Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:43 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Chị Đoạt của tôi

Kỉ niệm sâu sắc của ông Nguyễn Văn Tài, xóm Đồi, xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên về người chị của mình là liệt sĩ Nguyễn Thị Đoạt - Thanh niên xung phong Đại đội 915 tỉnh Bắc Thái, hy sinh ngày 24 tháng 12 năm 1972 tại khu vực ga Lưu Xá khi đang làm nhiệm vụ.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thị Đoạt
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thị Đoạt

 

Bố mẹ tôi sinh được sáu người con: năm trai, một gái. Chị Đoạt là chị cả rồi đến tôi. Hồi đó nhà ai cũng nghèo. Ngoài làm ruộng, chăn lợn, mọi người đi kiếm củi hoặc làm công trong lò gạch kiếm từng đồng ít ỏi. Chị thường theo mẹ đi làm đồng, đào hầm, theo các thím kiếm củi mãi tận Phúc Thuận, Tiên Phong. Tôi là cậu bé choai choai nên chả biết lo lắng gì, chỉ suốt ngày ham chơi với chúng bạn chăn trâu. Các em tôi còn nhỏ, cứ đứa lớn trông đứa bé với những trò dân gian hết ngày này qua ngày khác.

Tuổi thơ hồn nhiên trôi qua. Chị Đoạt làm hết việc của mình rồi lại làm đỡ mọi việc mẹ phân công cho các em. Có hôm chum gạo gần cạn, chị ăn sắn độn khoai cùng bố mẹ nhường cơm cháo cho các em qua ngày giáp hạt. Tôi chưa biết thương chị mà chỉ thấy vui. Chị nhỏ nhắn, da trắng, tóc dài, làm gì cũng nhanh nhẹn. Những năm 1968 đến 1972, quân Mỹ cho bom bắn phá ác liệt. Đông Cao nằm sát trục đường quốc lộ Hà Nội - Bắc Thái nên dọc từ cầu Đa Phúc qua ga Lưu Xá, sang Linh Sơn, Đồng Hỷ là khu vực chúng trút bom dữ dội nhất. Nhà máy gạch ở Thanh Xuyên bên đê Chã bị bom chết khá nhiều người. Phần đông là dân thường.

Xóm Đồi nhà nào cũng đào hầm. Bố mẹ và chị Đoạt đào hai hầm kèo ở hai đầu nhà. Mỗi khi có báo động máy bay thì mọi người hô nhau chui xuống hầm trú ẩn. Lũ trẻ trai chúng tôi có biết chết chóc đáng sợ thế nào đâu? Đứa nào cũng tò mò và nghịch ngợm. Có lần nghe tiếng hô báo động nhưng tôi không xuống hầm mà rủ thêm mấy thằng bạn dạt vào búi tre ló mắt ra xem. Máy bay trinh sát vừa xẹt qua thì tiếng máy bay B52 ù ù như xay lúa. Chỉ một thoáng, tiếng bom ầm ầm. Nhiều nhà bị bom rơi trúng sân, lợn gà bị sức ép bay lên kêu rống thảm thiết.

Sau khi trời đất lặng tiếng máy bay, bom nổ, chứng kiến cảnh hoang tàn, cây cối gẫy đổ, nhà cửa tốc hết mái rạ, lửa cháy ngùn ngụt từng đống, đất cát cày xới tứ tung, người chết, người bị thương máu me đầy, tôi mới bắt đầu biết sợ. Khi về nhà, tôi thấy đầu đạn to bằng cái cốc uống nước xuyên thủng qua mái rạ. Lần đó, tôi bị người lớn mắng một trận nên thân. Vậy mà, lâu dần, xóm tôi cũng quen cảnh bom đạn, vì thời bấy giờ chẳng biết sơ tán đi đâu.

Chị Đoạt tham gia sinh hoạt Đoàn xã. Công việc nhà chị tranh thủ làm nhanh gọn hơn. Tối nào, tôi cũng thấy chị hăm hở đi. Nghe các chị trong xóm bảo: Chị Đoạt rất năng nổ, nhiệt tình, tham gia văn nghệ, tuyên truyền sôi nổi chứ không ít nói như ở nhà. Tôi nghĩ chị Đoạt hiền lành chăm chỉ lại hát rất hay nên mới dành được nhiều lời khen như thế. Bố mẹ tôi không cấm chị đi sinh hoạt đoàn đội. Thi thoảng ông chỉ nhắc: Con gái phải lấy danh tiếng làm trọng, những lúc đi đêm về hôm cần phải biết giữ gìn.

Gia đình tôi không biết chị đăng kí đi Thanh niên xung phong. Tháng 6 năm 1972, xã Đông Cao có mình chị Đoạt đi. Mẹ không giữ mà chỉ khóc vì thương con gái. Chị cũng thương mẹ nhiều nhưng tiếng gọi của Tổ quốc lúc lâm nguy cấp thiết hơn bao giờ hết. Đại đội 915 của chị đóng quân ở Linh Sơn, Đồng Hỷ. Nhiệm vụ là bốc dỡ hàng hóa lên xe, san đường, lấp hố bom. Mạch giao thông ở Bắc Thái vẫn thông đưa hàng ra tiền tuyến.

Đi thanh niên xung phong được mấy tháng thì chị về thăm nhà. Chị lại ra đồng làm việc thay mẹ, khuyên các em học hành. Tôi vui lắm. Đêm về, câu chuyện của chị được nhiều người say mê nghe. Chị bảo bố mẹ yên tâm, con đi làm vui lắm. Đa phần là chị em gái nên học hỏi nhau được nhiều điều. Đêm trước hôm trở lại đơn vị, chị thủ thỉ với thím, tôi nằm ngoài giường nghe được:

- Đợt này công việc nhiều và gấp, con về thăm nhà thấy bố mẹ, chú thím và các em con đều mạnh khỏe, con rất yên tâm. Có khi Tết con không về.

Chị tôi không về thật. Đêm 24 tháng 12, khu thành phố - phía bắc xóm Đồi trông lên, bom nổ dữ lắm, sáng rực cả góc trời. Mẹ tôi đêm ấy không tài nào ngủ được. Trời rét, bà cứ trở mình luôn. Hai hôm sau, chị Hiền ở Tân Hương - Đội 91 tìm đến nhà báo tin cho bố mẹ tôi là chị Đoạt bị thương nặng, được người ta chuyển vào viện. Mẹ bắt gà, mua đường sữa để chú cùng tôi lên thành phố. Hai chú cháu lên đến nơi, hỏi thăm trong bệnh viện không thấy. Có người đưa chúng tôi sang Đội TNXP 91. Lúc này, tôi mới biết chị Đoạt hy sinh.

Huân chương Kháng chiến của liệt sĩ Nguyễn Thị Đoạt
Huân chương Kháng chiến của liệt sĩ Nguyễn Thị Đoạt

Trong một gian nhà ở Đội TNXP 91, tôi nhận lại quân tư trang của chị: Một ba lô con cóc, quần áo, vỏ chăn, gương lược… Sau đó, chú và tôi ra nghĩa trang Dốc Lim viếng mộ. Các chị kể lại: Đêm 24 tháng 12, chị Đoạt cùng đồng đội bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa từ sáng tới chiều tối vẫn chưa xong nên nghỉ lấy sức, ăn cơm để tiếp tục làm, thì máy bay Mỹ ập đến.

Năm 1979, bố tôi mất. Mẹ lặng lẽ nuôi năm anh em tôi ăn học. Khi các con khôn lớn, mẹ xây dựng gia đình cho từng đứa. Năm 1995, bà qua đời. Những kỉ vật của chị Đoạt ở bên bà suốt 23 năm không rời. Khi an táng mẹ, chúng tôi đã đưa tất cả những kỉ vật của chị xuống mồ cùng mẹ. Vì vậy, bây giờ, tôi chỉ còn giữ được tấm ảnh chân dung chị cùng tấm Bằng Tổ quốc ghi công và tấm Huân chương Kháng chiến hạng Ba: “Liệt sĩ Nguyễn Thị Đoạt, xã Đông Cao, huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái - Đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Nhiều kỉ vật của chị Đoạt không còn nhưng hình bóng chị không bao giờ phai mờ trong trái tim chúng tôi.

Ghi chép. Hoàng Thị Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước