Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
12:46 (GMT +7)

Cải lương – những mất còn trong thời công nghệ

VNTN - 100 năm thăng trầm của nghệ thuật sân khấu cải lương, cho dù đã có nhiều cố gắng để gìn giữ, phát huy di sản mà các truyền nhân để lại, thì vẫn còn đó ngổn ngang như tơ vò làm sao giữ được những cái “còn” và khôi phục lại những cái “mất” trong thời công nghệ với sức ép của bao loại hình nghệ thuật khác.


Nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam (NTSKCL) ra đời, dựa trên cơ sở Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình, ca Huế, nhạc Hát bội, Đờn ca tài tử. Trải qua nhiều thăng trầm, những đổi thay của lịch sử và đời sống văn hóa xã hội, NTSKCL vẫn kiên trì bền bỉ tồn tại, vẫn luôn là một nơi chốn để bám víu tinh thần trong cuộc sống.

Phác thảo 100 năm thăng trầm

Nghệ thuật cải lương có thể nói xuất phát từ cái nôi Nam Bộ, khi đờn ca tài tử ở vùng này như “cá gặp nước” phát triển rực rỡ vào những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, đặc biệt từ năm 1918. Dấu mốc ghi nhớ thời kỳ phôi thai của NTSKCL được nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển ghi lại: “Đêm 16/11/1918 tại rạp hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng “Pháp - Việt nhứt gia” (tức Gia Long tẩu quốc). Đến năm 1920, tên “cải lương” xuất hiện lần đầu tiên trên bảng hiệu gánh hát Tân Thịnh với đôi câu đối: Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Giải thích chữ “Cải lương” theo nghĩa Hán Việt, GS Trần Văn Khê cho rằng: “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn”, thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc bài bản...”. Từ dấu mốc này, có thể nói đã hình thành một thể loại sân khấu kịch hát mới, có sức lan truyền mạnh mẽ trong cả nước ở thế kỷ 20: Nghệ thuật sân khấu cải lương.

Qua một thế kỷ, NTSKCL vẫn bền bỉ tồn tại bất chấp những thăng trầm, những đổi thay của lịch sử và đời sống xã hội. Từ chỗ thịnh hành ở phương Nam, từ những gánh hát nhỏ, NTSKCL đã phát triển ra phía Bắc, hình thành những nhà hát, đoàn cải lương lớn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng với nhiều thế hệ nghệ sỹ tài năng.

Nhìn vào bản kịch mục của NTSKCL Việt Nam trong 100 năm qua, có thể thấy sự phát triển thật đa dạng, phong phú. Từ những vở diễn khai thác tâm trạng con người trong tương quan với gia đình và xã hội như: “Tham phú phụ bần”, “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt”... cho đến dòng kịch thể hiện lịch sử, dã sử với những vở diễn tiêu biểu như: “Trần Hưng Đạo”, “Quang Trung”, “Mai Thúc Loan”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tô Hiến Thành xử án”... và những tác phẩm được chuyển thể từ các tác phẩm văn học như: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ...

Cùng với sự phong phú của các tác phẩm, là tên tuổi của những cây bút lớn, sáng tạo ra những tác phẩm có tiếng vang như: Tư Chơi, Huỳnh Thư Trung, Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Trần Hữu Trang... và đội ngũ nghệ sỹ mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử sân khấu cải lương, như Năm Phỉ, Phùng Há hoặc Bảy Nghiêu, Ba Vân, Tám Danh, Ba Du, Ngọc Thạch... ở thế hệ đầu; Thanh Tòng, Diệp Lang, Thanh Sang, Minh Vương, Út Bạch Lan, Thanh Kim Huệ, Ngọc Giàu, Tô Kim Hồng... ở những thế hệ tiếp theo.

Cải lương miền Bắc sinh sau, nhưng cũng có được những ngôi sao đáng nể như: Ái Liên, Bích Hồng, Bích Hợp, Anh Đệ, Đào Mộng Long, Mạnh Tưởng rồi đến Kim Xuân, Lệ Thanh, Tấn Sửu...

Những năm gần đây, một đội ngũ đạo diễn cải lương đích thực được đào tạo bài bản, được tắm mình trong thực tiễn sân khấu cải lương và có những đóng góp đáng chú ý. Ở miền Nam có NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hoa Hạ, NSND Giang Mạnh Hà; ở miền Bắc là những gương mặt đạo diễn trẻ đầy triển vọng như: NSƯT Triệu Trung Kiên, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Trần Quang Hùng…

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, trong lịch sử 100 năm hình thành và phát triển, NTSKCL cũng đã trải qua những thăng trầm. Từ giai đoạn huy hoàng ở những năm 1930, rồi xuống dốc ở những thập niên 1940 - 1950, sau đó lại vực dậy ở những năm 1960; Giai đoạn phát triển của những năm 1975 đến sau đổi mới 1986, NTSKCL lại bước vào sự suy thoái. Đặc biệt, bước sang thế kỷ 21, NTSKCL cả nước một lần nữa lại rơi vào khủng hoảng toàn diện và trầm trọng, nhất là khủng hoảng công chúng, khi đất nước bước sang thời kỳ hội nhập, phát triển, và công nghệ số đang phát triển ngày càng mạnh như hiện nay.

TP. Hồ Chí Minh được xem là “thánh địa” của NTSKCL, thế nhưng, thời vàng son của NTSKCL hiện chỉ còn trong tâm thức của nhiều người, đang đối mặt với những khó khăn từ việc thu hút khán giả cho đến thiếu vắng đội ngũ trẻ kế thừa.

Mất còn qua một thế kỷ

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình văn hóa khác, hiện đại hơn cùng với sự giao thoa và hội nhập giữa các nền văn hóa trên thế giới ngày càng mạnh mẽ, NTSKCL đang đứng trước nhiều thách thức để bảo tồn và phát triển.

Từ việc NTSKCL đối mặt với thực trạng khủng hoảng kịch bản do lực lượng sáng tác ngày một thưa dần. Trước đây, giới nghiên cứu lịch sử cải lương Nam bộ từng ghi nhận hơn 50 tác giả hùng hậu như Trương Duy Toản, Nguyễn Trọng Quyền, Năm Châu, Ba Phát, Bảy Nhiêu…, nay có hơn 80% kịch bản cải lương phải vay mượn từ kịch bản kịch nói. Đội ngũ sáng tác cải lương chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nổi bật như: Hoàng Song Việt, Lê Duy Hạnh, Triệu Quang Vinh, Triệu Trung Kiên, Lê Chí Trung…

Cho đến âm nhạc trong NTSKCL cũng cứ mai một dần. Lòng bản nhạc tài tử được xem như là linh hồn của NTSKCL, đi nghe - xem một tuồng cải lương, là nghe những bản nhạc, điệu đàn, bài ca ứng với tình tiết câu chuyện đang diễn ra. Nhưng cho tới hiện tại, thì những “thầy đờn” có ngón nghề “thần sầu quỷ khốc” không còn ai, ngay trong một tuồng cải lương phần ca cải lương đã bị giảm bớt, đào - kép vốn liếng bài bản ca chỉ được vài điệu thông thường, bản cổ (khoảng 20 bản gốc) hầu như ít ca được.

Giới chuyên môn còn lo ngại bởi thiếu hụt đội ngũ diễn viên trẻ chuyên nghiệp. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: “Công tác đào tạo nghệ sĩ cải lương tuy có cố gắng nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Các khoa chuyên ngành đào tạo diễn viên, nghệ sĩ sân khấu cải lương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh viên”. NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh: “Đáng buồn là có những sinh viên đã định hướng theo NTSKCL nhưng lại thiếu đầu tư về kiến thức văn hóa, lịch sử nghệ thuật dân tộc”… Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc chia sẻ: “Đến nay, chúng ta chưa có giáo trình đào tạo đạo diễn cải lương mà chỉ có đạo diễn kịch tay ngang sang làm cải lương, do vậy, tình trạng cải lương bị “kịch hóa” đã và đang diễn ra. Thêm vào đó, giáo trình giảng dạy nghệ thuật sân khấu cải lương lạc hậu, chưa cập nhật được xu hướng mới của thời đại”...

Giải pháp nào để bảo tồn phát triển?

Như cảm hứng để khởi động một cuộc “chấn hưng” NTSKCL, nhân dịp kỷ niệm 100 năm NTSKCL Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát VOV phối hợp công diễn vở Cải lương “Thầy Ba Đợi” 3 đêm tại TP. Hồ Chí Minh, kịch bản văn học PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ; Chuyển thể cải lương do soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng; Đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên và nghệ sỹ Lê Trung Thảo, với sự quy tụ hơn 60 nghệ sỹ tài danh 3 miền. Vở cũng được diễn tại “quê hương thứ hai” của Thầy Ba Đợi ở Long An, rồi mang ra diễn cho công chúng Hà Nội thưởng thức, cùng với gần 10 buổi truyền hình trực tiếp và phát sóng trên các kênh truyền hình quốc gia VTV, VOV, VTC…

NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút khán giả đến rạp xem trong khi cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho diễn viên biểu diễn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giữ “thánh địa cải lương” của thành phố phải sáng đèn”. Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh mỗi tuần đều có hai chương trình “Sân khấu cải lương” được truyền hình trực tiếp và ghi hình phát sóng giờ vàng, và những chương trình mũi nhọn của HTV trong nhiều năm qua: "Vầng trăng cổ nhạc", "Chuông vàng vọng cổ", "Ngân mãi chuông vàng"..., góp phần khơi gợi đam mê nghề nghiệp, tạo động lực phấn đấu cho các diễn viên, nghệ sĩ trẻ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chỉ đạo: “Nếu như ở giai đoạn mới hình thành, sáng tạo là đổi mới tuồng tích, đổi mới nghệ thuật hát ca thì trong xã hội hiện đại, yêu cầu đầu tiên là đổi mới đề tài, đổi mới thi pháp, đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật... sao cho đáp ứng được nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ ngày càng cao càng đa dạng của công chúng khán giả”. NSND Lê Tiến Thọ cho giải pháp: “Để đáp ứng được nhu cầu hiện nay trong xu thế hội nhập và phát triển đòi hỏi nội dung giáo trình giảng dạy phải được nâng cao. Cần có nhiều giáo viên có trình độ, kinh nghiệm biểu diễn sân khấu tham gia vào giảng dạy và sinh viên có thêm nhiều giờ học chuyên môn”.

NSƯT Trần Minh Ngọc đề xuất: “Cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn tùy theo những thuận lợi, khó khăn chung mà thi hành. Trong đó, Nhà nước cần có một chiến lược bền bỉ, lâu dài nuôi dưỡng người làm nghệ thuật cải lương. Đó là chiến lược tạo ra công chúng cho sân khấu, đồng thời có kế hoạch đào tạo đội ngũ sáng tác, biểu diễn và đạo diễn cải lương. Cùng với đó là đào tạo cho những người làm quản lý bởi họ cần có những hiểu biết của các bầu gánh, bầu chủ biết nắm lấy thời cơ, các quy luật của thị trường...”. GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam: “Muốn cải lương khởi sắc như thời hoàng kim cần có một chính sách đặc biệt cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có nghệ thuật cải lương. Cụ thể là đầu tư kinh phí cho những công trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để có được những vở diễn hay, những tác phẩm vừa đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng vừa có tính tư tưởng cao”.

NSND Giang Mạnh Hà đề xuất: “NTSKCL cũng phải thay đổi, trước hết là cơ sở vật chất. Nhà nước cần đầu tư xây dựng nhà hát biểu diễn xứng tầm chuyên nghiệp. Trong đó, nhất thiết phải được đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng, màn hình LED, xưởng chế tạo các mô hình sân khấu ảo... được bấm nút điều khiển từ xa theo mô hình thế giới đang sử dụng…”. PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng: “NTSKCL hôm nay không có con đường nào khác, là tự làm mới mình từ bao cấp sang tự chủ. Nghĩa là, các nghệ sỹ phải biết khẳng định mình như một doanh nhân, đơn vị mình như một doanh nghiệp, tác phẩm của mình như một hàng hóa đặc biệt và biết cạnh tranh trên thương trường của hội nhập quốc tế, ngay trên tay của mỗi khán giả đương thời. Nghĩa là, sáng tạo cải lương hôm nay phải mang tính khoa học hiện đại, tính tối giản, tính thông dụng đời thường với lượng thông tin nhanh nhạy về chân - thiện - mỹ thời đại phù hợp với văn hóa Việt hiện đại”.

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, NTSKCL muốn tồn tại và phát triển phải đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc, hồn cốt dân tộc, nhưng phải không ngừng đổi mới, “cải cách” để “lương truyền”. Khi mê rồi thì "Nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi. Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy".

Minh Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy