con Bông đi đâu đấy? Cả hai đứa con Trà cùng hỏi. Trà lừng khừng rồi cũng tìm được câu trả lời:

- À mẹ chở Bông ra cái nghĩa trang gần nhà mình. Các con đợi mẹ về nhé.

Không đứa nào ý kiến gì thêm. Nói cho sang thế, chứ nghĩa trang nào. Trà dừng trước cái thùng rác kiểu như thùng thư ngày xưa, đặt tại lề đường. Nhìn trước ngó sau, Trà dúi cái bịch đựng con mèo chết vào đấy. Trời mấy hôm nay nắng gắt. Chỉ sáng mai thôi, nếu công ty vệ sinh không kịp đổ rác, thì mùi xác động vật phân hủy sẽ bay khắp nơi. Sẽ có nhiều người nghĩ ngợi, tự hỏi cái mùi gì mà ghê vậy. Lại án mạng đâu đó chăng? Trà nơm nớp như vừa làm chuyện mờ ám. Khu này liệu có camera an ninh không nhỉ? Có ai phát hiện ra Trà đã bỏ một cái túi với dáng điệu khả nghi vào thùng rác công cộng chưa…

Hiu hắt y như một phân cảnh chậm rãi buồn phiền bế tắc cùng quẫn của một bộ phim Việt thời thượng. Trà cố màu mè hài hước nghĩ. Coi, chồng Trà nửa nằm nửa ngồi, vạ vật trên cái ghế dựa dài, bên cạnh xù xù một đống mền bừa bộn. Hai đứa trẻ nhìn buồn thiu vì mất con Bông. Con Vàng Chanh cũng không xí xớn, ồn ào rào rạo như mọi bữa, mà im bặt trong cái lồng chuột của nó. Chồng Trà đang kể lể: “Con Bông nó thân với ba lắm, tối nào cũng len vào chăn của ba mà nằm. Ba khỏi phải ngủ một mình…”. Trà khẽ quay đi, biết rằng đàn ông ủy mị như vậy thì trông mong dựa dẫm gì. Trà nhắn tin than thở với đứa em họ thân thiết. Nó cũng vừa mới sinh con thứ hai, thiếu thốn, tù túng, chật vật bên thằng chồng trạc tuổi hay sĩ diện nhưng ít biết làm ra tiền. Trà thương em, nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều. Đâu ai sống dùm đời ai được. Tốt lắm, là hai chị em họ nhắn cho nhau một câu thương cảm. Ừ đúng là khổ thật. Vậy thôi.

- Đủ rồi đấy Chíp. Làm như cha chết không bằng!

Trà quát lên khe khẽ. Xong buông thêm một câu cay nghiệt:

- Chẳng biết mẹ chết thì con có khóc lóc nhiều như vầy không hở?

Con bé Chíp vốn là đứa cá tính. Vừa lì lợm ngang bướng vừa mít ướt. Vừa tò mò tọc mạch những điều quá độ tuổi của nó, vừa mê chuột mê mèo mê đủ thứ con vật lẫn thú nhồi bông vớ vẩn. Giống tính nết một mụ đàn bà nào đấy từng văn hoa tuyên bố, tôi bản năng nhưng đầy lý trí, tôi hoang dã nồng nàn nhưng cũng tham tiền mê trang sức, nhá. Trà kéo con đứng dậy. Trà lôi nó đi tắm gội. Trà nói phong long rằng, ai rồi cũng phải chết. Con Bông vậy là xong kiếp mèo của nó. Biết đâu nó sẽ được đầu thai làm người, con có hiểu không? Xong thì bỗng tự băn khoăn rằng, liệu làm người thì có tốt hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn một con mèo tên Bông hay không nhỉ?

Chập tối, Trà chở hai đứa con ra trung tâm thương mại lớn gần nhà. Gọi cho đám nhóc mấy miếng gà rán, khoai tây chiên ưa thích, lại hào phóng đãi thằng Bin cây kem to tướng. Trà muốn con mình nhanh chóng quên đi cảnh tượng khốn khổ phải chứng kiến trưa nay. Thế nhưng, trên đường về, bé Chíp lại mếu máo nhắc nhớ:

- Ở nhà không còn con Bông chờ đón nữa rồi!

Tâm trạng hụt hẫng ấy thì Trà hiểu. Nó từng diễn ra trong lòng Trà sau ngày bố chồng Trà mất. Chẳng mấy gần gụi, càng không phải là người trực tiếp chăm sóc bố những năm tháng cuối đời, nhưng Trà vẫn thấy bất ngờ bởi ý nghĩ: Trong nhà vậy là không còn ai khác nữa… Mấy năm sau này, bố chồng Trà bị lẫn, dần dà trở nên yếu ớt cả sức khỏe lẫn tinh thần, không còn nhận ra ai, chẳng nói chuyện được tiếng người. Chỉ thi thoảng ú ớ la hét không rõ nghĩa. Những giai đoạn sa sút của người già mà phải khi trực tiếp chứng kiến, mới thấm thía hết những khổ sở của kiếp người “sinh lão bệnh tử”. Trà cám cảnh vô cùng, nhất là khi phía bên chồng chẳng ai tỏ ý phụ đỡ cả vật chất lẫn tay chân. Cảnh nhà u ám triền miên. Tiền vợ chồng kiếm được đổ vào thang thuốc, thuê người trông coi bố, nuôi hai đứa con ăn học, là xem như hết. Trà nhiều lần cằn nhằn bất mãn với chồng. Nhất là sau này, công việc của Trà bỗng khởi sắc, kiếm được đỡ hơn, sắm sửa thêm vật dụng trong nhà, sửa sang lại cái phòng khách đã quá xập xệ, chồng Trà vẫn chỉ lẳng lặng nín nhịn. Thế nhưng, khi bố chồng đã ra người thiên cổ, Trà cứ thấy cảnh nhà vắng vẻ, thiêu thiếu thế nào không rõ. Dù bố bấy lâu chỉ lê la quanh quẩn trong căn phòng riêng nhỏ xíu, thậm chí khách đến chơi cũng chẳng biết, còn có một người già đang tồn tại trong nhà.

 

 

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước