Cáp treo – phát triển hay phá hoại di sản?
Nếu như không kể tuyến cáp treo đầu tiên dài gần 1km từ đồi Vọng Nguyệt lên đỉnh Bà Nà- Đà Nẵng đã được xây dựng từ năm 2000, gần như không khả dụng, thì kể từ khi tuyến cáp treo Đà Lạt - Lang Biang dài 2.300m từ đỉnh đồi Rôbin đến Thiền viện Trúc Lâm, ở độ cao 1.600m so với mực nước biển được khởi công xây dựng từ 3/2/2002 đến 24/1/2003 hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động từ 1/2/2003, hiện tại ở Việt Nam (VN) đã có 9 hệ thống cáp treo đang hoạt động ở các vùng di sản văn hóa, thiên nhiên quốc gia: Cáp treo Yên Tử - Quảng Ninh, Tây Thiên - Vĩnh Phúc, Chùa Hương- Hà Nội, Bà Nà - Đà Nẵng, Vinpearl Land - Nha Trang(Khánh Hòa), Tà Cú - Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), Vũng Tàu - Bà Rịa, Núi Bà - Tây Ninh.
Và một vài dự án cáp treo đang gây tranh cãi “tồn tại hay không tồn tại” như cáp treo ở Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn trong “Quy hoạch tổng thể Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030”, dự án xây cáp treo xuyên vịnh Hạ Long của Ban quản lý vịnh Hạ Long và gần nhất là dự án cáp treo Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Không thể phủ nhận lợi ích của cáp treo đã làm tăng lợi nhuận trong kinh doanh ngành du lịch VN bằng việc số lượng du khách tham quan và hành hương đến các di sản văn hóa thiên nhiên, văn hóa tâm linh mỗi ngày một nhiều. Chưa kể lợi nhuận khổng lồ cho “nhà chủ” cáp treo từ tiền vé.
Cáp treo là một phương tiện giao thông hữu hiệu hỗ trợ cho việc đi đến những địa điểm tham quan du lịch được nhanh chóng và tiện lợi, thậm chí nó là phương tiện đắc lực, có công lớn để rất nhiều khách hành hương về các vùng di sản tâm linh thực hiện được ước mơ trong đời của mình khi tuổi cao sức yếu, không thể leo trèo một khoảng đường núi cao, dài.
Cáp treo còn tiện ích tiết kiệm thời gian, nhất là các “gói” tour du lịch lữ hành đưa khách đi tham quan được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất mà không quá vất vả đi lại. Ngoài ra, cáp treo còn là một phương tiện tham gia vào hoạt động du lịch, như một thành tố trong sản phẩm du lịch, để du khách có thể từ cáp treo ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ từ trên các độ cao mà sức người khó có thể lên đến được…
Cáp treo thực sự là một phương tiện tiện dụng và có ích, vì thế một số di sản văn hóa tâm linh hay di sản thiên nhiên đã lấy cáp treo như một cách quảng bá cho du khách đến với mình. Nhưng, nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bỏ qua cái hại lâu dài của cáp treo ảnh hưởng đến sự bảo tồn, sự bền vững của di sản như thế nào, thì thật là nguy hại đến sự “sống”- “chết” của di sản.
Và đây cũng chính là cuộc tranh cãi chưa thống nhất giữa nhiều “nhà” liên quan đến di sản, trong đó có cả UNESCO.
Ảnh: Đào Tuấn
Theo ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN: “... Bảo tồn di sản để phục vụ phát triển chứ không phải vì sự tồn tại vĩnh cửu của di sản. Phát triển là nâng cao đời sống, nâng cao nhu cầu hưởng thụ của con người nhưng không có nghĩa hy sinh di sản, tổn hại tới di sản mà ta gọi là phát triển không bền vững. Bảo tồn để tạo tiền đề khoa học sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, bổ sung vào kho tàng di sản, bảo tồn còn khiến những phương tiện ấy thành công cụ giao lưu, hợp tác quốc tế làm cho các dân tộc, các quốc gia hiểu nhau hơn…”
Phó Vụ trưởng Lữ hành Tổng cục Du lịch VN- Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Cách xây cáp treo ở di sản để phát triển du lịch đã "chết yểu" từ lâu trên thế giới bởi người ta đã đánh giá được hậu quả lớn thế nào khi phá hoại cảnh quan di sản, thiên nhiên. Khi đó giá trị di sản có thể trở về con số “0” và lúc ấy thì đừng mong đến việc kiếm lợi nhuận từ di sản”.
Cáp treo, không đơn giản như thả những sợi dây ròng rọc để người đu qua như kiểu các nhà thám hiểm hay môn thể thao leo núi thường thấy, nó là một nhà ga, có bến đỗ, trạm trung chuyển, có cả một bộ máy vận hành phức tạp, như đoàn tàu chở khách trên không. Mỗi một tuyến cáp treo được xây dựng ở các khu di sản như thế, là phải phá rừng, chặt cây, phát quang cả một diện tích không nhỏ. Chưa kể khi cáp treo vận hành, thì toàn bộ môi trường sinh thái của di sản bị ảnh hưởng, không những các sinh vật ở nơi này hoặc bị tiêu diệt, bị ảnh hưởng đến sinh trưởng bởi các điều kiện môi trường tự nhiên của thiên nhiên đã bị phá vỡ.
Hang động trong chùa Hương - Hà Nội các nhũ đá ám khói hương đèn đã phá hỏng hết vẻ đẹp tự nhiên của các điêu khắc đá do thiên nhiên tạo tác. Từ khi Yên Tử có cáp treo, thì không gian “Thiền” trang nghiêm, linh thiêng của nơi này đã trở nên biến dạng với những cuộc “đổ bộ” ào ạt du khách, biến nơi này như một nơi hội hè đầy nhộn nhạo xô bồ, cả rừng cây trên núi như bị lật nhào bởi các cuộc “càn quét” của con người, hết bẻ măng trúc, đến đào lật các loại rễ cây để làm thuốc, rồi bứng cả những kỳ hoa dị thảo mang về nhà như “chiến lợi phẩm”… Với cáp treo Tây Thiên - Vĩnh Phúc cũng thế, hệ thống cáp treo cũng đã “xua đuổi” muông thú chim chóc của rừng nơi này gần như trống rỗng, chưa tính bao nhiêu cây cổ thụ phải “hy sinh” để làm nhà ga cáp treo.
Cáp treo Bà Nà - Đà Nẵng, thuộc loại “danh giá”, được công nhận đạt hai kỷ lục Guiness thế giới, nhưng rồi du khách đến với Bà Nà ngày càng thưa thớt. Ngày trước Bà Nà hút du khách bởi sự hoang sơ của một ngọn núi mang khí hậu ôn đới với nhiều kỳ hoa dị thảo, chim muông kỳ lạ lạc giữa cái “chảo” lửa miền Trung. Nay xây xong hai tuyến cáp treo lên núi, cũng là phá vỡ cái sự hoang sơ mà du khách “thèm khát” khám phá đó, họ không còn quan tâm.
“Khi bảo tồn thành sản phẩm du lịch văn hóa thì tạo động lực phát triển cho ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch. Nếu không phát triển thì lấy đâu ra nguồn lực để đầu tư phát triển bảo tồn” - Ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành VN: “Hiện nay du lịch thế giới và nước ta đang theo xu hướng du lịch có trách nhiệm và bền vững. Có những điểm du lịch trên thế giới người ta còn hạn chế không cho nhiều người tới để khuếch trương hình ảnh cho điểm đó, khu vực đó nhưng cũng khiến cho du khách tò mò và muốn đến đó bằng được”.
Cáp treo - Kẻ phá hoại di sản tiềm ẩn
Kèm theo cáp treo Fanxipan là một khu liên hợp gồm có sân golf 18 lỗ, các resort cao cấp và nhiều khu vui chơi giải trí đa năng khác và cả một Thiền viện nguy nga tráng lệ trong mây... Không một quốc gia nào lại triển khai dự án du lịch tầm cỡ trong Vườn quốc gia như vậy. Cáp treo có công suất tới 2.000 khách/ giờ, một ngày dự tính tới 20.000 khách, trong khi trên đỉnh Fanxipan chỉ chứa 1.000 người đã là quá tải. Tương lai “Nóc nhà Đông Dương” sẽ trở thành “hội chợ” người với bao nhiêu hệ lụy kèm theo. Không cần nói thêm mộng du lịch khám phá “Nóc nhà Đông Dương” cũng trở thành cát bụi. Du lịch mạo hiểm ở nơi này xem như chấm hết.
Tiếp tục hết hồn với việc Chính phủ dự định sẽ xây dựng hệ thống cáp treo ở Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là một trong những nội dung của dự án “Công viên Khoa học trong Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn” được UBND tỉnh Hà Giang công bố từ tháng 4/2013, năm 2016 đang trong giai đoạn khảo sát. Dự kiến, một hệ thống cáp treo sẽ được xây dựng để phục vụ du khách ngắm cảnh hẻm vực Tu Sản và thung lũng sông Nho Quế…
Không cần tưởng tượng, khi cáp treo xây dựng, không chỉ cây rừng mà đá núi cũng bị tàn phá… Kèm theo những “đoàn quân” du khách kéo lên Hà Giang, thì tất cả những gì gọi là văn hóa bản địa, những hoang sơ thuần chất của miền rừng, những vẻ đẹp của thời gian cũng sẽ bị cuốn theo bước chân du khách, “Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn” chắc chắn biến dạng cả “thể chất lẫn tinh thần”.
Những người yêu vẻ đẹp tuyệt tác của Vịnh Hạ Long sửng sốt không kém khi nghe dự án xây cáp treo xuyên vịnh Hạ Long của Ban quản lý vịnh Hạ Long. Chưa thấy khách tham quan đâu nhưng trước mắt, nếu thực hiện, thì biết bao nhiêu hòn đảo đá tuyệt đẹp với hệ sinh thái đặc biệt ở các đảo sẽ bị phả hỏng???
Không chỉ choáng, không chỉ sửng sốt, mà sốc thật sự khi tháng 10/2014 tỉnh Quảng Bình công bố dư án hơn 3000 tỉ đồng xây dựng tuyến cáp treo Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tất cả các chuyên gia hiểu biết về hang động thế giới cũng sốc không kém, bởi họ hiểu một khi cáp treo chỉ cách cửa hang có 300m, thì tiếp theo đó sẽ có rất nhiều hệ lụy phá vỡ toàn bộ những giá trị tự nhiên của hang động này. Và giá trị của hang sẽ không còn, xem như chính người Việt đã hủy hoại một báu vật vô giá Trời - Đất ban tặng. Cộng đồng mạng còn lập cả một Fanpage chống lại cáp treo Sơn Đoòng có hiệu ứng xã hội rất mạnh...
“Ăn xổi ở thì”
Chẳng có nước nào lại đối xử với di sản thế giới, với thiên nhiên tàn nhẫn như Việt Nam. Trời đất ban tặng những di sản tuyệt tác là như món quà cho muôn đời con cháu nước Việt thụ hưởng. Cứ như ông Chủ tịch Quảng Bình phát biểu trong cuộc họp công bố dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng (cáp treo Sơn Đoòng): “Tỉnh này vẫn còn nghèo, trong khi Phong Nha - Kẻ Bàng như một viên ngọc nên cần sớm đưa ra khai thác, mời gọi khách du lịch để phát triển kinh tế”…
Và có lẽ vì “vịn” vào cái nghèo mà mỗi tỉnh thành có di sản thiên nhiên, để khai thác làm giàu cho tỉnh nhà đều bất chấp những “di chứng” cho di sản, xem như đây là kho báu “thức ăn nhanh” cần khai thác ngay để thu lợi nhuận được lúc nào hay lúc đó. Việc các đời sau, có còn gì để thụ hưởng thì để “Trời” tính.
Nhưng hãy nhìn vào thực tế, xem lại các tỉnh thành có di sản thiên nhiên, đã có tỉnh nào giàu có, hết đói nghèo nhờ vào khai thác du lịch di sản? Hay cũng chỉ là “ăn xổi ở thì”, tham lam cái lợi trước mắt, khai thác cho cạn kiệt đến có thể, phá hoại và bức tử di sản, chẳng cần biết đời sau thế nào.
Thay vì làm sao giữ gìn di sản được tốt hơn, bảo tồn những gì thiên nhiên ban tặng, giữ gìn một cách khoa học và ý thức bằng cả “Tâm”- “Tầm” về di sản mình đang nắm giữ như quốc bảo vô giá, khai thác có chừng mực để còn “ăn” lâu dài sang đến đời con đời cháu hàng nhiều thế kỷ sau.., chứ không phải “ăn xổi ở thì”, khai thác bằng mọi cách, và rồi tận diệt di sản cũng bằng mọi cách trong sự tham lam và kém hiểu biết.
Cáp treo, nếu như đừng bất chấp sự phá hoại cảnh quan biến nó thành một phương tiện nhanh- nhiều lợi nhuận để khai thác di sản, để rồi trở thành kẻ làm kiệt quệ phá hoại di sản nhanh nhất, mà hãy sử dụng nó như một phương tiện phụ trợ “thân thiện” với di sản.
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...