Cảm ơn chiếc điện thoại hỏng!
VNTN - Tháng trước, tôi có dịp tham dự buổi trò chuyện của một nhà văn tại cuộc giao lưu về sách ở Hà Nội, trong đó có rất nhiều em ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trong phần trò chuyện về trí tưởng tượng, nhà văn nói về sự ra đời tác phẩm “Bông hoa nhỏ” của đại thi hào Pushkin (Nga). Đó là vào một ngày đẹp trời khi ông tìm đến thư viện, tình cờ thấy một bông hoa đã khô ép trong cuốn sách. Câu hỏi kích thích tư duy của những đứa trẻ được đưa ra là: Pushkin đã có những liên tưởng, tự vấn như thế nào về bông hoa ấy? Những cánh tay lần lượt giơ lên. Cậu bé tên Khánh, 12 tuổi, mỗi lần được gọi trả lời đều khiến cả hội trường thích thú bởi tư duy mạch lạc, sâu sắc: Bông hoa này ai đã đặt vào đây? Người đặt bông hoa là nam hay nữ, họ muốn nhờ hoa nói điều gì?... Mọi người có mặt đều vui vẻ vỗ tay tán thưởng, được nhà văn khen ngợi. Khánh ngoái nhìn về phía mẹ mình đang ngồi ở hàng ghế phía sau, như thể để khoe niềm vui vừa có được. Nhưng tuyệt nhiên không lần nào mẹ cậu ngước lên, bởi chị còn đang say sưa, mải miết lướt facebook, zalo từ chiếc điện thoại đặt hờ hững trên đùi. Cậu bé ấy, lần nào cũng hụt hẫng quay đi.
Chứng kiến điều đó, tôi giật mình nhớ đến cô con gái 5 tuổi của mình. Có lần nghe cô Hảo hàng xóm kể lại, hôm bữa thấy Bống lững thững vào phòng cô, phụng phịu: mẹ chẳng chịu chơi với con, mẹ bảo con ra ngoài chơi cho mẹ “nai tim” bán hàng. À, livestream trên facebook ấy mà. Chẳng là tôi ngoài thời gian làm việc ở công ty, rảnh rỗi còn tranh thủ bán hàng online. Những lần livestream tôi thực hành quấn bụng giới thiệu sản phẩm đánh tan mỡ, thử son, sử dụng mặt nạ… Bống nhiều lần nghe tôi bảo sang hàng xóm chơi cho mẹ… làm việc, đã dỗi: Con không thèm về với mẹ luôn! Lại nhớ lần mấy anh em trẻ ở cơ quan rủ nhau tụ họp, các gia đình cùng đi ăn, đi chơi. Tôi vì muốn kịp thời trả lời khách hàng, miệng vừa nhai đồ ăn tay vừa lướt điện thoại. Bống chẳng chịu ăn mà cứ nhấp nhổm, quay sang đòi mẹ mở ipad xem hoạt hình. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện trong tiếng ồn léo nhéo phát ra từ chiếc ipad. Bữa ăn của con bắt đầu trễ nải, đồ ăn ngậm trong miệng chảy nước, tôi phải nhiều lần dọa, nếu không ăn sẽ thu ipad, mỗi lần thế Bống lại vội vã nuốt thức ăn mà chẳng thèm nhai.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Tôi có lẽ sẽ không biết mình đã mê điện thoại, đã vô tâm với con đến thế nào nếu không có lần lỡ tay gạt phăng chiếc điện thoại từ tầng 2 xuống đất ấy. Điện thoại hỏng, ipad cho bạn mượn đi công tác, chồng tạm thời “chia” cho cái máy cục gạch cũ giữ liên lạc. Tự dưng thấy mình rảnh rỗi quá. Thế là sau khi tan sở, đón con từ nhà trẻ về, tôi thư thả nấu bữa tối, khuyến khích con hát múa. Không chìm đắm ôm lấy điện thoại với công cuộc online bất tận, tôi có dư thời gian giải thích với con lợi ích khi ăn món này món kia thay cho việc quát tháo, dọa nạt như trước. Lần đầu tiên tôi kiên nhẫn lắng nghe hết những “suy luận” và “sáng tác” truyện kiểu “cắt dán” của Bống. Một câu chuyện chắp nối đủ các tình tiết, nhân vật từ “Cô bé lọ lem” Cinderella, nàng Bạch Tuyết, “Nữ hoàng băng giá” Elsa sang đến “Tấm Cám”, “Cây tre trăm đốt”…. Hóa ra, Bống xem phim và rất ghi nhớ. Câu chuyện lan man, lộn xộn được Bống say mê kể bằng sự thích thú. Nghe rồi mới thấy, mình đã bỏ lỡ biết bao phút giây cùng con khám phá, giải đáp những thắc mắc và truyền đạt đến con kiến thức bổ ích. Tôi hào hứng dạy con xới đất, nhổ cỏ cho mấy chiếc hộp xốp đầy rau trên sân thượng; tưới tắm, cắt tỉa cho mấy chậu hoa. Cùng con đi chợ và chỉ cho con biết về các loại rau củ quả, tham gia vào việc sáng tạo chuyện cổ tích với con… Có nhiều điều phát hiện của con khiến tôi bất ngờ, hơn lúc nào hết, tôi ý thức và cảm nhận rõ nét việc mình có thể kiến tạo nên một đứa như trẻ thế nào trong tương lai.
Bấy nay, mọi sự kết nối trong gia đình, công việc của tôi luôn hiện diện trên chiếc điện thoại, bằng những dòng tin trong nhóm chat facebook, zalo. Thế giới của những đứa trẻ như Bống ngày càng bó hẹp trong môi trường học tập đầy rủi ro, áp lực; đời sống tinh thần nghèo nàn trong sự lặng thinh của cha mẹ mê công nghệ. Mẹ của Khánh - và bao người mẹ mê điện thoại khác, trong đó có tôi, đã bỏ lỡ biết bao khoảnh khắc nho nhỏ, đáng yêu của con. Khoảnh khắc trao đi một nụ cười, khoảnh khắc nhìn con âu yếm để cho con biết rằng ở phía sau luôn có người dõi theo, tin tưởng và tự hào về con. Chúng ta khi mải mê với chiếc smart phone, đã vô tình bỏ qua những phút giây bé nhỏ để là người đồng hành, cùng con lớn lên.
Tôi cảm ơn lần bất cẩn đã làm chiếc điện thoại rơi vỡ, chính điều đó đã tạo cơ may để tôi rời tay khỏi chiếc điện thoại và có được cơ hội vượt qua thách thức dời bỏ những thứ, những điều tưởng như đã ăn sâu bám rễ trong mình. Vui chơi cùng con và thấy thế giới đầy màu sắc, an nhiên, vui vẻ.
Tuệ Nghi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...