Bông lạc vàng
VNTN - Bóng chiều hấp hối nhưng nắng vẫn còn vướng víu trên những nóc nhà vách đất. Khói bếp bay lên vương vào sợi nắng tạo khoảng không gian chập chùng, mờ mờ dễ khiến con người ta rơi vào ảo giác. Làng Thiết nằm quay lưng về phía đường quốc lộ, chỉ cách có một rặng tre che chắn bụi đường. Trước mặt làng là con sông nhỏ đủ cho bọn trẻ con chăn trâu đầm tắm khi mùa thu về. Mùa lũ nước sông dâng lên cuồn cuộn, có mùa gầm gào, xoáy sâu vào những rặng tre đòi bê cả làng Thiết đi theo. Mùa hạn thì nước rặc lại, phèn đóng thành lớp vàng chạt, có đoạn trơ bùn nứt nẻ thành ô, lũ trẻ con đầu trần, chân đất dành nhau những con ốc, con hến, chúng đi đi lại lại, thi nhau giẫm nát cả khoảng bùn để mong tìm được chú lươn nào đó ẩn náu bên dưới. Ngày này sang ngày khác, suốt mùa hạn dấu chân trẻ con lấm hết khúc sông.
Dì Thẩm giục em Thấu vứt chiếc răng rụng mà nó vừa rứt ra khỏi hàm lên mái bếp. Em Thấu ngửa cổ, lấy hết sức ném chiếc răng, miệng lẩm bẩm “thiêng ơi thiêng, tao cho mày răng cũ mày cho tao răng mới nhé!”. Chẳng biết từ bao giờ, trẻ con làng Thiết đến kì thay răng, không bác sĩ, trạm xá gì, cứ tự thò tay vào miệng lúc lắc cái răng cho đến khi nào nó gãy, rồi ném lên mái nhà nói câu y hệt em Thấu vừa nói, ít lâu sau răng mới tự ắt sẽ mọc.
Dì quay sang bế bố đặt lên chiếc ghế tựa cũ, bốn chân ọp ẹp, lung lay y chiếc răng sắp rụng. Dì từ từ múc từng gàu nước một dội lên người bố rồi kì cọ. Hai gàu nước nhỏ không đủ thấm hết tóc trên đầu bố. Trời hạn, nước phải đi gánh từ giếng làng, muốn gánh được nước phải xếp hàng, lấy đâu ra nước mà tắm táp cho thoải mái, huống hồ gì một người gánh mà cả nhà bốn, năm người dùng, sức người đâu phải sức trâu. Dì Thẩm luôn nói như thế mỗi lúc bà nội bảo dì đổ thêm nước vào chậu cho bà gội đầu hay khi bố ngúc ngoắc cái đầu tỏ ý bảo dì tắm thêm cho bố chút nữa. Xong lượt bố, dì lại bế thốc bố đặt vào chỗ cũ. Đó là chiếc giường tre cuối góc nhà, nơi mà hàng ngày ngồi đó bố đều có thể quan sát mọi thứ bên ngoài qua cửa sổ, ai sang sông lên đồi với dì, ai ngả ngớn cuối gốc tre làng và dù ngày hay đêm bố đều nghe thấy bước chân bao nhiêu người đàn ông cùng dì ra vào buồng trong. Bố biết nhưng chỉ im lặng, đôi tay bố không đủ sức bê chén cơm ăn, đôi chân bố teo lại như hai chiếc que tre loằng ngoằng bên dưới thân. Nhiều đêm lên cơn bố rên nhưng cũng chẳng dám rên to, dì Thẩm bận tiếp khách không nghe hoặc nghe cũng mặc kệ. Bà nội biết cũng không lên tiếng, thi thoảng bà khóc, những tiếng khóc đầy ai oán, trách móc. Tôi chỉ biết dùng bàn tay đầy những vết chai sần của mình xoa chân cho bố. Tôi cũng chẳng trách móc dì Thẩm, không trách nội, chỉ mong mình lớn nhanh để có thể gánh nước giúp dì, kiếm tiền cho gia đình. Kiếm tiền. Tôi chẳng biết phải kiếm tiền bằng cách nào nữa nhưng trong đầu tôi luôn hiển hiện hai từ đó, cả khi ngủ tôi cũng mơ thấy mình đang kiếm tiền. Có đôi lúc tôi mơ thấy mình cầm về hai phân vàng, xòe tay đưa dì và nói “tiền đây, tối nay dì đừng tiếp những người đàn ông lái xe qua đường nữa, hãy xoa chân cho bố”. Dì cong môi nói “Chừng này không đủ tiền gạo con mang đi lên bãi đãi vàng!”. Bà nội chua xót “Vàng đâu chẳng thấy đời tàn con ơi, bỏ đi, nhìn cha con đó kìa!”.
Bà cựa người phẩy phẩy chiếc quạt làm bằng mo cau, thi thoảng đập đập vào chân để đuổi muỗi. Những năm gần đây khí hậu nóng hẳn lên, người ta kháo nhau rằng khoa học đã chứng minh khí hậu sẽ và đang có sự biến đổi, trái đất ngày càng nóng dần lên… Người già gặp tôi hỏi, tôi chỉ biết trả lời “chắc thế ạ!”. Đứa học sinh trường làng như tôi hằng ngày được cắp sách đến trường một buổi học cái chữ là may mắn lắm rồi, lấy đâu ra mà tìm hiểu thông tin đại chúng hay phát huy khả năng sáng tạo, nghiên cứu gì. Mà đúng thật, mấy năm nay làng Thiết nóng cháy xém cây cối, cát rải ra rang giòn được cả bắp khô, người ta đổ lỗi cho thiên nhiên, ông trời, trái đất… Chẳng phải. Bà nội bảo, hai chục năm trước làng Thiết một màu ngút ngàn cây cối, nắng chẳng đủ làm con người đổ mồ hôi, thế mà giờ đây đến thế hệ những đứa trẻ như chúng tôi lớn lên chẳng thấy rừng đâu, cây đâu, đi đâu cũng trơ một màu trắng nõn của cát. Vài năm trước có đám thương nhân đến làng chơi, rồi cuộc mua bán diễn ra giữa họ và cán bộ xã, huyện. Dân làng phản đối, đấu tranh cuối cùng chủ tịch, cán bộ cũng chỉ bị kỉ luật, luân chuyển công tác mà cây rừng thì trơ trọi. Nắng quá, nước khô, hoa màu cũng chết cháy, thanh niên bỏ làng đi gần hết, đàn ông cũng đi kiếm tiền, họ ngược rừng đãi vàng, làng còn mỗi người già, đàn bà, trẻ con và những người bệnh tật.
Tiếng ngáy rền rền từ buồng dì Thẩm khiến cả nhà chẳng ai ngủ được, em Thấu cựa mình gãi chân, thi thoảng đạp đành đạch xuống giường và khóc lớ mớ rồi lại ngủ. Bà nội lại phe phẩy quạt mo, thở hắt ra. “Hay mình bỏ học đi đãi vàng theo thằng Quang”, ý nghĩ ấy loáng thoáng trong đầu tôi mấy hôm nay.
Sáng sớm, bố nằm thiêm thiếp. Giường trong dì Thẩm vẫn còn ngái ngủ. Đêm qua có chuyến xe tải bị hỏng trên cầu nên dì bận tiếp khách cả đêm. Bà nội dậy từ sớm và đã ra vườn lạc. Tôi tỉnh giấc, lơ mơ dụi dụi mắt, gã tài xế lò mò đi từ phòng di Thẩm ra, chạm phải cái nhìn của tôi hắn giật thót rồi lách qua phên cửa, đi nhanh như chạy trốn. Tôi vén màn chui ra thật khẽ để không làm động đến bố.
Tôi giúp bà nội nhổ bỏ những cây lạc cháy khô. Vừa mới đêm xong mà hơi đất vẫn nóng hầm hập. Thi thoảng tôi lén nhìn bà dò xét, khuôn mặt bà hiển hiện rõ sự khắc khổ, mệt mỏi nhưng đôi tay bà vẫn thoăn thoắt làm. Quanh năm suốt tháng, từ cái thuở thanh xuân đến tận bây giờ bà sống chết không bỏ vườn lạc, hồi mẹ còn ở nhà mẹ cũng thường cùng bà trồng lạc, nhưng mẹ còn trẻ, có sức khỏe, cộng với những năm ấy ông trời thương chẳng hạn đến cháy da như năm nay nên vườn lạc cứ lên mơn mởn, đến mùa lạc trổ bông vàng óng cả vườn nhà. Từ cái dạo bố đi đãi vàng và dắt dì Thẩm về, mẹ bỏ đi khỏi nhà đến giờ chẳng năm nào lạc trổ bông, cứ đến kì trổ bông lại gặp hạn, lại cháy. Bà nội chửi đổng dì Thẩm “cha cái thứ đàn bà khắc tinh hại đời con bà, hại tiệt cả nghề bao năm của bà”.
- Nội ơi! Hạn thế trồng cũng như không, nội già yếu rồi hay nay mình đừng trồng lạc nữa!
- Không được! Tao phải giữ vườn lạc này đợi mẹ mày về giao lại. Không thể bỏ.
- Nhưng mẹ sẽ không về nữa đâu. Bố đã có dì Thẩm!
- Mẹ mày sẽ về. Về để còn tiếp quản cái gia đình này nữa chứ! Cái thứ đàn bà suốt đêm nằm ngửa kia đừng hòng tao cho tiếp quản việc nhà tao.
“Tiếp quản gia đình”- Hóa ra bà chờ mẹ tôi về là thế. Để bà giao cho mẹ tiếp quản, săn sóc cái gia đình có bà mẹ chồng già, một người chồng tật nguyền, đứa con riêng của chồng và cả cái vườn lạc chết khô, chết cháy này nữa. Thú thực chẳng bao giờ tôi trách móc dì Thẩm, tôi còn thấy tội nghiệp cho dì. Trẻ đẹp ưng ai không ưng, ưng phải bố tôi để bây giờ đêm đêm phải bán cái “vốn tự có” của mình cho đàn ông, kiếm tiền nuôi cả gia đình chồng, nuôi cả thằng con riêng của chồng là tôi. Mà đâu phải cứ có cái “vốn” ấy là có “khách” để “bán”, chập tối khi người đi đường chẳng nhìn rõ mặt nhau là dì lại ra hiên ngồi, mùa hè thì muỗi cắn, đông đến thì gió hất vào mặt vào cổ tím tái, lại thêm bà nội đi ra háy mắt, đi vào bóng gió “ối dào, cái thứ…” dì vẫn kiên trì ngồi thế, thấy có chiếc xe nào chuẩn bị chạy qua là đưa cái đèn pin nhỏ lên vung vẩy ra hiệu, có hôm cũng được vài ba chiếc dừng, có hôm chẳng có chiếc nào, cũng có hôm chỉ một chiếc xe dừng mà ba bốn gã đàn ông hầm hầm lao thẳng vào buồng dì. Nằm bên ngoài tôi nghe tiếng lung lay vì quá tải của chiếc giường cũ, tiếng thở hắt của mấy gã đàn ông nhưng có lẽ rõ nhất là tiếng hai hàm răng nghiến vào nhau kin kít của dì Thẩm. Đã có lần tôi vô tình nhìn thấy khuôn mặt bạc huếch, co rúm của dì trong lúc làm việc, hai hàm răng dì nghiến chặt vào nhau, mắt trân ra, dì khóc.
- Làm đĩ mà khóc hả cô em. - Một trong ba gã đàn ông mỉa mai.
- Đừng nói nhiều, trả tiền đi.
- Đây, cho cô em thêm này.
Dì cầm tiền, đứng lên kéo lại áo quần rồi bỏ đi. Kể từ ngày đó, tôi thôi cái ý nghĩ vì dì mà mẹ tôi bỏ đi, có đôi lúc tôi còn thương dì hơn cả mẹ.
-Đâu rồi. Đâu rồi…
Câu hỏi hốt hoảng như vừa mất vàng của dì Thẩm khiến bà giật mình ngưng tay, những ý nghĩ không đầu không cuối lan man trong đầu tôi cũng vụt bay mất.
-Cái gì? Ai đâu rồi hả dì? - Tôi hỏi.
-Chắc lại bị quỵt tiền chứ gì? - Bà nội chua chát.
-Con có nhìn thấy hắn không Tiến?
-Chú ấy đi từ sớm dì ạ!
-Tổ cha cái thằng, mày dám quỵt tiền bà, lần sau ngang qua đây bà cho xe mày nổ lốp, bốc đầu mà xem. Ôi, trời ơi là trời ơi, sao thân tôi khổ thế này?
Tôi vừa dứt câu thì dì vung tay, dẫm chân chẳng khác nào con mèo hoang lên cơn tru tréo. Dì sục tung cả đám lạc khô cháy dưới chân, bụi, hơi đất xốc lên hầm hập. Tôi nhìn thấy những vết thâm tím dưới cánh tay dì, có vết song song nhau tựa vết cắn hàm răng, có vết in lằn tròn, có vết lại y hệt vết cấu em Thấu mỗi lần tức giận cấu tôi. Cả trên cổ dì nữa. Những vết tím ấy chắc là “khách hàng” dì gây ra. Tôi lại liên tưởng đến cái nghiến răng kin kít, ánh mắt trằn trọc loang loáng nước đầy đau đớn của dì lần ấy. Lòng tôi dấy lên nỗi niềm xót xa. Xót xa cho thân phận của dì. Thêm một thằng con trai mới lớn, độ tuổi ăn như tôi là thêm một đêm dì phải nghiến răng, cắn môi chịu đựng, là thêm một vết bầm trên cơ thể dì.
- Định bêu rếu cho cái làng này biết cô làm đĩ bị trai nó quỵt tiền à? - Bà nội hằn học.
- Làng này khối đàn bà làm đĩ. Không có con đĩ này thử hỏi đàn ông nhà này sống nổi không? Lạc này. Lạc này! Cứ thử ăn cây lạc cháy xem có sống nổi không?
Nội im lặng đứng lên vào nhà. Mỗi lần bị dì Thẩm phản ứng nội đều như thế nhưng cứ hễ dì nhịn thì bà lại lần tới.
Mới sáng ra nhưng nắng đã lên, từng tia nắng đan xen nhau bổ xô xuống đất cỏ, hắt lên lưng còng bà nội, bước đi bà như nặng nề thêm khiến cái ý nghĩ kiếm tiền mấy hôm nay tôi nung nấu càng có cớ trỗi dậy. Dì Thẩm ngồi xuống cạnh nhổ bỏ những cây lạc cháy từ khi nào tôi quên để ý. Tay dì nhổ mà mắt cứ thẫn thờ nuối tiếc, ngẩn ngơ trông về phía nào đó mơ hồ. Nắng hắt lên khuôn mặt nhợt nhạt vì mệt mỏi của dì, nhìn kĩ dì còn đẹp lắm. Tôi mải nhìn và bị dì phát hiện:
- Nhìn gì?
- Dạ không? Sao dì không vào nhà?
- Vào nhà làm cũng thế khác gì ngoài này, nóng hầm hập. Mẹ kiếp cái thằng chó dám quỵt tiền tao.
- Thôi dì ạ!
- Thôi thế nào. Chắc chắn tao sẽ đòi lại bằng được, kiểu gì cha đó chẳng qua đường đây lần nữa.
- Dì này…(Tôi lần lữa)
- Sao? Lại đóng tiền học hả! Hôm nay chưa có!
Dì đứng phắt dậy bỏ đi. Tôi cũng đứng lên nói với theo dì:
- Con định sẽ nghỉ học!
- Mày điên à! Nghỉ học. Thôi ráng ngày mai, đêm tao kiếm được tiền mai tao đưa cho mà đóng.
- Không phải đâu dì. Con nói thật, con muốn theo thằng Quang đi đãi vàng!
- Đi đãi vàng hay đi tự tử. Một bố mày là quá đủ rồi. Tao đã bảo ráng đến ngày mai, đêm tao làm có tiền mai tao đưa cho đóng tiền học mà lại!
Lần này dì bỏ đi nhanh hơn. Nước mắt tôi ứa ra, tôi không hiểu nổi mình, tôi là đàn ông sao lại khóc, hơn nữa vì người đàn bà ấy mà mẹ tôi bỏ đi, người đàn bà ấy đêm đêm bỏ mặc bố tôi đau đớn để dắt đàn ông lạ vào buồng, sao tôi phải khóc? Cơm ăn, nước uống, tiền học của tôi, cả tiền cho bà nội đầu tư vào cái vườn lạc khô cháy này nữa đều từ những buổi làm đêm của dì. Cái đêm dì cắn hai hàm răng vào nhau đến bật máu môi, mắt trơ tráo toàn tròng trắng nhìn chằm chặp vào trần nhà lỗ chỗ những mảng rách như cầu cứu mà vẫn không phát ra tiếng kêu la ấy lại hiển hiện trước mắt tôi. Trời ơi, mẹ tôi giờ đang ở đâu? Đây là lần đầu tiên tôi thầm so sánh mẹ với dì.
***
Thằng Quang vừa từ rừng sâu trở về, nó mang theo cả bộc tiền cho mẹ nó. Nhà nó sáng ra đã nghe thơm lừng mùi thịt nướng, tiếng nhạc xập xình, nó mới mua dàn máy karaoke cực xịnh về mở cho cả xóm đến hát, nó dẫn theo cả cô người yêu về, bố mẹ nó đi đâu cũng khoe. Gặp tôi giữa đường đi học về, nó bảo:
- Mày vẫn chăm chỉ đèn sách nhỉ. Nghe nói năm nay cuối cấp. Ráng thi đỗ mai mốt làm quan cho làng này nhờ nhé!
- Mày thế nào. Nghe nói khá lắm!
- Nhằm nhò gì. Tao hạng bét trong mấy anh em. Chẳng được mấy cây.
- Chừng nào mày đi lại?
- Tao nghỉ ngơi, ăn chơi thoải mái rồi đi tiếp. Chắc tháng sau. Thế nào, mày suy nghĩ chưa, định vào đại học mai mốt làm quan hay theo tao vào rừng?
- Tao đang nghĩ!
- Ui trời, đàn ông con trai gì như đàn bà. Nhìn gia đình mày đi, mày đi đại học liệu có kham nổi không, với lại sinh viên tốt nghiệp đại học thời này ra trường thất nghiệp đầy như lạc cháy bỏ đi kìa.
- Như tao làm được không?
- Rồi sẽ quen. Thôi nghĩ tiếp đi, còn cả tháng nữa tao mới vào rừng lại. Nghĩ rồi cho tao biết sớm. Tối sang nhà tao hát kara nhé!
- Mai tao thi cuối kì rồi. Để thi xong nhé! Còn chuyện đào vàng để tao nghĩ tiếp, mày đừng cho nội tao biết nhé!
- Ô kê! Bái bai…
Ngồi học nhưng tôi chẳng nhồi nhét được chữ nào vào đầu, tiếng nhạc xập xình từ nhà thằng Quang cứ văng vẳng dội sang, đêm nay dì Thẩm cũng chẳng có khách cứ đi ra đi vào đụng cái gì đá cái đó, bà nội không ngủ được đánh quạt mo vào chân đành đạch, tôi cứ mãi nghĩ đến lời thằng Quang nói ban chiều, tự dưng tôi ao ước có tiền mua cho nội cái máy quạt như nhà thằng Quang, tối đến bà cứ thế găm điện vào, bật công tắc chẳng cần dùng quạt mo xềnh xệch cả đêm mà vẫn không đủ mát cho em Thấu, tôi ước cứ mỗi tháng mang về cho dì Thẩm mấy phân vàng để dì không phải trằn trọc suốt đêm, pha loang loáng cái đèn pin nhỏ xíu, mờ mờ ra đường tìm khách, có tiền tôi sẽ đi tìm mẹ tôi.
Bãi vàng hiện ra trước mắt tôi.
Bãi vàng hoang vu và mịt mù bụi.
Hàng trăm người đàn ông to cao vạm vỡ thay phiên nhau đào vàng. Bụi, cát, đá, nước rặc mùi phèn, tất cả những thứ thải ra chảy lênh loang xuống suối, rồi cũng uống nước suối, ăn nước suối, tắm giặt nước suối. Nơi đây đã chôn xác bao đàn ông khỏe mạnh, lấy bao bộ phận thân thể con người lành lặn. Nơi đây có người không chết vì sập hầm, sốt rét, đói khát mà còn chết vì giành giật lẫn nhau. Cuối góc lán một thanh niên rúm ró, trời nắng quấn ba lớp chăn bông nhưng vẫn run cầm cập, co giật từng cơn, anh ta đang co người chống chọi với cơn sốt rét. Tôi đến gần đưa cho anh ta chén nước, anh ta còn không đủ sức để uống.
Đám đàn ông đang đãi vàng bỗng dưng dừng lại, họ xúm vào vây lấy một người đàn ông, la hét, giành giật nhau thứ gì đó, họ xô nhau ngã túi bụi, chồm lên lưng, bụng, đầu nhau, cưỡi cổ nhau, móc họng nhau dành lấy thứ họ đang muốn dành.
- Họ làm gì vậy? Tôi quay về phía thanh niên sốt rét hỏi.
- Đang giành nhau vàng đấy!
- Vàng?
- Ừ, ở chốn này là thế. Vàng ít, người tìm vàng thì nhiều thành ra phải dành, phải cướp mỗi khi thấy vàng. Ai mạnh hơn thì người đó thắng.
Tôi nhìn thấy thằng Quang nắm chặt bàn tay khư khư và cố bỏ chạy khỏi đám đông đang cố bám theo vây bắt nó, nó trượt chân ngã, một đàn ông khác túm được ống quần nó kéo lấy kéo để, nó tuột luôn cả quần để chạy nhưng chưa kịp chạy thì người khác chồm lên người nó, nó cố nhoai người lấy sức ném mạnh thứ nắm trong tay về phía trước nhưng không may phía trước nó là con suối, cả đám đàn ông lại hò nhau lội xuống suối, họ tìm, họ chửi nhau, họ khuấy đục cả con suối nhưng vẫn không tìm được thứ mình muốn.
Lại một buổi sáng thất thu nữa.
Bữa trưa. Thằng Quang đưa cho tôi nắm cơm nguội. Hắn hỏi:
- Thế nào. Chiều làm chứ!
Tôi im lặng.
- Đã lên đây thì phải sớm lăn vào mà làm. Phải biết cướp, biết giật. Bây giờ tao mày là bạn ngồi ăn chung nhưng thấy vàng thì đừng nghĩ là bạn cứ xông vào mà cướp, thằng nào mạnh thằng đó thắng.
Tôi cố rướn cổ nuốt cục cơm nguội. Trời nắng như đổ lửa, bụi đất lẫn trong cơm, từng hạt cơm nhả ra khô khốc, vướng nơi cuống họng nhưng vẫn phải cố nuốt. Một nắm cơm nguội là một món nợ vay. Lãi mẹ đẻ lãi con chưa trả được. Lạc cháy khô cả đồng, quê nhà trẻ con khát cơm chẳng có mà ăn.
***
- Dậy. Dậy. Dậy! - Bà nội gõ gõ cái quạt mo vào lưng tôi. Tôi giật mình tỉnh giấc.
- Vàng. Vàng. Vàng đâu?
-Vàng, vàng cái gì? Lại mộng mơ cái chuyện đi đãi vàng hả con. Mày mà đi là nội chết cho mày coi.
- Còn sớm mà nội!
- Sớm gì, tám giờ rồi con, sáng nay trở trời muốn mưa thì phải.
Nói rồi bà chấp hai tay khấn vái ông trời “mưa đi ông trời ơi cho chúng con còn có cái ăn, cái uống”. Em Thấu tay cầm xô chạy lăng xăng ra sân “hứng nước, hứng nước thôi anh Hai ơi, trời sắp mưa rồi!”.
Chuồn chuồn bay từng đàn trên đống lạc cháy bà vừa nhổ, những hạt mưa đầu tiên lắc rắc. Trời đổ giông. Cơn mưa cứ thế càng lâu càng nặng hạt hơn, em Thấu dùng đôi bàn tay nhỏ xíu hất nước lên mặt, hò hét, cười sung sướng. Bố ngồi tựa cửa sổ nhìn mưa, bố cười, đã lâu lắm tôi mới thấy bố cười. Dì Thẩm đứng chống nạnh nhìn về khu đất trống cuối vườn: “Mưa rồi, đất dịu lại trồng cây được rồi”. Tôi ngồi vào bàn học hoàn thành nốt hồ sơ dự thi đại học, tôi chọn ngành kĩ sư nông nghiệp. Vừa viết vừa nhìn những hạt mưa thi nhau tuôn lộp bộp trên mái nhà tôi mường tượng vườn lạc xanh mơn mởn đang thi nhau trổ hoa vàng óng cả khu vườn, ong bướm lởn vởn bay, bà nội và dì Thẩm lúi húi nhổ cỏ cho lạc, chuyện trò rôm rả.
Truyện ngắn. TRƯƠNG THỊ CHUNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...