Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:33 (GMT +7)

Bữa Cô Sàu

VNTN - Quê nhà tôi ở Việt Bắc. Phố Cô Sàu Trùng Khánh, Cao Bằng. Thị trấn với những ngôi nhà xây đá hộc, lợp ngói âm dương tựa nhau thành hàng, thỉnh thoảng có lối mở giữa hai đầu hồi đủ cho xe ngựa và người đi bộ. Khách phương xa sau trải nghiệm danh thắng nổi tiếng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, khi quay lại phố huyện thăm thú đều muốn biết, cái tên Cô Sàu ấy nghĩa là gì? Dân ngụ cư lanh chanh, đấy là lối nói của người Nùng háng (Nùng phố chợ) thật ra phải gọi là Cổ Lâu. Vì nghe bảo (nghe bảo thôi) xưa nơi đây từng có một lâu đài cổ khớp toàn gỗ lim, nghiến, ba tầng tọa lạc ngay đầu phố. Tòa nhà đó là có, dấu vết còn đến tận ngày nay. Của một nhà buôn tên Thông Sình. Chủ nhân ngăn riêng khu trong cho gia đình ở, từ ngoài cổng vào nhà, có cây cầu gỗ bắc qua hồ bán nguyệt. Khách chơi đi qua cầu vào tầng một với quầy sòng bài; tầng hai tiệm hút thuốc phiện; tầng ba gái làng chơi, có đồ ăn thức uống phục vụ chu đáo. Vậy nên cái thời Pháp còn đô hộ Cô Sàu đã nổi tiếng đất ăn chơi nhất vùng Đông Bắc. Mãi tới năm 1946 thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến lâu đài mới bị phá dỡ. Người chỉ đạo hạ lâu đài đó là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện. Sau này mỗi khi nhắc lại thấy ông thở dài. Là có lần tôi được nghe ông bảo đó là dinh thự mang hồn cốt nhà sàn truyền thống người Tày Nùng Việt Bắc. Giá trị của nó là thời gian, tinh hoa nghệ thuật kiến trúc đậm nét dân tộc. Thật tiếc! Không biết mình làm thế có đúng hay không nữa?

Chuyện về lâu đài cổ Thông Sình còn lưu truyền tận bây giờ. Dẫu chỉ hiện trong trí tưởng mơ hồ. Nhưng bảo Cổ Lâu ấy là nguồn gốc tên phố thì không phải. Mấy đứa dưới xuôi lên đây kiếm ăn toàn nghe hơi biết gì mà hóng hớt. Dân gốc Cô Sàu dửng dưng, không mở miệng.

Lại có kẻ chắc ngôn, là danh xưng của một gã nào đó có tên Sàu (co Sàu là anh Sàu) từng công trạng với đất này nên được lấy tên đặt cho phố. Dân gốc Cô Sàu lại nhếch mép. Nhảm.

Hành trình tìm đến nguồn gốc lại gắn tiếp cho một loài cây. Là thứ cây có thời từng mọc bừa quanh phố, là cây phong hương. Hình dáng giống y cây phong xứ hàn, ba lá chẽ gắn trên cuống dài mảnh như chân chim chích. Tiếng địa phương gọi là “co mạy xau”. Thứ này làm củi không đắt. Làm nhà lại càng không vì dễ mọt. Thớ thì vặn xoắn khó tách. Mấy đứa chuyên buôn gỗ bán cho nhà máy giấy cũng lắc đầu vì của nợ khó nghiền thành bột này chẳng đâu chịu nhập. Chỉ để lũ sâu cước leo quanh nhung nhúc mỗi khi hạ qua, thu đến, cành lá sắp mùa rơi rụng. “Co mạy xau” (cây xau xau) chính là biểu tượng của đất này. Hẳn nhiên là nguồn gốc tên phố. Lại vẫn đám lanh chanh nói thế. Chẳng hiểu gì mà đặt điều như thật.

Ngứa tai, dân Cô Sàu đành mở miệng. Cái tên phố Cô Sàu chẳng liên quan đến tòa nhà cổ của Thông Sình, cũng chẳng dính tới cái gã tên Sàu nào cả. Cây xau xau lại càng không. Nguồn gốc là từ cái chợ năm ngày một phiên ở phố đây kia. Chợ phiên miền núi không chỉ để mua bán, còn là nơi anh em, bà con thân hữu gặp nhau, thổ lộ những vui buồn. Dự định những việc lớn. Trai gái hò hẹn, sly lượn hoa tình. Nhưng đường đến chợ không gần, dân bản xa, lũng vắng phải đến từ áp phiên, để mai chợ gặp người thân, kịp mua bán đồ cần thiết. Vậy áp phiên là dịp để anh em, bạn tùng gặp nhau, trai gái thâu đêm hoa tình sly lượn. Vui đỉnh điểm là bữa cơm chiều. Bởi từ lúc rời bản đi đến phố chợ cũng đã gần tối. Dân bản nghèo kiết, mọn tiền đâu dám vào quán. Vậy nên ai cũng mang theo đồ ăn. Ăn một mình khó nuốt. Vậy là bảo nhau, ai có thức gì thì mang ra góp. Mâm lá cây trải trên cỏ. Cơm nắm, cháo ngô, tóp mỡ xào trám đen, cá mương om trám trắng, khi còn cả thịt lợn lạp hun khói xào tỏi lá đậm đà đưa cay được bày ra. Bát là bàn tay ngửa, đũa gắp là thân dương xỉ cắt thành đôi. Ăn uống chậm thôi cho ngon miệng, ngon mắt. Tình thân hữu, lời vui ca mãi đến tận sớm mai còn muốn thêm. Vui thế sao có thể bỏ lỡ. Dần dà cái địa điểm diễn ra những bữa chiều được góp chung ấy trở thành nơi hẹn. Từ lúc nào người ta đã nôm na đặt cho phố chợ cái tên: “Cô Sàu”. Cô là góp, Sàu là bữa chiều (ngài là bữa trưa). Cô Sàu nghĩa là góp bữa cơm chiều. Ấy là gốc của tên phố bây giờ, chứ chẳng rắc rối như mấy đứa suy diễn. Là khởi từ cái sự góp đồ ăn, thức uống của người đi chợ với nhau. Những muốn vợi bớt đơn lẻ mỗi lần ra phố. Cố kết là đương nhiên. Cái tên phố cũng nhờ cố kết đó mà được khai sinh từ đây vậy.

Bây giờ những bữa chiều áp phiên ấy vẫn còn. Là nếp quen không thể bỏ. Vui và ý nghĩa nhất là ngày giáp tết. Ở Cô Sàu chợ tết được họp từ phiên ngày 20 tháng Chạp (âm), hai phiên ngày 25 và tất niên nữa sẽ khép lại năm cũ. Đàn ông ra chợ hôm nay đeo theo nhiều rượu hơn. Đồ ăn xếp trong đẫy chàm “pác mạ” (mõm ngựa) cũng nặng vai đàn bà hơn mọi bận. Thong thả vào chợ. Hồi hộp tìm nhau, đợi nhau, gặp nhau rồi đưa nhau đến nơi thường góp bữa chiều. Có người rủng rỉnh tý tiền còn vào hàng phở mua một bát canh rắc hành, nổi lều phều mỡ. Khi còn mua hẳn bộ cổ cánh vịt quay béo ngậy. Ồn ào náo nhiệt nhất là chợ Cô Sàu. Vậy là đủ mặt thân hữu. Đưa nhau tới nơi thoáng đãng như vẫn thường. Thoáng nhưng rét buốt như kim đâm. Càng gần tết càng lạnh giá. Chẳng vấn đề, người núi quen sương gió từ khi lọt lòng rồi. Rét thì gom củi đốt lên ngọn lửa, ấm bừng bừng vừa giãn bóng tối ra xa. Đồ ăn lại bày trên mâm lá, rồi mở đường ăn bằng rượu ngô thơm lừng. Trong ấm ra, ngoài ấm vào băng giá vội tháo chạy. Râm ran, tưng bừng. Phải tiễn biệt năm cũ thật trịnh trọng. Trong say say mơ mơ chồng không quên nhắc vợ: “Mai chợ, me mày nhớ mua lá quế về đun nước cho cả nhà tắm nhá. Dầu hỏa, muối với mì chính nữa. À hạt tiêu, nhớ phải mua, thịt lợn gói bánh chưng mà không có giống này ướp là không ngon miệng đâu.”.

Rì rầm chuyện riêng chung. Năm cũ sắp qua, năm mới sắp bước vào nhà. Dự định việc gieo trồng, chăn nuôi, làm nhà, sửa chuồng trâu chuồng bò, cả cưới hỏi cho con được dịp nhẩn nha bày tỏ. Không quên hẹn đến nhà nhau chúc tết, để được mừng tuổi nhau chén rượu. Khó thì khó, nghèo thì nghèo nhất định tết phải vui, đủ đầy rượu thịt. Đủ đầy quần áo mới cho người già, con trẻ. Ai nói cứ nói, người nghe cứ nghe, ai không nghe thì ngân nga hát lượn. Tiếng lượn bay trong đêm xuân, hòa với tàn lửa bừng lên tích téc sáng lóa góc trời.

Bữa cơm chiều góp chung rồi cũng tàn, nhưng dư âm còn theo bước chân người vào chợ mua sắm. Đứng trước những quầy hàng tết bày biện ê hề, kẻ đi chợ như lạc vào hang thẳm. Gì cũng muốn mua. Gà thiến, thịt lợn thì đã sẵn trong chuồng, chỉ dầu muối, giấy xanh đỏ để dán bàn thờ, dán cửa, cày bừa, cuốc xẻng, chuồng trâu bò, chuồng lợn, chuồng gà, cây trong vườn là phải mua để tạ ơn sau một năm giúp người nên cơm no, áo ấm. Những thứ đó trong tầm vì vừa bán xong đôi gà thiến và mươi ống gạo. Nhưng thứ không rẻ như mì chính, hạt tiêu, áo quần, nồi chảo, bát đĩa lại làm đầu óc rối tung. Lựa cho đủ gắp vậy. Thứ cần hơn mua trước, còn lại để phiên tới tính tiếp. Nhưng có một thứ không thể thiếu ấy là hương, phải mua đủ thắp mấy ngày tết đón tổ tiên ông bà về vui cùng. Vậy là mua. Lá quế thơm để tắm tất niên, bánh kẹo cho trẻ nhỏ, cũng không thể thiếu. Những thứ cần rồi cũng dần sắm đủ.

Ngẩng lên chợ đã vãn người. Đâu đó vọng tiếng lượn then của trai gái chia tay, có lời hẹn xuân nay sẽ gặp nhau trong ngày lễ hội. Lễ hội slao báo (gái trai) rằm tháng Giêng ở phố Cô Sàu, lễ hội múa rồng tranh đầu pháo ở Quảng Uyên mùng 2 tháng 2, lễ hội xuống đồng, lễ hội Nàng Hai (nàng trăng) cầu mùa no ấm ở Tiên Thành Phục Hòa, cùng bao lễ hội diễn ra ở khắp nơi non nước Cao Bằng nữa. Tiếng lượn thiết tha gợi lòng người nhớ thời xuân trẻ. Cái quãng xuân thì ấy sao qua nhanh. Bâng khuâng tiếc, bâng khuâng nhớ, lòng như lắng sâu trong tiếng lượn then ngân cao chót vót vượt lên đỉnh núi mây mù. Bước chân về bản lòng như còn gửi lại phố chợ. Lại thầm mong gặp lại bằng hữu để được nhẩn ra ăn, nhẩn nha uống đợi một xuân nữa đến trong bữa Cô Sàu.

Tháng 12. 2019

CAO DUY SƠN

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy