Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:16 (GMT +7)

Cháo bẹ người Tày

VNTN - Không bao giờ quên hình ảnh cha tôi ngồi tẽ bắp (có nơi người ta gọi là ngô). Cụ cứ nhẩn nha vừa làm vừa đọc. Nhất là vào những buổi sáng mùa hè rưng rửng như thế này. Đọc sách đối với cha tôi, từ lâu trở thành một công việc chuyên cần. Ở đâu cụ cũng cầm cuốn sách trên tay, chỉ trừ lúc ăn và ngủ.

Tẽ ngô đối với người Tày thì chẳng cần phải nhìn, đến trẻ con cũng làm được. Vì thế cha tôi không để mắt rỗi việc, cụ cứ dán vào chữ thánh hiền. Những con chữ thoạt nhìn thì thấy rối rắm, nhưng kỳ thực chúng vô cùng trật tự. Mẹ tôi đã biết điều đó từ ngày về làm bạn với thầy, bà cũng không bao giờ cằn nhằn trách móc. Khi thấy đã đầy một nong ngô hạt, thầy tôi bưng chúng ra sàn phơi. Được hôm nắng to như thế, chả mấy mà ngô nỏ. Nắng cứ kít kít tối mắt tối mũi làm vỡ cả mái ngói, làm nghiêng đổ cả cột nhà, chứ chả phải vừa.

Ngô phơi xong, mẹ tôi bưng cả ngô lẫn mùi nắng thơm vào nhà. Bà bắt đầu kê đệm rơm ngồi vào cối để xay. Hai thớt cối nghiền ngô nổ lép bép nghe vui tai như tiếng pháo tép. Đây mới là xay lần thứ nhất, cốt chỉ để vỡ hạt, loại bỏ mày và những tạp chất khác. Lần thứ hai cần phải xay mịn. Cối đá chầm chậm lăn lăn, phát ra tiếng gầm gừ như hai chú cẩu tranh mồi. Bột ngô lắc thắc rơi ra như mưa sương. Lúc này nhìn chúng mịn hơn tro bếp. Mịn đến mức nếu có ai ngồi gần, cũng không dám thở mạnh. Nếu thở mạnh sẽ làm bột ngô bay hết.

Lúc này, bà nội tôi bắc nồi lên đun cho nước sôi. Khi nào nhìn thấy mặt nước cười tươi tóe tòe loe hết cỡ, bà tôi mới dúm từng tý bột một, từng tý bột một vào nồi. Một tay bà dùng hết cả năm quân vân vê thả bột. Còn một tay cầm cây đũa chẻ đôi liên tục quấy. Một mắt bà không rời ngọn lửa. Còn mắt kia bà nhìn miệng nồi. Làm sao lửa ôm khít rịt từ trôn lên đến eo lưng. Chỉ cần lơ là tích tắc, bột sẽ tự động quần tụ lại, đóng thành cục, người ta gọi là vón. Vậy là hỏng nồi cháo. Đây là kĩ năng bước đầu cực kì cần thiết cho người tập nấu cháo bẹ, bà luôn miệng nhắc nhở tôi như thế. Lúc này thấy cháo đang thổi bì bọt, chúng đồng loạt kêu lên tiếng sền sệt, bà mới trút hết phần bột còn lại vào nồi và bảo thanh niên đảo thật lực. Đảo như trăm năm nay chưa hề được đảo. Dùng cả hai tay đảo thật mạnh. Đảo xong mới đậy vung nồi lại và rút bớt lửa, sao cho nhiệt lượng hạ dần đều, hạ dần đều, hạ dần. Hâm nóng nửa tiếng sau cháo nục, liền bưng ra ăn được.

Nấu được một nồi cháo bẹ bình thường đã là cả một công đoạn tuần hoàn không được để đứt quãng. Nếu nấu được một nồi cháo thơm ngon, đây mới thực sự là một công trình sáng tạo hoàn hảo. Dân Tày quê tôi chỉ phải ăn cháo vào những ngày giáp hạt, nên không gọi là chuyên cháo. Chỉ có ba tháng ăn cháo thôi, còn bảy tháng ăn cơm. Cơm mới thực sự là nguồn sống chính của người Tày. Bởi dân tộc Tày là dân chuyên làm lúa nước, nên mới có tên người cày thành người Tày.

Nhưng tại sao cháo bẹ lại gắn với tuổi thơ tôi nhiều như vậy, lâu đến vậy? Xin thưa, đó là nỗi vất vả nhọc nhằn ở khâu nấu cháo mà tôi đã ngấu. Huy động tổng lực mắt mũi chân tay mới có thể nấu được nồi cháo ngon. Còn nấu cơm ư? Rất giản tiện, chỉ là gạo luộc, quá dễ nấu và lại quá dễ nuốt. Những gì dễ dàng, tôi không mấy quan tâm.

Cháo bẹ ăn nóng sốt là sung sướng nhất, như kiểu ta vừa ăn vừa xông hơi. Miếng cháo bẹ mềm mượt dễ làm bỏng lưỡi, nên vừa ăn vừa thổi. Hơi ngô thơm  tươi bay lên, tỏa ra khắp ba gian nhà. Cháo bẹ ngọt dần dần, sau khi nuốt trọn, sẽ có cảm giác như vừa ăn tý nước mắm pha mật. Ăn xong bữa cháo bẹ, mồ hôi toát ra đầm đìa từ trán loang xuống đến chân. Ai ai cũng cảm thấy thân mình nhẹ nhõm. Chân tay bỗng biến mất. Người ngợm cũng biến mất. Chỉ còn cái đầu tư duy. Một lúc sau cái đầu cũng biến mất. Chỉ còn nỗi nhớ tình tang …

Hồi đó tôi rất thích đơm cháo ra bát, để nguyên vài tiếng sau mới ăn. Giời ơi! Lúc này ăn miếng cháo ngô sao mướt mát như ngồi trong lòng vỏ trứng gà. Các bác ạ, nói chính xác là ngọt hơn bánh đúc chấm tương là cái chắc. Cầm cả miếng cháo cho vào miệng, cứ thế lịm đi như mê ngủ.

Có người hỏi, vậy cháo bẹ đi kèm món nào hợp lý nhất? Tôi xin thưa rằng ăn với bất kể món gì. Tự nó đã ngon ngọt rồi, nay thêm một chút canh măng, rau bí xanh xào tỏi, hay thêm chút thịt, cá, cua, ốc… là để cho thêm hương vị. Chứ cháo bẹ không cần nhai như cơm mà vẫn thấy bùi.

Sau này, tôi nhớ có lần anh Hoàng Lược ăn cháo bẹ nóng với mắm tôm. Anh ấy bảo mình sáng tạo một kiểu ăn khác lạ. Phối hợp hai nền văn hóa Kinh Tày xem nó thế nào. Kị nhau hay tôn nhau. Hay lắm! Tôi bảo, nhưng anh phải chưng mắm tôm với tóp mỡ. Anh cho thêm tý nước cốt chanh. Quá ngon phải không anh? Đúng vậy. Kết hợp hài hòa hai nền văn văn hóa vốn đã có từ trước. Cháo bẹ mắm tôm chỉ có tôn nhau lên mà thôi.

 

Y Phương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy