Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:28 (GMT +7)

Cà phê nguyên chất – nét thưởng thức mới

VNTN - Thả hồn mình trong không gian ấm áp, mang phong cách xưa cũ với những đồ vật đậm chất quê, nhâm nhi ly cà phê thơm đượm mùi quả ngọt tự tay ông chủ quán rang xay, nghe kể về hành trình từ nông trang đến ly cà phê, để rồi hiểu hơn một tình yêu và thông điệp muốn truyền tải tới thực khách: hãy thưởng thức cà phê nguyên chất.


Một chút…cà phê

Có mặt ở Chum Coffee (ngõ 25, đường Phủ Liễn, thành phố Thái Nguyên) theo lời giới thiệu của cô em: “Cà phê ngon, view (không gian) khỏi chê, cực hợp với những ai thích vintage (đồ cũ)”. Tôi chọn cho mình góc quán với lũy tre xanh bên những chiếc chum sành cùng nhiều đồ vật mang đậm chất dân dã, gợi sự yên bình nơi làng quê. Phía bên cạnh, các thực khách khác lại lựa góc quán với tranh vẽ tường khắc họa một góc phố xưa hoặc chọn gian phòng ấm áp với những bộ ghế salông cổ tay cong êm ái, bên các đồ vật gợi sự cũ kĩ mà thân thuộc.

Ngụm thử ly cà phê không đen đặc hay sánh ngậy như vẫn dùng, mà chỉ là màu nâu loãng nhưng thơm nhẹ, có mùi của quả chín tan trong miệng càng thêm cảm giác được hòa mình với thiên nhiên. Qua câu chuyện của ông chủ Chum Coffee Nguyễn Hà Cương (sinh năm 1985), mới có cơ hội được vỡ ra nhiều điều lý thú về ly cà phê nguyên chất mình đang thưởng thức.

Thì ra, để có thứ cà phê tưởng như mộc mạc trên quả không dễ. Những cây cà phê từ lúc ươm mầm, trải qua vài năm trồng và chăm sóc rồi ra hoa kết trái. Qua bàn tay người nông dân, lựa chọn quả chín, nhặt sạch rác và loại bỏ quả xanh để cà phê có được chất lượng tốt nhất. Từng quả cà phê sau thu hái được tắm mình trong nước sạch, rồi lại phơi khô, tách vỏ lấy nhân. Kế đến là nghệ thuật rang, xay, pha chế mới cho ra sản phẩm cuối cùng là ly cà phê thơm ngát.

Nguyễn Hà Cương bên chiếc máy rang cà phê

Quả là cả một chu trình với bao công đoạn cầu kỳ. Ấy thế mà chưa hết. Còn phải hiểu về từng loại cà phê nữa. Vốn có nhiều loại, song 2 giống quan trọng nhất và đạt giá trị kinh tế là cà phê Arabica và Robusta. Hạt cà phê Arabica thơm quyến rũ với vị đắng ít, chua thanh, được trồng nhiều ở Brazil; Robusta đắng đậm, hương thơm lưu ngắn, giá trị kinh tế thấp hơn một nửa so với Arabica nhưng lại được trồng nhiều ở nước ta (Việt Nam đứng thế hai thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil và là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới).

“Khi hiểu được đặc trưng của từng loại, trong quá trình rang mới biết cách xử lý nhiệt độ thích hợp và kết hợp chúng để cho ra những hương vị cà phê phù hợp với sở thích từng người. Tự thân hạt cà phê nguyên chất đã đủ quyền năng để chinh phục cái gu của tất thảy những người yêu thích cà phê rồi, đâu cần tới những hương liệu hay hóa chất độc hại”. Nghe ông chủ Chum Coffee chia sẻ mới thấy hết sự tài tình và thú vị, chỉ từ những hạt cà phê nguyên chất được tiếp xúc ở từng nhiệt độ lại cho ra những hương vị khác nhau: hương nhè nhẹ của hoa, cỏ, trái cây hay thơm đậm mùi caramen, chocola; vị mặn, ngọt, chua, đắng đủ cả.

Nhận ra cốt lõi

Chum Coffee ra đời năm 2013, được xuất phát từ ý tưởng về một nơi tụ họp bạn bè, anh em, những người cùng sở thích, niềm đam mê hoài cổ. Cái tên “Chum” như gợi những nét văn hóa của người Việt với một đồ dùng đời thường, thân quen mà gần gũi. Chum xưa đựng gạo, rượu, nước… nay để làm cảnh hoặc trồng cây,… “Chum” theo nghĩa tiếng Anh còn là bạn bè thân thiết, sự thân mật, gần gũi.

Ngay từ khi mở cửa, Chum Coffee đã rất hút khách với các loại đồ uống đá xay thịnh hành dành cho giới trẻ như: Mocha, Caramel, Fruit, Frappuccino… Nhưng sau một năm hoạt động, nhận ra rằng, những đồ uống này chỉ là trào lưu rồi cũng đến lúc hết thời, cà phê mới là truyền thống làm nên cốt lõi và tính bền lâu, Chum Coffee quyết định tìm hướng đi mới.

Một mình một xe (trên chiếc Vespa cổ - dòng xe mà bản thân yêu thích), ông chủ cà phê “Chum” đã làm một chuyến đi “phượt” cả tháng trời đến các thủ phủ cà phê như: Kon Tum, Gia Lai, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)… Vừa kết nối người quen, bạn bè để được giới thiệu, chỉ dẫn, vừa xông xáo tự dò hỏi, tìm đường đến những nông trường cà phê để có những trải nghiệm, sự hiểu biết và nắm được nguồn gốc của loại hạt này.

Chuyến đi đã đem đến cho ông chủ Chum Coffee tình yêu, niềm đam mê với loại hạt tiềm ẩn trong mình bao sự quyến rũ. Đăng kí ngay một khóa học quốc tế để anh trang bị cho mình những kiến thức chuyên sâu trong ngành cà phê, từ hạt giống đến ly cà phê, từ lịch sử ngành đến phân loại hạt, đặc biệt là kĩ thuật rang cà phê để có thể kiểm soát và tạo ra những hương vị mình muốn với mỗi loại cà phê khác nhau. Sau đó, Chum Coffee đã có cú thay đổi ngoạn mục về đồ uống khi chuyển sang đi sâu vào cà phê nguyên chất do quán tự rang xay sản xuất.

Nỗ lực và tâm huyết

Từ khóa học về cà phê, Nguyễn Hà Cương may mắn được kết thân, trở thành thành viên của Nhóm cà phê nguyên chất - nơi những người có cùng niềm đam mê, tâm huyết xây dựng nền cà phê sạch của Việt Nam. Có được kiến thức và sự truyền lửa từ những người cùng đam mê, lại cộng thêm khoảng thời gian từng 2 năm làm việc tại công ty Nhật Bản, học được ở người Nhật sự đề cao chất lượng, sản phẩm tự tay mình làm ra và ý thức trách nhiệm với sản phẩm của mình, Cương đã không ngần ngại mở thêm một cửa hàng mà anh gọi là “xưởng sản xuất cà phê”. Với chiếc máy rang cỡ lớn, mỗi mẻ rang được khoảng 10kg hạt cà phê đã qua sơ chế, trung bình mỗi ngày, “xưởng” rang khoảng 6 mẻ, cho ra gần 50kg hạt cà phê thành phẩm, phục vụ trực tiếp khách hàng đến với “xưởng” hay Chum Coffee, đồng thời cung cấp bán lẻ cho nhiều nơi.

Ý thức trách nhiệm với sản phẩm của mình, ngay từ khâu nguyên liệu đã được chú trọng, Cương chia sẻ: “Mình nhập hạt cà phê đã qua sơ chế đảm bảo nguồn gốc sạch của các thành viên trong Nhóm cà phê nguyên chất; rồi tự tay rang cho ra sản phẩm cà phê mang thương hiệu “Chum Coffee”, với mong muốn cung cấp tới khách hàng sản phẩm cà phê nguyên chất của người Việt”.

Dẫu xuất phát từ mục đích chính đáng, xong những ngày đầu sản phẩm cà phê nguyên chất của quán gặp không ít khó khăn trong sự tiếp nhận của khách hàng. Vì thực tế, khách thường uống cà phê theo trào lưu, thói quen. Nhiều năm nay khách đã quen với kiểu uống cà phê “sánh, đặc, ngậy”. Nhưng vị đó không phải là cà phê nguyên chất mà đều là cà phê đã pha tạp, tẩm ướp hương liệu.

Sau 2 năm bền bỉ, những sản phẩm cà phê rang nguyên chất cho ra những ly cà phê thơm đúng vị của Chum Coffee đã thuyết phục được khách hàng. Nhiều khách quen của quán chia sẻ: Hồi đầu cứ tưởng chủ quán cho uống nước hai vì màu vị chẳng đậm đặc gì cả. Lâu dần lại cảm nhận được hương vị rất riêng của nó, giờ thì mê rồi.

Một góc của quán cà phê “Chum”

Hiện sản phẩm cà phê rang “Chum Coffee” không chỉ được dùng trong nhiều quán cà phê ở Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Nội… mà còn được nhiều khách hàng nước ngoài biết đến và đặt mua qua hệ thống bán hàng trên mạng. Về điều này, Nguyễn Hà Cương cho biết: Đây chỉ là những tín hiệu rất nhỏ của Chum Coffee, trên bước đường muốn đến với thành công còn rất dài phía trước. Hiện giờ, anh chỉ mong muốn truyền đi ý thức người Việt trồng ra cà phê và xuất khẩu nhất nhì thế giới phải được uống những ly cà phê nguyên chất với giá cả phải chăng nhất.

Thông điệp chân thành, đơn giản ấy đang được Chum Coffee (cũng như một số quán cà phê nguyên chất khác) ngày ngày truyền tải bằng nỗ lực mang đến một nét thưởng thức cà phê mới cho người Thái Nguyên.

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy