Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
23:31 (GMT +7)

Bindi, những chấm nhỏ xinh trên trán

VNTN - Đối với người Hindu ở các nước Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Mauritius và nhiều nơi khác, chấm đỏ trên trán - bindi có một ý nghĩa hết sức quan trọng, biểu thị cho trí tuệ, sắc đẹp, sự may mắn và tài lộc… Họ luôn xem đây là một con mắt thứ ba, ngoài hai con mắt thường, để nhìn nhận thế giới tốt hơn nhờ được tâm linh giúp đỡ kiểm soát và tiên đoán vạn sự.

Vốn dĩ bindi là một dấu ấn được thực hiện trong các nghi lễ hiến sinh, dâng cúng tế phẩm còn sống lên thần thánh và được bôi ở giữa trán, giữa hai lông mày như thể một mối liên kết và làm hài lòng của người dân trước Đấng Sáng tạo. Thế rồi người ta áp dụng nó với thông điệp về trí thông minh, tài giỏi... Bindi cũng được xuất phát từ chữ “bindu” trong tiếng Sanskrit có nghĩa là những giọt nước hay những phân tử trong vũ trụ, và ở kinh Nasadiya Sukta thuộc kinh Vệ Đà là thiên nhãn thứ ba huyền diệu, giúp giác ngộ chân lý. Như vậy, nó là một điểm hội tụ và khởi đầu của muôn sự trên trái đất, mà khi con người nắm giữ, có thể dễ dàng vận dụng, tập trung trong mọi công việc, lấy lại được sự cân bằng và phát huy từng thế mạnh. Nói chung, dấu ấn này được làm từ các loại bột thực phẩm, mỹ phẩm, đá quý, nhựa, thủy tinh và nhiều loại kim sa có màu đỏ, dạng tròn, sau đó in dán hoặc vẽ lên trán, thế nhưng đôi khi cũng thấy một số chất liệu, màu sắc và hình dạng khác như các bột nhũ, vàng bạc, hạt cườm, châu ngọc…; các hình ô van, giọt nước, tam giác, đoạn thẳng, làn sóng, con rắn, lá cây… Cũng vì thế, bindi đã trở thành một thứ trang sức cho cả nam lẫn nữ, thể hiện các vẻ đẹp, cá tính và địa vị. Có người đánh nó thật đậm, song cũng có người chỉ bôi rất nhẹ hoặc tạo ra nhiều kiểu hấp dẫn, mà thường là đính những đồ trang sức lên trán, đồ vật có hình gì, bindi có hình ấy.

 

Từ chỗ bôi nhằm thể hiện sự ngưỡng vọng, luôn hướng tới thần thánh, bindi cũng là một hình ảnh biểu trưng về sự trung thành ở nam nhi đối với công việc, giai cấp, lãnh đạo và sự chung thủy ở nữ nhi đối với chồng con, gia đình nhà chồng. Khi một cô gái đi lấy chồng, chị sẽ bôi một chấm đỏ trước trán, và nó sẽ gắn bó với chị suốt đời với ý nghĩa là người đã thành thân, phải chung thủy, đức hạnh. Nó sẽ luôn nhắc nhở chị cần nói năng, đi đứng, ăn mặc phải phép trước công chúng, và nhắc nhở luôn những người xung quanh không được đụng chạm tới người có chồng.

Vào ngày cưới, các chú rể, nhất là trong cộng đồng người Aryan ở Ấn Độ, khi đón dâu sẽ dùng một ít son để đánh một cái dấu dài tilaka lên trán vợ như một cái khóa hôn nhân giam giữ chị. Chị sẽ phải giữ mãi cái khóa này, ý chỉ bindi hàng ngày như phải dán vẽ nó thường xuyên, nếu bindi phai phải tô đậm, và chỉ thôi vẽ lúc góa bụa, chồng mất và sẽ vẽ lại khi tái hôn. Thế nhưng, đa số các thiếu phụ sau đó thường không để trán trống mà vẽ một dấu chấm đen. Do chứa năng lượng, sự hiểu biết cùng nhiều năng lực, bindi cũng đem tới cho người dùng sự thịnh vượng, hoan hỷ và phúc đức. Nữ hay nam thường xuyên dùng bindi được tin sẽ rất giàu có, phát đạt và có gia đình đông đúc, hòa thuận. Đó cũng là lý do phụ nữ luôn phải chấm bindi nhằm đảm bảo sự sung túc, no ấm, an vui của cả nhà.

Cách áp dụng bindi truyền thống nhất là lấy đầu ngón tay, quệt một chút bột thần sa, hoặc bột đàn hương, bột nghệ, ô xít kẽm hoặc thuốc nhuộm bôi lên chỗ giao giữa hai chân mày và từ đỉnh trán xuống tới đầu sống mũi. Trước đó người ta thường vẽ, dán một cái ô có hình tròn hoặc đa dạng ở vị trí trên và rồi điền màu vào. Với mỗi một màu, bindi có một tên gọi riêng, và nếu màu đỏ thì là tilak bindi. Việc đặt bindi ở giữa hai lông mày có dụng ý vô cùng đặc biệt vì nó nhằm vào vị trí ajna, tức vùng trung khu tập trung năng lượng tinh thần chakra thứ sáu trong bảy chakra của cơ thể. Nơi mà trí khôn ngoan được ẩn giấu và cho ra những tài năng, phẩm chất, khác nhau. Các nhà tiên tri, người viết ra Rig Veda, cuốn kinh đầu tiên cũng là cuốn sách dạy học đối với người Hindu, đã xác định, khi ngồi thiền dòng năng lượng dồi dào trong cơ thể sẽ dâng trào lên từ đáy xương chậu hướng về phía đầu và thoát ra qua ajna, vì thế chấm đỏ chính là nơi trữ năng lượng, cụ thể là những dòng tư tưởng để điều khiển vạn vật và trong nhiều trường hợp là nâng các vật nặng và làm chúng nổ tung.

Thông thường, những chấm đỏ hay được thấy ở những phụ nữ đã lấy chồng, song ở Nam Ấn cũng có một bộ phận không nhỏ các thiếu nữ chưa thành thân lựa chọn nó như một hình thức làm đẹp, cầu duyên, và để tiện thay đổi vào những dịp thời gian gấp rút hay lễ tết cần đổi mới, các cô gái thường mua sẵn những miếng dán bindi bằng giấy hay nhựa, mica, thủy tinh, pha lê để dán lên trán. Một lúc có cả trăm kiểu mẫu bindi ấn tượng. Tuy nhiên, tùy từng vùng hay dân tộc, nam nữ hay dùng chuyên một kiểu bandi riêng như ở Bengal là một chấm đỏ rất tròn, to và đậm, có lúc bằng đồng xu, còn ở Maharastra là hình mặt trăng lưỡi liềm với những vì sao sáng trong khi tại Rajasthan là một giọt lệ tuôn chảy và khu vực phía nam là một bindi nhỏ bé song hai màu đỏ trắng…

Nam giới có thể bôi bindi, nhưng nhiều nhất vẫn là nữ giới, vì không chỉ bôi khi có công chuyện, họ luôn dùng bindi hàng ngày và đưa nó vào trong các trò chơi, ca múa, kịch nghệ cùng nhiều sinh hoạt dân dã. Và đẹp nhất là bindi ngày cưới, vì nó được trang trí hết sức cầu kỳ, công phu bằng nhiều loại phấn và bút kẻ mắt cho ra những hình tuyệt đẹp như hoa lá, chim công, mặt trời, mặt trăng… và khi đi kèm với những đồ trang sức bằng vàng rực rỡ cùng với bộ áo hồng sari lấp lánh thì mỗi cô dâu đẹp như một công chúa.

Ở bindi dành cho tân nương, nó thường được kéo dài lên đỉnh đầu, hay nói cách khác là từ trên đầu xuống hết trán, sở dĩ chàng rể hay mẹ của anh làm như vậy với cô gái là để mong muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc dài lâu và nồng nhiệt, trẻ trung như màu son đỏ. Đây cũng không chỉ là sự đánh dấu theo lễ nghi, phong tục mà còn là sự chúc phước cho cô gái, kể từ nay chị sẽ có toàn năng, toàn đức để coi sóc, chăm lo cho một gia đình.

Ảnh: Theo Khaleej Times

Thủy Trường (biên dịch)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy