Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:29 (GMT +7)

Chầm chậm vẽ, nhẩn nha sống

VNTN - Nhắc đến cái tên Duy Nhiếp, thường nghe mọi người dí dỏm: trông gã “củ mỉ cù mì” thế mà ra gì lắm đấy, “xuất” tác phẩm nào là được tiền ngon lành cho tác phẩm ấy. Nghe thế ông chỉ cười thật thà bảo, có lẽ vì bản tính cần cù, cẩn thận mà mình may mắn được trời thương…

Thấy tên họa sĩ Nguyễn Duy Nhiếp qua nhiều những tác phẩm tranh khắc gỗ, thêm thông tin từ một vài người cộng sự, biết rằng ông đã “mon men” ra sân chơi lớn, có tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc từ những ngày chưa ghi danh vào tập thể giới hội họa tỉnh nhà. Gặp ông, nghe cách ông nhỏ nhẹ trò chuyện, toát ra cái khí chất thật thà, lành lẽ. Thăm không gian ông dành cho hội họa ở nhà riêng tại tổ 4, phường Chùa Hang, nghe ông giãi bày: Mỗi khi chắt chiu đủ cảm xúc, cứ cầm cọ vào rồi là vẽ mải miết, quên cả ăn; thì hiểu rằng, làm gì mà đặt toàn tâm toàn ý vào đó, hẳn là kết quả bù đắp lại cũng sẽ xứng đáng.

 

Nguyễn Duy Nhiếp chẳng phải con nhà nòi, nhưng từ bé đã thích vẽ. Ở trường các thầy cô phát hiện ông có năng khiếu nên thường giao cho những việc liên quan đến vẽ vời. Những trang báo tường là nơi Duy Nhiếp được thỏa sức thể hiện tài năng và ý tưởng. Học hết hệ 10/10 trường cấp 3 Dương Tự Minh, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù muốn ôn thi mỹ thuật để theo học trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc bấy giờ nhưng không có điều kiện. Anh họ xin cho Duy Nhiếp đi học nghề rèn 3 năm tại Trường Công nhân Cơ điện Việt Bắc (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Thái Nguyên). Ra trường ông xin việc về Phòng Công nghiệp huyện Đồng Hỷ, nhưng vì phòng đã đủ người nên được phân về Phòng Văn hóa thông tin, làm công tác tuyên truyền.

5 năm liền, công việc của Duy Nhiếp là đi kẻ khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền, vẽ quảng cáo (tranh cổ động). Công tác trái nghề, nhưng đây là khoảng thời gian ông có cơ hội vẽ và sáng tạo những kiểu chữ khác nhau. Sau này ông được lãnh đạo huyện tạo điều kiện cho đi học Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (từ 1989 - 1993). Đó là giai đoạn đầy thử thách, vì vừa phải theo học hệ chính quy 4 năm ở trường, vừa phải đảm bảo hoàn thành việc cơ quan. Học xong về lại huyện công tác, Duy Nhiếp âm thầm đi thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hệ tại chức, tổ chức tại Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (năm 1995). Vì cơ quan không có chủ trương cho đi học, nên ông chỉ còn cách đến cơ quan tranh thủ làm nhanh cho xong việc rồi trốn sang lớp. Có nhiều buổi sang đến nơi thì đến giờ nghỉ của mẫu vẽ. Hồi đó, có năm do làm việc quá sức, nộp bài thi xong thì phải nằm viện 2 tháng do viêm phế quản... Kể chuyện cũ, giọng ông bồi hồi: Lớn lên trong nghèo khó, 14 tuổi đã làm đủ công việc như thợ nề, mộc, sửa chữa điện, mây tre đan, hàn sắt thép, gò xô chậu.... Quen với khó nhọc nên khi “một vai hai việc” vẫn gồng gánh được. Đi học “chui”, cơ quan mọi người nửa tin nửa ngờ, nhưng vì mọi công việc tôi vẫn hoàn thành tốt nên các bác lãnh đạo cũng vui vẻ “lơ” cho qua. Nhờ nghiệp vẽ mà từ thời làm ở Phòng Văn hóa thông tin huyện, ngoài thời gian hành chính ở cơ quan, tôi còn làm thêm dịch vụ kẻ biển trang trí, quảng cáo cho các cửa hàng cửa hiệu bên ngoài rất đắt khách. Ở những năm 90 thế kỷ trước, làm được cả triệu đồng một đêm là to lớn dữ lắm. Hồi ấy làm gì có máy tính hỗ trợ in cắt chữ, chủ yếu đục - cắt chữ bằng mica để làm bản in nhân bản. Miệt mài khoảng 3 năm đã đủ tiền mua được đất, cất nhà ở rồi.

Nói về cơ duyên trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, ông bộc bạch: Về trường là một bước ngoặt cuộc đời, tôi như thấy mình được ra sông lớn vậy. Hồi tôi làm ở huyện, Trường lúc đó ở Chùa Hang ngay gần nhà, thỉnh thoảng họa sĩ Tuấn Vinh nhìn thấy các bức kẻ vẽ của tôi, có khi chứng kiến tôi vẽ đã khen ngợi. Chính họa sĩ Tuấn Vinh đã động viên tôi đi học đấy. Rồi cũng nhờ thầy giới thiệu, mà tôi được trường ký hợp đồng giảng dạy. Hợp đồng ký xong buổi chiều thì đến tối hay tin thầy Vinh mất. Đó là mối duyên nặng ân tình mà tôi ghi tạc suốt đời.

Làm tranh khắc gỗ đòi hỏi sự tỉ mẩn về chi tiết, nó hợp với cái tạng người từ tốn, cẩn thận, làm gì cũng đến nơi đến chốn như ông. Với khắc gỗ, người họa sĩ vẫn phải phác thảo lên giấy thành một bức tranh hoàn chỉnh, sau đó phóng to theo khổ thực tế, rồi can ngược vào bản gỗ, dùng dao khắc để khắc (khắc ngược như kiểu khắc con dấu), xong thì in lại ra giấy là thành tác phẩm. Là dòng tranh rất khó để sao chép, vì phải khắc lại mới có thể giống được. Cái hạn chế của khắc gỗ là màu sắc khi in ra không mạnh mẽ và tươi như các thể loại khác. Tuy nhiên, với những người trong nghề thì lại thích in sao mà lên được chất gỗ ban đầu mới là thành công. Nguyễn Duy Nhiếp say sưa nói về thế mạnh của mình, giọng kể như hoài niệm: đi học Trung cấp cũng còn rất ngô nghê, chưa hiểu thế nào là tông, kết hợp màu… Cứ mày mò, “học lỏm” dần từ các thầy và bạn học. Bút vẽ không có, tôi tự chế bút từ lông tai trâu, lông đuôi lợn. Thời khó khăn nhưng vui thế đấy.

Nguyễn Duy Nhiếp thuộc nhân tố hiếm hoi khi còn đang “tay ngang” đã có tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (năm 2000 với tác phẩm “Bản Bắc Sơn”, năm 2005 là tác phẩm “Bản sắc người Tày”). Tác phẩm của ông phần nhiều thể hiện phong cảnh miền núi. Bởi trong quá trình dạy học gần 15 năm qua, có nhiều những chuyến thầy trò đưa nhau đi thực tập, nằm vùng ở vùng cao trong và ngoài tỉnh dài cả hai tháng ròng. Ông chỉ đơn giản là khai thác vốn liếng sẵn có ấy, những thứ đã ngấm vào ông một cách rất đỗi tự nhiên. Trở thành hội viên Hội VHNT Thái Nguyên năm 2006, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2009; ở sân chơi mỹ thuật luôn có sự cạnh tranh khốc liệt, giải thưởng cũng ít, thế nên Nguyễn Duy Nhiếp bằng lòng với thành quả có được; là những tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc; kỳ Liên hoan Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) nào cũng có tranh được chọn treo; được giải Tặng thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2013; 2 lần đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên 5 năm (giải B giai đoạn 2007 - 2011, tác phẩm “Bản sắc người Tày”; giải C giai đoạn 2012 - 2016, tác phẩm “Sáng, trưa, chiều”), và một số giải thưởng khác ở các cuộc thi sáng tác trong tỉnh…

Kiểm đếm “gia tài” nghiệp vẽ, ông nhẩm tính chắc chỉ khoảng gần 50 tác phẩm. Là người vẽ ít và chậm rãi, nhưng vẽ tranh nào “ăn” tranh ấy; ông nói mình may mắn có duyên với các giải thưởng. Giàu có thì chẳng phải, nhưng cũng qua rồi thời phải gánh gồng, vật lộn mưu sinh, nên chậm mà chắc, nhẩn nha sống vậy thôi. Song Duy Nhiếp cũng tự nhận diện hạn chế của bản thân, là vẫn thuộc kiểu người làm nghệ thuật tùy hứng, vẽ chủ yếu để tham gia các cuộc thi, triển lãm là chính chứ không nghĩ gì nhiều hơn. Bằng lòng với những gì hiện hữu, thế nên dù mới tuổi 58, Duy Nhiếp đang tính năm sau xin… về hưu sớm. Ông bảo, chuyện đó chẳng lạ gì, thế giới còn có người nghỉ hưu ở tuổi 28 kia mà. Nói không phải để “làm màu” đâu, mà thực lòng nếu được nghỉ sớm, sẽ vẽ nhiều hơn. Dẫu rằng xưa giờ có khi nào bán tranh kiếm sống đâu, nhưng vẫn cảm thấy bản thân muốn sáng tạo, và có thể sáng tạo nhiều hơn nữa.

LÊ ĐÌNH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục