Cải ngồng
Truyện ngắn. Phùng Gia Thế
Lê từng bước nặng nhọc trên xác cỏ thối và cành lá ẩm mục, cuối cùng Thủy cũng về tới điểm trường. Miệng khô. Mặt tái nhợt. Trán và lưng rịn mồ hôi. Nằm vật ra giường. Thở. Đôi giày bata hất chỏng đế bên cạnh. Xon xót dưới gan và kẽ bàn chân. Đầu óc tê dại, ù đặc.
Tiếng kèn đưa đám Hạ vẫn váng vất bên tai.
Bàng hoàng. Đau đớn.
Một cú trượt chân ngã xuống khe núi. Thế là thêm một người ra đi.
Năm ngoái, tivi đưa tin một chị hiệu trưởng bên Lào Cai chết bởi lũ cuốn, giữa ngày khai trường. Rồi vụ lũ quét ngay trong tỉnh, một thầy cứu được năm trò, một thầy bỏ mạng. Rồi sạt đồi. Rồi lật xe. Bao nhiêu lần nhắc nhau, kể với nhau rồi, thế mà mấy chị em vẫn chủ quan. Điều không ngờ, không mong vẫn đến.
Hạ ơi, sống thì khốn khó lao lung mà sao chết lại giản đơn vô nghĩa đến chừng nào…
*
Chiều. Mùa hạ sang rồi mà trời vẫn lạnh. Đêm. Đêm sơn cước sương vẫn giăng. Đêm u u. Buồn. Sáng trăng, vẫn buồn.
Điểm trường của Hạ cách chỗ Thủy khoảng già hai chục cây. Là ước lượng vậy thôi chứ vùng cao ai tính cây tính số làm gì. Sức Thủy đi bộ mất quãng chừng ba, bốn tiếng. May mà có anh Tám cán bộ phòng biết Hạ và Thủy thân nhau đã lặn lội vào tận nơi báo, không thì em chẳng còn kịp nhìn thấy chị lần nữa. Mọi người quyết định không đưa Hạ về Hà Tây quê chị. Mà, có đưa về thì chị cũng chẳng còn ai thân thích nữa. Thế là, chị nằm lại đây, với biên cương, vĩnh viễn.
Ông chú ruột ngoài Cao Quang sấp ngửa dắt thằng Tản vào, khóc như khóc con. Thằng Tản khóc, mũi nhãi ròng ròng. Nhìn ông, Thủy khóc. Nhìn thằng Tản, Thủy thấy thót nhói nơi lồng ngực. Một con bạch tuộc nhiều vòi đang bóp chặt tim mình.
*
Thủy và Hạ thân nhau từ một ngày bình thường. Ngày Thủy được hiệu trưởng Quang điều lên điểm trường xa nhất (xa nhất là vào thời điểm đó thôi). Hạ hơn Thủy khoảng chục tuổi. Hiền như đất. Mẹ mất sớm, chị và em trai theo bố lên miền núi Cao Quang. Ông lấy vợ, không có con thêm. Mấy năm sau bị ung thư dạ dày cũng mất. Cậu em sau đi lao động xuất khẩu ở Ma-lai, có lần viết thư về bảo sang đó chúng em cũng làm nông nghiệp. Một thời gian sau thì bặt tin. Nghe đâu là bỏ công ty ra ngoài làm ăn linh tinh. Từ đó kể như mất tích. Hạ đỗ vào trường sư phạm tỉnh là nhờ một người bà con làm bên Sở giúp đỡ. Chị tốt tính nhưng xấu người, chẳng ai yêu. Ba đứa cùng phòng, nhà nghèo nhưng xinh xắn nên được mấy chàng thị xã dập dìu chăm sóc, coi như khá. Học xong sư phạm, chẳng buồn chẳng vui, chị được phân lên huyện biên cương cao nhất. Nghe nói nước nhiễm chì. Nhưng tiền phần trăm cao. Lại phụ cấp biên giới. Lại được tiền thu hút. Thế coi như ổn. Dạy vùng cao, không ti vi, không điện đài (thậm chí có lúc không học sinh), nhưng quan trọng là lương vẫn lĩnh đều. Phòng một năm hú họa kiểm tra một đôi lần ở trường chính. Tinh thần thôi. Khổ nhất là mùa khô, nơi nơi thiếu nước. Mấy cậu choai mới tăng cường ở điểm trường bên, tuần ít nhất hai lần rượu. Phê phê rồi chơi trò ném nhau, rượt đuổi cho vã mồ hôi ra rồi kỳ cho bớt ghét đi, sau đem giội. Đấy là cách tiết kiệm nước. Kỳ.
Hạ bảo điểm trường này trước còn có Hanh, mang bằng của anh trai lên nộp hồ sơ đi dạy xóa mù chữ. Nghe đâu hắn tên thật là Thịnh, nhưng phải cải danh để hợp lý hồ sơ. Mà thôi, có tinh thần là được rồi. Phải nỗi hắn chẳng dạy dỗ gì. Ngày, vào trong dân gạt để kiếm đồ uống rượu. Đêm, lại mò sang biên giới theo đường mòn. Hình như hắn kiếm chác được gì ở mấy cô người thiểu số bên đó nên thường không có mặt ở trường. Có hôm thấy mặt mũi rách toác, cò lơ thất thểu về lán. Nồng nặc rượu. Vào một ngày bình thường, mấy anh biên phòng vào gọi hắn đi. Nghe đâu là để giải quyết chuyện đánh nhau với người bên biên giới. Mấy tháng sau, Hanh bị phòng đình chỉ công tác vì lý do giả mạo hồ sơ, gây mất trật tự biên giới và nghiện thuốc phiện.
*
Thủy lên. Hạ đi vắng. Lán không có khóa. Mấy tấm liếp phập phành. Và gió. Gió cứ thông thốc thổi vào. Nhưng nhiều hơn là buồn. Ám ảnh đầu tiên là vườn cải. Chúng mọc lung tung, nhưng cứ gọi là vườn. Vùng cao mà. Tay Hoàng hâm dạy văn bên khối cấp hai say rượu bảo chúng đua thành tích đấy.
Chiều. Chiều u u. Ngó ra trước lán. Tênh tênh buồn. Ơ kìa, những cây cải ngồng biên giới, cây đang vươn ngẩn ngơ, cây trổ hoa vàng rực. Chiều về nhiều hơn, vườn cải buồn hơn. Không gì nhiều hơn nỗi chiều. Chắc cả vì Thủy hơi nhạy cảm. Buồn vì cải. Buồn vì lanh. Lại buồn vì ngô. Ngô ở đây cũng chẳng hàng lối gì, cứ mọc lô nhô. Hoàng hâm nhăn nhở: “Ô hô, lô nhô cái nỗi buồn râu ngô”.
Bố mẹ Thủy gốc Hà Nam. Gia đình khó khăn phải bỏ quê đi làm kinh tế mới. Bố Thủy ham lao động. Hơn chục năm lên thị trấn vùng cao Bắc Bình, cũng có một cơ ngơi kha khá. Vườn cây, ao cá, chuồng gia súc. Thủy học trường sư phạm tỉnh. Tháng hai lần về nhà lấy gạo, đồ ăn khô và tiền tiêu vặt. Thằng em trai học kém, thi đại học trượt. Ông chú họ bảo gia đình đưa hai mươi triệu chạy vào một trường dạy tin học ở Hà Nội. Sau hơn một năm, nó trở thành một game thủ siêu hạng, nghe đâu đã lên ngôi ở một đế chế gì đó. Một năm nữa, nó bắt bố xuống trả món nợ ba trăm triệu. Lần này thì là lô đề, cá độ. Trường đuổi học. Nó bảo, thằng con ông hiệu trưởng một trường sư phạm bạn nó còn nợ một tỷ sáu cơ. Mẹ Thủy thương con, cố vớt vát bảo chồng may mà con mình chưa nghiện.
Bố Thủy tính cả tin, lại hơi bốc đồng, vừa nghe mấy tay chuyên viên nông nghiệp gợi ý đã vội phá vườn cam, trồng vải. Chuyển đổi mô hình kinh tế. Nay ế chỉ dùng để làm quà. Bà gắt ông. Ông đuối lý phân bua ở miền Nam người ta còn chặt cả cây cà phê, cây cao su, miền Trung chặt mía, Bắc Giang chặt vải thì sao, thì sao nào?
Nói thì vậy thôi chứ ông xót lắm. Nhưng thế vẫn chưa chừa. Có mấy đồng tiết kiệm, ông nghe thằng Trình nịnh nọt thế nào nhất quyết rút về đầu tư vào công ty xây dựng Tương Lai của nó. Năm rồi, các dự án của tỉnh bị treo hết. Đâu đâu cũng thấy công trình ngổn ngang như cháy dở. Thằng Trình chạy vào Nam. Thế là sạt nghiệp. Thế là hết. Quân mất dạy, lừa đảo! Bố Thủy chửi đổng liên mồm.
*
Chiều về, vườn hoa cải quay quắt buồn. Có cái gì xa xăm, hoang hoải, có cái gì như bất hạnh khổ đau... Lão bác sĩ tư. Căn phòng trắng toát. Bàn tay ám ảnh... Một ý nghĩ thoáng qua gợi về ký ức khiến Thủy chợt rùng mình.
Hạ về. Bươn bả. Trông chẳng giống ai. Lần đầu tiên Thủy nhìn kỹ Hạ. Mang tiếng cùng trường, nhưng tóe tung năm, bảy điểm, năm thì mười họa mới gặp nhau, thành thử chả có lúc nào trò chuyện. Thủy lại ít làm thân. Tính Thủy thế. Chỉ biết chị Hạ hơi cũ cũ người.
- Mới lên à? - Hạ hỏi.
- Vâng. Em lên từ chiều.
- Ở đây buổi tối đừng ra ngoài, ban ngày cũng đừng đi xa, nhất là chỗ giáp biên.
- Sao hả chị?
- Bị hiếp đấy.
Thủy rùng mình.
Đêm. Hai chị em đi ngủ. Thủy hỏi:
- Ở đây còn ai không chị?
Một tiếng thở:
- Còn
- Ai ạ?
- Con chị. Nhưng nó ra Cao Quang rồi.
Thủy biết Hạ không có chồng, nhưng vẫn hỏi liều:
- Thế anh đâu?
- Làm gì có anh nào. Ma nó lấy chị. Bị hiếp đấy.
Thủy rùng mình.
- Xinh phải cẩn thận.
Thủy khẽ thở dài.
Lát sau quay sang, đã thấy Hạ kéo chăn ngủ rồi. Tiếng ngáy của Hạ, tiếng côn trùng trong đêm khiến không gian thêm não nề. Gần mười năm vùng cao, ba lần chuyển trường, bốn lần đổi điểm, Thủy thấy mệt mỏi quá rồi. Nhưng muốn xuống núi đâu có dễ. Cha Tài người Bắc Ninh rướn mày, mỗi cây số chuyển vùng đôi triệu, cô em ạ. Thủy cười, thế thì em chịu. Thực ra, Thủy cũng tích cóp được mấy đồng, vay thêm một ít nữa, năm ngoái xuống thị xã mua được một miếng đất nhỏ giáp chân núi. Phận đàn bà con gái ăn đời ở kiếp với bố mẹ làm sao. Vả lại, bố mẹ Thủy, sau vụ lo cho thằng em đi Hàn Quốc, đã quá kiệt rồi. Giờ, một xu chẳng có. Gần trăm triệu nợ ngân hàng chưa biết lấy gì để trả.
Còn mình, còn mình thì mọi thứ đều dở dang. Mà thời gian thì trôi nhanh quá. Còn nhớ như in ngày đi thi vào khoa Văn trường Sư phạm Xuân Hòa. Một chiều mưa mùa hạ. Ướt như chuột lội. Kỳ lạ, thị trấn nhỏ bé hoang vu này thật hợp với tâm hồn sơn cước của mình. Vài cây xà cừ. Vài cây long não. Mấy con bò ngẩn ngơ nằm giữa đường. Giữa trưa vắng, giữa mùa mưa, mùa nắng. Trong chúng, hình như chỉ cõi người là mông lung. Văn hơi lan man. Cô Kết trường chuyên vẫn phê Thủy thế. Kết quả mùa thi: Trượt. Văn: 7. Sử: 4. Địa: 4. Văn nhân hệ số hai. Bố Thủy nói với hàng xóm cháu thiếu nửa điểm (thực ra thì thiếu hai điểm).
Hình như, chính cái tâm hồn văn chương làm Thủy khổ. Lão Hoàng bảo đấy là cái tâm hồn chết tiệt! Ừ, cũng phải. Người ta mưa nắng cỏ cây bốn mùa thay lá mặc lòng, mình động tí là buồn. Ngày đầu lên đây, Thủy khóc ròng vì đi lại khổ quá, vì buồn. Nhưng còn buồn vì cải, vì ngô, vì đám đá tai mèo. Buồn ơi những nỗi chiều. Có cái gì đấy xa xăm thi thoảng cứ se sắt quặn lòng. Mười năm trước đây, vùng cao trong trẻo hoang sơ. Học trò đến lớp, ngày được hai, ngày được ba đứa, nhiều nhất thì một chục. Áo hở vai, hở rốn. Mũi nhãi. Mùi ai ai, tanh tanh của những chiếc áo lâu ngày chưa giặt. Dạy lớp ghép, quay bàn lại, chéo môn. Tài thật. Có hôm học trò mang sắn tươi đến biếu. Có hôm cả cân thịt. Chả gói bọc gì, cầm tay đưa luôn. Hoàng hâm lắc đầu: “Dân bẩn lắm. Hôm nọ tao đi thực tế, phải ngủ lại, bọ chó diệt cho nát chân”.
Lại nhớ, ngày vào dân vận động học sinh đến lớp, Thủy thấy mấy người họ cứ loanh quanh. Giấu con, đẻ năm thì bảo ba, bảo hai. Chả thích đi học đâu. Rất nhiều đứa không có giấy khai sinh. Thủy hỏi cháu sinh năm nào, người nói nó sinh năm con ong (vì mùa ong), người lại nói nó sinh năm con trâu (vì trâu nhà năm đó đẻ). Kỳ. Học vì có hỗ trợ. Đầu năm lõm bõm, cuối năm tái mù. Xin cô giáo cái khuyết tật thôi. Xấu hổ lắm.
Lại nhớ ngày đầu lên lớp ở điểm, bọn trẻ chạy tán loạn. Chị Hạ bảo: “Chúng sợ em là bác sĩ lên tiêm đấy”. Hạ phiên dịch mỏi tay, chúng mới quay lại. Chị bảo dạy mầm non còn chết nữa, chúng nó không biết tiếng phổ thông, khổ lắm. Cô bảo cô chào các con, trò cũng bảo cô chào các con. Cô bảo không được bảo thế, trò cũng bảo không được bảo thế. Cô bảo đấy là cô nói các con không được bắt chước, trò bảo đấy là cô nói các con không được bắt chước. Cô cáu đập tay xuống bàn bảo thế chúng mày không hiểu gì à, trò cũng đập tay xuống bàn bảo thế chúng mày không hiểu gì à.
Thủy phì cười. Bà này hài ra phết.
Ở trường chính, tình hình dẫu sao cũng khá hơn. Thảo nào mấy năm nay, vợ chồng tay Tuấn choắt thức thời, nhờ biết quan hệ nên chẳng phải đi đâu xa.
Lại nhớ lần đầu tiên họp hội đồng trường, lão Hoàng nhêu nhao đọc bảng cửu chương: “Một lu-ồn một là hai. Hai lu-ồn hai là bốn”.
Thủy ôm bụng cười.
*
Ở với Hạ được mấy hôm, Thủy mới dám hỏi về thằng Tản. Trước, thì Thủy cũng có nghe qua, nhưng chẳng duyên cớ gì mà hỏi. Hạ bảo nó đang ở với ông trẻ (chú ruột chị) dưới Cao Quang. Để còn ăn học chứ, ở đây thì chết à. Năm nay nó lên lớp 3. Năm nào cháu cũng được tiên tiến. Hôm họp bình xét thi đua, Hạ nói to cố ý để mọi người nghe tiếng.
Lão Hoàng thính mũi ngoái lại nhe răng cười:
- Thế chúng mày xem ti vi chưa? Thời sự nói ở miền trong có học sinh tiên tiến lớp 7 không đọc được đấy. Mà chúng mày có đếch tivi mà xem. Này, ăn ở như chúng mày mà gặp bọn tự nhiên chủ nghĩa nó tả thì chỉ có mà buồn nôn.
Thủy cười:
- Anh hâm nó vừa vừa thôi! Mà, dạo này bác có tác phẩm gì mới không đấy?
Hoàng trễ môi:
- Anh đang tìm chất liệu thực tế. Tác phẩm lớn cần phải nghiền ngẫm. Chúng mày biết gì.
Thủy quay sang bảo Hạ:
- Chị đừng nghe cái mồm ông Hoàng.
Hạ thì vẫn vui. Chị bảo may mà có ông chú ở Cao Quang. Ông tên Hịch, nông dân, cả tin, nhưng tốt bụng, lại hay ảo tưởng. Cách đây mấy năm, hồi còn dưới quê ông bà đã hăng hái bán đất cho khu công nghiệp. Tám triệu một sào. Ông hiến đất thì đúng hơn. Công nghiệp hóa mà. Nhà ông tám sào, dồn vùng đổi thửa, bán tám sào. Nhưng vui nhất là thằng Ty con cả ông vừa học xong phổ thông được hứa cho vào làm trong nhà máy ô tô, còn con Hạnh thì vào nhà máy may. Ông vui, sắm cho mỗi đứa một chiếc xe máy. Đồng ruộng xanh tốt giờ thành công trường. Máy xúc máy ủi chạy xuỳnh xuỵch ngày đêm. Ông nhớ ruộng, đêm ngồi hút thuốc lào vặt rồi chống tay nhìn sang công trường. Bà nhìn ra, thở dài sườn sượt:
- Nghe nói mạn Phú Thọ năm nay được mùa.
Ông không dám gặng, vì chính ông hăng hái mà. Còn vận động hàng xóm nữa. Hơn một năm sau, thằng Ty vào làm trong nhà máy ô tô, bộ phận bốc xếp. Con Hạnh vào nhà máy may, phân xưởng thêu. Thằng Ty thoát ly được khoảng nửa năm thì công ty sát hạch lại tay nghề, trượt. Công ty cứ trước sáu tháng kiểm tra một lần. Nếu vào lại thì sáu tháng sau lại thót tim. Nghe đâu, hợp đồng dưới sáu tháng thì công ty không phải đóng bảo hiểm. Thằng Ty về, tìm việc mãi không được, sinh quẫn. Cuối năm, ông Thăng, chú ruột nó ở Lâm Đồng ra chơi, bảo có vô Nam không. Thằng Trung, con ông Thăng bảo ở trỏng dễ sống lắm, cứ làm xong là ngồi cà phê nhậu nhẹt lai rai. Trung bảo thằng Ty đưa em đi lòng vòng, đi coi video. Thế là thân nhau. Thế là Nam tiến. Ông Hịch thở dài, chẳng muốn thằng Ty đi. Nhưng nó cứ đi. Nó đi rồi ông mới trật khấc ra là các em ông đã bán nhà đi Nam hết cả. Thế là trơ ra hai ông bà. Nửa đêm, bà trở mình bảo ông lẽ ra thì này đang vợi đám ruộng chằm, ông bảo bà tôi cứ thấy tiêng tiếc mấy ngỡn ngô ngoài trũng. Con Hạnh đi lấy chồng, làm ca, tháng sáu trăm. Làm tăng ca được thêm ba nghìn đồng một tiếng. Được cái thằng chồng hiền, tử tế. Năm rồi sinh được đứa con trai. Nhà chồng vốn hiếm muộn, thích quá bảo không đi làm nữa cũng được.
Ông bà quyết định lên đây là bởi đợt về quê của Hạ. Vừa tậu được ít vườn ở thị trấn Cao Quang, phấn khởi đưa thằng Tản về chơi thăm chú, thăm quê. Về quê, Hạ chưa kịp phô cái hồ hởi của đứa con xa thành đạt thì đã nhiễm nỗi buồn nhà ông Hịch. Thằng Ty vào Nam hơn năm, gửi được hai lần tiền cho bố thì bị xe chở đất cán chết. Công ty đưa xác ra, có lãnh đạo đến tận nơi xin lỗi, muốn ông bà xử lý nội bộ, bảo do khoán tiền theo chuyến nên anh em chạy hơi ẩu. Đền ông bà ba mươi sáu triệu. Bà Hoa loa kèn hàng xóm khóc ới, cháu ơi, cô thương cháu hiền lành tử tế chưa vợ con mới hai mấy tuổi đầu thế là mỗi tuổi chưa được hai triệu cháu ơi cô làm ô sin ở Hà Nội có bốn ngày Tết nhàn tênh mà người ta trả hơn hai triệu.
Hạ bảo chú thím lên làm vườn cho chị. Trên này hồn nhiên, dễ sống. Ông bà lúc đầu còn nhúc nhắc, sau nghe theo. Ừ, cứ lên xem sao đã, nhà cửa tính sau. Giờ đi lại cũng tiện chứ không như trước. Vả lại, còn sức khỏe ở nhà quê ngồi không cũng buồn. Hạ mừng, vì thằng Tản có người chăm sóc. Ông bà quý trẻ. Cháu ruột mình chẳng trông được thì trông con cho Hạ. Máu mủ nhà mình cả. Thế là thành người vùng cao. Hoàng hâm xuống chơi, đùa: “Bố mà thi đại học là được cộng điểm đấy. Bây giờ chỗ con ai cũng thích làm người vùng cao để còn đi cử tuyển, đi học địa chỉ, sau về làm cán bộ nguồn đó bố”.
Cứ thế, đêm nào cũng chuyện. Chỉ có chuyện Hạ có bị hiếp thật hay không là Thủy không dám hỏi. Thân thiết như chị em ruột, đi đâu cũng mong nhau nhưng Hạ chẳng bao giờ hỏi chuyện riêng tư của Thủy. Chị em bảo Hạ là người hồn nhiên. Thủy bảo chị tâm hồn đơn giản.
Đầu năm rồi, trường mở thêm điểm mới, phân Hạ qua đó. Hai chị em xin nhưng không được. Hạ bảo mình không đi thì người khác lại phải đi. Thôi để chị đi cũng được. Cách nhau ngót hai chục cây số nhưng tuần nào không về với con là Hạ lại đi bộ sang chỗ Thủy. Chị em lại xì xụp nấu ăn. Thủy ít về, có lúc buồn, cũng túc tắc qua chị chơi, có khi rủ nhau ra chợ huyện sắm đồ. Ở đây mang tiếng là dễ sống, nhưng cá mú rau cỏ rất đắt đỏ. Một cân cá chép cả trăm nghìn. Lắm lúc muốn ăn nhưng tiếc tiền đành nhịn. Thủy phải lên điểm xa thế này cũng tại bởi hiệu trưởng Quang. Quang thấp lùn, người gốc Thái Bình, lên đây từ lâu nên đã thành ma bản. Khi hắn lên kiểm tra chị em thường báo nhau: “Thằng ma bản đến đấy!”. Nghe nói Quang háu gái, chị em thường bị hắn ép. Thì cũng Thủy đây, năm kia năm kìa gì đó, lúc liên hoan tổng kết xong, Thủy đang bấm điện thoại thì thấy có người ôm mình từ đằng sau. Quang. Mặt tai tái. Răng đen đen. Nồng nặc rượu. Anh thích em. Thủy hơi sững người. Vùng ra. Quang cứ ghì chặt khư khư. Tí lên phòng anh nhé. Thủy hét to: “Buông ra”. Mấy người trong quán ngó ra. Quang bực dọc. Cứt.
Thế là đi điểm trường xa nhất. Nhưng cũng vì thế mà gặp được Hạ. Người hồn nhiên. Thủy bảo, em thích bài Hạ trắng của Trịnh Công Sơn nhưng em gặp chị Hạ thấy chị đen quá trời, mắt trắng hơn cả da. Hạ đấm Thủy. Con điên. Bài đấy thế nào? Thủy trêu: Gọi nắng cho em phơi quần... Thế là cười.
*
Sau hôm Hạ chết, Thủy cùng mấy chị em lui cui dọn đồ, trông thấy trên giáo án chị một dòng vừa ghi vừa gạch: “Sao chẳng thấy con Thủy nói chuyện chồng con người yêu gì...”.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...