Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:36 (GMT +7)

Bức tường tình yêu ở Paris

VNTN - Khách du lịch tham quan Paris đã nghe nói và thăm nhiều những công trình nghệ thuật nổi tiếng như Tháp Ep-phen, điện Panthéon, điện Invalide hay Thánh đường Đức Bà..., các đại lộ và nhiều cây cầu bắc ngang sông Seine, nhưng có một góc mang đầy đặc tính lãng mạn của người Pháp mà không phải ai cũng biết, đó chính là Bức tường tình yêu và khu lân cận.

Nằm trong quận 18, ngay dưới chân đồi Montmartre huyền thoại. Từ trung tâm Paris, du khách nên dùng tàu điện ngầm. Tàu sẽ đưa du khách đến bến Abbesses. Bến tàu này nằm rất sâu dưới lòng đất, nên có thang máy để đưa chúng ta đến với ánh sáng mặt trời. Ngay khi vừa ra khỏi thang máy, sẽ thấy quảng trường Abbesses khá lớn và luôn tấp nập người qua lại, với Nhà thờ Thánh Saint Jean xây bằng gạch đỏ điệu vợi. Ngôi nhà thờ này còn mới nếu so với vô vàn những ngôi nhà thờ khác ở Paris. Nó được khởi công xây dựng vào năm 1894 và khánh thành năm 1904. Được xây dựng theo phong cách Tân nghệ thuật, tường đổ xi măng cốt thép sau đó bao một lớp gạch đỏ, do kiến trúc sư Anatole de Baudot (1834 -  1915) thực hiện.

Cửa bến tàu điện ngầm Abbesses

Góc này của Paris mùa nào cũng đẹp. Mùa xuân đâu đâu cũng đầy hoa. Mùa hè cây cối cành lá xanh tươi mát mẻ. Mùa thu từng cụm hoa cuối mùa lẫn vào những đám lá vàng rực mọc hai bên đường, đôi chỗ lòa xòa chạm cả vào khách bộ hành, khung cảnh thật nên thơ... Mùa đông những con phố nhỏ lát gạch hoặc những phiến đá khiến đôi chỗ gập ghềnh khấp khểnh, trở nên trầm buồn hơn trong màu xám hoài niệm mà chỉ cần nhắm hờ cặp mắt, chúng ta có thể hình dung như nghe thấy những tiếng lóc cóc của bánh xe ngựa lăn trên đường phố của hàng trăm năm trước. Quả thật, thời gian như trôi chậm hơn ở góc nhỏ này của Paris.

Phía bên kia quảng trường, xa xa là một khu vườn nhỏ mang tên Jehan Rictus (1867-1933) nhà thơ nổi tiếng của Pháp. Đập vào mắt chúng ta là một bức tường với hình ảnh của nữ danh ca Pháp, gốc Italia, được sinh ra và lớn lên tại đất nước Ai Cập cổ kính và đã từng đoạt vương miện Hoa Hậu của quốc gia này năm 1954: nữ danh ca Dalida. Người đẹp đã khiến giới văn sỹ Pháp đổ không biết bao nhiêu giấy mực khi quyết định tự lìa bỏ cõi đời ở độ tuổi vẫn còn đang xuân sắc. Cuộc đời bà được một số văn sỹ ví như biểu tượng của tình yêu. Dalida, với tên khai sinh là Yolanda Cristina Gigliotti sinh năm 1933 tại Cai-rô, qua đời tại Paris năm 1987. Bà có thể hát các ca khúc của trên dưới chục thứ tiếng. Nổi tiếng thế giới với rất nhiều ca khúc trong số hơn hai ngàn bài mà bà đã hát trong đời. Bà đoạt hàng chục Đĩa hát vàng, là người đầu tiên nhận Đĩa vàng năm 1956, Đĩa Platine 1964 và Đĩa Diamant năm 1981, và hai lần nhận giải Oscar về đĩa hát năm 1963 và 1974, cũng như giải Viện Hàn lâm Pháp về Đĩa Pháp năm 1975. Khoảng hơn 170 triệu đĩa hát của bà đã được tiêu thụ trên toàn thế giới... Không chỉ rất thành công trên con đường nghệ thuật hát ca khúc, mà bà đã từng là diễn viên điện ảnh. Thành công vậy nhưng đời tư lại nhiều đa đoan nên bà đã tự kết thúc cuộc đời ở tuổi 54, vài tháng sau khi đã thủ vai chính trong bộ phim Ngày thứ Sáu. Cùng với Edith Piaf, bà là nữ danh ca ghi dấu ấn nhiều nhất trong làng ca nhạc Pháp của thế kỷ XX.

Trên bức tường đó, cạnh bức ảnh yêu kiều diệu vợi của Dalida là những hàng chữ Je t'aime (Anh yêu em/Em yêu anh) của hơn ba trăm thứ tiếng khác nhau được khắc trên đá cẩm thạch màu tím, trong đó có những thứ tiếng khó như tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc và tiếng Do Thái.

Ý tưởng ban đầu dựng bức tường này đến từ Frédéric Baron. Với suy nghĩ các cặp tình nhân có ngày lễ tình yêu Saint Valentin, nên chăng cũng cần một địa điểm gặp gỡ. Một không gian tình yêu liên hợp trong tất cả mọi thứ tiếng: Bức tường của những câu Anh yêu em/Em yêu anh.

Nhà thờ Thánh Saint Jean

Say mê Philéas Fogg (một nhân vật trong Du lịch vòng quanh thế giới trong 80 ngày của Jules Vernes), Frédéric Baron mơ về một chuyến du lịch vòng quanh thế giới trong 80 câu “Anh yêu em/ Em yêu anh”. Anh đã không đi du lịch mà đề nghị người em út của mình viết ra câu nói kỳ diệu này. Sau đó anh lại đến gặp những người hàng xóm của mình, là những người Ả Rập, Bồ Đào Nha, Nga hay Thụy Điển... Và cứ như thế, anh đã đến gõ cửa nhiều nơi, đặc biệt là các Đại sứ quán. Và lần nào cũng vậy, cũng như lần đầu tiên với trái tim đầy hứng khởi và nhiệt huyết để dẫn đến kết quả dồi dào thu lượm được những câu huyền diệu về tình yêu. Câu “Anh yêu em/Em yêu anh” được hơn một ngàn người viết trên hơn ba trăm thứ ngôn ngữ khác nhau.

Frédéric Baron sau đó đề nghị Claire Kito, một nữ nghệ sỹ thực hành Thư pháp gom lại tất cả các câu. Sự cộng tác của hai người đã khiến nảy sinh ý tưởng về một bức tường, tại đó sẽ nở bừng câu nói này trong các ngôn ngữ cơ bản cũng như các phương ngữ trên toàn thế giới, hệt như những vì sao lấp lánh trên nền trời tím sẫm của mùa hè indien.

Để được chiêm ngưỡng bức tường hiện như bây giờ, chúng ta còn làm quen với một nghệ sỹ khác, người đã từng mong muốn được vẽ trên bức tường Berlin, đó là họa sỹ Daniel Boulogne. Khi được trình bày về một bức tường tình yêu, ông đã đồng ý tham gia ngay và cố gắng để thực hiện.

Venise có cây Cầu Than thở (Pont des Soupirs), thành phố Agra Ấn Độ có biểu tượng Taj Mahal, người dân của Thủ đô ánh sáng mong muốn làm sáng lên và tỏa rạng một viên kim cương mới - Bức tường tình yêu.

Trong một thế giới ghi dấu ấn bởi sự hỗn loạn và bạo lực, bị Chủ nghĩa cá nhân chế ngự, những bức tường cũng như những đường biên giới, thường mang chức năng ngăn cản chia cách các dân tộc hoặc tự bảo vệ, nhưng Bức tường tình yêu thì ngược lại, là một vạch kết nối giữa con người với con người, một địa điểm để hòa giải, một tấm gương phản chiếu một hình ảnh hòa bình.

Bức tường tình yêu được dựng trên một diện tích chừng 40m², ghép từ 612 tấm đá cẩm thạch. Diện tích mỗi phiến cẩm thạch tím nhắc chúng ta nhớ lại những trang giấy mà trên đó Frédéric Baron đã đón nhận những dòng chữ viết tay. Chúng ta dễ dàng nhận ra những vết màu đỏ trên tường, và đó chính là hình ảnh những mảnh trái tim tan vỡ, điều mà nhân loại rất hay vướng phải khi cứ giận dỗi giày vò nhau và Bức tường xuất hiện với mong muốn nhặt và ghép chúng lại.

Bức tường tình yêu

Quảng trường Abesses có thể coi như là trái tim của tổng khu du lịch Đồi Montmartre, ngã ba đông đúc mà chúng ta luôn chạm mặt dân Paris và khách du lịch đến từ khắp bốn phương trời. Thế nên chẳng phải ngẫu nhiên mà bức tường này được dựng lên tại đây, trong một khu vườn nhỏ tưởng chừng như chẳng gây được sự chú ý. Bức tường tình yêu được hình thành vào tháng 10 năm 2000, tác phẩm chưa từng có tiền lệ và hiện giờ đã trở thành một tượng đài dành cho niềm vinh quang của các cặp đôi yêu nhau trên toàn thế giới!

Dừng chân ngắm nhìn những câu chữ Je t'aime được viết bằng trên ba trăm thứ tiếng, tôi vui vui khi nhìn thấy hàng chữ “Anh yêu em” nằm phía trên cao. Tiếng Việt của chúng ta với hàng chữ thân thương ấy đã hòa chung vào cùng các thứ tiếng trên toàn thế giới trong một niềm khát vọng vươn tới tình yêu và hòa bình, đúng như những tác giả của tác phẩm này hằng mong đợi.

Hiệu Constant

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy