Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
23:35 (GMT +7)

Cần bảo tồn, gìn giữ thư tịch của người Sán Dìu ở Đồng Hỷ

VNTN -

Trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chỉ một số dân tộc có chữ viết, còn phần đa số các loại chữ viết của các dân tộc thiểu số đang trong tình trạng bị mai một hoặc chỉ còn lại là các ký ức. Chữ viết của dân tộc Sán Dìu ở huyện Đồng Hỷ, là một trường hợp điển hình.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, dân tộc Sán Dìu toàn tỉnh Thái Nguyên là 32.158 người, đứng thứ 5 trong các dân tộc của tỉnh. Và dân tộc này đông nhất là huyện Đồng Hỷ 13.221 người, chiếm 41,1%; tiếp đó là huyện Phổ Yên 8.522 người, chiếm 26,5%; Thành phố Thái Nguyên 5.432 người, chiếm 16,8%; ngoài ra còn tập trung ở các huyện như: Đại Từ, Phú Lương , Phú Bình…

Dựa trên những nghiên cứu tuy còn ít ỏi nhưng rất căn bản của các nhà ngôn ngữ học từ trước đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng: tiếng Sán Dìu là một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Hán - Tạng. Theo các nhà ngôn ngữ học, ngữ hệ Hán - Tạng phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, vùng Tây Tạng, Miến Điện và một phần ở Thái Lan, Việt Nam. Ngữ hệ Hán - Tạng gồm hai nhánh lớn: nhánh Hán và nhánh Tạng - Karen. Trong đó, nhánh Hán có số lượng người nói đông nhất. Bản thân nhánh này lại được chia thành hai nhóm: Hán phía Bắc và Hán phía Nam. Tiếng Sán Dìu được các nhà khoa học xác định thuộc nhóm Hán phía Nam. Điều này phù hợp với thực tế là tiếng Sán Dìu rất gần với tiếng Quảng Đông.

Những cuốn sách cúng còn lại của người Sán Dìu (Đồng Hỷ)

Từ những cuốn sách cổ còn được lưu giữ trong các gia đình người Sán Dìu hiện nay, có thể thấy, người Sán Dìu đã sử dụng hoàn toàn hệ thống chữ Hán để ghi âm tiếng nói của mình chứ không tạo ra một thứ chữ Hán - Nôm riêng như các dân tộc khác (người Tày có Nôm Tày, người Dao có Nôm Dao…). Điều này có vẻ rất phù hợp với nguồn gốc tộc người và họ ngôn ngữ Sán Dìu mà các nhà nhân học, sử học và ngôn ngữ học trên thế giới đã xác định.

Việc xác định nguồn gốc tộc người cho dân tộc Sán Dìu cũng không hoàn toàn thống nhất trong lịch sử nghiên cứu. Trước đây, có một học giả người Pháp đã xếp người Sán Dìu vào nhóm Dao, dựa theo tên tự nhận của đồng bào là San Déo Nhín (âm Hán - Việt là Sơn Dao Nhân). Nhưng, khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, các nhà bác học Liên Xô lại căn cứ vào tiếng nói để xếp người Sán Dìu vào nhóm Hán. Nhà nghiên cứu Ma Khánh Bằng cũng đã tìm hiểu gia phả họ Lê của ông Lê Hữu Nhất, người xã Dân Chủ, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), trong đó cho biết, tổ tiên ông trước đây ở thôn Phong Lưu, xã Bách La, huyện Phương Thành, tỉnh Quảng Đông, vào Việt Nam từ đời Càn Long (1777 - 1782). Như vậy, nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là thực tế lịch sử của tộc người Sán Dìu. Thế nên, việc họ nói ngôn ngữ gần như đồng nhất với tiếng Quảng Đông; sử dụng văn tự hoàn toàn là chữ Hán mà không cần phải thêm bớt ký tự để tạo ra một hệ thống chữ Hán - Nôm riêng là điều hoàn toàn hợp lý.

Trong chuyến điền dã đến xã Nam Hòa, Tân Lợi, Linh Sơn, Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã được tiếp cận với khá nhiều sách vở của người Sán Dìu. Không phải gia đình Sán Dìu nào cũng có di văn chữ Hán bởi lẽ hiện nay, thứ chữ viết này chỉ được dùng trong một phạm vi rất hẹp (chủ yếu là trong bói toán, cầu cúng). Hầu như những gia đình còn lưu giữ các thư tịch viết bằng chữ Hán đều có người làm thầy cúng. Họ không chỉ đọc các di văn chữ Hán mà còn tiếp tục sử dụng chữ Hán để viết bùa chú, viết sớ… Đến nay vẫn còn có những người Sán Dìu tiếp tục học làm thầy cúng cho nên sách vở dành cho nghề này vẫn đang tiếp tục được ghi chép lại. Trong số sách của những gia đình nhiều đời làm thầy cúng được truyền tay sử dụng qua nhiều thế hệ, chúng tôi thấy có nhiều loại nét chữ (của nhiều người ở các thế hệ khác nhau) xuất hiện trong cùng một cuốn sách. Đó có thể coi là một minh chứng hiển hiện cho sự truyền nối, tiếp thụ văn hóa thông qua chữ viết.

Qua quá tìm hiểu người dân địa phương, được biết, các sách vở, thư tịch của người Sán Dìu chủ yếu gồm hai loại: sách dành cho thầy cúng (sách về cách xem địa lý, xem ngày tháng để dựng nhà cửa, cưới gả, ma chay, về các loại đạo bùa…) và sách ghi chép văn hóa dân gian (các tích truyện cổ, các bài hát soọng cô, kinh nghiệm sống…). Như những cuốn “Hợp hôn thư nhất bản” (56 trang): đề cập tất cả các việc liên quan đến chuyện hôn nhân; cuốn “Bách thông thư toàn bộ” (352 trang): xem ngày cát - hung trong cả năm; cuốn “An mộ bát phạm thần phân địa giới khoa nhất bản” (52 trang), xem các thế đất để an táng, dựng nhà; cuốn “Bàn Cổ vương nhất bản” (15 trang): lời hát soọng cô, truyện cổ.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, bộ phận thư tịch còn lưu giữ được chủ yếu là sách của thầy cúng, do chúng còn có giá trị sử dụng trực tiếp và thường xuyên tới mọi mặt của đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của người Sán Dìu. Còn bộ phận sách ghi chép văn hóa dân gian (nhiều nhất là ghi chép các bài hát soọng cô) hầu như đã bị mất mát. Nguyên nhân là do sự mai một của loại hình nghệ thuật dân gian hát soọng cô trong mấy chục năm trở lại đây. Theo người dân địa phương, mấy chục năm về trước, hình thức nghệ thuật này rất phổ biến trong đời sống của người Sán Dìu. Họ có thể hát ở khắp nơi (trong làng, ngoài ngõ…), hát trong nhiều dịp (đám cưới, hội hè, ngày nông nhàn…); điều đó thúc đẩy các nam thanh nữ tú đua nhau học hát cho bằng bạn bằng bè. Họ ghi chép những bài hát này để truyền tay nhau, để luyện hát. Nhưng do nhịp sống ngày càng hiện đại, hát soọng cô không còn được lưu giữ như một hoạt động tinh thần luôn hiện hữu trong đời sống của họ. Theo thời gian, lời hát soọng cô chỉ còn trong ký ức của người già, không còn ai để ý giữ lại sách vở ghi chép những câu hát một thời làm say lòng biết bao thế hệ người Sán Dìu, cũng không còn ai chép lại bài hát để học nữa. Do vậy, trong số các sách vở còn lại của người Sán Dìu hiện nay, hiếm hoi lắm mới gặp được một cuốn ghi chép lời hát soọng cô mà cách đó mấy chục năm vẫn vô cùng thịnh hành.

Những cuốn sách trên đây chưa từng được sao chụp từ bất kỳ ai trước đó. Mặc dù những gia đình còn lưu giữ sách vở đều sử dụng, gìn giữ chúng với một thái độ trân quý như của gia bảo. Vì vậy chúng ta cũng cần phải sớm nghĩ đến công tác bảo tồn, bởi giữ được sách, mới có cơ sở để nghiên cứu sâu hơn về văn hóa Sán Dìu qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hội nhập quốc tế đang diễn ra một cách sâu rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội, việc bảo vệ sự đa dạng văn hóa, đa dạng ngôn ngữ đang trở thành vấn đề cấp bách. Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc. Mất ngôn ngữ thì sự tồn tại của dân tộc cũng không còn. Và thiết nghĩ ngày từ lúc này để bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Sán Dìu ở Đồng Hỷ ngày càng tốt hơn, thì các cấp các ngành có liên quan cùng chính quyền và người dân địa phương cần chú ý quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác bảo lưu, bảo tồn. Bởi việc bảo vệ ngôn ngữ văn hóa dân tộc ít người là bảo vệ một tài nguyên thiên nhiên, một bảo tàng sống, một nguồn du lịch để giúp phát triển kinh tế của chính dân tộc Sán Dìu và của toàn tỉnh trong giai đoạn hiện và trong cả các thập kỷ tiếp theo.

Nguyễn Văn Tiến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy