Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
23:36 (GMT +7)

Cầu thang trong đời sống người Tày – Nùng

VNTN - Nhà ở truyền thống của người Tày - Nùng là nhà sàn ba gian hai trái, cốt tròn hoặc vuông. Nhà được chia làm ba tầng, tầng dưới thường để gia súc gia cầm và nông cụ, tầng giữa là nơi người ở, tầng trên là nơi cất giữ và bảo quản lương thực. Ba tầng này được nối với nhau bởi cầu thang. Và các loại cầu thang thật sự có ý nghĩa trong đời sống tinh thần người Tày - Nùng.

1. Cầu thang trong sinh hoạt hàng ngày

Khi lên nhà người Tày - Nùng thường rửa chân rồi mới bước lên cầu thang. Cầu thang người Tày - Nùng thường được làm 9 bậc hoặc 7 bậc, 12 bậc.

Trong hát dân ca giao duyên của trai gái người Tày - Nùng khi trai hoặc gái bản khác vào nhà nào đó trong làng nghỉ trọ thì gái hoặc trai trong bản sẽ đến nhà đó mời khách hát dân ca. Nội dung trong cuộc hát sli hoặc lượn là mừng làng bản, mừng mỏ nước, mừng Thần Hoàng Thổ Công, mừng vườn cảnh, mừng cầu thang… Bài “Mừng cầu thang” (Dồm đuây) trong lượn Then của người Tày ở miền Đông Cao Bằng như sau.

Khách hát mừng:

Cất chân bước đến thang này

Thang này thật phải người tài làm nên

Chín bậc nâng tựa phong tiên

Chúng tôi xin phép bước lên thang này

Hát lượn:

Đoạn thôi tôi xin mừng thang này

Bậc một có rồng bay lân múa

Bậc hai là lõi gỗ thanh tâm

Bậc ba là gỗ trầm quý giá

Bậc bốn lân thong thả bình yên

Bậc năm gỗ giao kim tứ thiết

Bậc sáu bậc giao kết quế chi

Bậc bảy bậc uy nghi phép tắc

Bậc tám bậc phượng hạc tiêu giao

Bậc chín gỗ tâm đào long hội

Thang này người minh diện đi về

Mọi bậc thang thơm quê đồng ruộng

Thang này người lên xuống vinh hoa

Gửi lời mừng thang này quý chủ.

Được khách hát mừng những lời ca đẹp đẽ, chủ nhà lúc này là trai thanh trong bản sẽ cất lời cảm ơn khách bằng lời khiêm tốn như sau:

Chủ hát đáp:

Em về mừng đến thang này

Đường xa gỗ hiểm khốn thay thang tồi

Thang này gỗ xấu bên đồi

Em về mừng đến những lời đẹp sao.

Lượn then:

Được nghe tiếng em mừng chiếc thang

Nói những câu lời vàng ý ngọc

Thanh một là cây tảng trong rừng

Thanh hai là gỗ rồm cạnh suối

Thanh ba bằng cây ổi bờ ruộng

Thanh bốn bằng cây đa gần rẫy

Thanh năm cây đẩy đướt chân

Thanh sáu cây đa đăm tróc vỏ

Thanh bảy bằng cây mía rỗng trong

Thanh thứ tám cây vông ven rẫy

Thanh thứ chín cây phấy chết khô

Làm gì xứng những lời em ca.

Cây tảng, cây rồm, cây ổi, cây đa, cây mía, cây vông, cây phấy,… là những loại cây thân gỗ mềm, rỗng hoặc cong không phải là cây gỗ đẹp chắc bền, những loại cây này người Tày - Nùng chẳng mấy khi dùng đến ngay cả làm củi cũng chẳng màng. Bằng cách nói so sánh như vậy thể hiện sự khiêm nhường của chủ nhà.

Cầu thang nhà sàn người Tày. Nguồn: Baocaobang.vn

Thực tế khi làm cầu thang người Tày - Nùng thường chọn loại gỗ tốt như gỗ lim, gỗ nghiến, gỗ đinh trên núi đá để đóng. Hai thanh cây vịn cầu thang được bào nhẵn đầu gác lên sàn nhà có trạm khắc hình đầu rồng hoặc cá chép… Cầu thang từ tầng hai lên gác cấu trúc cũng như cầu thang tầng một nhưng thường là bảy bậc và đơn giản hơn.

Chiếc thang đã đi vào dân ca, ca dao tộc người Tày - Nùng. Chẳng thế mà khi muốn mời khách đến chơi họ có câu nói vần thể hiện sự mến khách của chủ nhân.“Dá hử tin đuây tứn tầu gầy/ Dá hử phác đuây tứn chóp thếp” (Chớ để chân thang mọc rêu dày/ Chớ để tay thang mọc nấm mốc).

2. Cầu thang trong đời sống tâm linh

Người Tày - Nùng quan niệm: con người có phần xác và phần hồn Vía gọi là Khoăn. Phần xác và phần Khoăn luôn tồn tại song song, nhưng có thể một số phần Khoăn rời cơ thể đi chơi hoặc siêu tán không về, tập trung trong cơ thể thì cơ thể người sẽ ăn uống kém sinh ra ốm đau. Muốn gọi Khoăn về phải mời thầy về nhà làm lễ cầu yên giải hạn, nối số… Trong các lễ này bao giờ cũng có chiếc thang đón Khoăn (Đuây Khoăn - Thang Vía). Tùy từng lễ mà người ta dùng chiếc thang 7 bậc hoặc 9 bậc, hay 12 bậc. Ba loại thang này được làm bằng cọng lá chuối, bậc thang được làm bằng nan tre tượng trưng là thang đón Vía con người đi về trong cõi âm. Trên các bậc thang có gắn tiền âm, trên hai thanh dọc cầu thang cắm hình nhân và cờ cắt bằng giấy màu. Ý nghĩa các vật này là tiền cho binh quân bên cõi âm trông coi thang Vía.

Loại thang 7 bậc là loại dùng cho tất cả các trường hợp gọi Vía người siêu tán về nhà nhập vào thân xác người như trong Lễ Cầu yên hoặc trong Lễ Cầu tự… Mục đích lấy Vía người siêu tán xuống nước hay “Au Khoăn Thôm Cháng” (Đón Vía người mẹ ở dưới ao lên). Người ta quan niệm phụ nữ mắc tội cơ thể ô uế nên Vía bị dìm xuống ao nước Thôm Cháng trên trời cho đỉa vắt cắn. Nên sau khi sinh nở cần phải tháo ao nước, cắt đỉa vắt rồi đưa Vía người lên bờ có vậy người mẹ mới khỏe mạnh. Người ta lấy chậu nước tượng trưng là ao nước thả vào chậu mấy cọng rơm nhỏ (tượng trưng là đỉa, vắt), đặt ngọn đèn dầu trong đó (tương trưng là mặt trời), chiếc thuyền bằng bẹ chuối đón Vía người được đặt ngang trên chậu nước. Đặt chiếc thang 7 bậc dựng đứng xuống chậu nước (thang để Vía ở dưới nước leo lên), ngoài ra còn có gương lược và chiếc khăn rửa mặt một đầu vắt trên thành chậu, một đầu thả xuống nước các vật dụng này để Vía người rửa mặt soi gương, chải tóc thay quần áo trước khi vào nhà.

Đối với Lễ Cầu duyên những người muộn đường tình duyên, người ta sẽ làm chiếc thang 9 bậc. Người ta dán giấy màu vàng phủ lên 9 bậc thang. Đầu và đuôi thang dán hai hình nhân xanh đỏ (trai, gái). Chiếc thang có ý nghĩa cầu cho nam, nữ có đôi lứa. Trường hợp tách duyên âm hay tách “Lừa bạn” (bạn bè rủ đi chơi) sẽ làm ngược lại chiếc thang và chiếc thuyền sẽ được chặt đôi bỏ ra ngoài một nửa, một nửa buộc trên cửa sổ trong buồng tín chủ.

Đối với Lễ Cầu trường thọ trong mục Bổ Lương cho hũ gạo Vía của người cao tuổi từ 49 đến 61 và 73 tuổi (Pủ Liềng - Pủ Lường) người ta làm chiếc thang 7 bậc cạnh Hũ lương (Dảo Khẩu Khoăn). Đối với người Bổ Lương ở tuổi 85 (đạt đến chữ Ninh) thì làm thang Vía 9 bậc.

Trong Lễ Cầu trường thọ người đạt đến tuổi trên 90 (Kỳ ri thọ) người ta làm chiếc thang 12 bậc tượng trưng cho 12 tháng trường thọ của người cao tuổi. Sau lễ, chiếc thang sẽ được buộc cạnh Hũ lương trên cây thượng lương trong nhà.

Thang 12 bậc còn được dùng trong Lễ Khẩu slảo Khai quang hoặc lễ đưa Ma Ham về trời. Các trường hợp này thang 12 bậc tượng trưng cho 12 cửa trên Thiên đình, để tín chủ Khai quang học nghề Đạo Sư, Pháp Sư. Hồn Vía của các vị này sẽ qua 12 bậc thang để về trời. Sau lễ, chiếc thang được gắn lên cửa sổ nơi tín chủ ngủ. Đối với Lễ mừng thọ thì thang đặt vào Hũ lương buộc lên trên cây thượng lương.

Bài ca về “Thang Mệnh” trong lễ Bù Lương người cao tuổi của người Tày - Nùng có nội dung như sau:

Thang mệnh có ba dóng bắc lên trời/ Năm bậc bắc lên tận cung/ Bảy bậc đưa Vía về dương gian/ Bậc dưới để khóa hồn/ Bậc trên để khóa Vía/ Chẳng cho Vía lên trời/ Chẳng cho Vía xuống dưới… Mời đến mẹ giữ thang Mệnh/ Mời đến mẹ giữ thang Vía/ Đến lấy lễ cùng quan /Đến lấy cỗ cùng Tản/ Thang mệnh không bắc ngược đầu đuôi/ Ăn ngon miệng nhờ thang Mệnh/ Sống khỏe nhờ thang Vía/ Thầy bắc thang thượng giới đã xong.

Từ đời sống sinh hoạt hàng ngày đến đời sống tâm linh, chiếc thang gắn bó với người Tày - Nùng như biểu tượng về văn hóa truyền thống ở nhà sàn của tộc người này ở Cao Bằng.

Triệu Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy