Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:33 (GMT +7)

Cái cối đá

Mùa đông năm 1972, khi bọn Con Ma, Thần Sấm, B52 thi nhau gầm rú trên bầu trời, trút bom đạn xuống mặt đất thì gia đình tôi sơ tán sang Hang Dơi (xã Linh Sơn TP. Thái Nguyên). Ban ngày bố mẹ vẫn phải vượt qua sông về cấy cày, chăn lợn, anh trai vẫn đi làm ở Gang thép. Bên khu sơ tán chỉ còn mấy chị em tha thẩn trông nhau, dắt díu nhau đi khắp cái hang to, rộng chơi với bọn trẻ con cũng về đây sơ tán như mình, hoặc đi xem thương binh được cáng về bệnh viện dã chiến cũng trong lòng cái Hang Dơi ấy.

Thế rồi 12 ngày đêm bắn phá bằng máy bay của giặc Mỹ cũng kết thúc. Từ nơi sơ tán, gia đình tôi gồng gánh nồi xoong, bát đũa, chiếu chăn... trở về nhà. Lúc đi qua cửa hàng Hợp tác xã mua bán Túc Duyên còn gọi là cửa hàng Gốc Gạo vì nó nằm bên cạnh một cây gạo to (cổng chợ Túc Duyên bây giờ) mẹ tôi rẽ vào cửa hàng mua cái cối đá. Đoạn đường từ đó về nhà, mẹ tôi gánh trên vai một bên chiếc cối đá, bên kia chễm chệ đứa con gái út 4 tuổi là tôi.

Cái cối trở thành một thành viên trong gia đình tôi từ đó. Không hiểu vì tiết kiệm tiền hay vì đợt hàng ấy chỉ có thế mà khi mua mẹ tôi đã chọn chiếc cối bị sứt một miếng ở miệng. Chỗ sứt được người thợ đá mài nhẵn nhụi nên không ảnh hưởng gì đến chức năng của cối và tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy bất kì một sự bất tiện hay không tròn trịa nào ở đó cả. Hơn thế nữa, chỗ sứt còn để lộ ra đường vân trắng nổi bật trên nền đá xanh xám trông càng rắn chắc, đẹp đẽ lạ thường.

Trong kí ức của tôi, bao năm tháng dài đi qua mà chiếc cối chưa bao giờ được nếm mùi vị thịt, cá. Mùa hè, chị em tôi bắt cua ngoài đồng về, mẹ cho vào cối giã, vừa giã, mẹ vừa cầm cái rổ che lên mặt tránh nước cua khỏi bắn. Những chiều đông, mẹ hay các chị giã muối lạc, muối vừng. Giã vài ba chày là hương thơm vừng lạc bay khắp nhà, bay cả ra sân ra ngõ. Khi lạc, vừng múc ra rồi, tôi mang bát cơm trắng đổ vào đảo vài chày trộn cối. Cơm trộn cối giã vừng béo, bùi, dẻo, thơm ngon tựa bánh giầy.

Ngày mưa, các chị nhổ sắn về luộc. Khúc sắn bở tơi còn đang bốc hơi nghi ngút cho ngay vào cối giã. Bánh giầy sắn không mỡ, không hành mà thơm, mà dẻo quắn lưỡi. Mùa thu, khi lúa nếp ngoài ruộng còn đương độ bánh tẻ, bố tôi gặt mấy lượm về giã cốm cho các con ăn. Hạt cốm dẹt, xanh trong như ngọc nhón lên từ lòng cối, thổi phù phù cho vỏ trấu bay ra, mùi cốm thơm cũng bay theo, quện vào khói, vào sương lan xa mãi…

Nhà tôi giờ đã sắm được mấy cái cối xay điện của Nhật, của Hàn, của ta... nhưng giã vừng, giã cua nấu canh thì không cối nào qua mặt được chiếc cối đá xanh này. Không phải vì tôi “chuộng lí lịch” hay ưu tiên “người thân” mà chỉ đích thực là chọn đúng đồ vật với đúng công năng của nó. Giã là phải khác với băm nhỏ, cắt nhỏ.

Cái cối đá của nhà tôi, lòng cối cả cuộc đời chỉ đón nhận rặt món đồng quê mà càng giã càng nhẵn nhụi, càng thơm thảo, càng phô ra màu đá xám xanh với những đường vân trắng như những con đường, những dòng sông trên tấm bản đồ địa lí. Hơn nửa đời người, nhà tôi đã bao đổi thay mà chiếc cối vẫn bình lặng, khiêm nhường ở đó, mãi luôn ở đó. Bởi nó chính là một phần cuộc sống của gia đình tôi…

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chí đại dương

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Lối nhỏ vào đời

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Bố và nắng

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Nhà có hai chị em

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ai chạy nhanh nhất?

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Chuồn chuồn kim

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Hoa mướp bên hiên nhà

Văn xuôi 1 tháng trước