Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
00:25 (GMT +7)

Bóng người sau đuôi ngựa

VNTN - Cánh đàn ông ngồi uống rượu trong quán thắng cố giữa chợ Pốc Pài nhẩm tính với nhau ở Pa Vầy Sú chỉ còn đúng bảy con ngựa. Bảy con ngựa này là của những nhà nghèo nhất Pa Vầy Sú. Vì nghèo nên mới còn giữ ngựa, chứ giàu thì đã cho ngựa vào lò mổ để đổi lấy chiếc xe máy mà đi cho sướng đời rồi.

Nhiều lúc ngồi ở bậu cửa bần thần nhìn ra những con dốc ngoằn ngoèo, chót vót trước mặt, Chua cứ nghĩ nếu nhà không có con ngựa thì thế nào? Lúc ấy chắc chân Chua sẽ dần bé như ống trúc, rồi như ống sậy, đến lúc bé như cái đũa thì Chua chết. Nhà thì xa nương, chợ huyện càng hun hút. Mà trong nhà việc lớn việc bé đều đợi tay Chua, cho đến đi làm công ích dưới trung tâm xã thì vẫn chỉ là Chua. Rồi đến cả việc đi ăn đám xa cũng do Chua dẫn cả người lẫn ngựa đi. Ấy thế mà cứ khi thấy con ngựa gầy đi một tí là bố chồng giữ lấy ngựa, dù có đi chợ huyện, lưng phải thồ nặng bằng một con ngựa thì Chua vẫn cứ phải đi. Khổ thêm một tí cũng chả sao, kiếp Chua trong nhà họ Sùng này có khác gì kiếp ngựa, kiếp trâu. Thế nên chân lúc nào cũng tất bật bước đi, khi nào dừng thì tay lại thoăn thoắt làm. Làm cho bải hoải, cho rã rời, làm đến bao giờ về với ông bà tổ tiên thì mới thôi.

***

Từ tối qua bố chồng đã cắt đặt việc cho mọi người. Mẹ chồng sẽ đi lấy rau lợn thay Chua một buổi. Bố chồng đan nốt tấm phên che chuồng gà. Việc của Chua là xuống chợ huyện bán cặp gà trống, mấy chiếc khăn, áo do đàn bà trong nhà dệt, rồi mua hàng cho cả nhà dùng. Ở bản này, phiên chợ huyện thường nhà nào nhà nấy vợ chồng con cái bốn, năm người cưỡi lên xe máy rồi phóng vèo vèo xuống trung tâm thị trấn. Đàn ông tìm bạn vào ngồi quán thắng cố uống rượu chờ đàn bà dẫn bọn trẻ con đi ăn phở, sắm quần áo mới, mua những thứ cần thiết cho nhà dùng. Vì đi xe máy nên cánh đàn ông uống rượu cũng không dám uống nhiều như ngày còn đi ngựa nữa. Uống nhiều thì có ngày cho cả nhà lẫn xe xuống vực.

 

Ăn bữa sáng xong, mọi người đã ai vào việc nấy chuẩn bị cho công việc của mình. Nhưng có một người trong nhà vẫn còn đang ngủ. Người ấy là Sùng De Lầu, chồng Chua. Tối qua bố chồng đã không nhắc đến chồng thì việc của chồng vẫn như nhiều lần là ngủ để tiễn cơn say ra khỏi người. Hôm qua, Lầu đi ăn đám cưới trong bản từ sáng sớm cho tới tối rồi lại say như mọi lần. Ấy vậy mà vừa lúc Chua dắt ngựa ra khỏi chuồng thì Lầu đã dậy từ lúc nào, loi thoi đến gần, giật lấy dây cương ngựa từ tay vợ.

- Để ngựa đấy, tôi cũng muốn xuống chợ!

- Tối qua bố có bảo đi chợ đâu - Chua nói khẽ.

- À, ra là không muốn xuống chợ với thằng này đấy - Lầu sừng sộ.

Hai con mắt Lầu vằn lên đỏ đọc, hơi rượu từ miệng Lầu phả ra làm Chua xây xẩm mặt mày. Thế là Chua không nói gì nữa, tự biết phải đỡ Lầu khi Lầu trèo lên lưng ngựa. Buộc hàng cẩn thẩn, rồi Chua trèo lên ngồi sau Lầu. Nhà người ta thì vợ ngồi trước cho chồng ôm lấy từ phía sau. Nhà này thì Chua là cái đệm da thịt cho Lầu ngả vào mỗi khi mỏi lưng. Rồi lúc Lầu say quá không còn ngồi được phải vắt ngang lưng ngựa mà úp bụng nằm, lúc ấy Chua sẽ bám vào đuôi ngựa, cho ngựa đi thật thong dong, thật nhẹ nhàng. Nếu nằm trên lưng ngựa mà Lầu cũng không nằm được nữa thì Chua phải căng ô ngồi che cho Lầu đến khi nào Lầu tỉnh mới thôi.

- Lầu! Mày lại xuống chợ để mua cái say đấy à? - Bố chồng gắt lên khi thấy người và ngựa đi qua.

- Tôi không muốn cứ ở xó nhà để buồn đến vỡ đầu mà chết đâu - Lầu nhìn bố nhơn nhơn nói như thách thức.

- Mày!... Mày.... là cái thằng trâu què...

May mà Lầu đã thúc ngựa chạy đi một quãng rồi không thì chồng với bố chồng lại cãi nhau to. Từ khi Chua về làm dâu đã thấy hai người đàn ông trong nhà này cãi nhau là chuyện hàng ngày rồi, chả có gì lạ. Sau ngày Lầu ngã liệt mất một chân, suýt liệt cả người, lúc say nhiều hơn lúc tỉnh thì bố con cãi nhau nhiều nữa, có khi ngày hai ba trận. Đàn ông trong nhà này cãi nhau thì đàn bà chả dám can, thế nên cãi nhau chán, đến khi nào một người không nói hoặc bỏ đi thì thôi. Những lúc chồng với bố chồng cãi nhau Chua buồn lắm, lòng Chua như một cái khe mà nước lạnh chẳng biết chảy về đâu. Rồi Chua lại nghĩ phải chăng vì Chua hay là vì ai mà Lầu sinh ra như thế? Lầu không còn là Lầu của những ngày trước nữa.

***

Mười tám tuổi, Lầu vạm vỡ như một dáng núi giữa đại ngàn Xíu Mần. Vòm ngực nở rộng, săn căng, tấm lưng rộng thẳng có thể băng băng cõng được cả một cây gỗ lớn qua suối. Đôi chân lim nghiến chắc khỏe dẫm lên đất nương, đất nương tơi vụn, xéo trên đá xám, đá xám vỡ tan. Lầu cày nương một buổi hai con trâu phải thay nhau tiếp sức cũng không theo kịp sức Lầu. Giọng hát của Lầu ấm áp, cao vút, vang xa. Đứa con gái nào nghe được tiếng hát ấy trong đêm thì bảy đêm liền mất ngủ. Nhưng thi thoảng Lầu mới về lại bản giúp bố mẹ được, Lầu đang đi học dưới trường nội trú huyện. Thân người đã cao lớn, vâm váp là vậy mà cái đầu đặt ở bên trên cũng thật sáng láng, tinh tường. Thế nên từ ngày đi học năm nào Lầu cũng được mấy cái giấy khen mang về nhà. Trên tường nhà Lầu dấu son đỏ tầng tầng lớp lớp như tán hoa pằng nảng nở giữa tháng ba.

Ấy thế mà Lầu bỏ học giữa chừng về lại bản. Thầy chủ nhiệm lên nhà mấy lần cũng không thay đổi được gì. Lầu không muốn xa vùng đất này, không muốn bố mẹ thêm khổ vì phải nuôi thằng con trai lớn tồng ngồng đi học nữa. Đấy là Lầu nói với mọi người vậy, chứ nhiều người biết không phải vậy. Lầu không còn đầu óc nào mà học vì nhà đứa gái đẹp nhất vùng Pa Vầy Sú đêm đêm tiếng khèn, tiếng sáo ken dày vào cây lá, vấn vít quanh bờ rào đá. Giàng Thị Pơi vừa tròn mười sáu tuổi, bông hoa mận tinh khiết đang vào độ căng mãn, lung linh. Biết bao ong bướm say đắm sắc hương muốn lại gần. Lầu biết Pơi chỉ yêu mình Lầu thôi, nhưng hai tuần mới về lại bản một lần thì có giữ nổi người yêu không? Đường đi học càng xa thì rồi đường đến trái tim Pơi cũng càng xa. Lầu phải về lại bản xin bố mẹ cưới Pơi thôi. Nghĩ vậy rồi làm vậy, Lầu bỏ học đi bộ ngược về Pa Vầy Sú. Thầy cô lên lớp không muốn cất lời vì thiếu một đôi mắt ánh sao lấp lánh luôn say mê theo từng lời giảng ở hàng ghế cuối. Có mấy đứa gái trong lớp không thấy Lầu trở lại trường thì hồn vía lửng lơ, chả thiết tha gì với sách vở, học hành buổi đực buổi cái. Vài đứa đã bỏ hẳn lớp, thầy chủ nhiệm phải động viên mãi chúng mới quay trở lại. Đến hàng cây trong sân trường cũng ủ ê, gió về lá chẳng muốn rung cành.

Nhưng Lầu bỏ học đúng một tuần thì Pơi lấy chồng. Chồng Pơi là Vừ A Sè vừa tốt nghiệp trung cấp ngành thú y. Bố A Sè là “vua bò” Vừ A Vao. Gọi “vua bò” là vì nhà A Vao hơn chục năm trước đã có đàn bò đến trăm con, giờ thì dễ đến gấp đôi rồi. Nghe nói cưới nhau xong “vua bò” sẽ cho con trai và con dâu mở cửa hàng dưới trung tâm xã bán thức ăn gia súc và thuốc thú y cho cả vùng. Lầu đau nỗi đau của cây nứa bị chém ngang thân. Vết chém này là do thằng A Sè gây nên. Nợ này Lầu phải đòi thôi. Cách đòi của Lầu là đợi gặp A Sè trên đường rồi sống chết với nhau một trận. Nhưng cũng phải gần năm sau, Pơi sắp sinh con, Chua đã làm vợ Lầu rồi Lầu mới làm được cái việc từ lâu Lầu muốn làm. Sáng ấy, nghe tiếng thét thất thanh từ đỉnh dốc, người quanh bản Thèn Phàng chạy tới nơi thì đã thấy Lầu và A Sè tơ tướp như hai con gấu dưới đáy vực. May là thần rừng, thần suối chưa muốn bắt quân hầu nên cả hai còn sống. Còn sống nhưng một chân Lầu đã như chết, vì không thể đi lại được. Rồi quả tim Lầu chắc cũng chết một nửa khi Pơi mang trả lại chiếc vòng bạc ngày trước Lầu tặng.

***

Ngựa đến “Cửa hàng thuốc thú y và thức ăn gia súc Sè Pơi” thì dừng lại. A Sè đang bán thuốc cho khách, còn Pơi không thấy ở ngoài, chỉ thấy một cái váy hoa vắt trên dây phơi bên hông nhà cứ đung đưa như cánh bướm dập dờn. Nghe nói mấy tháng trước Pơi sinh thêm đứa con thứ ba cho nhà họ Vừ. Lầu không nhìn cái thằng làm mình liệt chân, chỉ đưa mắt kiếm tìm đứa gái đã làm quả tim thằng trai chết dở sống dở mấy năm trời. Chua muốn thúc con ngựa đi nhưng đôi tay rắn hơn đá của Lầu giữ chân Chua lại. Đúng lúc ấy A Sè chạm mắt Lầu. Chua tưởng đâu hai ánh chớp ấy sẽ phát nổ. Người Chua run lên vì sợ. Nhưng rồi con ngựa rồ lên, vút đi sau cú thúc chân của Lầu. Có tiếng ru con mong manh, mơ hồ tựa một sợi tơ nhện lẫn vào trong gió.

Tiếng ru này làm ruột gan Chua dềnh lên. Đã mấy năm là người nhà họ Sùng, biết bao đêm chồng vợ với Lầu thế mà cái eo của Chua vẫn như eo quả bầu hồ lô. Bố mẹ chồng giục mấy lần nhưng Lầu không chịu dắt vợ đi khám. Chỉ duy nhất một lần Lầu đưa vợ xuống bà lang người Tày ở bản Muồng để lấy thuốc. Chua biết thuốc cũng sẽ chẳng ăn thua gì. Người gieo giống trên mảnh nương nhà mình mà cứ nghĩ đến mảnh nương nhà người thì cái hạt sao nảy thành mầm được? Nhiều đêm Chua khóc thầm cho đến sáng khi Lầu nổi mưa nổi bão trên khắp thân người Chua mà gọi tên Pơi trong cơn mê sảng. Chua đau nỗi đau của kẻ lấp chỗ trống mà dường như cái chỗ trống ấy mỗi ngày thêm hoác ra, sâu hoắm. Nó sâu tới đâu thì cơn say của Lầu tuột xuống tới đó và nỗi buồn của Chua cũng thấm xuống tới đó.

Rất nhiều buổi trưa và không biết bao nhiêu buổi chiều từ lúc còn lành lặn cho tới khi Lầu bị hỏng mất một chân, Chua lặng lẽ phía sau đuôi ngựa của nhà chồng. Lầu nhũn hơn cả một cái dây héo, còn Chua như một cái bóng biết di chuyển trên đá xám. Có phải đá xám trăm đời nghìn đời vẫn lạnh? Phận đàn bà chẳng được chồng thương hết đời thì vẫn chỉ là cái bóng túm lấy đuôi ngựa của chồng mà theo? Câu hỏi ấy kéo nước mắt Chua rơi xuống ướt tay, ướt cả mớ lông đuôi ngựa đen óng như tóc Chua thời con gái.

Và bây giờ nước mắt lại làm Chua ướt hết ngực. Không biết có giọt nào rơi vào lưng Lầu? Không biết có giọt nào làm lạnh lưng Lầu?

***

... Tiếng ru vẫn mơ hồ phía sau.

Lầu cứ ngoái lại tìm gì trong màn sương đang cuộn lên đằng sau đuôi ngựa. Đúng lúc ấy, Chua đã kịp giấu những giọt nước mắt, ngẩng lên nhìn chồng. Lầu làu bàu trong miệng: “Nhìn gì mà nhìn?”.

Nhìn thì Chua làm được gì. Là vợ mà lòng chồng nông sâu ra sao Chua chưa một lần bước vào được, trái tim chồng ấm lạnh thế nào Chua chưa từng chạm vào được. Bố mẹ chồng lại luôn trách mắng Chua là vợ mà không biết đường khôn khéo để chồng yêu, không biết khuyên bảo chồng. Bố chồng bực tức bảo: “Cái thằng Lầu này hỏng rồi... Con trâu thiến lại què thì không ích gì rồi”. Mẹ chồng thì ngấm nguýt, nói với bố chồng: “Mua con dâu về mà chả có cháu khác gì nuôi con gà mái mà nó chả biết đẻ trứng! Ầy già, phải tính làm sao bây giờ?”. Cái sự tính của mẹ chồng Chua từng nghe được rồi. Ấy là có lần đi làm nương về Chua đã loáng thoáng nghe tiếng mẹ chồng nói với bố chồng muốn đi hỏi vợ mới cho con trai. Đứa gái ấy ở mãi tận bản Sủng Pờ bên Mèo Vản. Lần thứ hai thì mẹ chồng nói với Lầu, nhưng vừa nghe được Lầu đã lồng lên, dọa đi khỏi nhà, khỏi cả cái vùng Pa Vầy Sú. Thế là mẹ chồng không nhắc đến chuyện ấy nữa.

Trên giường với chồng, nếu không khóc, Chua thường hay mơ. Trong mơ, Chua thấy mình đi đâu cũng sẽ đến một miệng vực. Chua ngồi bên miệng vực ấy và lại khóc. Khóc đến khi miệng vực đầy tràn nước mắt thì Chua tỉnh lại. Chua nhìn thấy chồng Chua đang nằm co quắp hai tay và một chân không bị liệt, tay vẫn nắm khư khư cái vòng bạc ngày trước. Chua muốn giằng cái vòng ấy ra khỏi tay Lầu, rồi quăng nó xuống lòng suối hay xuống vực sâu mà Chua không dám. Chua ngồi nhìn cái vòng ấy cho đến khi tưởng chừng mắt Chua như tụt lõm ra đằng sau đầu lúc bò dê phá dóng đòi ra khỏi chuồng thì Chua ngồi dậy múc cám đã nguội nấu từ đêm trước cho lợn gà ăn.

***

- Bán cho tôi hai con gà!

Chua ngẩng lên, khi mắt vừa chạm vào mặt người ta thì da mặt Chua đông cứng lại.

- Vợ tôi mới đẻ con trai. Tôi mua nấu cháo cho vợ, Chua bán cho tôi!

Miệng Chua như ngậm một cái hột vừa to vừa đắng, nuốt không được mà nhả ra cũng không được.

Lại người ấy nói:

- Chua không bán thì thôi, tôi mua của người khác. Da Chua xanh lắm. Chua khác ngày xưa quá, khác quá...

Người ấy cười nhếch mép rồi đi. Người khuất bóng rồi mà cái từ “khác quá” cứ bám riết lấy Chua, chui vào tim gan Chua. Có bao giờ Chua tự trách mình không ưng người ấy mà lại làm vợ Lầu không? Không, dù lúc buồn nhất, khổ nhất Chua cũng chưa từng nghĩ nếu có thể quay lại Chua sẽ không gỡ tay người ấy ra, để cho người ấy dắt đi. Từ những ngày trước cho đến tận bây giờ và có thể mãi mãi về sau, Chua có đi hết cuộc đời này thì Chua vẫn không bao giờ để người ấy nắm tay. Người ấy có quyền oán trách, cười nhạo Chua. Nhưng bàn tay Chua, trái tim Chua không thuộc về người ấy thì Chua làm sao có thể làm khác được? Chua sinh ra là để làm vợ Lầu và dễ mà sẽ phải khóc hết kiếp vì Lầu, không thể khác được nữa.

***

- Còn ngồi đây à Chua, chồng mày đánh nhau ở hàng thắng cố! - Người đàn bà cùng bản tồng tộc chạy đến rồi hét vào mặt Chua.

Chua chạy đến nơi thì A Sè vẫn còn nằm dưới người Lầu. Mặt A Sè tím bầm, mặt Lầu cũng tím bầm. Chua vào túm lấy tay Lầu thì cánh tay như cái búa lò rèn nện trên thanh sắt nóng mới dừng lại. A Sè vùng lên rồi vung chân đá vào sườn Lầu một cái. Lầu định đuổi theo A Sè nhưng bị hai cánh tay Chua, cả thân người Chua ghì giữ lại. Lầu ngồi bệt xuống đất, mặc cho Chua lấy khăn chấm những vết xước trên mặt, mặc cho những người vây quanh xì xào. Lầu chỉ định đứng lên khi trước mặt Lầu là một đôi chân quấn sà cạp sặc sỡ, phía trên là cái váy lung linh sắc cầu vồng. Nhưng rồi ánh mắt ấy nó làm cho Lầu rũ xuống, gục xuống như con thú bị thương dính thêm một mũi dao lạnh lẽo, sắc nhọn cuối cùng. Chua biết lần này thì Lầu chết thật rồi, chứ không còn sống dở chết dở nữa. Ánh mắt ấy cũng làm cho Chua thấy với Lầu, Chua chỉ bằng cái máng cỏ, bị ngựa gặm cho đến mòn vẹt, nham nhở thôi.

***

Từ lúc con gà chưa báo sáng Chua đã ngồi đây. Trên đầu Chua là đỉnh núi, phía dưới chân Chua là vực sâu. Gió thun thút phía trên và sương bồng bềnh bên dưới. Giữa mênh mông này, Chua chỉ là một chiếc lá thôi. Đêm qua, lúc chồng ngủ, Chua ngồi nhìn Lầu thật lâu để thêm một lần ghi nhớ đây là người đàn ông Chua đã chọn. Nhất định Chua phải làm một việc cuối cùng trước khi Lầu tỉnh lại. Qua cơn say, khi mở mắt ra, bên Lầu sẽ không còn gì nữa. Chiếc vòng bạc không nằm trong tay như mọi khi, nó đã bị Lầu đạp xuống dưới chân. Chua cầm lấy nó, bước ra ngoài. Sương sữa đặc quánh chỉ lối cho Chua.

Chua cứ nhìn hút vào màn sương, rồi Chua lại thấy Chua là một cái bóng trắng toát nắm lấy cái đuôi của con ngựa cũng trắng toát. Cả người lẫn ngựa lặng lẽ trôi trong sương.

Chiếc vòng tròn vạnh vẫn lạnh ngắt trong tay Chua.

Chua khẽ rùng mình khi đôi tay chắc khỏe ôm lấy eo Chua từ phía sau. Chua thấy lưng mình ấm lên bởi vòm ngực rừng rực. Tay đàn ông ấm nóng tìm tay Chua. Hai bàn tay ấy siết mạnh, tay Chua cũng siết mạnh. Chiếc vòng bạc bẹp rúm, rồi tuột xuống vực sâu.

Truyện ngắn. Nguyễn Phú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước