Bữa ăn ở quán làm đầu
Ba giờ chiều, Hương bấm chuông cửa nhà tôi. Nhìn cái là tôi biết ngay nó vừa ở quán làm đầu về: tóc vào nếp cứng đơ, bóng dầu dưỡng và sực mùi thuốc.
Nó mệt mỏi buông mình ngồi xuống:
- Nhà còn gì ăn không?
- Đói à, nấu miến ăn tạm nhé?
Nó gật đầu nhanh nhẹn:
- Đi làm tóc từ mười giờ sáng, 5 tiếng xuyên trưa, đói mệt kinh hoàng. Rồi nó kể: Quán này quảng cáo oách lắm, đông khách kinh, nhưng lần sau cạch, làm chỗ khác thôi. Tôi ngắm nó khen:
- Tóc cũng đẹp đấy chứ?
- Cũng được, nhưng có mấy điểm trừ: Mở nhạc to quá, nhân viên nói bậy và không có bữa trưa cho khách.
Vừa ăn miến nó vừa kể: Đến những chỗ làm đẹp là để yên tĩnh thư giãn, thì họ mở nhạc sàn ruỳnh ruỳnh xói vào óc. Mình bảo “cháu ơi cho nhỏ nhạc bớt”, chỉ được một tí, đứa khác lại vặn to lên, vừa cắt tóc vừa nhún nhẩy. Bực nữa là nhân viên nói chuyện với nhau văng tục tùm lum, chả nể mặt khách đa số người cao tuổi. Ngồi 5 tiếng ở đấy như tra tấn luôn.
- Chưa kể đói nữa chứ? Tôi đùa.
- Phải. Giữa giờ trưa ai cũng đói. Chủ bảo nhân viên dọn cơm lên tranh thủ ăn. Mùi thức ăn, mùi cơm, khiến mình đau quặn ruột. Mình bảo: Cô chạy ra ngoài kia mua cái gì ăn nhé? Chủ nó không đồng ý: Cô đi lại lỏng nếp tóc, xấu cháu không chịu trách nhiệm. Chả biết có đúng không hay nó sợ mình trốn. Đành cắn răng ngồi thêm mấy tiếng.
Chẳng phải coi trọng miếng ăn quá đâu, nhưng mình nghĩ, khách làm tóc năm, sáu tiếng, đến bữa ăn thì cũng nên mời khách hộp cơm mười lăm, hai mươi nghìn, hay đơn giản là cái bánh ngọt và hộp sữa tươi, trị giá mười nghìn. Khách quý cửa hàng sẽ lui tới thường xuyên, giới thiệu cho người này người khác cùng đến, mang lại lợi nhuận cao hơn số tiền cửa hàng bỏ ra chăm sóc khách…
Hương về rồi, tôi vẫn nghĩ đến câu chuyện của nó. Ừ nhỉ, chỉ là cách đối nhân xử thế thông thường, nhưng thể hiện sự chu đáo, tôn trọng, khiến khách hàng ấm lòng. Tôi lại nhớ lần mua hàng của một người không quen cách chỗ tôi ở hàng nghìn cây số. Tôi lên mạng thấy chị bán túi xách khá đẹp, giá phải chăng, bèn chọn một chiếc đặt mua. Chị hỏi tôi mua cho người dùng như thế nào? Với chiếc túi tôi chọn sẽ hợp với người dáng cao, năng động, ưa di chuyển. Rồi chị vào facebook của tôi nhìn người, tư vấn thêm về kiểu dáng. Tôi chuyển tiền qua tài khoản và 3 ngày sau thì nhận được túi. Sau nhiều lớp giấy bọc cẩn thận, tôi thấy chiếc túi y hình trên mạng và một tờ giấy viết tay hướng dẫn cách giặt, treo, để túi dùng bền hơn. Tôi thật sự hài lòng về cái cách chị chăm sóc khách hàng. Dần dần chúng tôi trở thành bạn trên mạng và tôi tiếp tục mua thêm nhiều món đồ khác của chị.
Lại ngẫm, thời buổi “nhà nhà kinh doanh, người người buôn bán” như bây giờ, thì cạnh tranh, ngoài chất lượng còn là sự tỉ mỉ chu đáo với khách. Cùng chi ra số tiền như nhau, nhưng tâm trạng của khách khi thu về một món hàng vô hồn chằn chặn khác với món hàng được tẩm ướp trách nhiệm của người bán.
Ví như người bán tôm bóc vỏ giúp; người bán gạo dắt hộ xe xuống đường; người bán trứng vui vẻ đổi một quả khách vô ý làm dập… Cử chỉ nhỏ thôi nhưng ấm lòng khách, đó cũng là cách gây ấn tượng tốt, hay nói cách khác, là nghệ thuật trong kinh doanh.
Tôi, Hương và nhiều người khác khó có thể hiểu được bài toán lỗ - lãi của những người đứng trong thương trường. Nhưng có điều chắc chắn rằng: Sự quan tâm, trân trọng, nâng niu khách hàng bao giờ cũng mang lại kết quả tốt hơn.
NGÔ MINH
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...