TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC
Bóng những tàn hoa lau
Vài nét về nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế - Bút danh: Thiện Kế.
Sinh ngày 14 tháng 2 năm 1961 tại Hoàng Xá – Thanh Thủy – Phú Thọ.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm chính:
* Nơi con tàu không trở lại (Tập truyện, 1980)
* Nhà của Mẹ (Tập truyện, 1985)
* Miền đời quên lãng (Tiểu thuyết, 1989 -1996 - 2003)
* Người cha ở trên trời (Tiểu thuyết, 2003 - 2006 - 2010)
* Khuôn mặt đẹp (Tập truyện, 2003)
* Tiếng kêu của ngôi nhà thủng mái (Tập truyện, 2007)
* Dặm ngàn hương cốm Mẹ (Tùy bút, 2011)
* Miền lưu dấu Văn nhân (Tập chân dung Văn nghệ, 2013)
* Đợi Chị về tưới rượu bến sông (Du ký, 2017)
Bóng những tàn hoa lau
Tác giả: Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế
1. Ngôi nhà chìm giữa sóng bóng tàn hoa lau trong se lạnh. Với những cơn mưa thu đã thưa trút. Không lâu sẽ là nắng hanh, hoa lau rừng xanh xám kiêu hãnh phơ phất trong gió rồi ngả bóng xơ xác tàn giữa xuân sắc đào phai dại.
2. Chẳng rõ củi gộc xô, nước óc ách ống máng hay hương chõ xôi nương trào khiến tôi thức. Quờ tay tìm điện thoại, chạm mặt đệm bông lau tôi sực nhớ mình đang ở trong ngôi nhà dành tặng chị Như. Trớ trêu, chị Như không ở mà để tiếp khách suốt mười năm. Tiếp những người nghĩ rằng cần tặng chị một ngôi nhà.
Năm 1979, sau cuộc chiến, xong lớp hạ sĩ quan 6 tháng, tôi nhận lệnh về đại đội công binh cơ động vác đá. Nhớ nhà, nhớ bạn gái tôi bùng (1) hơn tuần mới mò lên đơn vị. Ba giờ chiều xuống ga, tôi lo, nhưng an ủi: Thây kệ, trên hai thằng binh (2) cùng lắm ăn cháo đào hầm. Lính thiếu, tước quân tịch lấy ai chiến đấu…
Ngồi trên đống đá đầu ga tôi ực bình nước vối. Nhẩm tính mười cây số đường, cầu sập, ngầm vỡ, mèng phải hai tiếng mới cán đích. Đang xoay chiếc ba lô kẹo lạc, muối vừng, tôi giật mình. Tiếng phụ nữ.
- Có phải em về Thụy Sơn không?
Tôi ngẩn rời quai ba lô. Áo lụa đen đuôi tôm trùm quần bò KingJo, guốc sơn mài, tóc mướt quấn vổng, kênh cả chiếc mũ vải vành rủ, mắt phượng thông thênh. Bên chị lặc lè vali mây và làn nhựa xanh phồng.
- Sao chị biết ạ...
- Linh cảm thôi. Em về đơn vị công binh cơ động chứ nhỉ?
- Vâng…
- Chồng chị là đại úy Thái Hưng, đại đội trưởng…
Tôi vớ được phao vàng. Có công tháp tùng vợ đại trưởng về tận giường, thì nỡ nào lập gioòng nhau.
Ở trường, tôi đã nghe về đại úy con trai ông tướng nổi tiếng can lược và hào hoa… đếm không xiết nữ quân y, em tuyên văn đeo bám. Mới nhất, là cô sinh viên ngoại ngữ đoàn văn nghệ xung kích, nhai lá ngón vì chàng đại úy giống Deanov (3). Giờ tận chứng bà chị dâu đại đội. Tôi thở dài, ngó gót chân trắng hồng trên guốc sơn mài đen.
- Chị nhé. Em sẽ chỉ huy từ đây đến đơn vị. Nếu không thì tối mịt cũng chẳng đến chỗ ông xã chị đâu…
- Chị nghe em. Miễn là sớm gặp anh Thái Hưng.
Tôi moi trong ba lô ra đôi dép rọ (4), lồng thêm hai đôi tất sợi màu rêu làm một, bắt bà chị đeo vào chân. Buộc dây đôi guốc sơn mài, tôi vắt qua vai. Chiếc vali mây, chồng lên sau ba lô. Hơi nặng, không hề gì. Chị nhan sắc thế, được giúp đã thích, huống là vợ thủ trưởng nữa. Nặng thế, chứ nặng nữa tôi cũng cân.
3. Chị Như vốn gái Hàng Bạc, học đàn tranh nhạc viện năm cuối. Vụ cô sinh viên nhai lá ngón, là lý do chị lên đơn vị đón anh về ra mắt cậu mợ.
Hai chị em chật vật cuốc khoảng 3 cây số thì chiếc Gat 63 chở khí tài từ quân đoàn về, trờ tới. Chưa kịp vẫy, lái xe đã két phanh mời. Ô hô, khi rõ sự tình thì chú lính ngồi phụ bị đuổi lên thùng nhường chỗ cho bà chị và tôi...
Đại úy Thái Hưng, quên béng tôi chậm phép. Quân doanh trở nên thùy mị khác thường. Lính chơi bóng chuyền, đá bóng gôn tôm cũng mặc quần dài. Nhà hầm chỉ huy, bốn góc hoa chuối rừng cắm chật vỏ đại pháo 122mm. Mấy đứa ưa hát hò thì bập bung ghi ta, rền rĩ bolero suốt. Không đàn tranh, nhưng với dây phanh ống bơ, thân vầu thành đàn bầu, chị khiến đám lính vỗ bỏng tay.
Mừng chị Như, viên quản lý lệnh ngả con lợn tăng gia. Bữa cỗ trưa bày xong. Lính chật hội trường. Vừa tắm, lên đồ sĩ quan, anh sáng choang dẫn chị thơm sóng váy áo đen, trâm bạc cài tóc sánh ra hội trường. Nhìn quanh thấy trống, anh hỏi thì được báo cáo tổ xung kích vẫn chưa đặt xong thuốc nổ C4, lắp ngòi phá chiếc mố cầu cũ.
- Anh phải đến hiện trường…
Chị níu anh nũng. Anh gỡ tay chị, dứt khoát.
- Việc gấp. Em chờ anh… Anh em họ đang cười cho kìa…
Mở chiếc hộp nhựa hồng hình trái tim, chị chỉ kịp lồng chiếc nhẫn vào ngón tay anh. Ngỡ ngàng, anh hôn chụt chiếc nhẫn. Hôn phớt má chị. Xoay lưng.
Tay chị rơi thõng.
Nhẫn đính hôn trên tay anh chưa kịp ấm, tiếng bộc phá lộng núi thốc lên. Khoảnh khắc đó, cách 3 cây số, chị Như bỗng khụy vào góc hội trường.
Mặt trời giấc trưa tắt lịm. Màng nhĩ bị xiên thủng. Quầng nổ hình phễu bùng đất đá lên cao, không khí nén ép. Bữa tiễn đại đội trưởng về quê vợ, giò thủ, chả xiên, lòng lợn, rau thơm tanh bành.
Toàn đại đội lần vạch mỗi khóm lau, trèo lên cây rung lắc để từng mảnh vụn của đại đội trưởng lộp bộp rơi xuống, gom vào đó… Cao mét bảy nhăm, bảy nhăm cân nặng, đại úy chỉ còn là mớ lổn nhổn, đỏ lòm chưa tròn bảy lạng trong chiếc xô quân dụng.
Quân pháp điều tra. Người ta phỏng đoán, dây cháy chậm bị ẩm, cắt ngòi quá ngắn, khi điểm hỏa bị cháy leo ngầm, dưới trời nắng, gió tạt nên không phát hiện ra khói và mùi thuốc nổ.
Chị mất trí. Về Quân y viện dưỡng bệnh. Dăm bữa, chị lại trốn viện lên đại đội. Ngày ngày, chị kết vành hoa dại trắng, đội đầu, đứng bên mố cầu tan hoang.
Chị Như túm lấy tôi, hỏi.
- Sao anh chưa về ăn cơm nhỉ?.
Dần hồi tỉnh, đơn vị nhận chị vào phụ bếp rồi điều học y tá. Người thân xót chị, tìm cách áp tải về nửa chừng lại lộn lại. Chị lên cơn sốt, co giật, xoắn vỏ đỗ. Đành buông. Chị khâu vá, giặt giũ, bón cơm cháo cho những đứa sốt rét, ngã nước, cảm hàn. Hàng tuần văn nghệ, chị Như ôm đàn bầu. Khúc nhôi điệu ru con. Tóc chị dài mướt bóng đêm.
Rồi đại đội cơ động cận biên hơn.
Để ở lại Thụy Sơn, chị nhận lời ông giám đốc góa vợ. Sau đêm tân hôn, bị sốc, chân tay co rúm, run bật, nhoèn mồ hôi, chị quỳ trước ông giám đốc.
- Xin ông tha lỗi. Tùy ông xử…
Ông giám đốc, cúi đỡ chị.
- Hoa tươi nguyên đấy, cô hãy mang ra chỗ cậu ấy đi.
Không quà lưu niệm, tôi xin mảnh nhíp Gat 63 xuống xưởng quân cụ, rèn tặng chị con dao quắm phát thực bì (5). Chị trả tôi tờ bạc lẻ, để khỏi cắt tình chị em.
4. Xa bẵng. Tôi ra quân học nghề báo. Chị Như làm y tá dân sinh vài năm, lâm trường giải thể. Họ hàng nhắn chị thừa kế suất tuần hai buổi bán khăn lụa phố cổ cũng dư nhàn. Nước cùng, chị ra mộ anh khấn trình. Vừa rời cửa rừng, chị đau bụng như xé. Nôn thốc dịch vị vàng khè. Chắp tay chị vái.
- Thái Hưng ơi, em sai rồi. Em xin… em xin...
Mùa mưa ấy, đến đúng ga xép đó thì tôi kẹt tàu. Lũ cuối thu cuốn trôi lệch ray. Chờ thông đường, uống trà vặt quán còm, tôi chợt thấy dáng người đàn bà quen quen quẩy những gối đầu, gối dựa nhồi bông lau. Bộ đồ đen, tóc vấn cao kiểu phụ nữ Thái có chồng. Chị Như. Chị dâu đại đội của tôi.
Chị em mừng tủi chưa nguôi thì nhà tàu báo thông đường. Chị Như dúi tay tôi vật gì đó.
- Gia vị đặc sản Tây Bắc đấy em.
Lên tàu tôi nhận ra trong chai PET 250mn lọc xọc hạt dổi, mắc khén…
Nhờ số điện thoại trên vỏ chai, tôi tìm đến nơi chị Như sống. Không xa doanh trại cũ. Gian nhà tập thể hóa giá với trợ cấp một lần, di ảnh đại úy tươi trẻ trong khung gỗ cổ điển, bát nhang đồng đúc, đặt trên thùng đại pháo, mốc ẩm. Mái fibro xi măng gãy trũng, lỗ thủng thấy hoa lau vẫy sau nhà. Chiếc giường một, lỗ mọt đút lọt ngón tay. Hàng xóm là mấy người già không biết quê ở đâu để về. Chị Như theo họ nhặt hạt dổi, mắc khén, học làm đệm bông lau mang ra ga bán…
Thắp hương, tôi vái anh...
5. Với tôi, chị là vợ liệt sĩ. Từng phục vụ ở biên giới. Nhưng hồ sơ, chị không cập tiêu chí nào. Chẳng giấy kết hôn. Thời gian tại ngũ chưa đủ ba năm…
Cựu binh đại đội công binh có người vẫn ở trọ. Chẳng ai tầm đại gia. Tôi định viết bài gọi hảo tâm. Xịu mặt. Chị không xin ai cả. Chị chết đói đâu.
Nhưng rồi ngày khởi công vẫn được chị xem giờ khai móng. Hội đồng ngũ đại đội, người vài trăm, kẻ mấy triệu. Đơn vị giúp mấy ca máy san nền, cát sỏi, sắt, xi măng. Ông giám đốc lâm trường gửi chút tiền công. Hai tháng sau, nơi doanh trại cũ bỗng rực lên mái ngói lấp loáng giữa rừng lau…
Hai bộ cửa lớn, bốn bộ cửa sổ sơn xanh. Ti vi, giường, bàn thờ chạm rồng gỗ mít phun PU bóng mờ. Phần anh, ngoài di ảnh, thêm tượng bán thân mạ vàng. Chị chạy ra chạy vào. Sẵn thợ, chị thuê xây trước sinh phần, đổ đầy cát, đặt bê tông chờ bên mộ anh ốp đá granit tím trong nghĩa trang cũ của đơn vị.
Ngôi nhà hoàn thiện, báo đài địa phương ào đến phỏng vấn. Cậu thiếu tá, đại đội trưởng mới, giơ cao tấm biển vàng chói có những dòng chữ khắc axit, búng coong coong:
- Dày hơn 8 ly, chất liệu đồng Nga nguyên chất. Bền vĩnh viễn…
Cậu hạ sĩ lăm lăm chiếc khoan, tay lăn mớ ốc vít, chờ lệnh. Thiếu tá hất hàm.
- Đúng đinh vít inox chứ? - Thiếu tá nhắc lại. Dăm phút tấm biển đồng đã dính chặt trên tường hiên trái phủ vải lụa đỏ, cậu ta đứng bên, ông chủ tịch huyện đứng đối diện, kéo giật xuống, tiếng vỗ tay đan sợi pháo kim sa.
Run lập cập, chị Như ôm di ảnh đại úy chạy thẳng về ngôi nhà cũ. Trùm chăn. Từ đó động mưa là chị quấn tăng ôm di ảnh anh, ẩn trong hốc trên núi chờ lũ rút.
Tôi đã xoay hết cách, viện hết cựu binh đến tân binh lên nói khó với chị.
- Chị chiều chúng em đi.
- Không là không - Chị gại chiếc kim khâu lên miếng sáp ong, cười buồn. Nhíu mắt dõi đường khâu.
Ai cũng nghĩ là có điều gì đó khiến chị tổn thương. Nhưng là sự gì thì không ai phỏng ra.
6. Như bao lần tôi cồng kềnh túi gói y năm nào ga xép hai chị em đụng nhau. Biếu nước mắm cốt, miến đậu xanh, áo rét, vài cuốn ngôn tình, tạp chí thời trang, và thuốc nhuộm tóc Hàn Quốc. Nhận về hạt mắc khén, măng khô, gối nhồi bông lau nữ hoàng êm ái. Nhưng việc quan trọng nhất là tôi tìm cách mời chị sang ở ngôi nhà tình nghĩa. Vị thế èng èng, chẳng qua tính ki lô mét thì tôi ở gần Thụy Sơn nhất, nên Hội đồng ngũ ủy nhiệm.
Thêm nữa tôi còn phận sự bẩm báo mọi sự quanh ngôi nhà ví như ngói vỡ, long bản lề, sơn mốc hoặc mối hại thì tin ngay để bảo trì, sửa chữa. Bảo đảm kín trên bền dưới, kể từ tấm biển đồng trở đi… Lỡ chị hồi tâm chuyển ý thì có thể tức thì vào ở. Căng phết, tối qua sau đôi chén với lão Triệu - cựu bảo vệ của lâm trường về, tôi phát hiện vị trí gắn biển đồng trên tường hiên trái trống không. Chắc bọn trẻ con ngoài ga vào bắt châu chấu thó mất.
Quấn tấm đắp bông thô, tôi lắng tiếng động cặm cụi vọng từ ngôi nhà cũ của chị. Thi thoảng bát đĩa, vung nồi buột rơi. Những ngón tay, sần khớp của chị ngọng nghịu rồi. Ừ, nhưng hình như lúc này chị đang trang điểm. Hương hoa mộc ngọt quen. Ừ, thứ hương, ngọt, dịu, buồn nao, tôi từng gặp ở ga xép đó. Sao bây giờ hương lại chỉ gợi nên niềm thương? Sẽ vẫn là bộ đồ đen trang trọng. Mái tóc dài, luôn bới cao, cài trâm bạc... Chị nhuộm tóc từ bao giờ nhỉ?
7. Tiếng gà kêu vỡ sương sớm. Nhiễu sự, chị làm thịt gà chăng. Đàn gà chọi lai Đông Tảo lộc ngộc như đám võ sĩ, chị vỗ cơm nóng ngô hạt chiều nựng thêm con muỗm nâu béo nấn ăn lá lau non.
Vộc dậy, tôi vội khoác áo bập bỗng xuống nhà dưới. Khói quẩn. Chõ xôi lặp pặp đẩy hơi. Chị Như tần ngần. Tôi đôi hồi giằng con gà lơ láo cọc cọc vươn cổ trong tay chị.
- Em răng kém, kiêng thịt gà mà chị. Cứ muỗm chiên bơ, sốt lá chanh, ớt xanh, rượu hoãng (6) ngất ngú với lão Triệu tối qua với em còn hơn đại tiệc.
- Ờ… thế thì chị chiều cậu đấy nhé…
Tôi định thưa việc tấm biển đồng bị cạy mất. Đắn đo, sợ chị buồn nên thôi. Bèn nói trại đi.
- Em không ở đến bữa trưa đâu. Em có việc dưới thị xã, chị ạ.
- Ừ, việc công không được hỏng. - Chị hiu hắt - Anh cậu đấy, cũng chỉ vì việc công… Cậu canh chừng chõ xôi nhé. Mười phút nữa thì rụt lửa... Chị dở gánh hoa chiều qua…
Hơn một lần tôi phụ xếp chục bông lau xanh thẫm thành một đon, đặt dọc hai tàu lá chuối rừng, so le rồi quấn kín, chồng lên nhau thành khối, để nơi chái nhà râm mát. Ủ chừng hơn tuần, ngày nóng, đêm lạnh sẽ chuyển hóa những cánh hoa lau mang mầm hạt chín nốt. Lúc đó đập rũ lấy bông. Chị căng cái màn tuyn sĩ quan cỏ úa góc sân, tránh những hạt hoa mềm, nhẹ hơn cả hơi thở bốc bay dù gió cơn nhẹ hều. Ngay cả khi cánh hoa lau phơi liếp nứa thì vẫn phủ vải màn. Hoa được nắng, hạt hoa sẽ xốp tơi như khói bùng, màu xanh chuyển màu lam muối tiêu, phả hương ngai ngái, hoang sơ. Muôn hạt hoa lau bềnh bồng sẽ nén mình trong các ô vuông vải chàm, tùy loại mà khâu cỡ phong bánh khảo, cỡ bao diêm làm nên gối đầu, nệm ngủ, nệm tựa, nệm ngồi…
Cả đêm tôi ngủ tít trên nhà mới, thì dưới căn nhà cũ nhập nhòe bóng điện nước suối, chị khâu nhíu, từng ô vuông vải chàm... Bàn tay với những khớp ngón trớ lồi, ngang dọc vết lá lau cắt đen lăm răm. Vài mũi khâu thiếu chính xác thì mặt đệm sẽ lóp lép, không căng phồng đều. Xong mỗi một ô vuông, chị lại xoắn chặt nắm bông lau nhồi chặt….
- Chị đừng làm đệm bông lau nữa. Em nghe đội văn nghệ của huyện thiếu nhạc công. Chị tái xuất đi… Biểu diễn hàng tháng có tiền bo khá dày.
- Làm nghệ thuật thì phải ở Thủ đô. Nếu không cũng phải có tầm Thủ đô. Tay chị cứng rồi. Đàn sao được nữa mà mơ.
Ánh lửa bếp chờn loang góc vườn chè.
8. Tôi rời Thụy Sơn. Rừng hoa lau sau lưng nổi sóng mây, hồi chuyển, lúc ngả rạp, lúc rướn cao kiêu hãnh, hoang vu khuấy đó đây sắc hoa đào phai dại ngẩn ngơ sắc môi thiếu nữ.
Cười thầm, tôi nhạo. Đến cỏ lau còn phân chia ngôi nữ hoàng. Bà chị thật lắm chuyện.
Mơ màng. Tôi thấy mình gại lưỡi dao phát thực bì làm động tác chặt dứ khóm lau xùm xòa. Đầm, chắc tay. Lưỡi bén dư cạo râu. Không cần nhắm, tôi định vị vung tay xả chéo sườn, tịnh tiến vào rừng lau san sát. Soạt! Soạt! Soạt… thân lau bật ngửa. Bụi phấn hoa vòng vòng như ai cầm nắm bông xám tung ra gió.
- Cậu vung sức hùng hục thế, tối lại đau người nhừ nhuyễn cho mà xem.
- Vâng, thế mới không ế hũ rượu cao mèo của chị...
Nhẩn nha, chị phạt từng cổ bông xanh xám chớm chín còn khuôn búp, lồng phổng như chiếc ô mới rút nửa chừng phong bao. Giống lau càng đốn chặt lại càng mọc vươn, mập mạp, búp bông năm sau càng phụm phụp to dày.
- Sao chị lại đặt tên là lau nữ hoàng.
- Gọi thế cho nhã. Hiện thực cứ gọi tên trần sì, chán mớ. Cậu ạ…
- …
- Không phải đẳng hoa lau nào cũng làm đệm, làm gối được cậu nhé. Riêng lau voi, thân, lá như mía xanh quần sinh nơi đất ẩm sườn đồi thoải, bông to dài đuôi voi sợi hoa mới dày. Chứ loại bông lau ranh lá sắc còi thu cả đồi cũng chẳng tày tấm đệm…
9. Cuối tuần, điện thoại bỗng reo vang. Chị Như gọi. Gì đây. Thường chỉ nhắn tin. Hẳn chuyện ghê gớm chị mới gọi. Chị hào hển cảm ơn. Rằng tôi đã tế nhị cất tấm biển đồng đi. Chường chường tấm biển đồng trên tường nhà, ngày nào cũng phải nhớ đến ơn nghĩa, nhắc đến ơn nghĩa thì chị tủi và nặng lòng không thoát ra được. Chị chuyển lên ở nhà mới rồi. Thích lắm. Khỏe hẳn.
Ôi chị Như…. Tôi thở phào.
Đợi con trăng tháng Chạp, tôi rủ mấy người bạn lên mừng nhà mới với chị. Muốn bất ngờ, tôi không điện trước. Lạ, ngôi nhà tình nghĩa cửa im ỉm. Hoang lạnh. Lỗ khóa như họng súng bí mật. Tấm biển đồng mới ai đã kịp gắn lại vênh vang bên hiên trái ngôi nhà choang choang nền vàng, chữ đỏ.
Ba gian nhà tập thể cũ. Phất phơ áo quần cũ trên dây phơi thép gỉ, và con cúi độn tóc lủng lẳng như xác rắn héo.
Lững thững lạc ngàn. Trước mắt tôi rừng cũ hoen mưa nhuốm một sắc hoa lau ngả bóng tàn giữa đào phai.
Tháng 11 năm 2019
-----------
(1) Đảo ngũ
(2) Binh Nhất và binh Nhì.
(3) Tên nhân vật trong phim “Trên từng cây số” do Bungari sản xuất.
(4) Kiểu dép nhựa dành cho hạ sĩ quan và sĩ quan.
(5) Thảm thực vật của rừng nguyên sinh.
(6) Rượu nếp ủ bằng men bắc hoặc men lá, không chưng cất.
Lời bình của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh
Truyện khai thác một đề tài quen thuộc mà vẫn có những nét mới trong bút pháp nghệ thuật: Chiến tranh và thân phận người phụ nữ trong nỗi đau hậu chiến. Với văn phong khá đặc biệt, dù sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất cho nhân vật người trần thuật, truyện vẫn tiết chế tối đa cảm xúc tình cảm của người trần thuật, không đi theo lối mòn quen thuộc mà nhiều truyện ngắn đã triển khai, khi trần thuật từ ngôi kể này. Câu văn ngắn rất phổ biến, tiết tấu nhanh, chất thơ được giấu kín trong hình ảnh HOA LAU có tính biểu tượng. Giọng điệu trần thuật khách quan có sức hấp dẫn riêng cho tác phẩm này. Truyện ngắn được triển khai qua hai tình huống truyện có tính bi kịch, một trực tiếp và một gián tiếp, từ đó phản ánh sự khủng khiếp của chiến tranh, cái giá phải trả có thể nhìn thấy và không dễ nhìn thấy để có chiến thắng, hòa bình hôm nay. 1. Tình huống truyện thứ nhất: Cái chết của Đại đội trưởng Thái Hưng - Cái Bi gắn bó với cái Cao cả. Sự hi sinh anh dũng của những người lính Việt Nam quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh - đó là những cái chết bi hùng. Nhưng Thái Hưng và chị Như - đôi trai tài gái sắc ấy vừa hội ngộ trên biên giới. Bữa tiệc mừng gặp gỡ sắp sửa bắt đầu. Thái Hưng đã gạt tình riêng để ra chiến trường làm nhiệm vụ. Cái chết bất ngờ của anh lại không phải do viên đạn từ quân thù mà từ một sự cố kĩ thuật, bộc phá sử dụng để phá cầu chặn đường giặc đã khiến anh hi sinh. Vì thế mà bao đau thương tiếc nuối như sóng xô bờ trong tâm hồn người đọc. Chi tiết về cái chết thương tâm càng khắc sâu hơn nỗi đau khôn cùng. Bi kịch này làm nền cho bi kịch thứ hai của chị Như - nỗi đau không dễ cảm nhận trực tiếp, có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. 2. Tình huống truyện thứ hai: - Bi kịch đời tư của chị Như - Cái Bi gắn bó với cái Cao cả ở tầng bậc sâu thẳm hơn. Là người con gái tài sắc của phố cổ Hà Nội, chị Như hoàn toàn có thể xây dựng cuộc sống Hạnh phúc mới. Nhưng chị đã ở lại vùng biên ải, sống vất vả bằng nghề làm đệm, gối bông lau. Yếu tố tâm linh kì ảo được sử dụng, vừa để lí giải vì sao chị Như ở lại, vừa như lưỡi dao cứa sâu thêm vào nỗi đau hậu chiến. Hồn thiêng của Thái Hưng mong chị ở lại, tình yêu lớn lao mà chị dành cho anh cũng muốn thế. Bởi vậy mới có cuộc chia tay ngay sau đêm tân hôn với ông giám đốc lâm trường. Nhưng cốt truyện có một "ngả rẽ" táo bạo không ai ngờ tới, xoay quanh ngôi nhà tình nghĩa của đồng đội cũ của Thái Hưng xây tặng chị. Chị Như chỉ ở được trong ngôi nhà ấy khi không có tấm biển đồng sáng choang gắn lên đó. Tại sao lại lạ lùng như vậy? Chính chị Như đã trả lời - và đây cũng là thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm tới cộng đồng, tới những người còn sống khi nhớ về những người đã khuất: - "Chường chường tấm biển đồng trên tường nhà, ngày nào cũng phải nhớ đến ơn nghĩa, nhắc đến ơn nghĩa thì chị tủi và nặng lòng không thoát ra được". Thì ra cách đền ơn đáp nghĩa như thế nào quan trọng hơn giá trị vật chất được dùng cho việc ấy. 3. Hoa Lau - một biểu tượng nghệ thuật đắt giá và ám ảnh. Mở đầu và kết thúc tác phẩm đều là bóng tàn hoa lau. Hình ảnh ấy vừa góp phần phác họa không gian chiến trường xưa nơi biên ải, vừa là biểu tượng cho thân phận chị Như, cho không ít người phụ nữ trong nỗi đau hậu chiến. Có lúc kiêu hãnh phơ phất giữa núi đồi, nhưng rồi sẽ tàn úa, chìm khuất sau sắc đào phai rực rỡ. Hai lần điệp lại hình ảnh ám gợi này, để trái tim người đọc như bị cắt xẻ rồi nghẹn ngào với niềm thương cảm, lòng ngưỡng mộ dành cho bao anh hùng thầm lặng: Những người phụ nữ Việt Nam vĩ đại ở phía sau những cuộc chiến vệ quốc.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...