Bức tượng đồng đen
Truyện ngắn. Nguyễn Thị Thu Hà
Thằng bé chừng chín mười tuổi, mặt đen nhẻm từ trong đống sắt vụn thò ra. Hai thằng nữa, một thằng nhỏ hơn, một thằng lớn hơn cũng ẩy nhau ra đứng lập bập thành hàng. Người khách chỉ tay vào thằng bé đầu tiên. Nó đi theo người đó. Bạn nó, những đứa trẻ cùng cảnh đứng từ xa nhìn với ánh mắt thật lạ, có chút ghen tị, tò mò.
Sau những gáo nước dội từ đỉnh đầu xuống chân, mạt sắt li ti trôi theo nước chảy thành dòng lênh láng trên nền đất khô. Nó như dòng nước nhỏ vừa thoát ra khỏi khu bể sắt – nơi ở của những đứa trẻ chuyên đi gom sắt vụn. Nơi mà đêm đêm nằm nền nhà ẩm mốc ngắm thạch sùng là thú vui của nó và thằng Bứt. Giờ nó sẽ gác lại thú vui đó để theo người đàn ông vừa đón về nơi ở mới, chỉ cần ngày hai bữa cơm no…
Kể từ đó Mặc trở thành con nuôi nhà ông Nhất làm nghề thầy cúng. Cái nghề không giàu nhưng đủ việc quanh năm. Ông Nhất đổi tên cho Mặc thành May. Hoán cải tên thế để cuộc đời gặp nhiều may mắn. Con người sinh ra đã là một vận may, nhưng sống đàng hoàng, cho ra sống cũng phải chờ vận may mới có.
May bắt đầu đi học. Nó lớn nhất lớp một trường làng. Không sao. Ông Nhất bảo, muốn làm gì trước hết phải biết chữ đã. Có chữ sẽ liên kết với trần gian, địa ngục bằng những kí tự ngôn ngữ được. Ờ, thì May nghe nói thế chứ hiểu làm sao được hết ý của cha. Tóm lại là phải biết chữ mới làm người được.
May lớn nên học chữ rất nhanh. Chỉ sáu tháng đã biết đọc. Một năm sau đọc viết thành thạo. Ngày rằm, mùng một theo lệ cha giao, May lên chùa làng trên ngọn đồi cao quét dọn ban bệ, lau tượng. Từ đó chẳng có ngóc ngách nào trong chùa May không cọ quẹt chổi tới. Ở chùa có cụ Tứ ngoài bảy mươi ở trông. Lưng cụ còng rạp xuống trong tấm áo nâu lụng thụng. Cụ già hiền lành, ít nói. Ngoài thời gian quét dọn chùa cụ dành sức trồng chuối, nhãn, bưởi, mít, đôi luống rau xanh trong vườn. Lúc chuối ra buồng nhiều, cụ nhờ bố con May chặt giúp để vừa thắp hương vừa biếu các bà già lên đọc kinh.
Ở làng này người ta không có thói quen vào chùa vào ngày rằm, mùng một. Chùa vắng vẻ, các bà chỉ lên chùa đọc kinh sám hối nếu trong làng có người chết, để linh hồn được siêu thoát. Thỉnh thoảng cha đi cúng về có chút lộc, bảo May mang lên biếu cụ. Trước đây cụ còn khỏe thì được phát mấy mẫu ruộng để làm. Giờ cụ già yếu, nên ruộng giao cho người khác làm và lấy ít thóc để ăn quanh năm. Đến mùa thu hoạch đỗ, lạc, ngô, khoai người làng đều đem qua biếu. Sau này May biết cụ không phải là sư mà chỉ là người trông nom từ lúc đi dân công hỏa tuyến bị thương về đến nay. Trước cụ có nhà rìa làng, nhưng từ lúc bà thân sinh mất vì cảm tả, cụ làm đơn hiến nhà cho xã làm lớp mẫu giáo rồi dọn lên chùa ở.
***
Đây là ngôi chùa không sư. Sự tích truyền lại rằng, đời nhà Trần có một vị tu sĩ ăn mặc lếch thếch, bẩn thỉu đi qua làng, gặp lúc mưa to gió lớn ghé vào chùa trú. Chùa lúc này đang xây dở, bộn bề tre gỗ, sai nha trông coi không cho vào. Vị tu sĩ đành co ro nép dưới gốc thông, chờ mưa gió qua, rồi lịm đi lúc nào chẳng biết. May thay dân trong làng phát hiện kịp, cõng về sưởi ấm, thay quần áo, phục thuốc, đút cháo ba ngày mới tỉnh. Câu đầu tiên hỏi sao chùa là cõi từ bi không cho người cơ nhỡ vào tá túc. Trưởng làng bùi ngùi kể, xưa chùa là chùa làng, ai vào ai ra cũng được, chẳng quản. Mấy năm trở lại đây quan mới về nhậm chức, tăng sưu thuế, bắt dân làng lên rừng chặt gỗ, đào đá về xây chùa. Ruộng nương tiêu điều, thanh niên trai tráng chỉ còn lại nhúm bủng beo, phần chết vì gỗ đè đá sập, phần chết vì bệnh tật. Đói nheo nhóc, nhiều người không chịu được nữa gồng gánh vợ con bỏ đi biệt xứ. Đây là công trình uy nghi to nhất vùng để đón các quan trong triều xuống thưởng trà, đàm đạo, đánh cờ bên hồ sen.
Nghe dân than vị tu sĩ xót ruột, căm ghét cái thói tham sân của nhà quan bóc lột đến cả xương tủy dân. Trước khi dời đi, vị tu sĩ trả ơn dân làng bằng lời nguyền: “Chùa sẽ thuộc về dân, không sư nào ở được”. Vị sư đầu tiên được cử về quản chùa, đến đầu làng bị sét đánh chết tươi. Vị thứ hai, thứ ba cũng thế… Một đồn mười, mười đồn trăm về lời nguyền kia. Việc đến tai quan trên, quan tức giận, nhưng ép sao cũng chẳng sư nào dám nhận về trụ trì. Phái sai nha giải xuống thì đi nửa đường sư cũng tìm cách trốn mất. Cứ thế ngôi chùa không sư chìm nổi theo thời thế hỗn mang. Tòa ngang dẫy dọc của chùa lúc thì vang tiếng ê a của bọn trẻ con học vỡ lòng đi sơ tán tránh bom, lúc thành nhà kho để dân chất thóc tránh lụt.
Những bức tượng La Hán ngồi dãi hai bên hành lang từ chính tòa tam bảo đến gác chuông phía sau chùa. Những mảng màu sơn son thếp vàng trên tượng bị bong tróc. Các ông trông thật tội. Những tà áo rách nát theo thời gian. Ngôi chùa bị sụt mái, dột nát.
Chiến tranh qua. Nạn đói qua. Lũ lụt qua…
Cha và cụ thường rủ rỉ trò chuyện với nhau như đôi bạn tri kỉ dưới gốc nhãn sum suê. Có đôi khi cụ làm người ta giật mình tưởng rằng Phật thần hiển hóa nơi cụ để chỉ giáo. Cụ chỉ mặt anh con trai nhà ông Thiện mắng xơi xơi: “Mày về đưa ngay thày mày lên nhà trên chăm nom cẩn thật nhé. Thày mày chả sống được bao lâu nữa đâu. Cho người đẻ ra mày ở cạnh chuồng trâu thế à. Đồ mất dạy!” – Anh tái mặt vâng dạ.
Có lần cô bán thịt lợn đầu làng lên thắp hương, cụ bâng quơ bảo: “Này chị ơi, cúng gì thì cúng nhưng đừng cân điêu cho người ta nhé”. Nhà bán than lên cúng cho con khỏi bệnh. Cụ ôn tồn bảo: “Có bệnh thì đưa con lên viện tỉnh chứ Phật có phải là bác sĩ đâu. Để tên tuổi đứa trẻ đây, hằng ngày tôi thỉnh cho cháu được may mắn, gặp thầy gặp thuốc nhé”. Rồi vài anh chị đến tuổi ôn thi vào trường dưới tỉnh, chả biết lên chùa vắng yên tĩnh ôn bài tốt hơn, hay là có chút linh khí nào nhập vào đầu óc mà đều đỗ cả.
Cái tiếng chùa thiêng tự thế mà thành. Người đến chùa đông hơn, người ta kẹp tiền lẻ vào tay thần Phật. Cụ thấy, lắc đầu, nhặt bỏ vào rổ nhựa. Sau cha mua cho cụ ít đĩa nhựa để người đến đặt tiền, bày lễ cho lịch sự. Cũng có người thành tâm biếu cụ đôi ba đồng bạc để mua thức ăn, lọ dầu hộp cao phòng khi trái gió trở trời. Chỉ thế thôi mà cũng có người đồn cụ nhiều tiền lắm vì ở trông chùa. Đến tai xã, xã cử cán bộ quản lí văn hóa lên hỏi, cụ thủng thẳng bảo: “Tôi cũng tính đóng hòm công đức để ở ban tam bảo chứ người đời giờ cúng nhiều tiền quá, bỏ lung tung cả. Mệt quá, nhặt như nhặt lá rụng”. Cán bộ về báo cáo trong cuộc hội ý gấp cuối giờ chiều phải đưa tiền công đức vào quản lí gấp.
Ngay sáng sau một cái hòm gỗ được đặt vào cạnh ban Tam bảo. Người ở xã thường xuyên qua lại hơn. Cụ vẫn cứ quẹt quẹt cái chổi xương khắp các ngóc ngách trong chùa. Có lần cụ bảo với cán bộ xã: “Cái chổi cùn quá rồi, chú xem tặng cho nhà chùa cái chổi khác để quét cho đỡ đau lưng”. “Vâng, để chờ cuối tháng có đủ thành phần lãnh đạo mở hòm công đức ra rồi trích kinh phí mua chổi cụ ạ!”. Chờ qua mấy lần cuối tháng, lá cây trút lên sân chùa tầng tầng lớp lớp vẫn chưa thấy chổi đâu. Cụ nằm ốm trong gian nhà ngang hông chùa chẳng ai biết. Đến khi có người vào gọi cha May ời ời báo tin cụ mất, tất cả mới ngớ ra bàng hoàng.
Lúc tắm rửa, thay quần áo mới, người ta lật gối cụ lên thấy có bì thư, trong đó đếm cả thẩy hơn trăm nghìn tiền lẻ. Xã quyết định tặng cụ một chiếc quan tài. Cả làng đưa tiễn cụ ra đồng trong buổi sáng sương giăng trắng lạnh. Cha bảo May đeo tang đi cạnh linh cữu cho cụ đỡ tủi…
Từ ngày cụ mất, làng nghiễm nhiên giao việc quét chùa cho nhà ông Nhất. May chỉ biết đếm từng bữa quét chùa, sao cho nhanh đến ngày nhập học, vì đã xin cha được học tiếp lên để có một cái nghề nuôi thân sau này. Quả thật công việc canh chùa lâu nay làm May nẫu ruột vì tẻ nhạt buồn chán. Thấy thiên hạ dập dìu xe cộ lễ bái, May tò mò ngoài kia có bao điều tưng bừng vui nhộn mà sao tuổi trẻ của nó lại cứ quẩn quanh góc làng này. May nghe người ta nói chuyện đây đó mà thèm một phen ra khỏi làng…
***
Nay nắng sớm, có ông khách đến ngồi trước hiên ngắm nghía cảnh chùa. May lễ phép mời ông vào trong nghỉ ngơi cho mát. Ông vào tam bảo, nheo nheo mắt nhìn đi nhìn lại hai ông hộ pháp to nghễu đứng hai bên. Chưa đủ, ông gật gù tiến lại, cúi người gõ gõ lên đùi tượng rồi ghé tai nghe. Ông tỏ ra ngạc nhiên vẫy May lại gần hỏi: “Chú biết tượng bằng gì không?”. May ngập ngừng, ấp úng trả lời tượng ở đây làm bằng đất sét trộn mật gì đó. Ông khách mỉm cười: “Đặc biệt, đặc biệt. Tài hoa, tài hoa. Đẹp, đẹp thật!”. Rồi ông tiếp tục mê mẩn sờ nắn, ngắm nghía từng ông tượng La Hán. Ông ôm lấy cái cột chùa trọn khít vòng tay, mắt sáng rực lên, đầu gật gù liên hồi như vừa phát hiện ra kho báu.
May phì cười, lần đầu tiên có người yêu ngôi chùa này đến từng viên đá kê chân cột. Khi quành ra sau, ông tỏ vẻ kinh ngạc trước cây đại sù sì, thân dẻo dai nằm vắt ngang như con rắn hổ mang ngóc đầu lên trời vờn vào mái chùa cong. Hoa đại ngan ngát. Hoa mẫu đơn trắng nồng nàn. Ông ngồi xuống nền cỏ tựa lưng vào gốc đại, mắt lim dim, tay vuốt ve mấu xù xì trên thân cây. Chính cái chỗ ấy còn găm nguyên đầu cát tút đạn, vết sẹo đặc biệt giống hình con mắt có tròng. Rồi chợt ông thảng thốt, hơi thở hổn hển như bao chặt lấy mấu sù sì của gốc cây: “Tam đa, giống mặt ngài Tam Đa”. Nghe thế May không hiểu. Ngày nào May chẳng đi qua đi lại vài chục bận, quét mòn vẹt chổi tre. Thú thật, lúc mới lên chùa thấy gốc cây cũng sờ sợ, sau quen mắt thấy thường, giống cây nhãn cây ổi ngoài vườn kia thôi chứ gì đâu.
Ngồi lúc lâu, ông hỏi May có biết những bức tượng kia tên là gì. May lắc đầu. Ông ta bảo ngôi chùa bảo vật thế này mà bị lãng quên. Hiếm vùng nào có chùa đầy đủ bộ tượng đủ La Hán thế này. Ông lại khen nghệ thuật tạo hình quỷ quái gì đó là đẹp, tinh xảo, tuyệt vời, dùng vô vàn mĩ từ để nói về vẻ đẹp của tất cả những thứ bình thường mà May vẫn cọ quẹt thân quen. Nghe điều ông ta nói, ban đầu May thấy ngượng, sau lòng như có ngọn lửa đốt nóng rực, nôn nao tự hào. Giờ May mới để ý mười tám tượng ông đứng ông ngồi đều có ý nghĩa cả. Nó tượng trưng cho cuộc đời muôn thế, muôn kiểu dáng. Có ông hững hờ với cảnh vật, tì cằm lên đầu gối, nhếch môi cười mỉm nửa tinh nghịch, nửa mỉa mai. Ông mặt hân hoan tươi tắn, khổ người đầy đặn tròn trĩnh. Ông mặt đăm chiêu lạ thường như đang đắn đo phân bua, thì thầm trò chuyện cùng ai đó. Có ông thân hình gầy gò, mặt dài, nhỏ, gò má cao, môi mỏng…
Cuối cùng, ông khách đi vào, chăm chú nhìn bức tượng nhỏ bằng đồng đen trên ban Tam bảo lần nữa. Đó là tượng cậu bé bằng đồng đen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất.
Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sinh lão bệnh tử.
May biết đây là bức tượng do nhà Gạn dở làng bên cung hiến vào chùa. Bức tượng do cha Gạn trong buổi đi làm đồng nhặt được dưới mương nước. Số là lúc mới nhặt được, thấy đẹp, mang về đặt lên bàn thờ. Sinh Gạn ra, lúc bé thì khôi ngô tuấn tú, lớn lên bỗng dưng đổ bệnh dở hơi. Thầy cúng Nhất đã nhiều lần làm lễ để trừ yêu quái nhập vào người cậu ta. Người nhà cũng đã đưa Gạn đến bệnh viện tâm thần trung ương để chữa trị mà không ăn thua. Trong một lần tiện việc cúng đám bốn chín ghé vào chơi, nhìn lên ban thờ gặp bức tượng đồng mà những lần làm lễ trước đây không để ý, có gì thôi thúc bức bối, thầy Nhất hỏi ngọn nguồn, khuyên gia đình nên cung hiến vào chùa, may ra làm phúc mới được phúc. Từ đấy bệnh Gạn giảm dần, giờ đã lấy vợ, sinh con gái đầu lòng.
Người khách liếc May một cái rồi xin phép được đụng vào bức tượng, chưa đủ còn lè lưỡi liếm nhanh, mắt lim dim phán đoán. Cuối cùng à lên một tiếng khoan khoái. Xong việc thăm chùa, ông tức tốc đến ngay ủy ban xã. Chẳng biết ông trình bày sự gì mà chiều hôm đó có ngay mấy anh công an và cán bộ xã lên chùa bàn việc với ông Nhất. Họ thống nhất phải làm ngay một hòm kính, tủ gỗ chắc chắn để đặt tượng Phật đồng vào, rồi đặt lên trên chỗ uy nghiêm hơn.
Tuần sau, xã nhận điện thoại của tỉnh, cái camera được lắp xa xa chĩa vào ban Tam bảo. Từ bữa đó, tối nào May cũng phải lên ngủ trông chùa. Thỉnh thoảng mới có anh công an xã vào chơi xem xét.
***
Chiều muộn, có gã thanh niên xăm trổ hổ báo tay xách làn nặng đồ lễ bước vào. May chỉ hắn những chỗ cần đặt lễ. Lễ xong, ra bàn ngồi uống nước chờ thụ lộc. Hai người chăm chắm nhìn nhau hồi lâu. Đúng rồi… thằng Bứt, Bứt ơi, có phải là Bứt. May ngập ngừng lí nhí trong họng. Gã thanh niên nhìn May từ nãy cũng hồ hởi hỏi lại: “Mặc… Mặc đấy phải không?”. Rồi hai thằng ôm chầm lấy nhau nồng nhiệt.
Tối ấy, Bứt ở lại chùa làng một đêm.
Khôi “đồ cổ” là tên hiện thời của Bứt ngày xưa.
Khôi đến ngôi chùa này thăm thú với lí do không đơn giản chỉ để lễ chùa.
Nhớ lại, đời Bứt là những chuỗi ngày gặp may sau khi Mặc đi rồi. Bứt được một gia đình thu mua sắt vụn ở làng Sắt nhận về làm con nuôi. Bứt rong ruổi theo cha nuôi lên khắp các tỉnh vùng cao giáp biên hàng tháng trời, bán và đổi muối gạo cho người dân trên đó. Trong cái bán mua, đổi chác từ đồ cũ có cả cối giã trầu đời Thanh, trâm cài đầu thời Tống, những thạp đựng đồ khảm nạm, bình vôi thời Mạc,… và cả những hòn đá lăn lóc góc sân góc vườn để gà đậu. Tất cả không mài ra gạo, ra muối, ra cá mắm, lương khô được nên khi có người trả giá bằng thực phẩm là họ đổi hoặc bán ngay. Thậm chí có những đứa con, đứa cháu cần tiền uống rượu, mua xe máy trộm cả bát hương cổ gia truyền đời Lý bán cho bố con nhà Bứt.
Đi nhiều với cha nuôi, gặp gỡ những tay buôn đồ cổ và được dạy cách nhận diện sự quý giá của thời gian trên những món đồ, Bứt đã mê đồ cổ đến mức trở thành tay buôn có nghề ở tuổi đôi mươi. Cha mẹ nuôi Bứt hài lòng với đứa con mình nuôi dưỡng.
Cho đến một đêm Bứt mơ thấy làn khói xanh bốc lên ở cối xay đá giữa hang sâu trong rừng âm u. Làn khói xanh dẫn dụ Bứt đến trước vực thẳm, dưới vực là hòm sơn son thếp vàng trong đựng rất nhiều vàng bạc. Bứt sa chân xuống vực, rơi, rơi mãi… Giật mình tỉnh dậy toát hết mồ hôi, Bứt kể với cha nuôi về giấc mơ lạ đó. Cha Bứt ngẫm nghĩ rồi à lên một tiếng, nhớ ra cái nơi nghe nói mà chưa đến, có thể lắm nơi ấy đang chứa cổ vật quý giá.
Lần theo trí nhớ từ những lần đi trước, cha con Bứt lên vùng có cối xay tỏa khói xanh. Đường lên núi quanh co, ngoắt ngoéo. Giữa đường lại gặp mưa lớn, xe đành dừng dưới gốc nhội. Lúc cha nuôi cầm điện thoại gọi về cho mẹ hỏi chân đèn gốm men nâu thời Trần thằng khách người Pháp có trả thêm không thì bị sét đánh trúng. Bứt ngồi trên xe máy nặn mụn sợ hãi, người run bần bật, hút chết, ôm xác cha về. Cứ tưởng Bứt sẽ bỏ nghề nhưng máu buôn đồ cổ đã ngấm vào người từ lúc nào chẳng hay. Mỗi lần sang tay cho các đại gia một vài món, nhận tập tiền tươi cho lên mũi ngửi mê không tả nổi, mùi tiền nghiện hơn thuốc phiện...
Dứt khỏi dòng chảy ồ ạt của quá khứ, Khôi “đồ cổ” thèm thuồng nhìn tượng Phật trong tủ, thủ thỉ hỏi May: “Mày có muốn giàu như tao không? Bao nhiêu năm rồi mày vẫn rách chẳng khác gì ngày xưa cạo sắt cả”. May nghe, thật thà đáp: “Tao đang tính ra thành phố học nghề sửa chữa điện lạnh để sau về làng mở cửa hàng. Cha đang do dự chưa quyết cho đi hay không. Năm vừa rồi mẹ tao ốm nằm K điều trị tốn kém quá. Chưa kể chị gái lấy chồng làng bên vừa bay trại lợn giống vì dịch tả châu Phi. Cái nọ chồng cái kia, bấn quá”. “Lo gì ba cái chuyện vặt. Tao sẽ lo cho mày. Tiền thiếu gì”. Nói xong, Khôi kéo khóa túi da rút lấy tập tiền. “Đây, mười triệu, tao đi chơi không mang theo nhiều. Lần sau về thăm mua luôn cho chị mày đàn lợn giống khác. Đối với tao giờ tiền là lá nhé, không phải lo”.
Nhận tiền của Khôi, May vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Vì hồi hộp, cảm động ư, chưa hẳn. Vì bất ngờ chẳng nghĩ có lúc gặp lại người bạn thuở nhỏ từng thương nhau như anh em ruột thịt ư, cũng chưa đúng lắm. May cố gắng tìm níu chút kỉ niệm ấu thơ giữa hai người để thấy ấm áp, toại nguyện nhưng tìm mãi không thấy. Sự lạ lùng âm thầm dâng lên, bắt đầu từ cách cho tiền của Khôi. Ngày xưa, có cạo gỉ sắt hộ May thì nó cũng ngập ngừng, đắn đo chán, xem đủ số lượng chủ giao chưa. Thế mà giờ lại khác, dứt khoát, lạnh lẽo…
May nhìn sang, Khôi cũng không ngủ được. Nó xoay trở trên tấm phản cứng ngắc của nhà chùa mãi. Lúc lâu, Khôi trở dậy, May cũng lật đật dậy theo bật điện, đun nước pha trà mang ra bậc thềm ngồi uống, ngắm trời sao vằng vặc.
Qua hai lượt trà, Khôi khẽ nói với May: “Mày có dám đổi cái tượng đồng trong kia không?”. May lắc đầu. “Chìa khóa ông Chủ tịch xã cầm.” Khôi thổ lộ mưu kế. “Bức tượng đó tiền tỉ đấy, để đây phí lắm. Cái khóa vớ vẩn kia tao thổi một cái là mở rồi đóng lại như thần. Chỉ cần mày đổi tượng khác vào là được. Không ai biết đâu. Đời mày sẽ lên tiên... Cơ hội cho đời mày đấy. Còn camera ư, chuyện vặt, nhiễu sóng, mất điện, vài phút lỗi kĩ thuật là a lê hấp…”
May tái mặt, lặng thinh, nhớ ông khách lạ mấy năm trước thăm chùa. Giờ May hiểu tại sao ông lại phải lên xã đòi gặp chủ tịch. Về tỉnh gặp nhà chức trách chỉ vì pho tượng quý này. Cũng vì sự phát hiện kì quái của ông mà May phải làm chân bảo vệ bất đắc dĩ chưa biết khi nào mới có người thay. Rồi cảm giác như tội phạm trong cái nhìn dò xét của mấy anh công an thỉnh thoảng qua lại kiểm tra. Đúng, May chán quá rồi. Đời May chẳng nhẽ lại bị chôn vùi chỉ vì cục đồng đen kia. Nó những tiền tỉ cơ đấy. Chỉ cần đổi nó theo lời Khôi, có tiền đi học, dời khỏi làng này đời May sẽ khác. Nhưng… ừ… liệu có đổi khác được không đây, khi rồi lúc nào May cũng canh cánh nghĩ bức tượng đang thờ ở chùa làng là tượng giả. Kể cả có không biết ngay thì sớm muộn gì mọi người cũng biết. Kim trong bọc lâu sẽ có ngày lòi ra. Người ta sẽ điều tra đến May, May sẽ mang tiếng ăn cắp, đi tù, thế sống sao được nữa với người làng, cha mẹ, cùng linh hồn cụ Tứ trên cao kia. Ngôi chùa, bức tượng cũng là một phần tuổi thơ tiếp nối của May, được ăn no ngủ kĩ, ê a cắp sách đi học, ngủ quên trong tiếng đọc kinh đều đều của các bà. Mà điều cốt lõi nhất là May mồ côi, không quê hương bản quán, giờ không thể vì tiền bán đi nơi nương náu của mình…
Sáng hôm sau, Khôi “đồ cổ” thắp nhang vái lậy tam tòa đầy thành kính rồi chào May, hẹn sớm trở lại như đã hứa. Nén hương Khôi thắp cháy một nửa, May dứt khoát rút ra thả vào bể hóa vàng mã…
Xong, May vội vàng ba chân bốn cẳng về kể chuyện với cha. Ông Nhất nghiến răng dặn May giữ kín chuyện, lộ ra là họa to đấy. Rồi ông tức tốc đi tìm anh công an xã cùng ra huyện. Buổi tối, có thêm mấy người về chùa ở nhờ. May lo, nằm co quắp dưới gầm bàn Tam bảo. Cả đêm trằn trọc không ngủ, lo nhỡ cái tượng tiền tỉ kia mất đời May ra cám.
Hôm sau, đám người lạ vẫn ở lại chưa đi. Ngày ba bữa nấu nướng xì xụp trong gian bếp nhà chùa. May cùng ăn, cùng làm với họ. Vẫn sợ, tuyệt nhiên May không nói chuyện, ăn xong nhanh nhanh chóng chóng về lại Tam bảo.
Cũng may, gần tuần sau, lúc May tưởng ốm đến nơi vì mất ngủ thì ông Nhất lên tìm, bảo: “Thôi, thế là bố con mình yên thân. Chiều nay sẽ có người của tỉnh và trung ương về rước báu vật nhà Phật quý giá kia đi. Họ gửi đến bảo tàng hay kho lưu trữ đồ cổ Quốc gia gì đó để bảo vệ. Nó mà mất thì con ơi… khốn nạn… vì một mất mười ngờ.”
Và đúng như cha May bảo, chiều đó có đoàn người về, cả quay phim chụp ảnh, cả nhà sư, quan chức, lẫn ông khách lạ... Họ làm lễ đổi tượng, hai bức tượng đồng y xì nhau. Giờ May biết rõ ông khách là chuyên gia cổ học nổi tiếng châu Á. Ông phán đoán giá trị niên đại đồ cổ bằng cảm nhận vị giác đầu lưỡi. Sau mới dùng máy móc đo đạc, hóa chất thử thời gian… Ông nói trước bà con dân làng về sự khác thường của ngôi chùa cổ. Nào nghệ thuật điêu khắc, mĩ thuật thời Trần. Nào hồ nghi về danh tiếng những người thợ nghệ nhân tạo hình những ông La Hán bằng đất sét đặc biệt…
Thấp thoáng sau đám người đông đúc có cả thằng Khôi “đồ cổ”.
Đoàn rước tượng đi hết. Dân làng đến xem cũng tản nhanh mỗi người một hướng. Khôi tiến lại, rít từng tiếng như dao nhọn ngoáy vào tai May: “ Đ… mẹ mày ngu lắm. Trả tao tiền hôm trước… Nhanh…”. May moi trong túi ra tập tiền còn nguyên vứt xuống nền đá xanh. Thằng Khôi cúi xuống giật lấy bước ngoắt đi.
Cây vườn chùa rung ào ào giận dữ…
Bàn tay ấm áp của cha khẽ đặt lên vai May.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...