Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915
Cây vía
1
Sương đêm dày đặc, giá buốt trong ánh trăng bàng bạc. Sương theo gió bủa vây rồi nhẹ nhàng lan tỏa, tản ra trên từng cành hồng. Sương vờn vít, nhảy nhót, tung tẩy giữa những chiếc lá vàng mỏng nhẹ, tạo nên vũ điệu dưới ánh trăng hoang sơ. Sương quây chặt cây hồng – cây vía của Ph, thành một khối trắng ảo huyền. Tụi chim cắt vụt bay ngang trời kêu từng tiếng xé tai. Tụi chim chuyên đi ăn đêm này gọi nhau là trời đang trôi về sáng. Ô kìa! Con gái bà, cái Ph về nhà từ bao giờ thế? Nó đứng dựa vào gốc cây vía. Sao nó xanh xao thế kia? Bộ quần áo màu cỏ úa Thanh niên xung phong mà Ph đang khoác trên người nhuốm màu nắng gió, nhuộm vàng màu đất, xạm khói, loang lổ vết máu thẫm đỏ. Bà ú ớ kêu thất thanh: “Ph à, con sao thế, con bị làm sao?” Bà cuống cuồng gọi con, thế nhưng, Ph không nói gì với bà mà chỉ mỉm cười. Nụ cười thoảng nhẹ, mơ hồ như gió xuân. Nụ cười của con chất chứa điều gì đó bà không thể lý giải nổi. Trên khuôn mặt thanh xuân toát vẻ xúc động, ưu tư mà mãn nguyện. Con gái bà nâng niu, ve vuốt những quả hồng muộn màng chín đỏ. Trong phút chốc, Ph mang theo nụ cười và bộ quần áo loang máu trôi vào miền sương trắng vô tận… Bà ú ớ, chới với gọi con trong vô vọng…
Bà Phấn giật mình tỉnh giấc. Mặc dù trời lạnh buốt, nhưng giấc mơ hãi hùng làm mồ hôi bà vã ra đầm đìa như tắm. Mấy chục năm qua đi, nhưng mỗi năm đến ngày con gái bà mất, ngày hai mươi tư, tháng mười hai ấy, giấc mơ ám ảnh lại trở về. Bà tin rằng, con gái thường xuyên về với bà, về với ngôi nhà có cây vía, nơi núm nhau, cuống rốn của nó đựng trong ruột quả bầu vàng óng, giấu bí mật dưới gốc cây hồng ngoài kia. Cây vía của con bà ngày càng xanh tốt, gốc nó giờ to bằng gần hai người ôm, mỗi năm đến mùa ra hoa kết trái, cây vía tỏa hương thơm thoang thoảng, trong tiếng hót véo von của bầy chim.
Mà có sự lạ, từ bao lâu rồi bà không nhớ nữa, giữa những cành cây đan xen, ken dày trong vòm lá xanh là nơi bầy chim Nộc Cuổi trú ngụ. Tụi chim này khoác trên mình bộ lông màu vàng, cổ tô điểm bằng vòng tròn màu đen điệu đà, giống như chuỗi hạt cườm quí phái. Mỏ và chân của chúng có màu hồng rực. Từ xa dõi mắt lại, hoặc dưới sân nhìn lên, tụi chim tựa những đóa hoa vàng nhảy nhót, bay lượn.
Sáng sáng, bầy chim gọi bà cùng người bản bằng trăm ngàn ngữ điệu bay bổng, ngân vang. Khi mặt trời tỏa nắng, chúng bay đi kiếm mồi. Đến lúc bóng chiều nhập nhoạng, sương buông khắp các ngả đường núi heo hút, chúng lại bay về đậu trên tán cây. Theo ông bà truyền khẩu, nơi nào có chim Nộc Cuổi sống theo bầy đàn, đấy là chỗ linh ứng.
Bà không biết thực hư thế nào, nhưng tụi chim khôn lắm. Bầy chim biết dọn rác cho sân vườn nhà bà sạch sẽ tinh tươm. Biết vun rơm thành cây mỗi độ thu hoạch lúa nương. Con chim đầu đàn to bằng bốn bàn tay chụm lại, thi thoảng bay vào trong nhà, ngồi cạnh bà bên bếp lửa, nó dũi mỏ hồng gại gại vào tay bà như thể chia sẻ yêu thương, vui buồn. Nhiều lần bà mệt mỏi hay cảm lạnh, nó biết dùng mỏ và đôi cánh chà sát cho bà dễ chịu.
Bà day dứt nhớ ngày bà nhận hung tin, con gái bà cùng sáu mươi Liệt sĩ Thanh niên xung phong ở Đại đội 915 anh dũng hy sinh, khi giải tỏa hàng quân sự tại ga Lưu Xá, trong trận bom rải thảm hủy diệt của bầy giặc trời.
…Đêm mùa đông hun hút gió lạnh. Mông lung. Vời vợi. Giá buốt.
Bà chợt thảng thốt. Mắt bà dán vào một quầng sáng nhỏ nhoi hình trái tim trong suốt, lấp lánh màu hồng rực như máu, nhẹ nhàng, chập chờn, hơ hoải bay lượn quanh ngôi nhà trống vắng. Người bà nhức buốt và nặng trĩu. Có chuyện gì đây? Bà lo quá đi.
Bà không thể ngồi yên bên bếp được nữa. Bước chân bà thập thững xuống cầu thang, ra chỗ cây vía của con Ph. Bà day mắt không tin nổi. Quầng sáng hồng rực chập chờn trước mắt bà, nhẹ nhàng đậu vào vai phải của bà. Bà thấy lạnh. Lạnh run người. Đôi chân quen leo núi bỗng chốc lấy bấy, muốn khuỵu xuống, bởi có sức nặng vô hình nào đó đè nặng đôi vai gầy guộc của bà. Thoáng chốc, quầng sáng ấy bay vút lên, tỏa ngàn vạn những lân tinh, quây vòng tròn trên mái đầu hai thứ tóc của bà. Bà hổn hển trào nước mắt ôm lấy cây vía thầm gọi: Ph ơi…
Tiếng gọi của bà yếu ớt, khô đặc, lạc lõng giữa muôn vàn tiếng kêu thảng thốt, xé tai của bầy chim rừng.
Đất dưới chân bà như sụp xuống, trời quay cuồng tan vỡ, bà ngã quỵ ngay dưới gốc cây vía, tưởng chừng không dậy được nữa. Bà ngất lịm, mê man không biết bao lâu, đến lúc nghe tiếng lay gọi ời ời của họ hàng, người bản thì mí mắt nặng trĩu của bà thất thần, nhướng lên những cành hồng khẳng khiu. Trên đấy, có vài quả hồng thẫm đỏ chênh chao, cùng mấy chiếc lá vàng lay khẽ như sắp rụng xuống, trong tiếng kêu thảm thiết của chim Nộc Cuổi…
Nén chặt nỗi đau, gương mặt bà xanh bợt, cái nhìn như lả đi, lặng lẽ lấy dải khăn trắng quấn ngang thân cây. Đôi tay gầy guộc từng nâng giấc, bế bồng, chăm sóc con gái, giờ lập cập đeo tang cho cây vía của con bà. Bà thắt dải khăn tang cho cây không biết mấy mươi lần không nổi. Bà quá đớn đau…
Cách mặt đất hơn sải tay người lớn, chỗ chạc ba trên thân cây vía, bà để bát nhang thờ hồn con gái. Bát nhang không bằng sành sứ, mà là khúc gỗ hương trên núi đá được khoét rỗng, trong đựng tro nếp và chân kim cùng bùa lá. Bà muốn cây vía là nơi mát lành, nơi hồn thiêng của Ph bay trong gió mây, sẽ về với bà.
Bà chuẩn bị khúc gỗ hương to vừa vặn người bà và khúc gỗ hương bé chừng hơn gang tay để lo hậu sự sau này cho mình. Thật là oan nghiệt khi tuổi già của bà lại phải lấy gỗ hương, lo cho linh hồn của con.
Lẽ nào lại như thế? Bà mong ngóng hòa bình, mong đợi ngày con bà trở về trong hào sảng. Vậy mà đã hết. Hết thật rồi. Con bà mãi mãi ra đi trong tuổi mười tám trắng trong. Có nỗi đau nào đau hơn? Bà gục xuống, ngất lịm như tan chảy trong âm thanh tức tưởi của thanh la, trống… cùng tiếng thầy thống thiết gọi hồn con gái bà về nhập vào cây vía…
Mới cách đây mấy ngày thôi, vào ngày hai mươi hai, tháng mười hai, ngày thành lập quân đội, Chủ tịch xã cùng Bí thư là bạn đồng ngũ từ thời kháng chiến với cha con Ph, đến nhà bà thắp hương cho bạn. Hai ông nói với bà, trong Miền Nam bộ đội ta đang thắng lớn. Các tỉnh Miền Bắc đang chống trả quyết liệt, chặn đứng các cuộc tiêm kích của tụi giặc trời. Tại Thái Nguyên xa xôi, lũ giặc đang điên cuồng leo thang bắn phá, trút bom, vãi đạn, hòng cắt đứt những tuyến đường giao thông huyết mạch, nối từ nước ta đến các nước bạn xã hội chủ nghĩa…
Hai ông nói chuyện thì bà chỉ biết nghe thôi. Bà không hiểu các nước xã hội chủ nghĩa ở xa hay gần. Bà chịu. Trong suy nghĩ của bà duy nhất là hai tiếng Thái Nguyên. Nơi ấy con gái bà cùng đồng đội đang ngày đêm làm việc của thanh niên xung phong. Con bà làm những việc gì thì bà đâu có hiểu. Tuy nhiên có một điều bà biết, con gái chắc là vất vả, vì đang ở nơi nguy hiểm khủng khiếp bởi đạn bom, lửa cháy. Bà lo quá đi thôi…
Linh tính, nỗi lo quặn lòng từ mấy hôm trước của bà, bây giờ đã hiện hữu đớn đau. Bà vật vã, chới với gục bên gốc cây vía. Trong nỗi giằng xé tan nát tang thương, bà lạc giọng gọi tên con không ngớt. Gió lạnh ào ạt bứt lá cây rào rào…
2
Bà mệt mỏi dựa tấm lưng gầy mà cong như cánh cung vào cây hồng, khẽ ngước đôi mắt đùng đục, nhìn bầy chim nhảy nhót quanh bát nhang thờ con. Ngực bà nhói buốt khôn nguôi…
Con gái bà cùng đồng đội thác xuống âm thế đã bốn mươi sáu năm rồi. Bát nhang ngự trên thân cây của nó cũng theo chiều dài cây mà cao lên. Những chân hương không biết đã tự hóa mấy mươi lần, bà không muốn đếm bởi lòng quặn đau.
Có điều bà thấy được an ủi. Dường như đã thành thói quen tâm linh, mỗi khi bà thắp nhang gọi hồn vía Ph, bầy chim Nộc Cuổi nhẹ nhàng bay xuống, đậu xung quanh bà. Những đôi mắt tròn xoe trong trẻo của lũ chim tựa hồ như có bóng mây thoáng che phủ, đầu chúng chúi xuống…để rồi khi ba nén nhang trong tay bà cháy đỏ, hương trầm lan tỏa, khói nhang vấn vít bay lên, đấy là lúc ba con chim vàng óng ả, nhẹ lướt bay lên đôi tay gầy guộc của bà, ba chiếc mỏ hồng xinh ngậm vào từng nén nhang, nhè nhẹ vỗ cánh, mang nhang cắm vào bát hương trên cao…
Thật tâm, trong suy nghĩ có phần lẩm cẩm, lạc hậu của người mẹ, bà mường tượng rằng, hồn của con dường như không thật sự thanh thản trong ngày giỗ. Là vì dù Ph đã mãi đi vào cõi an nhiên, song hương hồn đi mây về gió của Ph canh cánh nỗi niềm. Ph thương mẹ già ngày một héo hon, khô gầy. Phải chăng vì thế mà cô để bầy chim Nộc Cuổi sớm hôm quây quần bên tuổi già đơn chiếc?
Là bà nghĩ thế, nhưng thăm thẳm trong lòng người mẹ, mặc dù xa xót thương con, song bà tự hào về Ph. Con gái bà giống tính cha nó. Đất nước có chiến tranh là xung phong ra trận. Ông Xảo, chồng bà đi kháng chiến đánh giặc Pháp. Bước chân ông đi từ mặt trận Đông Bắc sang Tây Bắc, đến khi thắng lợi ở mặt trận Điện Biên Phủ năm một ngàn chín trăm năm mươi tư mới về nhà. Là ông bị thương nặng nên mới chịu về với bà, với con Ph. Nếu ông còn khỏe, chắc là ông lại Nam tiến như nhiều người trong bản thôi.
Con gái bà mang nét đẹp hồn hậu của người phụ nữ miền sơn cước. Khuôn mặt trăng tròn, ngời ngợi. Mỗi khi cười khoe hàm răng trắng đều tăm tắp… Thế mà bây giờ Ph đã xa bà, xa ngôi nhà có cây vía mấy chục năm rồi.
Mắt bà Phấn cay xè nhưng không thể chắt nổi một giọt nước. Mấy mươi năm nay nước mắt bà vón cục, lặn ngược vào tâm can. Bà biết, chín vía của con trong cõi hư vô, chênh chao trên cây vía mà không thể ngự lãm. Bởi mộ phần của con bà nằm lại nghĩa trang Dốc Lim xa xôi. Ở đó con gái bà có đồng đội. Đấy là gia đình thứ hai của Ph. Bà da diết, khắc khoải thương con, nhưng không nỡ di dời mộ của con về trên rừng mả dòng họ Nông, gần với bà, với ngôi nhà sàn vắng vẻ trên núi cao này. Bà muốn con bà được vui vầy, sum họp cùng những người đồng chí, anh em. Bà không muốn linh hồn con khắc khoải buồn vì phải xa chúng bạn – Những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với Ph.
Thật là xót quá đi. Cha mẹ sinh ra mỗi người có ngày sinh khác nhau, ở nhiều miền quê, thế nhưng lúc hy sinh thì chung một ngày, chung một địa điểm. Ôi chao! Sáu mươi người. Sáu mươi tuổi hoa nở. Sáu mươi cuộc đời dang dở giữa tuổi thanh xuân. Thật đau đớn xiết bao. Bà Phấn khẽ cắn chặt môi lại như bao ngày tháng qua, cố ghìm nấc khan đắng đót.
Bà nhớ, đêm con gái bà mãi mãi để lại tuổi mười tám thanh xuân trên dương gian, cùng chúng bạn, những nam nữ trong Đại đội Thanh niên xung phong 915 đi vào cõi vĩnh hằng. Đêm ấy, bà không biết vì sao mà mắt lại khô khốc, nhức nhối và mở chong chong. Đôi mắt rạn vỡ chân chim vì thời gian, đăm đắm nhìn ngọn lửa bếp bập bùng liếm đáy nồi đồng, rồi phập phồng mơ hồ dõi vào bóng đêm. Bụng bà cồn quặn tựa có ngàn con ong đốt. Ngoài trời, gió lạnh vẫn không ngừng thổi, hòa vào tiếng la thất thanh của chim Nộc Cuổi, trong âm thanh kêu rít rợn người từng hồi, từng chặp của chim cú lợn “...Khe…ke…ke…he…éc… Khe...ke ke…he…éc”.
Sao con chim cú lợn này hôm nay lại kêu gào thảm thiết ở vườn nhà bà thế này? Có điềm gở gì đây? Ngực bà nhói đau, co thắt từng hồi theo tiếng thống thiết của chim. Bà lo quá. Lo đến nỗi tay cầm gộc củi dúi mãi vào bếp đang cháy, đến lúc lửa vồ ngón tay bỏng rãy, thì bà sực tỉnh. Tụi chim cú lợn này kêu ở nhà nào, là y rằng gia đình ấy có người sắp đi theo ông bà vào rừng mả.
Nhà bà lúc này có mình bà thôi. Cha con Ph bị thương ở mặt trận Điện Biên Phủ về nhà được bốn năm thì vết thương cũ tái phát. Không lá thuốc nào chữa lành, không viên thuốc nào của bệnh viện giằng giật, ngăn cản nổi thân thể héo tựa chiếc lá vàng khô quắt của ông. Linh hồn ông đã theo tiên tổ về nơi miên hằng năm con Ph sáu tuổi.
Cách đây gần hai năm, khi Ph đang học dở cấp ba dưới phố huyện thì làm đơn tình nguyện đi Thanh niên xung phong. Trước khi đi làm nhiệm vụ, Ph về nhà, ôm chặt lưng bà, thủ thỉ. Tai bà vẫn nóng vang tiếng con gái: “Mé à, thời khắc này, đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, con không thể ngồi yên trên ghế nhà trường học chữ. Mé cho phép con đi xa nhé, khi nào đất nước im tiếng súng, con sẽ về học tiếp, rồi con lấy chồng, sinh cho mé những đứa cháu kháu khỉnh…” Nói thế rồi Ph cười khanh khách khiến sàn nhà rung nhẹ.
Bà không ngờ đấy là những lời nói, tiếng cười cuối cùng của con gái.
3
Gió bấc ở trên núi cao bao đời nay vẫn thế. Hoang dại. Gầm gào. Rin rít. Nó giống như bầy trâu hoang, chạy lồng lên, túm chặt lấy cây rừng mà rung lắc. Từng đợt, từng cơn gió réo ù ù, trượt siết vào vách đá, hun hút thổi, ùa ập cái lạnh xuống bản.
Bà Phấn nghiêng người thở hắt vào vách liếp. Tiếng thở dài của người già không bằng tiếng thở ngắn của người trẻ. Bà cũng không đếm nổi đã mấy ngàn lần thở dài, từ sau ngày nhận hung tin con gái bà hy sinh… Tuổi tám mươi của bà đã trải qua nhiều truân chuyên. Cuộc đời bà kỳ thực khác gì một con thuyền huyền bí, ngược dòng suối đầy thác ghềnh, không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng. Quá khứ là chuỗi dài những ngày canh cánh day dứt, tủi phận thương nhớ chồng con, bởi họ đã lẳng lặng bước ra khỏi dương gian, trôi vào miền xa thẳm thanh tịnh.
Đêm nay, sau khi giấc mơ tái hiện, bà không thể chợp mắt. Thêm một đêm thao thức đi qua tuổi già. Giờ đây, bà có cảm giác như mình nhẹ bẫng, không còn trọng lượng. Trong mông lung nghĩ ngợi, bà ấp chiếc áo nhỏ xinh ngày bé Ph mặc lên ngực, thầm gọi tên con gái. Bà thầm thì với con: “Mai lại đến ngày giỗ của con cùng đồng đội rồi đấy, liệu con có rủ anh em đồng chí về với mé không? Chiều qua mé đã gói bánh “cóc mò”, thứ bánh mà hồi ở nhà con thích ăn nhất… về với mé với cây vía của mình đi con à…”.
Đêm đang trôi về sáng. Bầy gà rộn vang tiếng gáy gọi mặt trời. Gió bấc vẫn không ngừng những tiếng hú dài thao thiết. Sương lướt vào nhà lạnh giá mà sao bà lại nóng thế này? Máu trong người bà chạy rần rần như thể muốn trào ngược lên đầu và bốc hỏa. Trong nỗi buồn truyền kiếp của người già, cơ thể bà chợt nóng như hun lửa. Bà lập cập ngồi dậy, khẽ khàng, thận trọng bước xuống cầu thang, ra nơi cây vía.
Trong khoảng trời cuồn cuộn sương mù, bầy chim Nộc Cuổi tung cánh chao lượn, sà xuống quây xung quanh bà, rồi bay vút lên trên vòm cây rộng tán.
Ôi chao! Bà sững sờ. Trên vòm cây ăm ắp lá vàng, muôn vàn quả hồng hình trái tim chín đỏ, khẽ đung đưa trong gió. Xung quanh bát nhang của con gái, những quả hồng quây tròn tựa như đóa hoa rực rỡ xòe tán. Sống động. Huyền diệu.
Sương sớm vấn vít ôm quả, vờn lá, giăng giăng, dún dảy trên vòm cây trong ban mai ửng hồng, rộn vang tiếng hót của bầy chim Nộc Cuổi.
Này, tụi chim ơi, vỗ cánh chao liệng nhẹ nhàng thôi nhé, kẻo làm cho những quả hồng bị trầy xước. Cây vía sẽ đau lắm đấy!
Thịnh Đán tháng 8/2018
Truyện ngắn. Bùi Thị Như Lan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...