Cánh đồng thì con gái
Đã hơn 23h mà tôi chưa thể nào chợp mắt. Tiếng quạt kêu ù ù. Ngoài phố, vẫn nghe tiếng xe rú ga ầm ĩ. Tôi trở dậy, mở toang cánh cửa phòng trọ đón chút gió trời. Mấy nay thời tiết trở mùa, thi thoảng có cơn gió ùa vào làm dịu đi cơn nóng. Công việc bận bịu, lâu rồi tôi không về thăm nhà. Mỗi lần nhớ quê, nhớ mẹ, tôi lại mơ màng thấy trước mắt hiện ra cả một biển vàng. Màu vàng của bông lúa trĩu xuống trải dài đường về làng, chạm gót người qua. Màu vàng của cái nắng chói chang trĩu nặng lên tấm lưng mẹ.
Trên tấm áo bạc sờn nốt vá, mồ hôi bị nắng sấy khô chỉ còn đọng lại những vệt muối li ti màu trắng. Cũng như bao người nông dân nơi làng quê, mẹ tôi suốt một đời tảo tần và cam chịu, bất chấp cái nắng cứ vô tâm hong khô thân gầy, bất chấp mưa lũ mỗi năm hung hãn tràn qua. Đất không nỡ phụ công người, mỗi năm hai vụ lúa thênh thang óng vàng như dải lụa. Quê tôi bao đời nay, cứ ra xuân sau mùa Lễ hội Lồng tồng (lễ hội xuống đồng theo tiếng cùa người Tày - Nùng) ngày mồng Mười tháng Giêng Âm lịch, khi nghi lễ cầu mùa được thầy Mo làm xong các thủ tục, người dân nô nức rủ nhau xuống đồng. Chỉ trong một tuần lễ, cả cánh đồng đã phủ lên màu xanh tươi mơn mởn. Màu xanh ấy ngày một nở đất, xóa mờ đi dấu chân người xuống cấy. Đó là cánh đồng đến kỳ bước vào thì con gái.
Mẹ tôi bảo, lúa đương thì con gái trông rất đẹp và tràn đầy nhựa sống, giống như người con gái đến tuổi trăng tròn. Con gái tuổi này phát triển rất nhanh, ra dáng vẻ thiếu nữ, có sức khỏe và sắc đẹp thu hút người khác giới. Cây lúa cũng vậy, đến thì sẽ vượt qua giai đoạn nghẽn bùn, rễ bâm sâu vào lòng đất hút chất dinh dưỡng, rồi đẻ ra nhiều nhánh con mới và phát đòng, cho ta những vụ mùa bội thu. Lúc đó lúa xanh vươn cao, đứng trên bờ không thể nhìn rõ mặt bùn. Mỗi lần ra thăm xem lúa có đủ nước, hay đến thời điểm bón thúc hay chưa, mẹ phải rẽ luống, cẩn thận xem gốc lúa để nhận biết.
Ngày bé, lũ trẻ chúng tôi thường hay trốn ngủ trưa, chạy ra phía cánh đồng đương thì con gái đuổi bắt cào cào, châu chấu đem về chăn chim sáo. Món khoái khẩu của bọn trẻ con lúc đó, là món đòng lúa. Mà phải là đòng lúa nếp căng mọng mới ham. Vì sở thích có phần “phá hoại” này, chúng tôi bị các bà, các mẹ đuổi bắt khắp cánh đồng. Màu xanh ấy còn lưu giữ bao trò tinh nghịch của lũ trẻ chăn trâu. Ẩn sau ngàn xanh cây lúa trổ bông, cái nắng như cùng chơi trò đuổi bắt. Tiếng mẹ gọi vang cùng chiếc roi tre cong như gọng vó, xốn xang cả buổi trưa hè…
Những ngày theo chân mẹ ra đồng, tôi được nghe bà nói về ý nghĩa của màu xanh. Đó là màu của khát vọng, của niềm tin vào sự ấm no hạnh phúc. Bất chấp nắng mưa khắc nghiệt, cánh đồng mãi là nơi nuôi ta lớn, vẫn mãi xanh lên từ khi làm phận đon mạ. Cái màu xanh ấy gieo vào kí ức tuổi thơ tôi, lạc vào giấc mơ tôi những khát vọng. Ngày này tôi bưng bát cơm ở nơi ồn ào phố thị, vẫn nghe văng vẳng đâu đây tiếng mẹ gọi về trong ráng chiều đỏ ửng cả khúc thân đê. Nếp nhăn trên đuôi mắt mẹ hằn lên hình ảnh của cánh đồng làng mùa nứt nẻ, đi qua bao ngày hạn hán vẫn lặng lẽ dâng bông.
Đường về nhà trải rộng thênh thang bao lối đi ngang dọc. Mùi nhựa đường xông lên tựa như cảm giác lần đầu tiên ngồi xe khách xuống phố, ngột ngạt và khát khô… Tôi mải miết trôi về phía cánh đồng tuổi thơ, nơi có mẹ lệch vai gánh màu xanh gieo cấy. Bỗng thấy đến cả mùi phân bò nồng nồng, ngai ngái cũng trở nên gần gũi và thân quen. Tuổi thơ tôi ở nơi này, là những ngày mải mê thả cánh diều bay bổng, đêm về lọt vào hơi ấm ổ rơm. Bầu sữa nuôi lớn giấc mơ tuổi thơ tôi, có mùi bùn vương trên áo mẹ những ngày vội cấy cho lúa kịp lên xanh. Chúng tôi đã lớn khôn, đi qua biết bao mùa cánh đồng đang thì con gái? Tôi nhìn sâu trong mắt mẹ, thấy ánh lên những nỗi niềm ngày cũ, thấy cánh đồng xanh ươm xôn xao gió, thấy mẹ một đời thủy chung, cặm cụi với ruộng đồng.
Tản văn. Doãn Long
1 đã tặng
0
0
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...