Chủ nhật, ngày 20 tháng 04 năm 2025
07:46 (GMT +7)

Chăn voi

Tác giả. Trần Nguyên Mỹ

Vài nét về tác giả:

Có thể nói, Trần Nguyên Mỹ là một cây viết không chuyên. Anh trưởng thành từ một giáo viên cấp 2, rồi lần lượt kinh qua các chức vụ: Hiệu trưởng cấp 2; Phó phòng Giáo dục huyện; Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên; Phó Ban Tuyên giáo; Phó Giám đốc đài truyền hình; rồi Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và nghỉ hưu năm 2018. Là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Sơn La.

Tác phẩm của Trần Nguyên Mỹ được giới thiệu trên các báo tạp chí trung ương và địa phương. “Chăn voi” là một truyện ngắn viết về vùng rừng núi Sơn La những năm 60 - 80 của thế kỷ trước, trong đó có cuộc săn voi ly kỳ, hấp dẫn đến nghẹt thở.


Người xưa nói cha sống làm gốc chú làm cành, năm mười lăm tuổi, bố tôi mất, tôi lấy cành làm gốc ở với chú. Chú tôi là giám đốc đoàn xiếc thú, từ thành phố về quê thấy tôi bắn nỏ giỏi, phi dao hay, trọng nghề săn bắn chú mừng rỡ cho tôi theo đoàn.

Bản Ngam Chạng (tiếng Thái là bản Ngã Ba Voi) của tôi có mấy địa danh đều có tên ông Voi như Huổi Chạng, Pu Chạng, Phiêng Chạng, thuộc dãy Chạm Cọ, là tấm vách sừng sững ngăn cách phía Đông với phía Tây rừng Lào thăm thẳm núi non trùng điệp. Ở đây núi không cao, suối không sâu, thời tiết ôn hòa, rừng thông ngút ngát, rừng tre vầu, rừng chuối và rừng cỏ đi mấy tuần không thấu. Trời đất đã dành cho nơi đây làm nơi để đàn voi trú ngụ lâu đời. Trong vùng nhiều gia đình còn để lại nhiều kỷ niệm về voi. Ông trưởng bản thì trưng bày bộ đầu lâu voi khủng. Những gia đình khác thì giữ dẻ xương sườn cong vút như bảo kiếm cắm trên vách giữa gian thờ. Nhà tôi thì còn mấy cái răng voi trắng ngà, to như bàn tay, mỗi lần người nhà đau răng ông tôi đều chặt ra một miếng nướng lên hòa nước uống, thế là khỏi.

Đó là chuyện ngày xưa ông vẫn kể những hôm động rừng đàn voi đi rung cả núi, tiếng gầm vang cả đại ngàn. Còn bây giờ tôi lớn lên chỉ thấy một con voi đực mùa giao phối đến các bản lùng sục tìm bạn. Vào những đêm động đất, động trời voi vào bản giẫm lợn, giẫm gác, là chuyện thường. Những con voi này to cao như cái nhà bếp lừng lững đi vào bản, đảo mắt nhìn bụi tre, khe suối, gầm sàn,… như tìm bạn tình rồi lại lừng lững về rừng. Chỉ có một lần cả bản mặt tái xanh tái xám khi cậu thanh niên dùng điện thoại trèo lên cây me cao hơn chục mét chụp ảnh. Ánh đèn flash vừa lóe lên đã thấy cậu kia bị voi dùng vòi ném qua bụi tre. Rồi thản nhiên ông voi lững thững bước đến bên mấy buồng chuối xanh nâng vòi lên hạ xuống mấy lần, cuốn từng nải cho vào miệng nhai rôm rốm.

Tôi rời bản lên thành phố theo đoàn xiếc đã được hơn một tuần song đêm nào cũng gặp ác mộng. Đoàn xiếc có năm người, ông Lầu Liên, chú tôi làm giám đốc từ nhân sự, kinh tế, ngoại giao đều gánh cả. Nhà cửa, xe cộ, diễn viên thì đi thuê. Gia tài chính chỉ có một con voi gầy, năm con khỉ còm và mấy thùng đạo cụ hóa trang vá víu lôi thôi. Bài học nhập môn làm xiếc đầu tiên nghe lạnh gáy làm tôi nhớ mãi. Đứng trước mặt tôi chú hỏi: “Làm xiếc là gì mày?”. Tôi túng túng, chú lại nói: “Làm xiếc là nghề leo trèo nhào lộn, nuốt dao, khạc lửa… bán mạng cho hiểm nguy, không ai làm được thì mình làm được. Phải học tóe khói mới có miếng ăn, nhu nhơ một giây là trả mạng”. Nói rồi chú ngoắc tay tôi ra bờ suối, tay chú cầm một sấp dao sắc như nước. Tôi vác tấm ván nặng và dài nham nhở vết chém. Đến mép nước chú bảo tôi dựng tấm ván lên nói:

- Đứng vào đây, kiểm tra luôn bản lĩnh.

Chú nhìn thẳng, giật lùi đếm mười bước trấn an tôi:

- Sợ à? Làm xiếc thì không sợ, sợ thì về bản. Hứng dao chưa thấy ai chết bao giờ.

Chú nói thế chứ trong đoàn có người bảo nghề này chết nhiều, diễn viên tài ba cũng làm người chết, có trường hợp là người nhà. Tôi cố xóa đi những lời ám ảnh ấy. Trước mặt tôi là chú, người sẽ phóng hàng chục mũi dao vào tấm ván sát xém quanh tôi. Bây giờ tôi mới nhìn chú kỹ: Mặt rộng mắt bằng, cái mồm nói như cười, rất giống bố tôi, người nhân đức thế làm sao mà giết tôi được. Tôi cố gắng không run, đứng im như cắm đinh vào tấm ván.

- Tao đếm ngược từ năm đến một là phi! - Cái nghề xiếc này ai cũng kiệm lời, không nói thì thôi, nói với nhau như dao chặt đầu ếch, hoặc muốn động tay động chân lạnh gáy.

Đứng làm bia dao quả kinh khủng, tôi đứng chỉ vài ba phút mà tưởng dài cả thế kỷ. Sau mấy phát dao khởi động, trận mưa dao loang loáng tới tấp găm phầm phập như cắm vào tim tôi đau nhói. Nghe tiếng hô gọn lỏn: “Xong”. Tôi chưa dám mở mắt ra đã nghe đũng quần nước chảy tong tong.

Tôi chưa hoàn hồn chú đã tiếp:

- Bây giờ tao làm mộc, mày làm khiên.

Chú đứng im nhắm mắt chịu trận, tôi cầm chuôi dao vung lên mấy lần rồi hạ xuống, tay vẫn run. Sốt ruột chú mở mắt giục: “Lâu thế”. Nhìn mũi dao rung như khuấy cháo chú mắng: “Thôi hôm sau học tiếp!”. Bài học quá kinh hãi, run tay một ly là chết cả hai, người hứng là nạn nhân, kẻ phóng dao cũng tử tù.

***

Tối, chú bảo ăn xôi sớm lấy sức mai vào rừng Ngam Chạng thám thính con voi đực cho tao. Tôi về bản ở lại một ngày, sáng sau nữa tôi chuẩn bị nắm xôi, chéo ớt, cây nỏ, bao dao để lên rừng. Từ mờ mờ đất tôi bước ra khỏi bản nhắm ven con suối trong vắt nhìn thấy đáy, thỉnh thoảng vài đàn cá pá dưởn hai mồm to bằng chuôi dao bám vào tảng đá lượn lờ ăn rêu. Đi vào sâu hai bên suối rừng chuối, mạy lay, mạy trúc mọc ken dầy. Dưới các tán cây rừng che kín làm cho mặt đất ẩm ướt, lá cây rụng đầy. Trên gốc cây vài con sóc đang ăn quả chín giật mình, màu lông mốc xì biến mất sâu gốc cây. Chú gà trống màu đỏ thấy động bay qua bờ suối như đốm lửa. Chừng dăm con dao quăng tôi bỏ suối leo lên núi. Cuối mùa thu nhưng lưng áo tôi ướt đẫm. Càng lên cao dốc càng thẳng đứng, nhiều đoạn một tay dùng dao dọn đường, một tay bám dây rừng leo lên. Rừng thông nguyên sinh thân cây thẳng tắp vỏ xù xì, những tia nắng hiếm hoi lọt qua nhấp nhoáng như ánh đèn pin. Con bìm bịp giã gạo chày đôi trên bụi cây biến mất hút. Thi thoảng đã thấy dấu chân nai, chân hoẵng trong lớp đất mềm và lá rụng. Trên vách rừng tiếng nai tác gọi trời chuyển mùa. Bỗng bước chân bị thụt tận mắt cá, cả bàn chân lọt thỏm làm tôi mở mắt nhìn trân trân. Có voi! Trống ngực thoi liên hồi. Căng hết ăng ten: Mắt, tai, mũi, thần kinh tôi như dây nỏ sắp bắn. Con voi xuất hiện từ đâu, từ suối lên hay trên núi xuống? Gặp voi giữa núi tính sao? Các cụ nói, cản voi thì nằm mồ, mà trốn voi phải trốn vòng vèo, chứ chạy thẳng thì được mấy bước. Thốt nhiên tôi vuốt lên mặt, hai bàn tay lạnh đẫm mồ hôi, trách mình ở nhà thì gan ra rừng thì nhát… Bỗng nhiên sấm sét đánh nhì nhằng, tháng Mười sấm khan biết đâu lũ quét, lũ ống bất ngờ. Rừng chiều âm âm, u u tôi đành chuẩn bị ra về.

***

Đến đoàn xiếc tôi kể hết việc dấu chân voi cho chú biết. Nghe xong mắt chú sáng lên nói. Mày khá, đào don đã thấy đuôi, chỉ chờ lên rừng Ngam Chạng… - chú định nói tiếp: “Cắt ngà voi nộp cho bọn chủ nợ…” nhưng lại ngưng quay sang tôi dặn: “Ba ngày nữa lại lên đường mày ớ!”. Ba ngày sau hai chú cháu đi xe khách, rồi cuốc bộ. Hai người lên đường về quê, đến cửa rừng tôi băn khoăn không biết đi lối nào. Vào rừng có hai đường, một đường lên cao, có trạm kiểm lâm trực. Đường này dốc người trước cong lưng úp mặt mà trèo. Người sau cắn gót người trước cứ thế mà leo lên, thở ra cả mũi cả mồm, mệt bở hơi tai. Chừng mặt trời đúng ngọ thì tới. Nếu đi đường suối thì gần và mát, không cao lắm. Nhưng nguy hiểm, rất ít người qua lại chỉ mấy kẻ thợ săn địa phương biết. Lội suối, vượt thác, vén cây mà đi cũng chừng giờ Tỵ thì đến. Thấy tôi ngần ngừ chú cau mặt trỏ xuống suối: “Đường này!”. Vừa đi rừng mấy hôm trước, tôi đi trước bì bõm bước, có chú đi cùng vững tâm hơn. Mấy dấu chân voi tôi đo hơn một gang tay, độ sâu khoảng ba đốt ngón tay. Con voi này đã trưởng thành ước chiều cao hơn hai mét, nặng chừng ba tấn. Nay không còn dấu vết gì. Đi tiếp vạch lá cây cũng không thấy bộ dạng, tăm hơi. Lại gặp lối đi toàn đá sỏi và trận mưa vừa qua xóa hết vết chân.

Voi và thú rừng đều phải uống nước suối, nhưng chỗ nào? Lần mãi tìm ra một lối cây cối rẽ hai bên. Nhiều cành nhỏ bị gẫy còn nhựa cây hăng hắc. Chính xác lối voi đi xuống suối. Tìm quanh chú cháu tôi thấy một hốc đá rộng cho hai người trú. Vị trí như trời chọn vừa an toàn khoảng cánh hợp lý, ngược chiều hướng gió để voi không bắt được hơi người. Trước đó tôi đã lấy mấy nải chuối rải đều ra gần mép suối làm như người đi nương vương vãi. Trời nhá nhem nghe các cành cây gẫy răng rắc, bụi cây rung lắc. Xem nào có lẽ voi? Con voi đến rồi. Chú bấm vào chân tôi. Tôi nheo mắt ngắm họng súng hai nòng đen ngòm gác trên hòn đá nhằm thẳng xuống suối. Qua tán cây, đầu voi ló ra to như gốc cây đại thụ xù xì màu nâu rủ lông dày, rậm rạp như chùm phong lan trăm tuổi. Đôi mắt cực to đen và ướt. Ngắm vào đâu? Nã đạn vào vị trí trên đầu voi? Bắn vào trán là vỡ tan bộ óc, khiếp chết. Bắn vào mắt là thế giới quan khép lại bóng tối tràn ra. Hay ngắm vào mang tai cũng xiên thủng mãng nhĩ, hãi quá! Đắn đo, đầu óc tôi nóng ran! Tôi điểm xạ vào sọ voi thì đơn giản, bắn chim không trượt, bắn voi thì khó gì... Nghe sống lưng đau nhói mắt hoa lên. Tôi liếc sang thấy chú căng thẳng không kém mặt ngẩn ra như bị thôi miên. Tôi càng núng nòng súng càng rung, cố ghìm súng ngắm điểm xạ mà chưa dám kéo cò. Có cái gì hoang mang cực độ! Người già dặn voi, bò tót, lợn rừng bắn bị thương là chầu trời! Lại thấy chú cấu vào chân đau nhói: “Coi, coi (chờ)!”. Tôi thấy con voi đực lừng lững xuống mép bờ suối, dừng giây lát rồi lấy vòi quắp một nải chuối lấy vòi hít hà, hít hà. Hai chân trước con voi quỳ xuống, vòi nâng lên hạ xuống mấy lần. Hai dòng nước mắt chảy xuống dưới đôi mí dầy cộm mọng nước. Bỗng một tiếng gầm bi ai trầm đục làm suối nước rung rinh, bụi cây dạt ra như gió thổi. Con voi bị ngộ độc hay bị ốm, hay làm trò gì như thầy mo làm lễ? Tôi thụt sâu vào hang mồ hôi, nước mắt ướt hết mặt. Chú vừa giơ tay ra hiệu dừng súng rồi ôm chặt ngực há mồm đớp không khí, quỵ xuống trong tia sáng cuối cùng tắt lụi... Nằm im không biết thời gian bao lâu, tôi mở mắt, sờ soạng bên chú cũng đang lóp ngóp hồi tỉnh. Trời tối thui, tĩnh mịch, con voi biến mất từ lâu. Hai chú cháu dắt díu nhau ra khỏi rừng. Vụ bắn hụt voi cắt ngà toi cơm, chú lại suýt mất mạng vì cơn đau tim huyết áp. Húp bát xáo voi khó như ăn gan trời.

***

Tạm gác chuyện con voi đực trong rừng Ngam Chạng. Chú cho đoàn xiếc về quê đi biểu diễn. Chiếc xe tải lặc lè chở một con voi đứng trong thùng, một chân xích vào thành xe. Đầu voi nghiêng nghiêng phía rừng xa. Đôi tai to như tờ báo dựng đứng lên nghe ngóng. Giơ vòi khua khua như hít thở khí trời đại ngàn. Trên nóc ca bin một chú khỉ ngồi chỗm chệ khoanh chân vô tư vung tay gõ trống, mồm ngậm điếu thuốc lá nhả khói phì phèo. Trước đầu xe đỏ chóe kẻ một dòng chữ: “Xiếc voi Ngam Chạng”. Chiếc loa thùng mở hết công suất: “Tối nay mời bà con thưởng thức một chương trình xiếc đặc sắc voi đá bóng, khỉ bắt gôn. Miễn phí trẻ em dưới năm tuổi… Kính mời bà con xiếc voi, xiếc voi…!”.

Tiếng la hét, tiếng vỗ tay nổ lên khi chú tôi mặc bộ đồ màu đỏ giày đỏ, mũ đỏ bước lên. Tay phải dắt một con khỉ vàng ôm quả bóng đỏ, tay trái cầm một cây gậy cũng màu đỏ chỉ huy hai cầu thủ voi và khỉ đứng vào trị trí. Chú kiểu cách như vị tướng xem đồng hồ, tay giơ thẳng miệng ngậm còi: “T…o…e”. Con khỉ đã nhảy nhót làm động tác giả. Con voi lừng lững đứng trước quả bóng trở nên vụng về. Ba lần đưa còi lên miệng: “Toe, toe, tóe”. Con voi như điếc chỉ rùng rình da lông xù lên. Vòi cũng ưỡn lên, bốn vó dậm chân bình bịch một đám bụi vàng bay lên lơ lửng. Quả bóng vẫn yên vị như xịt hơi. Bỗng túm vải đỏ bị vòi cuốn chặt tung lên trên không trung, quay tròn khua luôn cả khung cầu môn kêu răng rắc, gẫy vỡ vụn. Như người ta bẻ chiếc đũa, ném lên mái sân khấu nằm bất động. Bóng điện tắt ngóm. Đám người chạy tóe ra tứ phía. Tiếng la thét kêu khóc động trời, dẫm đạp lên đầu nhau mà chạy, giầy dép bay tóe loe… Con voi rảo bước tiến về rừng tây đôi tai rướn lên nghe ngóng. Bốn bàn chân như búa máy nện rung chuyển rừng núi. Vòi và đuôi cong vút, một tiếng gầm dài vang vọng như sấm. Từ vách núi xa xa đáp lại tiếng voi gầm từng đợt cũng âm vang, đó là tín hiệu hoang dã của loài voi gọi đàn, gọi bạn. Tiếng voi gầm từ hai cánh rừng, hàng chục năm câm lặng nay mới cất lên làm rừng núi Ngam Chạng xáo động.

***

Hai thầy lang giỏi trong vùng được triệu về.

Một cái mật gấu trọng lượng mười hai đồng cân tiểu ly vừa xoa vừa uống.

Thập tử nhất sinh chú tôi chờ ngày đẹp lên mường giời! Bộ hậu sự sơn đỏ ván thiên mở sẵn.

Chỉ còn một nước thuê hàng ghế cuối, bó chăn cho nằm lên xe khách xuôi về đường Quốc lộ 6. Cả bản chưa hết thất kinh, hơn hai tháng sau đã thấy chiếc xe cứu thương rú còi chạy ngược lên thẳng Sơn La, sổ Thiên Tào chưa xóa tên Giám đốc đoàn xiếc Lầu Liên. Đúng là tử nghệ sinh nghề. Bệnh án ghi chấn thương sọ não, gẫy tứ chi, suy đa tạng. Không phải số cao mà bác sĩ Bạch Mai cao tay cướp chú tôi trong tay thần chết. Thời gian chỉ tính bằng phút, chậm một chút là thành người thiên cổ.

Chiếc xe cứu thương vừa quay đầu. Một lát sau chiếc xe bán tải lại đỗ xịch trước đoàn xiếc Ngam Chạng. Hai người, một già một trẻ bước xuống xe. Người già hơn đội mũ nồi mặc áo chàm quần bò, người trẻ mặc quần áo chàm lưng đeo bao dao. Cả hai bước vào gặp chú tôi bê theo nào đường, sữa, cam, quýt có cả cái nhung nai và một bì thư. Rặn ra mấy giọt nước mắt gà sấy người đội mũ nồi ra vẻ thông cảm:

- Nghe ông tai qua nạn khỏi bọn tôi có cái nhung nai tặng ông bồi dưỡng, thương quá may mà ông…

Chú tôi cướp lời:

- May mà tôi không chết đúng không? Tôi chết thì món nợ cùng ra rừng ma. Người mừng nhất không phải là tôi mà các ông. Nói rồi chú tôi cười như phát khùng: “Ha, ha, ha tình nghĩa anh em không đáng giá một xu”.

- Ông nói chứ chúng tôi không nói thế. Người đội mũ nồi khoát tay - Rồi khéo anh em lại trách nhau! Chào ông!

Khách ra về chú run run mở thư chỉ ghi độc một câu: “Trong năm ngày ông dọn gánh xiếc Ngam Chạng cho tôi nhờ!”. Lá thư rơi xuống đất, chú tôi lên cơn huyết áp dữ dội. Ba đấm như một đạp vừa bị voi quật xong lại bị khủng bố tinh thần chú tôi nằm bẹp như con rệp. Đôi nạng i nốc vừa mua ở bệnh viện nhúc nhắc được mấy bước thành vô dụng.

Hai người khách vừa qua không phải ai xa lạ, họ là bọn tín dụng đen. Thời gian qua, đến hạn cuối cùng mà không trả được bọn chúng đòi “thanh lý” ông chủ. Thịt người tanh không ăn được, bọn chúng lại đưa ra một canh bạc. Đó là hạ thủ con voi rừng đặc dụng Ngam Chạng để lấy ngà. Kế hoạch sát hại con voi đã được bọn chúng vạch ra chi tiết. Đầu tiên chúng cho tôi thám thích con voi hiện đang ở vị trí nào? trọng lượng bao nhiêu? đôi ngà to và ngà có đẹp không? Hạ thủ con voi là nhiệm vụ của chú tôi. Xong việc thì nháy máy cho bọn chúng ở tuyến hai sẵn sàng tiếp cận con voi đã bị giết để bọn chúng cắt ngà mang đi.

***

Mua lại đoàn xiếc của tỉnh trong thời kỳ xóa bỏ bao cấp, chú tôi tưởng làm ăn phát đạt ai ngờ ngày càng lụi bại. Thời đại công nghệ đổi mới từng phút ti vi mầu nhà nào cũng có. Cầm điều khiển từ xa hàng trăm kênh muốn xem thế giới động vật, xiếc ta xiếc Tây đều có cả. Từ đoàn xiếc mười nhân sự trảm một nửa nhỏ gọn, nhưng cũng không ngóc đầu lên được. Miệng ăn như củi trôi sông. Tiền vé không đủ cho cơm nuôi người cỏ nuôi voi, chưa kể tiền lương diễn viên và chi phí hóa trang, đạo cụ. Nhiều ngày mưa ròng diễn viên nằm khàn ăn sắn luộc. Chú tôi trực tiếp đi vay lãi đắng như ăn lòng nhím nhưng không ăn thì chết, có ăn chờ đến mùa khô diễn xiếc lấy tiền kéo lại. Mỗi sáng mở mắt ra chưa thấy tiền bán vé, đã nhẩm thấy tiền lãi lên như diều gặp gió. Xong buổi diễn anh em đang dọn dẹp đồ nghề, thấy hai người vai đeo túi vải khít căng phồng bước đến nói to:

- Làm sếp động tay động chân làm gì ra đây uống rượu.

Chú tôi loe đèn pin, mắt nhìn ra:

- À ông Pọm, ông Hùng! Công đến gặp gà quý hóa quá!

- Về Ngam Chạng có quà quê nhớ chú đến đây uống rượu. Ông Pọm cười nói: “Hơ hơ, có can rượu thóc. Một tảng thịt trâu bản, cõng hết năm lít không?”.

Chú tôi kéo khách vào nhà. Sắp bát chén ra. Ông Pọm lấy ra một tảng thịt trâu khô tưới một bát rượu bật diêm ánh lửa xanh lét mùi thịt nướng thơm điếc mũi.

Chú tôi mời:

- Đang khát rượu, khát tiền, khát tình quê ta uống thỏa thuê. Nào hảo khắn!

Người đi hai chân rượu hai bát. Luật rượu quê tôi vào mâm lần đầu là cạn hai bát, cứ hai tay hai bát ngửa cổ “Bắc Cạn” xong mới dùng đũa. Bát thứ ba người Ngam Chạng xuất khẩu ra thành phố gặp nhau: “Sông Đáy”. Khai vị đầu tiên như thế là bình thường chưa có gì hoành tráng. Bát bốn, bát năm rượu đổ vào mồm như đổ vào suối. Chuyện làm ăn nợ nần, chuyện gan óc bốc ra. Uống rượu đừng để gan cho người ta nướng, chú tôi rượu nói, rượu nghe. Cả ba người cười nói lâng khâng, tiếng ông Pọm nói còn nghe như chuông:

- Tiền bạc làm đéo gì, khổ nhiều rồi cứ say như say thuốc phiện cho đã đời. Tao bơm cho hai trăm là cả người cả voi một tháng ăn lòi tĩ không hết. Đói tiền tao lại bơm cho.

Hơ hơ, ông Pọm cười hay làm xiếc? Không nói đùa, ông làm thật, kênh đít moi ví đập bẹt xuống bàn: “Xiền đây!”.

Chú tôi mừng rú lên: “Cảm… ơn… bây giờ ông bảo tôi bốc cứt tôi cũng làm!”.

Ông Pọm lại cười khach khách:

- Anh em ai làm thế. Có việc này không bẩn thỉu gì đâu và thơm tho là khác. Chỉ cần “pùm” một cái là xong. - Ông Pọm giơ hai tay làm động tác bắn súng.

Chú tôi thả xếp tiền xuống, giọng đã méo nhưng lời còn đanh:

- Đừng hòng, giết người à? Tôi thà bốc cứt còn hơn!

Ông Pọm lại cười khanh khách:

- Có giết ai đâu mà sợ, ông biết con voi Ngam Chạng chứ? - Chú tôi gật đầu. Ông Pọm tiếp:

- Kết luận ngắn thôi, ông dám chơi không? Ông cứ gật hay lắc cũng cho ông tiền, tôi đã cho là quân tử.

Hai con mắt của khách dọi vào hai đôi mắt của chủ như ánh đèn thợ săn găm vào đồng tử con mồi. Ai là thợ săn? Ai là con mồi? Ánh mắt như lửa đốt, có cả lửa trong rượu, có thách thức đe đọa, có máu ăn thua có cả cuộc sống của đoàn xiếc. Trong ánh mắt truồi ra cuối cùng chú tôi gầm gừ:

- Được, ông chờ mà xem!

Ông Pọm sai ông Hùng mang ba cái bát xếp thẳng hàng còn bao nhiêu rượu rót tràn ra bàn lênh láng tuyên:

- Voi chết bỏ ngà, nai chết bỏ gạc, lời nói mũi tên bay đi không lấy được. Giờ chia tay. Nhớ đấy!

***

Chú tôi lết mãi mới di chuyển từ bên phải sang bên trái giường với lấy cái chai dưới gầm ngửa cổ vừa uống vừa sặc.

Nghe tiếng ho từ buồng trong tôi chạy ra: “Trời ơi, chú lại uống rượu. Uống sữa không trôi mà còn uống rượu!”. Chú ho trong ngực, tiếng không bật ra được làm cái giường một rung bần bật. Hết cơn, chú nhìn tôi trân trối, tôi hoảng hồn lay chú: “Chú ơi! Chú ơi!”. Chú tôi mở mắt to đôi đồng tử lóe như cây diêm vừa quẹt: “Mang giấy bút ra!”.

Thấy tôi giấy bút lóng ngọng chú giục:

- Sẵn sàng chưa? Sau trận ho dài lồng ngực thông thoáng chú đọc rành mạch cả dấu chấm câu:

- Kính gửi Kiểm Lâm huyện... đồng kính gửi Rừng đặc dụng Ngam Chạng! Đơn tình nguyện hiến voi…

Tôi dừng bút tưởng nghe nhầm hỏi:

- Cháu chưa nghe rõ?

Chú tôi nói nhỏ nhưng nhấn từng chữ:

- Đơn tình nguyện hiến voi. Ghi chưa?

Tôi viết xong đọc lại cho chú nghe, chú bảo đưa tao: “Ký tên: Lầu Liên. Giám đốc Đoàn xiếc Ngam Chạng”.

Vứt bút xuống, ám ảnh trong óc chú về con voi đực rừng Ngam Chạng lại hiện lên. Bọn săn voi ngắm vào đôi ngà voi dài hơn một mét của con đực nhưng khi nổ súng con voi cái đã ngóc đầu lên. Nó đã chết thay cho con voi đực - bạn nó - không biết con voi cái vô tình tự ý? Sau khi bạn chết không hiểu vì sao cứ mỗi lần gặp món ăn khoái khẩu con voi đều làm cái việc rất lạ lùng.

Chú nói loại voi có thính giác cực nhạy nghe được tới mười cây số, mắt nhìn xuyên rừng đêm và suy nghĩ như giống người. Đến nỗi bọn săn voi có trái tim của quỷ cũng kinh hãi, cho là con voi được ma rừng che chở. Chuyện săn voi không thành vì hai chú cháu nhìn tận mắt con voi làm điều kinh dị. Khiến chú bị bệnh cũ lên cơn huyết áp đau tim không dám động thủ. Con voi có bộ óc vĩ đại nặng nửa yến, lớn nhất thế giới động vật quả rất phức tạp. Chú nửa cuộc đời kỳ hồ phiêu bạt, không vợ, lấy cháu làm con, làm xiếc voi mà chưa hiểu hết về voi. Trời cho sống cuối đời chú sẽ nguyện lấy muông thú làm bạn, lấy rừng núi làm cuộc sống…

- Cho tao bát rượu rồi đi nộp đơn đi - chú nhìn tôi thều thào.

Viết xong đơn làm chú nhẹ bẫng bệnh tật giảm nhiều phần. Tính chú nói là làm ngay bọn chúng hẹn năm ngày, hôm nay là ngày thứ tư, chú bấm ngón tay:

- Bọn ông Pọm dỡ nhà thì dỡ chứ đừng sờ vào lông chân con voi của tao!

Tôi đeo túi sắp bước đi, chú ngó đầu dặn:

- Xin cho tao và mày làm chân chăn voi rừng đặc dụng Ngam Chạng!

Lời bình của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh

Tôi chưa gặp mặt nhà văn Trần Nguyên Mỹ nhưng đọc truyện của anh đã cảm mến vốn sống giàu có, sự tài hoa của cây bút này. Truyện ngắn Chăn voi của anh có đầy đủ những phẩm chất ấy. Nhân vật người kể truyện sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất tạo ra một thế mạnh: - có điều kiện để nhân vật “Tôi” bộc lộ tâm trạng sâu kín một cách trực tiếp - những diễn biến nội tâm của một cậu bé ngây thơ, mới ra nhập đoàn xiếc của ông chú Lầu Liên, buộc phải chứng kiến những bi kịch nhân sinh đau đớn của kiếp người, qua hai biến cố.

Biến cố thứ nhất: Vì đói nghèo hai chú cháu quyết định hạ sát con voi đực để lấy ngà.

Thủ pháp tương phản được nhà văn sử dụng triệt để và đầy hiệu quả trong tác phẩm này. Đó là sự tương phản giữa danh xưng “Đoàn xiếc” đầy hấp dẫn trong con mắt trẻ thơ với thực tế nghèo nàn, thiếu thốn cùng cực: - Đoàn có 5 người; nhà cửa, xe cộ, diễn viên đi thuê; Gia tài chỉ có 1 con voi gầy, 5 con khỉ còm, mấy thùng đạo cụ hóa trang rách rưới, lôi thôi. Sự nghèo nàn túng thiếu ấy thôi thúc ông Giám đốc đoàn xiếc Lầu Liên cùng nhân vật “Tôi” đi rình bắn con voi đực trong rừng Ngam Chạng. Cuộc đi săn thất bại không chỉ vì hai chú cháu quá sợ hãi trước thân hình khổng lồ, sự dũng mãnh ghê gớm của voi đực. Hai bàn tay không thể bóp cò súng có lẽ còn 1 lí do khác, khi họ đã chứng kiến: - “Tôi thấy con voi đực lừng lững xuống mép bờ suối, dừng giây lát rồi lấy vòi quắp một nải chuối, lấy vòi hít hà, hít hà. Hai chân trước quỳ xuống, vòi nâng lên hạ xuống mấy lần. Hai dòng nước mắt chảy xuống dưới đôi bờ mi dày cộm mọng nước. Bỗng một tiếng gầm bi ai trầm đục làm suối nước rung rinh, bụi cây dạt ra như gió thổi…” Đây là một chi tiết nghệ thuật đắt giá, được nhà văn “gài” trước vào phần đầu tác phẩm, để vừa tạo ra sự “móc xích” với các sự kiện xảy ra sau đó, vừa là “điểm nhấn” như đã “găm” nhân vật vào trí nhớ bạn đọc. Bởi truyện ngắn hay bao giờ cũng phải xây dựng được những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, để rồi cùng một vài nhân vật sắc nét tạo ra sự ám gợi cho độc giả. Cũng chính hành động buông súng không thể bóp cò của hai chú cháu Lầu Liên đã thầm mách bảo: - Họ là những con người lương thiện, chưa bị tha hóa bởi đồng tiền phi nghĩa.

Biến cố thứ hai: Con voi cái của Đoàn xiếc đập phá rồi bỏ đi, ông Giám đốc Lầu Liên rơi vào bước đường cùng.

Đoàn xiếc của chú Lầu Liên đã khó khăn giờ rơi vào thảm cảnh. Trong buổi biểu diễn hôm đó, con voi cái đang ra sân khấu biểu diễn, bỗng nổi cơn điên đập phá tan tành, rồi bỏ vào rừng tìm voi đực. Và cũng trong biến cố khủng khiếp ấy, chú Lầu Liên bị thương thập tử nhất sinh. Đoàn xiếc tan, chú Lầu Liên rơi vào bước đường cùng: - Nợ tiền tín dụng đen không trả nổi, bị đe dọa rồi đi đến một cuộc “Mặc cả” lạnh lùng. Nếu chú chịu bắn chết voi đực thì có rất nhiều tiền. Khi bị sa xuống vực thẳm của sự khốn cùng, con người dễ bị tha hóa bởi đồng tiền. Nhưng một lần nữa, trái tim nhân hậu, lòng tin vào những phẩm chất tốt đẹp của con người đã giúp nhà văn níu nhân vật dừng lại bên bờ vực thẳm. Chú Lầu Liên đã nhờ nhân vật “Tôi” viết đơn hiến voi cho rừng đặc dụng Ngam Chạng và mong muốn làm nhân viên chăn voi cho rừng đặc dụng… Cũng ở đoạn kết này, lí do khiến cho chú Lầu Liên lên cơn huyết áp đau tim, không dám bắn voi đực ở đầu tác phẩm mới được hé lộ: - Con voi đực từng có bạn tình. Khi bọn săn trộm nổ súng, con voi cái đã ngóc đầu lên chết thay cho voi đực. Từ đó, mỗi khi gặp món ăn khoái khẩu, voi đực đều quỳ xuống, vòi nâng món ăn lên, rồi có động tác như vái lậy khi nước mắt ròng ròng. Thủ pháp tương phản đã phát huy hiệu quả nghệ thuật ở đây: - Loài vật như đôi voi ấy còn sống tình nghĩa như thế, trong khi một số người độc ác (như nhóm người cho vay tín dụng đen, như ông Pọm làm nghề săn voi trộm) lại sống bạc ác không bằng loài vật.

Truyện ngắn Chăn voi của nhà văn Trần Nguyên Mỹ đọc hấp dẫn, có chất văn không chỉ gửi gắm một thông điệp khẩn thiết: hãy cứu lấy thiên nhiên đang bị con người hủy hoại tàn khốc, mà còn gửi đi một lời nhắn như xót xa. Đó là lời nhắn gửi mang bao lo âu về phẩm giá con người đang đứng trước nguy cơ bị băng hoại vì nghèo đói, vì sự tàn phá của đồng tiền bất chính. Hai thông điệp kể trên xoắn bện vào nhau, tha thiết và nhân văn, chạm vào trái tim rồi đi đến khối óc của người đọc, lay động và giục giã khẩn thiết: - Hãy cứu lấy thiên nhiên! Hãy cứu lấy con người!

Truyện ngắn Chăn voi của Trần Nguyên Mỹ vẫn còn một hạt “sạn” đáng tiếc thuộc về kĩ thuật tự sự: - tác giả mới miêu tả con voi cái của đoàn xiếc phá phách, bỏ vào rừng tìm voi đực nhưng không “mở đường” cho nó trở về, tạo nên sự băn khoăn cho độc giả về tính hợp lí của câu chuyện. Nhưng với một cây bút như Trần Nguyên Mỹ, một chút thiêu thiếu ấy khiến chúng ta thêm yêu quý, trân trọng những gì mà tác giả làm được trong tác phẩm này.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Hoa lê rắc trắng lối về

Văn xuôi 5 ngày trước

Nửa thế kỷ kể chuyện đất và người

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Mắt nắng

Văn xuôi 5 ngày trước

Ngồi với tháng Ba quê nhà

Văn xuôi 2 tuần trước

Nắng ấm đồi chè

Văn xuôi 2 tuần trước

Hoa tử sa

Văn xuôi 2 tuần trước