Cây thị trước hoàng cung
VNTN - Đêm tịch mịch. Tiếng chân tuần thám của lính cấm vệ lọc cọc trên con đường đá ngoài hoa viên. Trăng muộn vừa lên phủ huyền hoặc xuống thâm cung. Gió hoang lay nhẹ rèm trước hiên tây lầu.
Đại Thắng Minh Hoàng Hậu ngồi buồn trên tràng kỷ trong cung Tử Hoa. Hôm nay đức vua không hồi cung. Ngài vừa cùng ba quân dẹp yên một vùng phiến loạn, hồi triều và khao thưởng binh sĩ. Lợn, dê mổ la liệt. Rượu rót ra nghìn thùng. Khúc khải hoàn ca là một mớ hỗn độn của tiếng hát, tiếng hò hét và cả tiếng lè nhè của những người say. Trong đám người đang phát cuồng vì men say của kẻ chiến thắng ấy có cả Hoàng thượng. Ngài hẳn cũng đang múa: một điệu múa ngạo nghễ của đấng quân vương. Đó là điệu múa mà Hoàng hậu đã chiêm ngưỡng khi ngài còn là một Thập đạo tướng quân của Tiền triều.
Một bữa yến tiệc quan trọng nhường vậy lẽ ra không thể thiếu nàng. Nhưng nàng vẫn đang ở trong cung; trầm mình trong cái không gian u u, uất uất, tĩnh lặng đến ngộp thở. Nàng đã đoán biết sẽ có những chiến thắng như thế, những tiệc yến mừng công như thế ngay từ khi gạt ra một bên mọi búa rìu miệng lưỡi để khoác long bào lên vai Thập đạo tướng quân. Người mà nàng bạo gan gửi trao trọng trách quốc gia và vận mệnh con dân Đại Cồ Việt là một trang anh hùng thao lược ở đời, và người ấy chắc chắn sẽ không thể nào chiến bại. Nhưng giờ đây, nàng đang nghĩ về nơi khác, việc khác.
Thị Yến, một nữ tì thân cận của hoàng hậu thẽ thọt đi vào:
- Khởi bẩm Hoàng hậu, đã lựa được chùm thị đẹp nhất ạ.
Nàng khẽ ừ rồi đưa tay cầm lấy cái khay ả đưa cho. Một chùm thị còn nguyên cành lá với hai quả to, tròn xoe, vàng rộm và thơm phức. Chùm thị được hái xuống từ cây thị to và xanh mát trước hoàng cung, bên lối đi dẫn ra vườn thượng uyển.
- Thị năm nay đẹp mã quá. Ở quê ngươi có trồng khoai lang không? Quê ta ngày trước, cứ khi nào thị chín vàng lên thì lúc đó lo phơi cất khoai lang để khỏi bị hà. Ta giấu mẹ mang thị vào buồng, khiến cho cả đãy khoai phơi trên thạp thối sạch. Thế là no đòn.
Nàng cười. Thế mà mắt ngấn nước.
- Dạ! - Thị Yến se sẽ - Con mang đi chứ ạ?
Nàng thở dài:
- Ừ! Mang sang cho nó.
Tại Phủ đệ của Vệ Vương Đinh Toàn. Thị Yến vừa rời gót. Đĩa thị bay ngay vào tường nhà. Hai quả thị nát toét, bắn tung tóe mà vẫn phả thơm ngát thư phòng.
Vương ôm mặt khóc nấc. Tiếng khóc của người đàn ông nghe sao mà xót xa. Phu nhân nhìn chồng mà thấy con tim mình quặn thắt. Chồng nàng từng có lúc trên ngôi báu. Nhưng khi nàng được trao gửi về nhà họ Đinh, chàng chỉ còn là một phế vương. Đã bao đêm nàng thấy chàng trằn trọc trong cơn mộng mị. Đã bao lần nàng lén gạt những giọt lệ đắng cay vón vít trên gò má Vệ Vương giữa canh khuya. Cũng ngần ấy năm nàng đón sinh nhật của chồng với những quả thị từ trong cung mang tới bị chàng đập nát. Trong tiếng khóc dồn nén, tức tưởi trong tiếng của hai hàm răng va đập liên hồi, chàng vùi đầu vào ngực nàng, nước mắt run rẩy trào ra, ấm nóng:
- Lại là những quả thị chết tiệt! Người tưởng con vẫn còn bé lắm ư? Nàng thấy không? Mẫu hậu vẫn lướt qua ta hàng ngày, mà có bao giờ thấy ta đã trở thành một người đàn ông trưởng thành đâu? Mẹ đã không thèm đoái hoài ta nữa rồi…
Phu nhân trẻ không kìm nổi lòng mình cũng khóc tức tưởi. Họ thổn thức cho đến khi Vệ Vương thiếp đi. Một khung cảnh vườn thượng uyển rực rỡ hoa thơm, bướm lượn và ríu rít yến oanh đã tràn vào cơn hoang mộng lúc tàn canh của ngài. Một thằng bé lẫm chẫm, mặc hoàng bào chạy tung tăng trong vườn thượng uyển. Nó nô đùa bên gốc thị trước hoàng cung. Cây thị vào mùa sum suê trái, tỏa thơm nưng nức ra bốn phương. Bỗng từ trong quả thị to đẹp nhất trên cây thị ấy, một người đàn bà như tiên thiên bước ra. Người ấy đẹp mê hồn. Người ấy vẫn luôn ngự trị trong trái tim thằng bé như một vị bồ tát thánh thiện, hoàn mỹ. Thằng bé chạy ùa vào lòng người đàn bà đẹp. Nàng dang vòng tay ngọt ngào ôm nó vào lòng, tì nhẹ gò má trắng hồng của nàng nựng nựng lên mặt nó, hái một chùm thị thảo thơm đặt vào tay nó.
Rồi lại một cảnh khác đầy lộng lẫy của chính điện giữa hoàng cung Hoa Lư, nơi thằng bé ấy được người ta khoác lên chiếc áo hoàng bào và tung hô vạn tuế. Nó ngồi trên ngôi cao ngơ ngơ, ngác ngác và nhớ tới mấy con dế bỏ quên trên tường hoa trong vườn thượng uyển, tai ù đặc trước những luận bàn trầm trọng, trang nghiêm mà vô nghĩa với nó.
Đêm. Nhũ mẫu dẫn hai vị tướng quân oai phong lẫm liệt bước vào thư phòng của hoàng thượng.
Một vị tự xưng là Đinh Điền uy trầm giọng: “Thần khẩn xin Hoàng thượng minh xét ra thánh chỉ phế bớt quyền lực của Nhiếp chính vương. Thần e vương nghiệp họ Đinh ta do Đinh Tiên Hoàng Đế khai sáng sẽ lụi tắt trong tay người ấy. Lê Thập đạo tướng là kẻ có dã tâm rất lớn, không thể xem thường”.
Một vị có tên là Nguyễn Bặc hồng hộc khóc: “Hoàng thượng! Giang sơn là của họ Đinh. Ngài mau trưởng thành để trăm họ nhờ cậy”.
Chao ôi! Uổng cho hai chiến tướng vốn là anh hùng trong thiên hạ nhưng lại đang phí sức thuyết phục một cậu nhóc con chẳng hiểu chuyện gì ngoài đòi ăn, đòi chơi. Cậu vẫn ngơ ngác như lúc thiết triều. Chỉ có nhũ mẫu kia là hiểu chuyện, ngay lập tức chạy sang phủ Thập đạo tướng quân vì thực ra bà ta vốn sinh ra từ phủ ấy.
Nhưng âm mưu lật đổ Nhiếp chính vương đã bị bại lộ. Nguyễn Bặc, Đinh Điền trên đường đem quân về triều gây binh biến đã bị phục binh của Thập đạo tướng quân đánh bại. Cả hai bị bắt và bị bêu đầu. Buổi hành quyết ấy diễn ra trước sự chứng kiến của văn võ bá quan để thị uy, đã làm cho vị tiểu hoàng đế khiếp đảm khi chứng kiến vòi máu phun rè rè từ hai cái cổ bị chặt đứt và ánh mắt mở trừng trừng của hai kẻ phản nghịch. Bây giờ, sau bao đêm, ánh mắt của họ vẫn cứ vậy, mở trừng trừng thấu lạnh xương tủy của Vệ Vương Đinh Toàn trong những cơn ma mộng.
Trong nhà Vệ Vương có một gia nhân đặc biệt đã ở cùng Vệ Vương gần 5 năm. Đó là một người mình hổ, lưng gấu, sức vóc thần dũng. Không ai trong phủ biết tên của ông ta là gì. Mọi người chỉ gọi ông với cái tên Lão Thẩm. Chỉ Vệ Vương biết được lai lịch của người này. Lão Thẩm vốn tên thật là Đinh Tất, một mãnh tướng dưới trướng Đại tướng quân Đinh Điền, cũng là người trong họ nội tộc nhà Đinh. Sau khi Đinh Điền và Nguyễn Bặc bị trảm, Đinh Tất trốn tránh, phiêu bạt vài năm. Một ngày kia, viên mãnh tướng đã thay tên, đổi họ, tìm về kinh đô nương nhờ phủ đệ của Vệ Vương, trở thành người cận vệ trung thành của phế đế. Sáng nay, Lão Thẩm vấn kiến Vệ Vương. Lão trải ra một tấm bản đồ rồi chậm rãi:
- Chủ nhân! Cơ hội để đòi lại ngôi báu đã đến rồi. Rằm tháng 8, ngày Bính Thân, Lê Hoàn sẽ đưa quân dẹp loạn vùng mạn thủy. Theo thông lệ, đêm trước, đức vua sẽ thị tẩm ở hành cung trong đầm Mộng. Tên đội trưởng cấm vệ đã bị người của ta mua chuộc, ông ta hẳn sẽ không kịp trở tay. Lão ta tuổi Dần, ngày Thân sẽ là ngày tận vong.
- Lão nghĩ ta có gan xuống tay với mẫu thân mình ư?
- Sao ngài vẫn quá mềm yếu vậy? Ngài còn nhớ sự mềm yếu ấy của ngài đã trả một cái giá đắt thế nào không? Ngôi báu của dòng tộc và cái chết của các đấng anh kiệt Đại Cồ Việt ta. Ngài có thể được lịch sử tha thứ khi để mất giang sơn cách đây hơn mười năm trước. Nhưng hôm nay nếu ngài vẫn nhu nhược vậy thì sẽ là tội nhân muôn đời.
- Các người đã bố trí hết cả rồi?
- Thưa vâng! Một kế hoạch hoàn hảo hơn cả Kinh Kha thích khách. Chỉ cần ông ta không còn nữa, một phần không nhỏ đại thần, quan lại vốn là thuộc hạ của Tiên vương sẽ ủng hộ ngài quay lại ngai vàng.
Vệ Vương thở dài nhìn cái giá gỗ lim đen bóng đỡ những đao, giáo sáng lạnh găm khắc vào nền trời…
Chiều nhạt.
Đàn chim líu tíu dắt nhau về non xa.
Mẹ đến tìm con.
Nàng đi thẳng vào thư phòng, vừa đi vừa khoát tay không cho gia bộc tung hô. Vệ Vương luống cuống diện kiến mẫu hậu. Đã lâu ngài không gặp mẫu hậu.
- Thần Đinh Toàn…
- Thôi nào con! Chỉ có hai mẹ con ta mà.
- Người không quên con?
- Mẹ nào có thể quên con. Nhưng giờ mẹ là của ông ấy. Những đứa con của ông ấy. Những đứa con mẹ có với ông ấy. Và cả con nữa. Tất thảy đều là con của mẹ. Có lúc nào mẹ không nhớ đến con đâu.
- Con không thể ghép mình vào đám người ấy. Con là tử tôn của họ Đinh!
- Kìa con! Mẹ nghe trong hơi thở của con có mùi tranh đấu rồi đấy. Đừng làm điều gì dại dột nhé! Con dẫu đã đủ lớn, lại văn võ song toàn, nhưng thiếu cái trí của bậc minh quân, cái dũng của kẻ gánh vác. Họ Đinh sẽ trường tồn, và giang sơn cũng vậy, nếu con vẫn như những ngày đã qua.
- Mẹ không hề vì giang sơn! Càng không phải họ Đinh. Mẹ không thể cứ lừa dối con như đã lừa dối một hài nhi sáu tuổi. Mẹ yêu ông ấy và vì ông ấy. Đầm Mộng kia lều hoa, trướng gấm dựng vì ai? Rồi những thiên tình sử của đấng minh quân và bậc mẫu nghi thiên hạ mà người ta tán tụng khắp đất kinh kỳ. Mẹ đã quên vua cha rồi! Quên hết thật rồi!
- Mẹ phải làm sao hả con? Cha con đã qua đời lâu rồi. Mẹ đã gửi thân vào nhà họ Lê. Ông ấy giờ là người đàn ông của mẹ. Một người đàn ông trác việt mà không một người phụ nữ nào đất Hoa Lư này không mơ ước. Con muốn sao đây? Con muốn mẹ sẽ nhanh chóng chết già trong lãnh cung ư? Không có thiên tình sử ấy! Không có những phút giây lãng mạn mà mẹ lao tâm khổ tứ bày ra vì ông ấy, hẳn có thể giữ nổi ông ấy gần như cho riêng mình chăng? Mẹ có thể tiếp thêm dũng khí bách chiến, bách thắng của ông ấy trên chiến trường vì con dân Đại Cồ Việt chăng?
- Nhưng còn tiên phụ? Người thế nào trong lòng mẫu hậu?
Lặng bặt hồi lâu. Đôi vai gầy của nàng dường thoáng rung nhẹ. Mấy ngón tay trắng như bạch ngọc run run lấy ra từ thắt lưng một cái túi nhỏ:
- Túi thơm này, cha con tặng cho ta thủa trước. Chẳng phải ta vẫn mang bên mình ngần ấy năm đó ư?
Ta về đây! Mẹ còn phải sửa soạn để đi đón xa giá của ông ấy. Lần này kinh lý hồi triều, ông ấy có kịp ngơi nghỉ khắc nào đâu. Người Chiêm gây hấn ở phương Nam. Hoàng thượng lại phải thân chinh. Con hãy làm một vị quan tốt là được rồi! Thế đã là vì xã tắc, họ Đinh và vì mẹ!
Người đàn bà đẹp nhất trời Nam đi rồi. Vệ Vương thẫn thờ giây lát. Đoạn ngài nhìn lên điện thờ gia tộc, nơi bài vị Đinh Tiên Hoàng Đế trầm mặc trong những làn khói hương u uẩn:
- Phụ vương! Con phải đòi mẫu hậu lại cho Người. Và cho con!
Cắn chặt hai hàm răng vào nhau, ngài cương quyết lấy thanh gươm treo trên án, bước theo Lão Thẩm vào bóng đêm mờ tỏ trăng tàn…
Vẫn theo ước hẹn của hai người, Đại Thắng Minh Hoàng hậu lại chờ nhà vua bên Đầm Mộng. Thuyền rồng cập bến. Đức ngài để ba quân đỗ thuyền cách xa vài dặm đường, còn tự mình đi thuyền nhỏ, đem theo một dũng tướng thân cận tiến vào. Cung hoan tấu nhạc xuân tình. Rèm hoa phấp phới giữa ngàn lau. Viên tướng đứng như pho tượng trên con thuyền đầu lều chướng. Cách đó gần một dặm đường là hơn chục chiếc thuyền của cấm vệ quân. Vẫn là thứ mỹ tửu quen thuộc mà hôm nay sớm chếnh choáng. Nhà vua sau ba lần cạn chén chợt thấy quay cuồng, chân tay vô lực. Hoàng hậu nhấp môi chút thôi mà cũng thấy mắt hoa lên.
Bất chợt tiếng người lội nước ào ào từ sông sâu nhảy lên sàn thuyền ái.
Một người tóc bạc phơ, mặt che kín bằng vuông vải đen vung gươm tấn công viên dũng tướng của nhà vua đoạn kêu lớn:
- Thủ lĩnh! Mau hạ sát kẻ trong thuyền!
Kẻ được gọi mặt cũng trùm kín, chỉ để lộ một đôi mắt tròn sáng. Sau thoáng giật mình, đã nhanh và nhẹ như một linh miêu, băng vào bên trong. Gã vung thanh gươm bén nhọn lao về phía long sàng. Đức vua bị đánh thuốc mê nằm thiêm thiếp. Đại Thắng Minh Hoàng hậu chỉ nhấp môi một ngụm rượu nhỏ nên thần trí còn khá hơn. Nàng gắng sức kêu lên:
- Không được làm hại hoàng thượng!
Rồi trong tích tắc đã nhào người qua ôm choàng lên người nằm dưới sàn. Chỉ thấy tên thích khách đứng khựng lại. Gã kéo tay hoàng hậu:
- M...ư…! Bà…! Bà tránh ra ngay!
Chỉ cần từ đầu tiên của gã phát ra chưa tròn tiếng đã khiến Hoàng hậu điếng người. Nàng gắng sức đứng lên vịn cả hai tay vào cánh tay cầm gươm đang giơ lên, nhìn thẳng vào đôi mắt của tên thích khách:
- Thì ra là…! Ngươi thật liều lĩnh và hồ đồ! Nếu muốn giết hoàng thượng, hãy đâm thẳng vào tim ta trước đi!
Gã giằng tay nàng ra. Giọng nói cương quyết:
- Bà lui ra. Phụ nhân Đại Cồ Việt đâu ai kẻ hai chồng? Ông ta chết đi, bà bớt phần nào tiếng xấu.
Nói rồi mạnh bạo lấn tới. Hoàng hậu lại ập người xuống bên dưới thanh gươm. Nàng cắn chặt răng, cầm tay vào lưỡi sắc lạnh, kéo nó kề bên cổ mình:
- Vậy giết ta trước đi!
Tên thích khách bàng hoàng. Rõ ràng, gã không lường đến điều ấy. Người gã rung lên bần bật. Miệng lắp bắp:
- Tại sao? Tại sao bà phải làm như vậy?
Hoàng hậu lén nhìn sang nhà vua, thấy ngài vẫn nằm thiêm thiếp mê man. Khuôn mặt diễm lệ của người đàn bà trắng xanh như tàu lá dưới ánh trăng huyền hoặc hắt lên từ mặt nước:
- Con trai! Tại vì…, tại vì…mẹ rất yêu ông ấy. Con hiểu không? Mẹ rất yêu ông ấy. Không có ông ấy, mẹ làm Thái hậu, mà sống như bằng chết. Con mới vừa lòng ư?
Những lời ấy thì thầm. Van lơn. Dồn nén. Mà cương mãnh.
Gã trai dường như vừa bị sét đánh. Những thớ thịt trên khuôn mặt giật giật tấm toan trùm đầu màu đen thẫm. Rầm! Lưỡi gươm thoáng lơi ra rồi đâm ngập vào mạn thuyền.
- Bà điên rồi! Ai là con bà hả?
Nhưng chính gã mới như kẻ điên, húc đầu làm tung trấn song lao mình xuống dòng nước. Người bịt mặt đầu bạc bàng hoàng, gạt một đường gươm của viên hộ tướng, rồi cũng lao mình theo gã. Bấy giờ, cấm vệ quân đã nhốn nháo chèo thuyền đến. Viên hộ tướng đẫm mồ hôi sau cuộc giao chiến, chạy vào sụp xuống:
- Thần cứu giá chậm trễ! Mong hoàng hậu lượng thứ! Thưa hoàng hậu, hoàng thượng…?
Không thấy Đại Thánh Minh Hoàng hậu trả lời. Nàng vẫn chưa hết bàng hoàng. Ánh trăng đọng trong đôi mắt đẹp dường như ngây dại. Phía trong, Minh Càn Quảng Hiếu Hoàng Đế Lê Hoàn đã vịn tường đứng dậy tự bao giờ. Ngài định thần giây lát, gắng sức nói, giọng tuy còn mỏi mệt nhưng vẫn trắc nịch uy quyền:
- Ta không sao. Nhà ngươi ra ngoài bảo với chúng quay thuyền ra. Ở đây không có việc gì. Nói rằng ta chỉ vừa luyện mấy đường gươm.
Đoạn, ngài đi đến choàng qua vai nàng giọng hiền từ, trìu mến:
- Hậu của ta! Không sao rồi mà! Kẻ đó…trốn thoát…an toàn thôi…
Sáng hôm sau, đức vua thống lĩnh ba quân lên đường. Viên hộ tướng thúc ngựa bên cạnh xa giá của ngài:
- Khởi bẩm hoàng thượng. Thần có điều còn chưa hiểu, không biết có nên tâu trình…
Minh Càn Quảng Hiếu Hoàng Đế khoát tay:
- Thôi được rồi! Ta biết khanh thắc mắc điều gì. Khanh nên hiểu là: trong gầm trời này có những kẻ phản nghịch không thể khép được tội chúng. Giả sử, ta cứ lấy quyền hành của quân vương để tuyên phạt, trăm họ không cần biết thực hư, sẽ khẳng định ta làm thế chẳng qua để trừ hết mầm họa mà củng cố vương quyền. Há chẳng là mang tiếng xấu muôn đời sau ư?
Mùa đông năm ấy như lạnh nhất từ thủa hồng hoang. Minh Càn Quảng Hiếu Hoàng Đế đã liên tiếp dẹp xong các cuộc phản loạn lớn nhỏ. Một vùng Hoa Lư khói chiều thanh bình sưởi ấm những lau lách ngút tầm mắt. Dân chúng kinh thành náo nức chờ đón đoàn quân thắng trận trở về.
Hoàng hậu bồn chồn trong điện Tử Hoa. Chắc chỉ nội ngày mai hoàng thượng sẽ hồi triều. Nàng vén rèm nhìn sương khói lạnh lùng phủ lên ngọn núi Mã Yên và một dải mịt mờ uốn khúc làm thành dòng sông Hoàng Long đang như cóng đi trong giá rét.
Hoàng hậu thảo một phong thư nhờ cung nữ thân cận tìm cách gửi sang phủ đệ Vệ Vương Đinh Toàn:
“Con trai!
Ta đã mất ăn, mất ngủ bao lâu nay rồi. Lòng ta trăm mối tơ vò, chín khúc ruột rã rời quặn thắt. Hoàng thượng không nói thẳng ra, nhưng ta chắc ông ấy biết kẻ thích khách hụt chính là con. Bây giờ ông ấy sắp hồi triều. Ta lo sợ không biết ông ấy sẽ trách phạt con thế nào đây. Hãy bảo Trần lão mang con đi thật xa, xuôi hẳn về đất của người Chiêm một thời gian xem sao. Ở đây, ta sẽ có cách chu toàn. Đi đi con!”
Không lâu sau, nàng nhận được thư phúc đáp:
“Mẫu hậu!
Mẹ nghĩ con hành thích ông ta là hòng đòi lại giang sơn sao? Con không quá ngây thơ để mà không nhận thấy rằng: dù ông ấy có chết thì thiên hạ cũng không thể của họ Đinh được nữa. Con chỉ muốn giành lại mẹ thôi. Nhưng ông ấy đã lại thắng rồi.
Khi mẹ bước vào hoàng cung họ Lê, con ngậm đắng, nuốt cay nhưng vẫn tự an ủi rằng: mẹ buộc phải làm vậy là vì xã tắc, vì muốn bảo toàn dòng giống họ Đinh. Nhưng rồi Phất Ngân* ra đời…Nhưng rồi mẹ khẳng định với con rằng mẹ yêu ông ấy… Thế là hết! Con đã thực sự mất mẹ rồi.
Con không đi đâu cả. Thiên hạ của người ta mà. Trốn trời sao khỏi nắng. Con ở Hoa Lư chờ ông ta. Chết là cùng chứ gì? Chết có chi đáng sợ! Khi mẹ nói yêu ông ấy thì mẹ đã giết chết con rồi”.
Cung điện lạnh vắng ngắt khi hoàng hôn nhập nhoạng. Không ai biết Đại Thắng Minh Hoàng hậu héo như tàu lá và khóc như ngất giữa tranh tối, tranh sáng nhung lụa lợt lạt.
***
Ấy thế mà nàng đã lo lắng thừa thãi. Đức vua dường như đã đánh rơi chuyện cũ bên ngoài Đầm Mộng, hoặc dọc đường chiến chinh. Từ khi hồi triều, ngài chỉ chuyên tâm khao thưởng công tích, củng cố triều cương, vỗ về trăm họ. Khi ở hậu cung, ngài lại hết mực sủng ái nàng. Hoàng hậu ngàn lần kính phục tấm lòng độ lượng ấy.
Thấm thoắt trời quá đông lại đến tàn xuân. Đầu hạ, xứ Cử Long** có loạn tặc cát cứ quấy nhiễu. Hoàng thượng triệu kiến bá quan văn võ bàn kế phá giặc. Cho đến tận lúc bãi triều, lui về nghỉ ở Điện Thường Xuân, quan Đại Tổng quản Lê Biên còn tới vấn kiến.
- Khởi bẩm Hoàng thượng! Giặc ở xứ Cử Long chỉ là một thứ quân ô hợp. Hoàng thượng đâu cần nhọc sức thân chinh. Theo ngụ ý của thần thì chỉ cử Phạm Cự Lượng đại tướng quân là đủ dẹp yên. Điều thần lo nghĩ là trong triều lòng người còn chưa thuận về một mối, bởi nhiều đại thần còn hoài cố…Nhất là khi Vệ Vương Đinh Toàn còn đó. Cho nên,…
Đức vua chắp tay sau lưng nhìn ra ô cửa, lặng thinh giây lát. Ngài thở dài:
- Cái đó không phải ta không biết. Ngay chính lòng ta cũng nhớ thủa sát cánh cùng Đại Thắng Minh Hoàng Đế, thủa Giao châu thất hùng*** chung sức làm Thập nhị sứ quân thất đảm. Ta biết phải làm sao đây?
Rồi quay lại quả quyết nhìn quan Đại Tổng quản:
- Ý ta đã quyết! Lần này ta vẫn tự thân xuất chinh. Đời ta sinh ra trên mình ngựa. Ngồi lâu trong xó cung này, chịu sao thấu?
Hôm ấy, nhà vua qua đêm tại điện Tử Hoa. Ngài âu yếm ôm Hoàng hậu vào lòng:
- Lần này ta đi sẽ sớm về thôi. Bọn giặc cỏ ấy không quá đáng ngại.
- Bệ hạ vì việc nước, thần thiếp đâu có ý gì. Chỉ mong đại quân sớm khải hoàn để châu về hợp phố.
- Chắc chắn rồi! Ta muốn nàng lại chờ ta bên Đầm Mộng.
Rồi như sực nhớ ra điều gì, ngài hỏi:
- Lâu rồi, nàng có qua thăm Vệ Vương không?
- Không! Thiếp chỉ đôi lần thảo thư gửi cho nó, khuyên răn nó sớm trưởng thành góp sức cho bách tính trăm họ.
- Ừ, Vệ Vương cũng đã đến tuổi trưởng thành rồi. Nhưng trẫm thấy dường như nó chưa có được sự hùng lược của Đại Thắng Minh Hoàng Đế, thậm chí là sự kiêu bạc của Nam Việt Vương Đinh Liễn. Lần này xuất binh, đám giặc cỏ không quá mạnh. Nếu nàng muốn, ta sẽ đem Vệ Vương theo, làm phó tiên phong, thừa dịp rèn luyện cho nó cứng cáp, đặng sau này giúp ích cho xã tắc.
Hoàng hậu nhìn sâu vào đôi mắt hiền từ của đức vua. Lòng nàng ấm áp vô chừng.
- Vâng! Được thế lòng thiếp còn vui sướng nào hơn? Vậy thiếp xin cậy nhờ bệ hạ trông nom bao bọc nó. Sớm mai, thiếp sẽ ghé qua phủ đệ của Vệ Vương báo tin mừng ạ.
Giữa hè, đoàn quân nối nhau xuôi về phương nam. Giáo gươm, cờ xí rợp trời. Hoàng hậu từ điện Bách Bảo Thiên ngóng theo hoàng thượng cùng tướng sĩ cho đến khi khuất bóng. Nàng mỉm cười nghĩ đến dáng vẻ khôi vĩ trong giáp trụ sáng ngời của Vệ Vương Đinh Toàn:
- Nó đã lớn thật rồi…
Hai tuần trăng trôi qua. Tin thắng trận báo về tới tấp. Cho đến một ngày, cây thị trước sân bỗng rùng rùng trút lá báo thu về. Người thám quân chạy vào cung Tử Hoa gặp Hoàng hậu với khuôn mặt nhợt nhạt, thất thần, lắp bắp mãi chưa thưa nổi một câu. Nàng thoáng thấy tim mình như bị ai bóp lại:
- Ngươi bình tĩnh nói rõ ta nghe? Hoàng thượng sao rồi?
- Dạ, bẩm! Hoàng thượng vẫn bình an. Nhưng Vệ Vương …
- Đinh Toàn ư? Nó thế nào?
Nàng thấy cả cung điện như sầm tối.
- Bẩm Hoàng hậu! Vệ Vương…đã… anh dũng hy sinh trên đường tiến công vào sào huyệt cuối cùng của giặc ạ!
Tất cả như lặng bặt! Rồi như có tiếng sét nào nổ giữa khung trời. Rồi cung điện như xoay tít trong vần vũ giông tố. Rồi nàng gieo mình xuống thềm đá lạnh.
Ba ngày sau, cỗ xe ngựa mang thi hài Vệ Vương được Lão Thẩm cầm cương về đến trước phủ đệ. Hoàng hậu đã chờ sẵn trong sân. Nàng không còn nước mắt để khóc nữa. Khuôn mặt vô hồn. Nàng nói như chỉ còn chút hơi thở nhẹ như tơ:
- Lão Thẩm! Ta đã gửi gắm Vệ Vương cho ông, sao ông không bảo vệ ngài?
Lão Thẩm ngước đôi mắt đỏ ngầu chất chứa bao đau đớn. Nhưng lão chỉ lãnh đạm trả lời:
- Tôi nhận trọng trách từ tiên đế, vốn có thể lấy tấm thân già bất cứ lúc nào nhận chết thay cho chủ nhân. Và suốt cuộc trường chinh này, không lúc nào tôi rời người nửa bước, trước sau hộ vệ cho người…
Bất chợt, lão quắc mắt gào lên đầy phẫn uất:
- Nhưng trên đường truy kích, địch quân tất thảy đều chạy phía trước, há có thể lường một mũi tên bắn từ phía sau lưng? Thưa Thái hậu! Bao giờ Thái hậu sáng mắt ra đây?
Rồi lão bế xốc viên tử tướng quấn trong chiến bào màu huyết dụ lê bước vào trong phủ, để mặc Đại Thắng Minh Hoàng Hậu thêm một lần sa sẩm mặt mày. Đó là mùa thu năm Tân Mão (991), Vệ Vương Đinh Toàn tử trận khi 18 tuổi.
***
Nắng trưa trùm xuống thung lau. Nước hắt muôn vân sáng lên những bờ đá dựng đứng tới lưng chừng trời. Chỗ này chỉ cách kinh thành Hoa Lư về phía nam chừng ba dặm đường, địa thế quanh co, hiểm trở, núi đá trập trùng xen giữa những lạch nước ngun ngút lau sậy và rêu già phủ kín đáy, quanh năm lặng ngắt. Bỗng người ta thấy hai chiếc thuyền nhẹ chở một toán quan binh chèo vun vút hướng về một dải đất hẹp nằm ở cuối thung, tựa lưng vào vách núi sừng sững. Trên dải đất ấy có một ngôi miếu nhỏ được xếp bằng đá. Rồi một người đàn bà phục trang tao nhã rời thuyền vén xiêm y bước lên bờ. Nàng bỏ mặc tùy tùng dưới thuyền, đi về phía ngôi miếu.
- Lão Thẩm! Người đàn bà gọi với giọng mệt mỏi mà vẫn đầy uy quyền-Ta biết lão ở trong đó! Ta đã đi tìm lão suốt 3 năm nay. Thật không ngờ lão ở ngay trong vùng núi Ninh Xuân này.
Ngôi miếu vẫn lặng như tờ. Người đàn bà dường như không giữ nổi bình tĩnh:
- Lão ở trong ấy, tưởng ta không thể đưa lão ra ngoài hay sao?
Bấy giờ, phía trong ngôi miếu mới có tiếng ho húng hắng:
- Thái hậu dưới một người, trên muôn người. Thủa trước còn là Nhiếp chính vương kia mà. Bà làm gì chẳng được. Bà cứ ra lệnh cho bọn họ kéo sập ngôi miếu xuống chôn sống lão.
Bấy giờ thì Hoàng hậu đã không còn chút giọng quyền uy nữa. Nàng từ từ khuỵu xuống, nước mắt lưng tròng:
- Trần lão! Ở đây không có Hoàng hậu, Thái hậu nào hết. Kẻ đó đã chết từ ba năm nay rồi. Chỉ có một bà mẹ đi tìm con với cõi lòng tan nát. Đứa con mà khi mẹ nó đang phát tang nó thì trong đêm bị lão âm thầm mang thi hài nó đi đâu mất. Ba năm nay, chưa đêm nào ta yên giấc, sống mà như chết. Sao lão nỡ đang tâm chia rẽ mẹ con ta?
Bấy giờ, Trần Kha mới lụ khụ đi ra. Lão già tóc bạc trắng vịn tay vào tường miếu đá, nhìn Hoàng hậu thở dài. Chỉ thấy mắt lão ầng ậc nước:
- Nghiệp chướng người tạo ra thì cũng chính người gánh chịu thôi mà. Lão đâu quá vô tình không cảm cái tình mẫu tử của bà. Nhưng thưa Thái hậu, lão tuân mệnh Tiên Đế phải bảo vệ dòng tộc họ Đinh đến cùng. Tử tôn họ Đinh khi thác cũng phải quy về một mối. Thái hậu đang là…Hoàng hậu của họ Lê rồi. Thứ cho lão không thể đưa Hoàng hậu đến tận nơi an nghỉ của hai vị Hoàng thượng.
Thật may là đến hôm nay Thái hậu và bọn họ mới tìm ra nơi này. Cũng vừa vặn 3 năm lão thờ phụng Thiếu Đế, trọn nghĩa bề tôi. Thái hậu biết đây là đâu không? Ngày bà trao long bào cho Thập đạo tướng quân, Đinh Công Tiết chế vì không tuân theo bị giam lỏng ở đây, sau phẫn uất mà tuẫn tiết. Lão lập dựng miếu này để thờ Đinh Công Tiết chế. Cái bờ đá phía trước chỗ Thái hậu đang đứng đấy là nơi khi xưa Đinh Công Tiết chế lập một ban thờ nhỏ cho 7 vị công thần từng lãnh việc mai táng cho Tiên đế đã quyên sinh để bảo mật mộ phần. Họ có cái khí tiết ấy, thì lão đây, kẻ may mắn có được phúc phận tự tay mai táng cho Thiếu đế lại chịu hổ thẹn với người xưa ư?
Hoàng hậu nghe những lời cuối của lão thì giật mình ngẩng dậy:
- Trần lão! Không được làm bừa!
Nhưng không kịp nữa rồi. Trần Kha đã lấy hết sức bình sinh lao đầu vào bờ đá mang theo những bí mật muôn đời về mộ chí vị phế đế nhà Đinh.
Hoàng hậu lao người đến bên lão:
- Trần lão ơi Trần lão! Ai cho phép lão chết hả? Sao lão ác với ta quá thế? Nói cho ta biết con trai ta yên nghỉ ở đâu? Ta chỉ cần được một lần đến bên nó, nói cho nó biết người mẹ này yêu thương nó biết nhường nào, đau đớn vì nó biết nhường nào?
Nhưng Trần Kha đã không còn trả lời nàng được nữa. Chỉ có những động đá thăm thẳm vọng lời thảm thiết của nàng và gió hoang xô xào xạc ngàn lau.
***
Hồi lâu, những đau đớn rồi cũng lắng xuống. Hoàng hậu bảo tùy tùng đào huyệt an táng lão Trần ngay bên miếu đá. Xong xuôi, nàng quay lại thuyền lấy một chiếc túi nhỏ mang đến bên ngôi mộ. Hai tay nàng run rẩy lấy từ đó ra một quả thị vàng rộm. Có lẽ khắp Đại Cồ Việt không đâu có một quả thị to đẹp nhường vậy. Nàng hướng mắt nhìn lên khắp một dải núi rừng hùng vĩ, điệp trùng xanh:
- Đinh Toàn ơi! Ta không biết con đang ngủ ở chỗ nào. Nhưng ta cảm nhận rằng con chỉ ở rất gần đây. Trần lão cùng các vị tướng công nằm ở đây hộ vệ, thì con chắc cũng ở đây không quá xa đâu. Họ đều là những trung thần, chắc hẳn không bao giờ rời xa chủ được. Con có nghe thấy lời ta không?
Con trai yêu của mẹ! Hồi bé, mỗi khi cây thị trước hoàng cung ra quả, con lại mong từng ngày cho nó chín vàng. Đến khi nó chín vàng, con chỉ thích được chính tay ta chọn từ trên cây một quả to nhất, đẹp nhất, đặt vào đầu giường và nghe ta kể chuyện bà tiên bước ra từ trong quả thị. Ba năm nay, mẹ đều đưa thị lên bàn thờ con, con có nhận được không? Có ngửi thấy mùi hương nồng nàn của nó không?
Bây giờ ta chôn nó xuống đây. Ta nhờ Trần lão mang đến cho con. Trần lão ơi Trần lão! Ta biết lão giận Hoàng hậu nhà Lê, nhưng lão cũng thương xót Dương Vân Nga này. Ta biết lão sẽ vì người mẹ khổ đau này mà hoàn thành tâm nguyện của ả.
Nói rồi, nàng tự tay bới đất chôn quả thị xuống. Nước mắt theo đó lã chã thấm vào từng thớ đất nâu…
** *
Kể từ đó về sau, quần thần cùng dân chúng Đại Cồ Việt hầu như không thấy xa giá Đại Thắng Minh Hoàng Hậu xuất hiện nữa, kể cả trong những sự kiện quan trọng của triều đình cho đến khi bà qua đời năm Canh Tý (1000). Suốt thời gian ấy, Đầm Mộng cũng không còn cảnh thuyền hoa kết đèn đón quân vương sau mỗi lần khải hoàn trở về. Và những câu chuyện dân gian truyền tụng về chuyện tình lãng mạn long - phượng cũng không thấy được nhắc tiếp.
Nơi Trần Kha tuẫn tiết trong tiết thu năm ấy, ngày nay gọi là Phủ Khống. Người đời sau đã từ ngôi miếu đá nhỏ lão dựng năm nào mà tu bổ cho nó to thêm. Điều kỳ lạ là từ bên mộ lão bỗng dưng mọc một cây thị. Cây ấy cứ thế lớn lên thi gan cùng tuế nguyệt có đến cả trên 1000 năm tuổi, thật là chuyện thế gian chưa từng có. Càng đáng kinh ngạc hơn khi mỗi năm vào mùa ra quả, cây thị này đều cho ra hai loại quả: một loại hình dẹt và một loại hình tròn đều thơm phức, ngọt thảo. Dân trong vùng thường chờ mùa quả chín, đến lấy về ít nhất một quả dẹt, một quả tròn; đặt trên mâm ngũ quả tiết trung thu mà răn cháu con không ăn ở hai lòng…
Truyện ngắn. Nguyễn Minh Cường
.....................
*Công chúa Lê Thị Phất Ngân, là con của vua Lê Đại Hành và Thái hậu Dương Vân Nga.
**Vùng Cẩm Thủy, Thanh Hóa ngày nay.
***Giao châu thất hùng: tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...