Cần cứu lấy nguồn di sản quý
VNTN - Trong thời gian qua, ngành Văn hóa đã tiến hành thực hiện kiểm kê các di sản văn hóa trên địa bàn, kết quả thu được đáng mừng. Trong số di sản của người xưa để lại có nguồn di sản Hán Nôm. Cũng như các tỉnh miền xuôi, di sản Hán Nôm Thái Nguyên có đầy đủ các loại hình cả viết trên giấy, văn khắc trên bia đá, trên các công trình văn hóa, nhà ở dân gian... Và hầu hết các di sản này còn nằm trong di tích mà nhân dân chưa sưu tầm khai thác phát huy giá trị. Đây là các di sản cần được bảo tồn, gìn giữ, khai thác giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc của địa phương.
Giá trị di sản Hán Nôm
Theo con số đã được kiểm kê, Thái Nguyên có trên 200 đạo sắc ở đình, đền, miếu, tư gia phân bố hầu hết trên các đơn vị hành chính. Sắc phong ở tỉnh Thái Nguyên tiêu biểu như: sắc phong cho Thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh thời Lý (thế kỷ XII), Cao Sơn, Quý Minh, Tam Tư Quá Giang là bộ ba thuộc tướng đã có công giúp vua Hùng chống giặc Thục thời Hùng Vương thứ XVIII, Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) đã có công chống giặc Lương thời Hậu Lý Nam Đế (thế kỷ VI). Ngoài ra còn có sắc phong cho các nhân vật lịch sử khác đã có công đánh giặc giữ nước như: Mạnh Điền Quốc vương là người nông dân địa phương đã theo Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân thời Hùng Vương thứ VI, Trần Đăng Minh (Trần Quận Công), Đỗ Thị Mỹ Mai thời nhà Mạc (thế kỷ XVI)... Sắc phong có niên đại sớm nhất hiện còn được lưu giữ đó là đạo sắc phong có niên đại Cảnh Trị năm thứ 8 (1670) và sắc phong muộn nhất có niên đại Khải Định năm thứ 9 (1924) ở các đình, đền, nghè, miếu, tư gia.
Sắc phong ở đền Đuổm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương) đã tự mủn nát
Tại Viện Thông tin Khoa học xã hội có 1 cuốn Tổng bộ điều tra về sắc phong, thần tích, văn bia, tục lệ, địa bạ được sưu tầm kê khai từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu 14 cuốn sách Hán Nôm chép thần sắc, thần tích, hương ước, tục lệ, địa bạ của một số xã thuộc huyện Đồng Hỷ, phủ Phú Bình và phủ Phổ Yên, trong đó có 1 cuốn Xã chí huyện Đồng Hỷ (1944) ghi chép sắc phong, thần tích, thần sắc, tục lệ, cổ chỉ, bản đồ của huyện Đồng Hỷ và 3 phố, 1 tổng (7 xã) thuộc tỉnh lỵ Thái Nguyên.
Cuốn thư cổ Đình Úc Kỳ (xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình) bị mờ chữ
Thần tích vẫn còn một số đang lưu giữ tại di tích lịch sử văn hóa là đình, đền, nghè, miếu, có nguy cơ mục nát, tự nát trong điều kiện thời tiết ẩm thấp không được bảo vệ khoa học. Tại Viện Thông tin Khoa học xã hội đang lưu 757 đơn vị thần tích - thần sắc và một số cuốn đang lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Các bản thần - thần sắc này ghi lại sự tích và các sắc phong của các đời vua đã phong cho các làng, xã thờ phụng các vị thần như ở phần sắc phong đã nêu trên, còn là các vị thần thánh khác như: Đức thánh Trần triều Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Đức thánh Mẫu Liễu Hạnh công chúa, Hùng Vương..., của các nhân vật lịch sử của nhiều triều tiền Lê như: Phạm Cự Lạng, Chu Đại Liệu; triều đại Lý - Trần như: Diên Bình, Thiều Dung, Trần Quang Khải đã có công đánh giặc bảo vệ đất nước, đã có công âm phù cho các vị tướng trở thành các vị thần thành hoàng linh thiêng. Ngoài ra còn có các vị thần là thiên thần, thần linh dân dã...
Tiêu biểu như thần tích về nhân vật lịch sử có nhiều công lao với dân, với nước, khi mất đã trở thành một vị thần linh thiêng, có sức sống bất diệt, có sự ảnh hưởng lớn trong tâm thức nhân dân trong tỉnh. Nhiều di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, cấp tỉnh, tư liệu hóa phục vụ quản lý nhà nước, khai thác và phát huy tốt giá trị lịch sử văn hóa trong đời sống đương đại.
Năm 2019, ngành Văn hóa tỉnh đã sưu tầm, in dập được trên 300 bia đá, trước đây, Viện Viễn Đông Bác cổ đã sưu tầm được 71 văn bia; năm 2003, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm được 100 văn bia. Văn bia ở tỉnh Thái Nguyên được khắc trên đá xanh, đá ráp, đá đen, cũng rất phong phú về nội dung và hình thức, ngoài ra bia còn khắc trên phiến đá, ma nhai, trên gỗ. Nội dung văn bia phản ánh phong phú nhiều mặt của xã hội như: ghi công lao của các vị anh hùng dân tộc, các vị tướng có công lớn với làng xã; công đức của nhiều người đã có đóng góp vào tu bổ, tôn tạo, xây dựng di tích; tục bầu hậu, bán hậu, mua hậu, gửi giỗ vào đình, chùa, nghè, miếu, nhà thờ họ, ghi lại những phong tục, tập quán tốt đẹp trong việc ứng xử giữa các làng, xã của nhân dân các dân tộc ở địa phương. Qua các văn bia cho thấy Thái Nguyên tuy không phải đất văn hiến nhưng “truyền thống hiếu học có thừa”. Xưa kia đỗ đạt không thua các tỉnh trong vùng, có võ tướng, có Tiến sĩ đỗ đại khoa tới 9 người, tiêu biểu như Đỗ Cận thời Lê sơ, Đồng Doãn Giai thời Lê Trung hưng. Một số Tiến sĩ là các văn nhân, thi sĩ tài hoa của dân tộc cũng đã để lại di sản cho Thái Nguyên những áng văn chương giá trị…
Về văn bản hương ước có 213 đơn vị (ở Viện Thông tin KHXH có 199 cuốn, ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 14 cuốn). Các văn bản hương ước này gần đây nhiều địa phương đã sưu tầm lại phục vụ cho việc tìm hiểu quá khứ về lịch sử làng, bản mình. Đáng chú ý nhất có 8 bản hương ước cổ viết bằng chữ Hán Nôm được gọi với khá nhiều tên: tục lệ, khoán từ, điều lệ, khoán bạ, hương ước. Nghiên cứu các bản hương ước cho thấy vốn các làng, xã trước đây đã có hương ước cổ, thời cải lương hương chính (Pháp thuộc năm 1942) các văn bản hương ước được khai báo lại gọi là hương ước cải lương. Tuy vậy, nó vẫn có giá trị về mặt văn bản nhất là các văn bản được chép bằng chữ Hán Nôm.
Ngoài các di sản kể trên trên địa bàn Thái Nguyên còn có rất nhiều các loại văn tự quý khác như: gia phả, sách cổ, hoành phi, câu đối đang lưu giữ ở các di tích lịch sử và các làng, xã trên địa bàn tỉnh.
Thực trạng và giải pháp cứu nguy di sản Hán Nôm
Phần lớn các tư liệu Hán Nôm ở Thái Nguyên hiện nay đang đứng trước nguy cơ hư hại bởi thời tiết và thời gian do chưa có phương pháp khoa học tối ưu để bảo quản. Đa số các sắc phong đựng trong ống tre, hộp gỗ, bên ngoài bọc giấy dễ bị mục nát, do đó việc bảo tồn lâu dài bằng công nghệ thông tin qua việc tư liệu hóa, số hóa phục vụ nghiên cứu khoa học là việc làm cấp thiết. Bên cạnh đó việc biên dịch toàn bộ tư liệu Hán Nôm hiện có ra chữ Quốc ngữ để phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân làm chưa được là bao.
Trong chương trình sưu tầm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, ngành Văn hóa tỉnh Thái Nguyên khi tổ chức xem xét, công nhận các di tích lịch sử văn hóa cũng đã kết hợp tiến hành bước đầu công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm nhưng cũng chỉ ở một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong khi đối tượng lưu giữ và nguồn tư liệu Hán Nôm còn khá nhiều, chưa thể sưu tầm hết được. Ngoài ra, đây còn là nguồn tư liệu cổ xưa, quý hiếm nên những người làm công tác bảo tồn rất khó trong việc tiếp cận và sưu tầm, nhiều đình, chùa, dòng họ coi chúng là bảo vật truyền đời nên không hiến tặng mà có thể đem bán.
Ngoài những tư liệu Hán Nôm được khắc trên các chất liệu bền vững thì những tư liệu còn lại được viết trên giấy như các sắc phong thần đều được cất vào ống, tráp rồi khóa lại cất giấu kỹ hoặc để trên bàn thờ, đến ngày lễ hội thần tại đình, đền, miếu chúng mới được mở ra. Do đó, nếu không thiết lập được mối quan hệ với ban quý tế của các đình làng, tộc họ và cá nhân lưu giữ tài liệu Hán Nôm, không có kế hoạch sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, thì nhiều tài liệu cổ ở Thái Nguyên sẽ có nguy cơ biến mất.
Bia đá Đình Nguyễn Tân (xã Thành Công, thị xã Phổ Yên) bị mờ chữ
Với trách nhiệm của ngành quản lý, đặc biệt là sự ấp ủ tâm huyết của những người quản lý, làm chuyên môn của ngành Văn hóa tỉnh nhà và đáp ứng tâm tư nguyện vọng của các nhà nghiên cứu, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh mong muốn làm sống lại những di sản sắc phong, văn bia cổ để thấy được phong tục tập quán, lịch sử văn hóa của người xưa nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý tốt đẹp của nhân dân, thì việc nghiên cứu, khảo sát, đề xuất các giải pháp nhằm mục đích sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa truyền thống, bảo tồn loại hình di sản Hán Nôm thuộc loại chữ viết có giá trị về lịch sử lâu đời của dân tộc phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa trước mắt và lâu dài là cần thiết.
Để làm tốt việc này, tỉnh Thái Nguyên cần có chính sách đào tạo, thu hút những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Hán Nôm. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng phải được đào tạo, trang bị kiến thức Hán Nôm ở một trình độ nhất định, để khi tiếp cận loại hình di sản này ít ra phải đọc được nội dung cơ bản, biết được giá trị của từng tư liệu. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học theo tính chất chuyên sâu về tác giả, văn hóa, kiến trúc, lịch sử đã gắn liền với hệ thống di sản văn hóa Hán Nôm của tỉnh Thái Nguyên.
Di sản Hán Nôm của tỉnh Thái Nguyên là khối tài sản quý giá phong phú về nội dung và hình thức, có giá trị lịch sử, văn hóa đã bổ sung cho kho tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Đó cũng là nguồn tư liệu rất quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về địa lý, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của các địa phương của một thời đã qua. Di sản Hán Nôm tỉnh Thái Nguyên cần được bảo tồn gìn giữ một cách khoa học sẽ góp phần tích cực khích lệ nhân dân các địa phương phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...