Cành ổi kẹp chân
DÀNH CHO CÁC EM NHÂN NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1/6
VNTN - Nhà tôi ở xóm bãi ven sông, gọi là xóm soi để phân biệt với xóm gò.
Ngoài soi, vườn nhà nào cũng toàn chuối là chuối. Mùa thu mùa chuối già, chuối chín. Buồng bằng đòn gánh, quả bằng quả dưa… la liệt cong oằn sau nhà, trước nhà, đường đi lối lại... Chuối rẻ quá, ăn trừ cơm chả được, thôi thì kệ nó trên cây, có đẵn vào dựng đầu hồi thì cũng bỏ đấy đến nhũn thối, gà đi qua chả thèm ngó nghiêng.
- Giá như lúc này có múi mít, quả ổi mà ăn. - Mẹ nhìn buồng chuối chín rũ, tự nhiên nói.
- Sao nhà mình không trồng mít, trồng ổi? - Tôi hỏi mẹ mà thèm.
- Vườn nhà mình bằng cái bàn tay, hai cây mít là úm hết mọi thứ.
- Thì trồng mỗi ổi… con thích ăn ổi.
- Ối dào… chỉ tổ nát rào, suốt ngày trẻ con cả xóm rinh rích trèo chọc. Thôi, con thích ăn thì vào ông mà hái.
Nhà ông ngoại tôi ở trong gò. Rìa bãi sắn có một cây ổi đào ngon tuyệt. Mùa ổi chín tôi hay vào “thăm” ông. Ông suốt ngày ở nhà, cặm cụi vót nan, đan lát... Ông thấy cháu vào thì sướng lắm, mắt sáng lên, nhưng cái lưng còng quá phải một lúc mới đứng dậy được. Ông hỏi chuyện ngoài xóm, chuyện học hành của tôi. Tôi đáp, cũng bình thường thôi ông ạ. Ông gật gù - ngoài đấy có phong trào học nên đứa nào cũng ngoan, chả như trong này… đấy, thằng Sung lớp 4 rồi mà toàn nói trống không, hôm rồi hai mẹ con nó bắt ốc dưới đồng, mẹ nói một câu, con cãi một câu, ông nghe mà đau lòng quá. Dưng mà có cái Lan (cũng bằng tuổi cháu đấy) lại ngoan thế không biết, học về là cơm nước lợn gà đâu ra đấy.
Tôi nghe, miệng vâng vâng mà hồn vía ở trên cây ổi mất rồi.
- Dạo này chuối ngoài đấy có bán được không? - Ông lại chuyển chủ đề.
- Rẻ thối ông ạ. Thỉnh thoảng bố cháu lại chặt vài buồng, đem ra sông ném.
- Trời. Thế thì lấy đâu ra tiền cho cháu ăn học.
- Cháu chả biết.
- Thôi, việc của cháu là học. Bố mẹ cháu khắc lo, thiếu thì ông cho. Hôm qua ông bán được năm cái rổ liền đấy.
- Cháu lên gò chơi ông nhé.
- Ờ, lên mà hái ổi. À này lấy cái sào nứa ông để dưới gốc ấy mà chòi, đừng có trèo nhỡ ngã thì khốn.
- Vâng ạ.
Tiếng vâng ạ rõ to, vù cái tôi đã trên gốc ổi.
Chao ôi là thơm. Hương cứ thoang thoảng, thoang thoảng làm mũi tự nhiên hít hà. Gió đến đây, chỉ muốn ở đây, chầm chậm, khe khẽ. Tôi co vai lại, cố nghĩ cao lên vòm trời, thì… ố ô… ổi lại ngay sát môi, thơm đậm thơm đà.
Chao ôi là ngon. Quả bằng cái chén, màu mỡ gà, chả nắng mà cứ ánh lên như gọi. Quả lấp ló trong lá, quả la đà ngoài cành… thi nhau khoe chín.
Tôi nhảy tớp lên, túm được một quả chín mụp ở cành thấp. Răng miệng thèm quá, chỉ loáng thoáng là ngọt lừ, rồi ngon trôi tuột xuống bụng lúc nào không biết.
Tôi kiễng chân với tay lấy quả nữa, cắn đôi ra, thấy cùi đỏ, hạt vàng nhạt… khiêu khích. Thì chén, chậm một tí xem ngon thế nào… vẫn ngon thẻm. Hai quả làm tôi hạ nhiệt cơn thèm, chân tay miệng mũi không còn líu ríu nữa.
Tôi ngước nhìn lên, mắt lướt lướt soi soi vòm lá. Càng ở cao, quả càng to, toàn cỡ cái chén hoa hồng. Xanh, ương, chín chen nhau bám cành mỏi cuống. Ô kìa, có quả gì lạc vào đây kìa… - Tôi kêu to, không tin ở mắt mình nữa. Chót trên cành đẩng, đúng là quả ổi, không phải bưởi bung, lạc lõng gì sất. Nhìn xa đã thấy bằng cái ấm trà, vàng ươm, treo treo, đung đưa… Quả này… quả này mang về ta sẽ nổi tiếng khắp xóm Soi. Tôi hít hít, thấy mùi thơm đúng từ quả “khổng lồ” ấy xuống.
Vội vàng, cuống quít sợ ai bất ngờ đến lấy mất làm tôi cứ trượt trượt trên thân ổi. Tôi trèo không phải loại xoàng; nhãn, vải, dâu da nhà ông, cây nào, cành nào cũng in dấu chân tay tôi. Làm sao cây ổi này dở chứng, hay nó muốn giữ quả “đại tướng” làm giống? Không phải, là tôi nghĩ thế thôi. Cây ổi của ông bằng tuổi mẹ tôi, không cao lắm nhưng thân vừa to vừa trơn. Trèo nó không thể như “con mèo mà trèo cây cau” được. Da nó cứ bóng nhẫy như có ai vừa bôi mỡ vào, lại chả có hốc hay mấu để đu bám người lên. Đã thế, qua đoạn gốc to, cây lại chẽ ra hai thân (khít nhau) cũng to gần bằng bố mẹ, độ trơn cũng tầm mỡ lợn. Hai thân này, như cái ngã ba, ý bảo người trèo, lên đường nào thì lên đi, phân vân à… cho ngã.
Khó vậy nên muốn lên chỉ có cách… từ xa lấy đà chạy nhanh vào, chạy trên thân dựng đứng mấy bước thì tức khắc tay bám luôn vào cành ở trên. Kiểu trèo như làm xiếc ấy là tự tôi nghĩ ra sau mấy vụ, thấy mình đã lớn. Lớn không cầm sào chọc chọc được toàn quả ương, quả bé. Kiểu “trèo chạy” này không phải lần nào cũng được - nếu ăn no, hay đang chạy lại chờn chợn mình bị ngã là y như rằng chỗ mông ái ui dưới gốc ngay.
Lúc này, đầu tôi tưng bừng tiếng gọi quả to tướng trên cao. Tôi lùi ra mươi bước, và bất ngờ dậm chân, ù ù vút vút… đạp đạp… lên lên… thoắt thoắt… Tích tắc thằng bé đã trên ngon lành cành ổi.
Tôi bỏ qua những quả con con, mặc cái chạm vai chạm má, thơm lừng mát rượi… quyến rũ. Quả thành một đường thẳng kéo mắt tôi lên, chân tay cứ theo đó mà lần lần. Rắc rắc rùng rùng, một cành khuỵu xuống, tôi thót bụng luôn thoát được cú nhảy dù sớm. Thì cẩn thận hơn, nhè nhẹ, thử thử nhích dần lên cao.
Tôi đã lên đến cành cao nhất, cả cây chỉ có cành này thẳng đứng. Có lẽ đây là cửa đón gió đón mây của cây nên cành lá cứ uốn éo đung đưa như người hát trên sân khấu. Lại thêm tôi, nó tưởng khán giả hâm mộ quá, càng đung đưa tợn.
Tôi ở trên cái võng đung đưa là đung đưa. Hoa mắt chóng mặt mất một lúc thì... hít thở một cái thật sâu. Người tỉnh ra chả sợ nữa. … Sau mấy lần trêu đùa, cho chạm vào, rồi lại rời xa… thì quả cũng ngoan ngoãn trong tay tôi.
Đường xuống dễ ợt - xuống đất có lực hút của trái đất mà. Có “chiến lợi phẩm” êm êm trong tay nên cả người tôi vi vu gió. Chân tay như có mắt, hạ hạ, tụt tụt, nhoáng cái đã hết cành. Nhưng than ôi, mắt ở chân tay ấy làm sao lại bị… lác. Lẽ ra gần đến “ngã ba” phải dịch sang trái hoặc phải, rồi bắt vào đoạn gốc, xuống đất thì tôi cứ thẳng tiến. Thẳng tiến vậy nên đùi mình chui vào cái khe cây lúc nào không biết. Tôi ẩy người lên, lại bị hút xuống. Tôi mắm môi, hai tay hết sức banh hai thân ra… vô ích, không thấy nhúc nhích. … Tôi không cựa quậy gì nữa. Tôi thấy cái đùi đang từ từ trôi, hai cành ổi như cái trục ép mía hăm hở vì có cây mía to.
Ái ui… đau quá… cứu cháu ông ơi… cứu con mẹ ơi… tôi khóc rồi thôi, nước mắt khô hết, chỉ còn tiếng nấc thỉnh thoảng rung người lên.
Cành ổi tạm giữ thằng bé hai tiếng. Đến chiều tối thì tha.
Mợ Mơ đi đồng về lên nương nhổ sắn, tôi nhìn thấy liền khóc to lên. Mợ chạy lại, hốt hoảng thấy tôi như con chẫu chàng ôm thân ổi, mặt mũi nhợt nhạt.
- Làm sao thế này, xuống đi.
- Cháu bị kẹp, không rút chân ra được. Mợ cứu cháu…
- Chết mất thôi, làm sao lại ra nông nỗi này…
Mợ vừa kêu vừa ì ạch đẩy mông tôi lên. Tôi cũng cố rướn người nhưng không còn sức nữa, lên một tí lại tụt xuống hai tí. Một lúc, không ăn thua gì, mợ buông tay, thở hổn hển. Tôi nhìn mợ cầu cứu, mợ nhìn tôi thở dài. Đột nhiên, mợ lắc đầu, rồi chạy nhanh xuống nhà. Tôi nghĩ, thôi thế là mình bị bỏ rồi, đêm nay ngủ với ma rồi.
Không phải, một loáng, mợ đã quay lên cùng với ông. Ông cầm cái đòn tre, luồn lên trên tôi, qua cành. Ông hô một, hai, ba. Ông bẩy đòn tre, mợ đẩy mông tôi. Một lúc, tôi thấy mình nhẹ bẫng... Mợ đỡ tôi, ông đỡ tôi. Thở phào sung sướng, xuống đất.
Tôi đứng lên, tập tễnh mấy cái, rồi nhảy nhảy, kêu to.
- Cháu tưởng chết mà chả bị làm sao.
- Còn chả bị làm sao à. Hôm nay may mà mợ lên nhổ sắn… không thì cứ ôm cây mà ngắm trăng sao.
- Hì hì, tại cây yêu cháu quá mà. Thôi cháu về đây.
- Thế đi lấy ổi lại không có quả nào mang về à.
- Chết chết… quả ổi khổng lồ của cháu đâu rồi.
Quả ấy không biết rời tay tôi từ lúc nào. Tôi ngó nghiêng, vạch hết các bụi tế, bụi chó đẻ xung quanh. Ông, mợ cũng đi tìm hộ… không thấy. Đúng là ổi ma rồi, to thế, rơi phải xuống đất chứ, chả nhẽ nó mọc cánh bay đi.
Tôi chán nản, lần đầu tiên vào ông về mà tay không có quả gì.
Tối hôm sau, cậu mợ ra nhà tôi chơi. Cậu hỏi, hôm nay Dũng không vào trèo ổi à. Biết là cậu đã nghe ông, mợ kể chuyện, tôi vội giơ chân, chéo tay làm động tác ra hiệu cậu bí mật cho vụ ổi kẹp người này. Nhưng mẹ lại ngạc nhiên nói.
- Thế mà chả thấy nó mang quả nào về.
- Suýt nữa nó phải để chân lại trên cành ổi. Còn mang về cái nỗi gì.
- Sao, nó bị ngã à?… thảo nào, về một cái nó đi tắm ngay. Còn hỏi chị, hộp cao ở đâu…
- Nó không ngã nhưng bị cành ổi giữ lại.
Mẹ tròn mắt thì cậu kể tồng tộc… mợ chốc lại kêu, sợ quá… sợ quá... Tôi lủi nhanh xuống bếp. Tôi xấu hổ cho cái danh hiệu “khỉ con”, chưa bao giờ biết rơi biết ngã, thế mà lại bị nạn rất vớ vẩn.
Ngại ngùng, cố nhịn đến tận chủ nhật, tôi mới dám vào “thăm ông”. Tôi sợ ổi chín rụng hết thì phí của giời.
Thấy tôi, ông bảo luôn, giờ thì yên tâm rồi. Ông nhờ chú Hòa chặt một cành rồi. Thế ạ. Nhưng cháu không trèo nữa, cháu chỉ lấy sào nứa chọc thôi. … Ai theo cháu mà trông không cho trèo được.
Tôi lên cây ổi. Một cành thẳng đứng, một cành chỉ còn vết rìu, ri rỉ nước. Tôi ngước mắt lên, hi vọng lại thấy một quả khổng lồ vàng ươm. Nhưng, vòm lá xơ xác, quả chỉ còn lác đác… chắc chú Hòa hàng xóm quơ một mẻ rồi.
Tôi giơ cái sào nứa lên, đập đập, tức giận. Lá rụng, vài quả vẹo vọ, đầy mụn rụng xuống.
- Hôm nay hiền thế, sao không trèo lên mà hái. - Ông đứng sau tôi từ lúc nào, nói.
- Cây bị chặt thế này nhìn chán lắm. Từ giờ cháu chả trèo nữa.
- Ờ, cây mà bị trèo nhiều thì quả sẽ chua loét.
- Vâng, ổi mà chua thì gọi là quả dọc quả sấu cho xong.
Tôi cùng ông xuống cắt dây lang. Bãi tốt um, ông phải rẽ rẽ, gỡ gỡ mới cắt được. Thấy mấy con cào cào bay lên, tôi chạy theo bắt. Cào cào khôn ranh kéo tôi ra tít cuối bãi. “Mày khôn nhanh thế nào bằng tao”, tôi chộp một nhát được hai con… đang sung sướng khẽ mở nắm tay thì thấy ông kêu lên.
- Ối Dũng ôi, có quả ổi to quá này.
- Đâu đâu đâu… - tôi bỏ luôn cào cào chạy lại.
Đúng là quả ổi to vật vã mấy hôm trước, không biết nó rơi lúc nào, chắc là lúc bị kẹp, người hồn vía lên mây, ổi cũng sợ quá, rơi xuống... Thôi chả cần biết, anh tìm thấy em rồi, mừng rồi. Tôi cúi xuống, nhìn trân trân một lúc mới đưa tay nhặt lên. Lạ thay, quả ổi vừa nguyên hình dạng vừa vào lòng tay thì nát biến.
Tôi giơ chụm hai bàn tay giơ ngang. Nước rỏ xuống, một loáng chỉ còn chi chi hạt, vàng vàng, lấp lánh.
“Cháu sẽ mang hạt này về ngoài soi trồng”. Tôi nói và xuôi dốc luôn, quên chào ông cháu về.
Thấp thoáng trên đồng lúa xanh mướt, có một chú bé, hai tay khum khum, nâng nâng, chầm chậm bước. Những người làm cỏ dưới ruộng đang lom khom tự nhiên đồng loạt thẳng lưng lên… rồi hỏi nhau - sao gió hôm nay có gì mà thơm thế nhỉ?
Truyện ngắn. Du An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...