Chất thơ của tình người, tình đời
(Đọc tiểu thuyết “Tình viễn xứ” của Hiệu Constant)
“Đọc một cuốn sách hay cũng như trò truyện với một người bạn thông minh” tôi tâm đắc câu nói này của đại văn hào Lép Tôn-xtôi, đặc biệt là khi tôi đã hơn một lần trò chuyện với nhà văn Hiệu Constant qua những cuốn sách của chị, và càng ngày thấy những cuộc trò chuyện như có nhiều thêm chất men say không dứt bởi mỗi cuốn sách của chị lại mang đến cho tôi một góc khám phá mới mẻ về người bạn thông minh này, nhất là với cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt độc giả của chị: Tình viễn xứ - NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2023.
Hiệu Constant đã đưa bạn đọc đến một chân trời mới lạ thú vị, vì thế từ mở đầu đến kết thúc mỗi trang đều có sự hấp dẫn riêng. Với tôi điều làm nên thành công của tiểu thuyết này là chất thơ thấm đẫm qua nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Chất thơ chính là tính chất trữ tình - tính chất được tạo nên từ sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn.
“Tình viễn xứ” là một cuốn tiểu thuyết thấm đẫm chất thơ. Trước tiên chất thơ toát lên từ những cuộc gặp gỡ tình cờ mà như có duyên tiền định giữa các nhân vật. Huyền Linh - một cô phóng viên làm việc cho tạp chí Kiến trúc và đảm nhiệm chương trình Discovery trên đài truyền hình của Pháp, trong một chuyến đi công tác, cô tình cờ gặp Hoàng Minh - giáo sư trường Đại học Oslo, Na-Uy, trên con tàu Martina giữa biển thẳm của vùng Địa Trung Hải. Cả hai đều là người gốc Việt, đều giàu tinh thần dân tộc và giữ trong mình những hoài niệm tha thiết về quá khứ nơi quê nhà nên ở họ có ấn tượng tốt đẹp với nhau từ lần đầu gặp gỡ.
Huyền Linh, một cô gái năng động phóng khoáng với ý chí nỗ lực vươn lên và vốn kiến thức sâu rộng, mọi việc cô quan tâm cô đều làm rất chỉn chu, nghiêm túc. Điều này đã khiến cho giáo sư Hoàng Minh phải đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Ở giữa lòng Thủ đô Paris, trong một lần xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc của nhóm “Tứ đại Mỹ nhân” cô lại tình cờ gặp Khánh Huyền, một người nghệ sĩ gốc Việt chơi đàn tranh, sau những câu chuyện thú vị về Paris, Huyền Linh mở ví đưa danh thiếp của mình cho Khánh Huyền, do lóng ngóng nên cô đã làm rơi một bức ảnh đen trắng khổ nhỏ lên mặt bàn. Bức ảnh người đàn ông đó chính là cha của hai chị em Huyền Linh và Khánh Huyền, họ đã gặp nhau và nhận ra nhau ở một nơi xa quê hương vạn dặm, tình máu mủ duyên phận đã đưa họ tìm đến nhau thật dễ dàng khiến cả hai đều ngỡ đó như một giấc mơ.
Những cuộc gặp gỡ ai đó thường không hiếm trong đời chúng ta, nhưng Hiệu Constant đã tạo ra cuộc gặp gỡ khó có thể lí giải một cách khoa học mà chỉ có thể giải thích bằng định mệnh. Từ lần đầu tiên nhìn thấy người chị cùng cha khác mẹ của mình Huyền Linh đã thấy ngờ ngợ, thấy như quen thân, như gặp gỡ từ bao giờ. Còn Hoàng Minh, sau lần gặp gỡ trên boong tàu giữa không gian biển cả vầng trăng khuyết đầu tháng đã ló ra nền trời tím sẫm, lấp lánh những vì sao trong anh đã thấp thoáng hình bóng người con gái Việt, sau đó là những lần gặp lại tình cờ không một lời ước hẹn ở những vùng đất khác nhau. Đó là những cuộc gặp gỡ đầy chất thơ của những tâm hồn, đặc biệt là cuộc gặp gỡ tay ba dự báo sẽ diễn ra ở cuối truyện khi Hoàng Minh muốn giới thiệu với Huyền Linh một người nghệ sĩ chơi đàn tranh sống tại Paris mà người đó lại chính là Khánh Huyền - chị gái của cô.
Chất thơ trong “Tình viễn xứ” toát lên từ vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm. Ở nhân vật Huyền Linh có vẻ đẹp của một tâm hồn trong sáng và thuần khiết, tự nhiên, dù tuổi thơ cô đã từng có những nỗi buồn từ thân phận “con hoang” bị bạn bè trêu chọc và người bác dâu hắt hủi. Ở Huyền Linh có một sự nỗ lực không ngừng, cô vươn lên trước sự trêu đùa của số phận. Sau nhiều tháng suy nghĩ, cô quyết định tạm thời bỏ Học viện Quan hệ Quốc tế và làm hồ sơ đi học một khóa nấu ăn ở trường Trung cấp Du lịch, thời hạn học có sáu tháng, “trước tiên để kiếm sống, lấy cái gần nuôi cái xa!”. Rồi từ quán phở của cô Lãnh, Huyền Linh đã gặp cha mẹ nuôi của cô - cặp vợ chồng người Pháp nhân hậu đã giúp cô hoàn thành ước mơ lớn nhất của đời mình.
Bên họ Huyền Linh đã tìm thấy tình thân. Chính những tình cảm đẹp đẽ giữa người với người nơi viễn xứ lại làm cho ta cảm động như được "thanh lọc tâm hồn" để trở về với những gì tự nhiên thuần khiết nhất. Cuộc đời nhân vật được kể một cách tự nhiên đan xen giữa hoài niệm và hiện thực, từ những cánh đồng rộng mênh mông ở Việt Nam đến những khu vườn Luxembourg của Paris tạo cho người đọc cảm giác như đang xem một thước phim được chuyển cảnh thật linh hoạt theo nhân vật chính với những rung động tinh tế trước cuộc sống xung quanh.
Ở nhân vật Hoàng Minh cũng vậy, một sinh viên du học với quyết định đầu đời thật mãnh mẽ dù vô vàn khó khăn khi anh chọn khoa Hóa, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học & Môi trường để học tập tại Ba Lan, kí ức vùng quê Lý Nhân - Hà Nam của anh luôn trở đi trở lại với hình ảnh cha mẹ thân thương, hình ảnh bạt ngàn chuối và những con mương nhỏ, những ô ruộng và ao đầm, giàn mướp vươn ra ngoài bờ ao phía sau vườn hòa trộn với những hình ảnh hồ Baikal nước xanh thăm thẳm, cánh rừng Taiga cổ xưa mênh mông, những bông tuyết đầu mùa và tình thầy trò nồng hậu…
Người đọc bắt gặp hình ảnh cái tôi nhà văn ẩn kín sau nhân vật. Dường như, Hiệu Constant đã viết “Tình viễn xứ” bằng tất cả những tình cảm của mình đối với quê hương đất nước với tiếng mẹ đẻ và hiểu biết sâu rộng về những nét đẹp của các nền văn hóa trên thế giới. Bởi vậy ta sẽ nhận thấy có những đoạn chị say sưa miêu tả về văn hóa của xứ sở mình qua có khi chỉ là một món ăn quen thuộc như Phở cũng phải cần đến gia vị : “ngũ vị hương nguyên chất như gừng, hồi, thảo quả, đinh hương, hạt mùi, hành tím, tỏi, chanh, muối xay, muối hột, rượu trắng, đường trắng, nước mắm nguyên chất...”, những vùng đất mà chị đặt chân đến qua sự quan sát tỉ mỉ của nhân vật: “Nơi cô đến là khu khảo cổ nổi tiếng Puerto Hormiga, một địa điểm nằm trong tỉnh Bolivar, đã xuất hiện và tồn tại từ thời tiền sử, từ thời đồ đá mới. Nơi đây còn lưu lại nhiều đồ gốm có niên đại từ trên dưới ba ngàn năm trước công nguyên, được phát hiện trong một cụm dạng vỏ trứng dưới độ sâu gần tám chục mét và cao gần hai mét. Tại đây, người ta còn phát hiện dấu vết của nền nông nghiệp và săn bắt cá thời tiền sử”. Đọc truyện, ta thấy ở đó có hình ảnh của nhà văn - một người con xa xứ nhiều năm dành tình yêu cho quê hương và cả Paris nơi chị đã mấy chục năm gắn bó. Sự cộng hưởng của những cảm xúc này đã tạo cho những trang viết của Hiệu Constant một sự hòa quyện giữa chất hiện thực và chất trữ tình để tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm.
Trong tiểu thuyết “Tình viễn xứ”, nhà văn đã dày công tạo dựng những không gian lãng mạn và quyến rũ, một thế giới hình ảnh vô cùng gợi cảm. Không gian được lựa chọn trong tác phẩm phủ rộng từ đồng quê Bắc Bộ: “Vào những đêm trăng sáng, những thửa ruộng chuối trở nên thơ mộng nhất! Từ trên đê nhìn xuống, trăng tãi tình trên một vùng chuối mênh mông, những tán lá rì rào, xào xạc đón chào những ngọn gió lành từ sông Hồng thổi vào. Những hồ ao thả cá vuông vức và những con mương nhỏ chạy bám theo làng hoặc dọc ngang trên những cánh đồng, thi thoảng có vài chòi vịt đứng chơ vơ. Làng mạc thấp thoáng xa xa và những lò gạch đang hoạt động, tỏa khói trắng trời” đến không gian diễm lệ ở Thủ đô Paris vào mùa hoa anh đào Nhật Bản: “Những đóa hoa anh đào Nhật Bản nở xòe to, bạt ngàn đây đó. Gió nhẹ khiến hằng hà sa số những đóa hoa bồng bềnh rập rờn như những đám mây, in rõ, lồ lộ dưới nền trời xanh ngắt, thi thoảng có những cánh hoa lả tả rơi xuống tựa như những đọt tuyết... Đây đó, từng nhóm khách đi dạo, thầm thì chỉ trỏ những chùm hoa rực rỡ...”, hay không gian sau nhà Hoàng Minh ở: “Trời đang giữa xuân, nắng tươi rói. Cây đang đâm chồi, hoa bắt đầu nở, tất cả đều xanh ngắt, chim líu lo, nhảy lách tách từ cành này sang cành khác”. Và còn sự chuyển cảnh tới những không gian khác như biển, rừng…
Trong những không gian ấy, mỗi hình ảnh được gợi ra đều thấm đượm chất thơ, bay bổng và lãng mạn: “Những bông hoa thật to nở kín cành rực rỡ, át hẳn những chiếc lá màu xanh nhỏ nhoi thưa thớt, chỉ như để tô điểm, khiến cho màu hồng hoặc màu trắng tinh khôi của những bông hoa nổi bật thêm”, “Gió thổi mạnh hơn, cả rừng hoa rùng rùng chuyển động”. Và những hình ảnh lấp lánh trong những câu văn đẹp như thơ: “một con chim bói cá lao vụt từ ngọn cây xuống mặt sông và trong nháy mắt lại bay vút lên, mỏ cắp một con cá. Anh đưa mắt dõi theo, màu xanh lam của con chim bay thẳng về hướng mặt trời và mất hút sau những thân cây xa xa”; “Những búi hoa lúp xúp trong vườn, lối đi nhỏ trải đá giăm giữa các luống hoa đủ loại, đầy màu sắc”; “Hoàng hôn đã bắt đầu buông, những tia nắng cuối chiều rơi rớt trên tháp chuông xa xa, và những ngọn cây trước mặt...”. Tất cả đều là những hình ảnh bình dị của cuộc sống đang làm xao động tâm hồn người đọc.
Paustovsky từng bàn về chất thơ trong văn "văn xuôi là sợi cốt còn thơ là sợi ngang. Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt đi đâu cả". Với chất thơ thấm đẫm, “Tình viễn xứ” của Hiệu Constant đã cất cánh bay cao rồi lan tỏa vào tâm hồn và trái tim bạn đọc, dẫn dắt người yêu văn chị đến với tình người tình đời chân thành thắm thiết giữa thế giới bao la rộng lớn.
Lương Thìn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...