Cây khế ngọt
Trời còn chưa sáng, tiếng ồn ào gần nhà làm tôi thức giấc. Có cả tiếng khóc nữa. Tôi choàng dậy và nhận ra sự ồn ào từ phía nhà anh em Nhàn Hạ. Chỉ bên ấy thôi. Các nhà xung quanh trước giờ gần như không to tiếng. Anh em Nhàn mâu thuẫn chuyện đất cát mấy năm rồi. Vì tí đất bờ rào mà anh em ruột không muốn nhìn mặt nhau.
Vợ con vẫn đang ngủ. Mà nếu thức, vợ tôi cũng lờ đi. Chuyện nhà chú Nhàn và em trai, Mặt trận thôn rồi xã vài lần đến hòa giải. Họ hứa rồi nhưng mọi chuyện vẫn không giải quyết được, kéo dài đã mấy năm.
Đêm qua thằng nhỏ bị sốt làm mẹ nó mất ngủ nên tôi lẳng lặng mở cửa ra sân dỏng tai nghe. Tiếng ồn ào vẫn chưa dứt. Phải sang bên ấy để phòng chuyện xấu xảy ra. Nhàn còn nhún nhường, nghĩ trước nghĩ sau chứ Hạ thì bảo thủ, tính dữ như cọp. Rượu vào dù là anh ruột, hắn cũng chẳng thèm kiêng nể. Ở gần nhau, tôi lạ gì tính khí ấy. Từ nhà tôi đến nhà Nhàn phải hơn trăm mét. Nhưng vì ban đêm nên tiếng động nghe rõ lắm. Lúc này chả biết có ai đến không, dù họ biết anh em Nhàn đang cãi cọ. Họ dửng dưng. Cả ngày bận rộn công việc, con cái ăn học, bao thứ phải tính, còn sức đâu mà dây vào “mớ bùng nhùng” của hai anh em Nhàn Hạ năm này đến năm khác.
Đến ngõ nhà Nhàn, tôi thấy vài người đang lấp ló bên ngoài. Họ ngại không muốn vào. Tôi chào mọi người và đi thẳng vào trong sân. Thấy tôi, Nhàn bối rối, mặt cúi xuống, vẻ ngượng ngùng. Tôi lặng lẽ theo lối mở sang nhà Hạ với hi vọng, thấy tôi, vợ chồng hắn sẽ tắt ngay cái loa oang oang đi để mọi người còn ngủ. Chưa cần tìm hiểu nguyên do, tôi đã biết hai nhà to tiếng vẫn chuyện đất cát mà thôi.
Trời sắp sửa sáng, về nhà, tôi cũng khó ngủ lại. Hôm nay không có giờ dạy ở trường, tôi ngồi thêm với hi vọng giúp Nhàn bình tâm trở lại. Chuyện mắc mớ đất cát của anh em Nhàn không thể nói vài câu là xong.
Ngoài tình xóm giềng, tôi còn là anh họ của Nhàn Hạ. Ông Lành (thân sinh ra anh em Nhàn) với cụ thân sinh ra tôi là con chú con bác ruột. Ông bà Lành sinh được bốn người con, đặt tên là Nhàn, Hạ, Nhu, Mì. Hai cô em lấy chồng ở xã bên. Họ làm ruộng, chăn nuôi nên đời sống chỉ tàm tạm. Còn Nhàn, đi bộ đội, tham gia chiến trường K, ra quân rồi lấy vợ, đẻ một lèo ba cậu con trai. Các con đi làm công ty trong Nam, ngoài Bắc, hiện chỉ ở mức tạm đủ sống. Bố mẹ ở nhà vừa làm thợ, làm ruộng, quán xuyến nhà cửa, chăm sóc phần mộ tổ tiên. Hạ thì học kém, xong cấp 2 là nghỉ. Nhờ dáng cao ráo, ăn nói cũng được, mấy năm sau hắn tán đổ cô giáo dạy Mầm non ở xã bên. Vợ hắn cũng đẻ ba con, hai gái một trai. Hắn theo nghề giống anh trai nhưng làm ở tốp thợ khác. Hai anh em đã ở tuổi đầu năm, đều có dâu, rể.
Hai anh em Nhàn ở gần nhau. Trước khi mất, ông bà Lành giao lại nhà cho con cả, là Nhàn để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Còn Hạ khi lấy vợ, cha mẹ dành cho khoảnh đất vuông vắn liền bên. Các cụ vừa không biết chữ vừa tin con nên chỉ giao hẹn bằng lời. Cha con trong nhà chứ có phải người ngoài đâu. Họ còn nhắn nhủ thêm, nếu làm ăn khấm khá, vợ chồng Hạ chuyển đi nơi khác thì giao lại đất đai cho người anh quản, anh chị có trách nhiệm đền bù cho em. Đây là đất hương hỏa, nơi để con cháu tụ tập dịp lễ tết giỗ chạp nên rộng rãi được thì rất tốt.
Nhấp chén trà nóng vừa rót, tôi chỉ còn biết thở dài. Nhàn chậm rãi:
“Em biết bác chẳng lạ, nhà em và chú Hạ mâu thuẫn nhau nhiều việc lặt vặt, nhưng nặng hơn vẫn là cái bờ rào. Ranh giới giữa hai nhà, ngày trước các cụ chia rất rõ ràng, nhưng chú ấy nay dịch bụi cây này, mai dặm thêm bụi mới, làm bờ rào chỗ vênh chỗ cong xô dần sang phía nhà em, nhìn rất chướng mắt. Đôi lần ngồi với nhau, em đều nhắc lại ngày trước, các cụ giao đất cho hai nhà được hiện rõ ràng trong sổ đỏ. Chú thím ấy đều biết, giờ chắc chắn chưa quên. Còn cha mẹ, anh em như chân với tay. Cha mẹ qua đời, anh em dần nghiêng về đất và tiền, sinh ra cãi nhau liên miên. Đến là mệt.”
Ngừng một lúc, Nhàn nói sau một hơi thở dài: “Ông cụ qua đời, mất đi người nhạc trưởng, chú Hạ đâm nhờn với anh trai. Vì chồng hỗn hào với anh chị nên vợ cũng đổ đốn theo. Chỉ vì cái bờ rào mà anh em ruột xa cách cả một thiên hà thì đau lắm. Lúc nào chú thím cũng hằn căn bệnh đau tức lên mặt.
Nói ra thì xấu hổ với làng xóm. Thày mẹ em mất gần nhau, trước khi nhắm mắt, các cụ chỉ đau đáu một chuyện là con cái ăn ở bất hòa. Chú Hạ nhà em, tính nóng nảy, cục cằn, ai cũng biết. Chú luôn nghĩ là mình bị thiệt và phải đòi lại bằng được. Ngày trước, các cụ nhắc nhở Hạ nhiều lần về tính xấu ấy.
Anh em một mẹ sinh ra. Trước khi mất không lâu, hai cụ họp gia đình và phân định rõ ràng phần đất ở bên em và chú Hạ. Hai cô em gái đi lấy chồng, ông bà cho mỗi đứa một vạt đồi trồng keo làm vốn. Chị em nó bảo, chúng con xuất giá theo chồng, thày mẹ và các anh cho được chút của cải là quí. Vợ chồng hai con gái rất biết ơn. Còn chú Hạ được cắt hơn hai sào đất cạnh nhà. Ý các cụ là anh em ở ngay gần cho đầm ấm, để che chắn cho nhau. Gần bốn sào còn lại thuộc nhà em. Hai cụ tính, em là con trưởng, lo giỗ chạp, thờ cúng ông bà, giữ gìn thanh danh dòng họ, chịu trách nhiệm nặng hơn về phần mộ tổ tiên. Vả lại nhà có ba đứa con trai. Còn chú Hạ, con trai chỉ một, vợ là giáo viên, có lương. Con cháu đều thuận ý với các cụ. Trích lục đất của hai nhà dựa theo phần chia của cha mẹ.
Thật là buồn khi sự xích mích giữa hai nhà cứ tăng dần”.
Dừng để uống ngụm nước, Nhàn tiếp tục than thở: “Em buồn, rất buồn. Buồn như người lữ hành cô độc trên sân ga. Ông bà có hai người con trai mà các cụ khuất núi chưa lâu thì các con của họ muốn xây tường rào, muốn cắm mảnh chai sắc lẹm ngăn đôi thì xót lắm! Đám cháy này cũng một phần từ chuyện cây khế ngọt. Nó ngọt nên mới có chuyện, chứ nếu bị chua, bị sâu chắc chú thím sẽ bớt đi phần nặng nề. Dân làng quen đến xin khế. Mọi người đầm ấm vui vẻ, chú thím càng ấm ức. Nhà Hạ ít người qua lại, quanh năm vắng như chùa bà Đanh. Bên em thì chòm xóm hay lui tới. Xin khế chỉ là một lí do. Từ bát nước chè xanh mà biết thêm bao chuyện buồn vui trong làng ngoài xóm”.
Nước mắt đang rơm rớm, thím Hoa nhỏ nhẹ: “Em về làm dâu nhà này đến giờ có ba mặt con trai, có dâu, sắp có cháu nội mà còn khúc mắc với em chồng chuyện đất cát thì thật sự xấu hổ với xóm giềng. Có chồng em ngồi đây, chú Hạ nói nhiều nhưng ít nghĩ. Đã vậy lại nóng nảy. Thím Tăng là giáo viên, có lương rồi mà còn nặng tư tưởng nông dân thời cũ. Em dâu tham lấy được. Có một dạo, thím chửi chồng như muốn thủng tầng ô zôn. Cây khế do ông cụ trồng nhưng bà cụ chăm, nó lùi sâu trong đất nhà em. Khế ngọt như để đáp lại bàn tay tảo tần của ông bà khi trước. Nó có tâm tính tốt. Càng hái, khế càng ngọt, càng ra nhiều quả. Chú Hạ thích uống rượu với khế, chuối xanh kèm rau sống. Thím Tăng thường hái cho mình và đem đến trường để đồng nghiệp cùng ăn. Mọi người vui làm bọn em thấy thích. Không ăn thì nó cũng rụng. Mang đi bán được mấy đồng, tốt nhất để bà con cùng hưởng”.
Nhàn lại thở dài rồi giọng trầm xuống: “Có người báo với em, chú Hạ mới gửi đơn lên yêu cầu địa chính xã xem lại hồ sơ đất. Đơn có ghi: chỗ cây khế thuộc phần đất nhà chú. Chính quyền mời Hạ lên và tra vấn: Đất của anh em nhà anh, các cụ chia khi còn sống, mọi người đều đồng thuận và hiện rõ ràng trong hồ sơ, ở sổ đỏ. Sao ngày ấy, anh không thắc mắc? Hay bây giờ xã có nhiều dự án về mua ruộng, đất nóng lên, anh mới nảy ra chuyện này?”. Hạ đuối lí, ra về và dọa: ủy ban không giải quyết, tôi sẽ mang đơn lên huyện”.
Nghe thêm nữa cũng chưa giải quyết được vấn đề, tôi đứng lên định về thì Nhàn đề nghị: “Hôm nay không đi trường thì bác về nhà rửa mặt cho tỉnh rồi đi ăn sáng cùng em. Có cái quán bún rất ngon ở đầu làng Sơn Lâm, mình đến thưởng thức. Ăn sáng nhưng cũng để ủng hộ quán mới khai trương”. Tôi đồng ý và về nhà rửa mặt, nói với vợ vài lời rồi đi cùng Nhàn.
Tuyến đường liên xã được làm mới, nền nhựa phẳng lì, thoáng đãng khiến hai làng bừng sáng lên. Nhưng con đường đẹp lại làm làng quên vơi đi nhanh hơn sự yên bình. Lối sống thư thả giảm đi khi ô tô và cả xe ca bắt đầu về làng, len lỏi vào các đường nhánh chở hàng đi bán hay vật liệu xây dựng. Nhiều lúc người ta méo mặt vì gặp cảnh “Hai con dê cùng đi qua một cây cầu”...
Con đường nhựa đẹp như mơ, nhưng thật tiếc, đoạn qua nhà Nhàn, đến chỗ cây khế, cách vườn nhà Hạ chỉ mấy bước chân, nó từ từ uốn cong mềm mại phóng sang Sơn Lâm. Nếu cây khế thuộc phần đất nhà Hạ thì hắn được hưởng tầm năm mét mặt đường lớn. Trong khi nhà Nhàn được hưởng bốn chục mét đất mặt đường. Tiếc cho nhà chú em nhưng vợ chồng Nhàn không biết phải thế nào. Khi trồng cây khế, ông cụ đâu biết là sau này đường lớn sẽ đi qua đây? Ngày trước đất của hai làng rẻ như bèo, giờ thành của quí. Đụng đến phải cả trăm triệu. Vợ chồng Hạ luôn buồn bực.
Hai người tới thì khách đã đông. Đa phần là người quen. Chủ quán là người làng bên, em họ của thím Hoa. Các món ăn làm bắt mắt sạch sẽ, tươi ngon ra phết. Đọc bảng báo giá thấy mềm hơn ngoài phố. Ăn sáng ở quê, bàn nào cũng có chai rượu nhỏ. Hôm nay tấp nập hơn vì mọi người đến mừng quán khai trương. Tôi không nhiều thời gian và lấy cớ chiều đi trường nên uống vừa phải. Đây là dịp để tôi nạp thêm nhiều chuyện thời sự về hai làng từ ngày dự án về mua đất ruộng của dân. Người hai làng có khôn hơn nhưng có giảm đi sự hiền hòa vốn có. Lúc tôi và Nhàn đứng dậy ra về thì nghe:
“Này ông Nhàn - một người trung tuổi ở bàn bên - vài hôm nữa, làng ta nhận tiền đến bù rồi đấy. Nhớ khao anh em, nhá. Ỉm đi là không được”. “Nhất trí, tôi không chạy làng đâu”. Nhàn cười như mếu.
“Ơi thầy giáo - thôn trưởng Phượng Lâm nháy mắt: Có quán mát xa ở làng Phượng, thầy muốn đổi gió không. Toàn những em vòng một, vòng ba gợi cảm, mặt xinh tươi, làn môi đỏ chót… chiều khách lắm, thầy ạ. Thầy đến chứ...”
Tôi cười trừ. Mọi người cũng hùa theo bằng những tràng cười ha hả.
Mấy người còn nán lại vì cần biết thêm chuyện thời sự của làng. Giọng ca lâm li từ cái máy phát nhạc trong quán vẫn du dương. “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương…” nhưng ít người để ý đến sự êm đềm. Người ta xáo xới chuyện đất đai và làm việc gì khi ruộng không còn. Xã có mười thôn thì hai thôn đất ruộng đã giao xong cho dự án. Dân làng Sơn Lâm nhận tiền được bốn tháng rồi. Phú Lâm vài hôm nữa. Tiền ấy được nhiều người đầu tư nhà cửa, mua xe, xây cổng nhà đẹp chả kém ngoài phố huyện. Tiền tự nhiên chảy vào túi, ai cũng thấy mình giỏi hơn, oai thêm. Mới năm trước, trong làng chẳng nhà ai làm cổng, chó chạy trên đường lông nhông. Giờ muốn nuôi thì phải nhốt bên trong mà còn không thoát được cẩu tặc.
Tôi và Nhàn ra về. Vẻ mặt Nhàn như thời bao cấp bị mất sổ gạo. Đất đai trong làng đang sôi sục như chuẩn bị chiến tranh. Người ta quên dần những câu ca dao hay về tình chồng vợ, nghĩa xóm làng, tình máu mủ. Họ không mấy lo nghĩ lối sống thành thị dần lấn về. Kiểu sống đèn nhà ai nhà ấy rạng dần được nhen nhóm, dù các làng trong xã đều lần lượt được công nhận là “Làng văn hóa”...
Về đến ngõ, tôi đi theo Nhàn lại đất chỗ cây khế. Đoạn bờ rào dài hơn năm chục mét, ngày trước ông cụ căng dây rất thẳng, giờ nó cong vênh nhiều đoạn, nhìn thấy chướng mắt. Tôi cầm thước đo, gốc cây khế còn cách bờ rào chung hai nhà đúng năm mét. Nó vô tư nở hoa kết trái. Từng chùm quả ríu lấy nhau mặc dù ngày nào cũng có người hái. Nhàn cho biết, lấy tiền đền bù, trước tiên vợ chồng em sẽ xây bờ rào theo đường thẳng từ trước. Vẫn biết là tường xây nó vô hồn chứ không dịu, không tươi mát có hồn như bờ rào cây. Xây lên, nó yên mặt này nhưng nguy mặt khác. Nhưng Nhàn không còn sự lựa chọn phù hợp.
Bụi cây ở vườn bên rung rung. Nhìn kĩ, tôi thấy Hạ đang làm vườn. Vợ chắc đã đi dạy. Tôi sẽ không gặp Hạ nữa, vì có nói, hắn cũng không chịu lọt vào tai. Đầu hắn luôn nghĩ, tôi bênh vợ chồng Nhàn. Thật ngô nghê. Bao năm ở làng, tôi hiểu đất rất quí với nhà nông. Mất ruộng, nhà nông cô đơn lắm. Nhà Hạ vẻn vẹn hơn hai sào đất. Đồi, bãi không nên mỗi lần nhìn bốn chục mét đất nhà anh trai chạy men tuyến đường nhựa, còn nhà mình thì không, vợ chồng Hạ bực dọc. Về mặt này cũng nên thông cảm cho chú ấy.
Giao ruộng xong, Hạ dự tính sẽ chuyên tâm hơn vào nghề thợ. Nhưng tuổi cao rồi, sức bắt đầu xuống lại hay rượu lất ngất nên chủ thợ thường xếp làm dưới thấp, bị giảm tiền công. Hắn càng cáu. Mấy hôm trước, không biết uống ở đâu về, Hạ lại hướng mặt sang nhà anh trai gây sự, buộc Nhàn phải phản ứng. Chỉ chờ thế, hắn về nhà vác dao nhảy qua bờ rào, định chém anh trai. Hú vía. Mấy người hàng xóm kịp đến ngăn và báo ngay công an. Hạ bị lập biên bản, chịu phạt, buộc phải cam đoan chấm dứt gây mất trật tự công cộng. Hôm sau xã có giấy mời hai gia đình lên trụ sở để giải quyết việc gây mất trật tự an ninh. Nhân đây, họ nhắc lại đơn của Hạ về đất đai giữa hai nhà là thiếu chứng cứ. Lẽ phải thuộc về Nhàn. Hạ cắm mặt đi. Sau buổi ấy, Nhàn nói với tôi, rằng xã không giải quyết theo lí lẽ của chú Hạ vì đất nằm trong hồ sơ địa chính trên xã mấy chục năm rồi. Cán bộ bảo, ai làm sai, pháp luật sẽ can thiệp. Họ nhấn mạnh: đừng vì chuyện đường đi qua mà sinh lòng tham. Nhưng em vẫn áy náy với xóm làng không muốn ló mặt ra ngõ.
***
Dân làng Phú Lâm nhận thông báo của bên dự án đến nhà văn hóa thôn nhận đền bù đất ruộng. Tiếc ruộng nhưng ai cũng thích khi được đi nhận tiền. Nhà cao nhất hơn hai tỉ, ít nhất được gần ba trăm triệu. Kí tá bàn giao ruộng rồi, giá thấp hay vừa chả cần nghĩ nữa. Đất thì không rõ được làm nhà máy khi nào, chỉ biết nó nhanh chóng được quây tôn. Người làng Lâm lần đầu trong đời cầm trên tay những cục tiền mệnh giá lớn, mới tinh vừa sướng vừa lo. Nhà Nhàn hơn hai tỉ, nhà Hạ chín trăm triệu.
Nhận tiền ít hơn bên anh trai, Hạ thấy mũi cay cay, chân tay hắn cứ như con hổ bị cắt đuôi.
Cầm cục tiền vuông vức, mới tinh, đồng nghĩa với số đông dân làng Lâm từ nay buông rời tay cày tay cuốc. Một số nhà còn mấy thẻo nhỏ, nhưng khó làm vì khó phần nước nôi. Ai trong độ tuổi qui định thì có tên trong danh sách là người trong nhà máy trong tương lai. Vợ chồng Nhàn và Hạ không thuộc diện ấy.
...Chẳng phải ra ruộng nữa, giống Phú Sơn mấy tháng trước, làng như một công trường lớn. Xe chở vật liệu xây dựng, đi lại làm oằn cả nền đường thôn. Tuyến đường bê tông chỉ mấy hôm, xe lớn chạy bị oằn, vỡ. Dân tình đua nhau sắm ti vi tủ lạnh, râm ran thời sự về Mỹ, Nga, Tây, Tàu vanh vách. Sôi động nhất là người làng rôm rả bàn về lợi ích kinh tế khi con đường liên tỉnh đẹp như mơ chạy qua. Cũng vì nó mà nhiều người ghen tị nhau. Hạ và anh trai không muốn nhìn mặt.
Ngày mai Nhàn sẽ khởi công xây đoạn tường rào ngăn hai nhà. Nhàn xót khi phải bỏ hàng rào xanh mướt mấy chục năm nay. Nó vững đấy nhưng vài tháng sau là mốc thếch, rêu phong, tìm đâu ra màu xanh mát mắt. Xót lắm nhưng vợ chồng Nhàn vẫn làm. Họ để lối đi nhỏ chỗ cây khế để em dâu sang vườn hái. Nhàn nghĩ, hàng rào bằng gạch sẽ là vĩnh viễn phân định ranh giới nhưng vẫn còn nơi đi lại cho tình anh em.
Từ hôm bị cán bộ xã cảnh cáo, Hạ ít đi ra ngoài. Vườn cũng chẳng có nhiều để làm. Có ra vườn thì ai làm nhà ấy, anh em cũng ít hỏi nhau. Nhìn cảnh ấy Nhàn cũng day dứt. Nếu cắt đất đến cây khế như mong muốn của Hạ thì nhà mình sẽ mất đi gần một sào. Vì phải nắn thẳng hơn năm chục mét bờ rào. Làm thế vừa trái ý các cụ ngày trước mà vợ con sẽ không xuôi. Đấy là chưa nói xóm làng lại bàn tán. Vậy là chú em khúc mắc vườn tược là có lí do. Biết là anh trai sẽ xây tường rào, vì là dân thợ, Hạ dễ dàng biết được, anh chị cũng phải chi khoản tiền lớn để hoàn thành. Tiền sửa sang phần mộ cho các cụ nữa. Ba người em Hạ, Nhu, Mì không đóng góp thì tiền đền bù ruộng nhà anh cả sẽ vơi đi kha khá rồi. Phần việc này đáng lẽ các em nên góp thì mới phải lẽ, vì là bố mẹ chung. Nhưng lão ấy được ông bà dành phần lớn đất vườn, nhận tiền đền bù nhiều hơn, nên chịu lấy! Từ nay trở đi, khi giỗ chạp, ông đéo bỏ ra đồng nào nữa! Làm cỗ xong, gọi thì ông sang, không cũng đếch cần.
Vợ chồng Hạ suy đi tính lại rồi quyết định lên xã rút đơn kiện chuyện đất cát. Hắn và mụ vợ, một cô giáo làng, thừa biết đòi thêm đất là vô lí, tự chuốc rắc rối, là nhận sự dè bỉu của xóm giềng. Chính cán bộ xã nói rõ: đo lại đất, bên nào sai thì phải bỏ tiền nộp phạt. Vợ chồng Hạ biết mình thua trắng. Hạ biết, trước nay dân làng chỉ khen vợ chồng Nhàn là sống có tình có lý. Họ không ngại ngần khi nói thẳng Hạ là dạng Chí Phèo, còn mụ vợ là kiểu người tham lấy được, ăn cháo đá bát, cái mồm ngoa ngoắt chỉ nói mà không nghĩ. Hạ chả biết Chí Phèo gốc gác từ đâu ra, nhưng hắn nghĩ, phải xuống thang mới đỡ mệt.
Nhưng hắn buồn. Mỗi khi nghĩ đến mốc giới đường lớn chỉ cách vườn nhà mình năm mét, Hạ phát điên. Lúc ấy chỉ muốn làm một chén. Mỗi lần sang nhà anh trai lấy khế, hắn nhìn khu vườn, thấy xanh mướt rau củ quả. Thật ngon mắt. Nhà mình dư hai sào, mất non một nửa để làm nhà ở, chuồng trại rồi. Giờ muốn cũng chẳng đào đâu ra. Mua được vài héc ta đồi rừng cũng phải cả trăm triệu. Đất cát bây giờ thổi giá đến khiếp. Cứ như dưới tầng sâu kia đang cất vàng.
Mấy ngày sau, bờ rào ngăn đôi hai nhà được xây xong. Nhàn là tay thợ có nghề nên công trình chắc và dẹp. Lối đi để vợ chồng Hạ sang lấy khế, Nhàn để khá rộng. Chú thím là em, trăm cái lí không bằng tí cái tình.
Không phải làm ruộng, dân làng Lâm thêm phần nhàn rỗi. Đàn ông có sức khỏe thì đi cửu vạn, làm thợ, đàn bà thì chạy chợ buôn bán nhì nhằng. Nhưng thu về chẳng bao nhiêu. Một thời ai cũng tưởng buôn bán dễ, cứ có vốn là làm được. Những nhà mở quán kinh doanh bên Phú Sơn đang kêu trời vì khách nợ, âm vốn, ế ẩm. Nhiều người thở dài: làm ruộng khó giàu nhưng đêm về còn được giấc ngủ ngon.
***
Xã Phú Thọ đạt chuẩn văn hóa mới được hai năm rồi. Hai thôn Sơn Lâm, Phú Lâm đã hoàn thành tiêu chí “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Thực sự là mừng cho làng quê mình nhiều nét đổi thay, nhưng tôi vẫn thấy áy náy khi nhiều nét đẹp từ xa xưa dần vơi dần nhạt.
Chẳng cứ Phú Thọ, các xã tôi đi qua, phố huyện nơi tôi dạy học, để đạt chuẩn văn hóa đúng nghĩa thì còn nhiều việc phải làm. Văn hóa làng xã cần nằm sâu trong ý thức mỗi người. Chính quyền thật sự sâu sát, uốn nắn mới được, chứ không phải chỉ phổ biến chủ trương, dựa vào khung điện đường trường trạm là... xong. Ở xã này, lâu rồi tôi ít thấy đoàn thanh niên hoạt động. Hội phụ nữ thì chỉ giúp nhau vay vốn, tự rủ nhau đi thăm vài ca đẻ. Chi bộ Đảng, Mặt trận thôn hình như chưa có độ sâu trong vai trò chỉ đạo. Ruộng ít đi, âm thanh làng quê, hồn ngõ xóm dần mai một. Thanh niên lớn lên là rủ nhau đi tiệt, chả đứa nào ở nhà để làm những việc cần đến sức trẻ. Mấy năm trước, ông bà Lành theo nhau về với tổ tiên chả tìm được thanh niên đi đào mộ, đành phải đi thuê.
***
Mặc thế sự nhân tình, cây khế nhà Nhàn cứ vô tư khoe sắc cả vạn chùm hoa tím một vòm trời. Ong mật xôn xao hút hoa, thụ phấn làm cây khế thêm sai quả. Thời điểm khế dần chín, không có đại bàng đến ăn như trong cổ tích nhưng các chú chim từ chào mào, vàng anh hay chim sâu rích rích cả ngày. Chúng ăn quả tít ngọn cao như muốn nhường quả nơi thấp cho người. Một sự lạ ở làng Lâm, làng có hơn chục cây khế. Tất cả đều nhiều quả, nhưng lại chua, trừ việc nấu dấm ra, không ai có thể ăn được. Cây khế nhà Nhàn lại riêng biệt. Nhiều người nghiện ăn, xin mãi cũng nể, hỏi mua nhưng chú thím Nhàn chỉ cười. Sẽ không bao giờ bán mà để mời xóm giềng đến hái. Đến đây để nhân lên tiếng cười, gắn kết đi lại đầu làng cuối ngõ. Nó là lộc từ đức độ của các cụ để lại. Lộc bất tận hưởng. Vợ chồng Nhàn thấy nhẹ nhõm vui vui.
Đứng trên đường tỉnh lộ mới làm xong, ngắm cây khế ngọt lá xanh mướt, vườn tược nhà Nhàn và những hộ ven tỉnh lộ phủ một màu xanh hoa trái là thấy bàn tay làm lụng, yêu quí đất đai của người nông dân quê tôi. Nhưng mở đường không phải mang đến cho mọi người thành quả như nhau. Người được hưởng đền bù nhiều, người thì ít. Nhưng sự văn minh nhờ con đường thì ai cũng được hưởng.
Trời đẹp, lồng lộng xanh cao. Vợ chồng Nhàn cũng đứng trên tỉnh lộ còn mới nhựa đường, nhìn vườn nhà và cây khế. Một màu xanh của mấy sào đất. Cách đường lớn chỉ độ bốn mét, cây khế khẽ rung cành trước làn gió thổi. Màu vàng từ quả chín, màu xanh của lá làm hai người vui. Sự mâu thuẫn đất đai của anh em Nhàn được giải quyết về pháp lí. Còn sự thoải mái trong lòng thì hãy để chú thím có thêm thời gian. Anh chị vẫn mở rộng cửa cho các em. Đất của nhà mình nhưng cây khế mãi mãi là của chung. Vợ chồng Nhàn nghĩ thế.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...