Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
07:00 (GMT +7)

Biểu tượng chữ Vạn trong văn hóa Phật giáo

VNTN - Phật giáo có nhiều biểu tượng mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. Ngoài hoa sen, cây bồ đề, bánh xe pháp luân đại diện cho những triết lý tương đối ổn định thì chữ “Vạn” lại là một biểu tượng mang tính tranh cãi nhiều nhất về chiều xoay của nó. Các học giả cũng như các sách viết về Phật giáo chưa bao giờ có sự thống nhất về vấn đề này. Trong khuôn khổ bài viết này, mạn phép xin nêu ra một số kiến giải về nguồn gốc của nó cũng như những gì mang tính riêng biệt của chữ “Vạn” trong tư tưởng nhà Phật so với các hệ tư tưởng khác.

Chữ “Vạn” là một cách nói theo thói quen của số đông hiện nay. Nhưng kỳ thực nó chỉ là dạng của một biểu tượng, phù hiệu nội hàm những triết tưởng mà thôi. Vì nó không có chức năng của ngôn ngữ, không dùng trong hệ thống văn tự giao tiếp nên không thể coi là một tự dạng hay một chữ được. Biểu tượng này xuất hiện từ thế kỷ VII trước Tây lịch và kéo dài cho đến hết thời kỳ Trung cổ, nó có mặt trên khắp các hang động, công trình kiến trúc từ châu Âu, châu Mỹ đến toàn cõi Á Đông. Đến năm Trường Thọ II đời nhà Chu thì ở Trung Hoa mới xuất hiện “Vạn” dưới dạng đúc. Và đến Võ Hậu đời Đường mới đưa vào văn tự và đọc là “Vạn” như ngày nay. Biểu tượng này bắt đầu từ hình xoắn ốc, tượng trưng cho sấm sét, lửa, mặt trời hay vì tinh tú… với ý nghĩa là bái vật giáo hay vật thờ tự nhiên thô sơ nhất mà thôi. Nhưng dần dần biểu tượng này đi vào các tôn giáo lớn cổ xưa của xứ Ấn Độ như Bà la môn giáo, Kỳ na giáo… và sau đó là Phật giáo với ý nghĩa là điều tốt lành, viên mãn.

 

Trong tiếng Phạn, biểu tượng “Vạn” được gọi là Swastika, và phiên âm sang Hán ngữ là Thất-lợi-bạt-tha có nghĩa là Cát Tường Hải Vân (vầng mây lành trên biển) hay Cát Tường Hỷ Triền (vòng xoay tốt lành). Biểu tượng này được quan niệm như một cát tướng. Nó biểu thị tính chất tốt lành của dân tộc Ấn Độ cổ đại nói riêng và của cả chủng người Aryan nói chung. Bà la môn giáo cho rằng biểu tượng “Vạn” chỉ là chòm lông xoáy ở trước ngực của thần Vishnu là một trong những tướng tốt của các vị thần này. Nhưng nguồn gốc sâu xa của văn hóa Ấn Độ thì biểu tượng “Vạn” vốn hình chòm lông xoắn ốc trên đầu con bò. Mà bò thần Nadin cũng có khi lại chính là hiện thân của thần, nên về sau biến thành tướng lông xoắn trước ngực thần Vishnu là vậy. Từ tướng tốt của thần về sau, được mở rộng quan niệm thành một trong ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân đại đức - Trên ngực Đức Thích Ca Mâu Ni. Vấn đề này từ thế kỷ thứ VIII trước Tây lịch, Bà la môn giáo đã ghi chép tướng “Vạn” là thụy tướng trước lồng ngực của Thần Vishnu. Và đến khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch kinh Phật ghi chép về tướng tốt này. Nếu nói ở một chừng mực nào đó thì biểu tượng “Vạn” của Phật giáo chỉ chịu ảnh hưởng của Bà la môn giáo chứ không hoàn toàn đồng nhất với Bà la môn giáo!

Nhưng nếu quan sát, ta thấy hiện nay trong các sách viết về Phật giáo cũng như trong các ngôi chùa Việt Nam biểu tượng “Vạn” không có sự thống nhất về chiều xoay. Ai thích xoay kiểu nào thì làm kiểu đó! Có khi là theo chiều kim đồng hồ 卐 , có khi là ngược chiều kim đồng đồng hồ 卍 . Với các từ điển gia cũng tương tự. Thiều Chửu cho rằng “Chữ này trong kinh truyện không có, chỉ trong kinh nhà Phật có thôi. Nhà Phật nói rằng khi Phật giáng sinh trước ngực có hiện ra hình chữ 卐 người sau mới biết chữ ấy. Trong bộ Hoa-nghiêm âm nghĩa nói rằng: chữ 卐 nguyên không có, đến niên hiệu Tràng-thọ thứ hai đời nhà Chu mới chế ra và âm là vạn, nghĩa là muôn đức tốt lành đều họp cả ở đấy. Lại chữ 卐, nguyên tiếng Phạm là Śrīvatsalakṣaṇa. Các ngài La-thập, Huyền-trang dịch là đức 德, ngài Bồ-đề lưu-chi dịch là vạn 萬. Ở bên Ấn-Độ thì tương truyền là cái tướng cát tường, dịch là đức là nói về công đức, dịch là vạn là nói về công đức đầy đủ. Song nguyên 卐 là hình tướng chứ không phải chữ, cho nên dịch là cát-tường hải-vân-tướng mà theo hình xoay về bên hữu là phải hơn. Vì xem như nhiễu Phật thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở khoảng lông mày phóng ra cũng xoay về bên hữu, thì viết xoay về bên hữu mới là tướng cát-tường, có chỗ làm xoay về bên tả 卍 là lầm”.

Cùng quan điểm với Cư sỹ Thiều Chửu, các tác giả của Từ điển Phật học Hán Việt - Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phân viện Nghiên cứu Phật học, Hà Nội 1994 - cũng ghi bằng biểu tượng “Vạn” 卐 (theo chiều kim đồng hồ). Nhưng trong một số từ điển như Từ Hải, Từ nguyên, Chinese - English Dictionary, Japanese - English Buddhist Dictionary, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms, Phật học từ điển - Đoàn Trung Còn, Hán Việt từ điển - Trần Văn Chánh, Hán Việt từ điển - Nguyễn Quốc Hùng… đều ghi biểu tượng “Vạn” 卍 (ngược chiều kim đồng hồ). Vậy vấn đề sẽ là ở chỗ nào? Xin bắt đầu từ Hà đồ Lạc thư của thuyết Âm - Dương vậy! (Hình 1)

(Hình 1)

Hà đồ chính là bản đồ dãy Thiên Hà trong vũ vụ, còn Lạc thư là sách của Lạc Việt viết ra, với sự cân bằng hòa hợp Âm và Dương. Theo mô hình cụ thể hóa của Lạc thư thì hình này được chia làm 9 ô vuông, tượng trưng cho 9 vùng trong vũ trụ (từ 1 - 8 là tám vùng trời xung quanh, 5 là trung tâm). Trong hình này, nếu ta cộng 3 con số theo chiều ngang, dọc hay chéo thì tổng của nó đều là 15 - đó là sự cân bằng của 8 hướng, là cái thế bù trừ của Âm - Dương để cho “máy trời” hoạt động đều hòa. Con người là một tiểu vũ trụ trong cái đại vũ trụ này. Mọi sự mất cân bằng đều đem đến vấn đề rối loạn, đảo lộn trật từ và dẫn đến tàn sát hủy diệt cả. Quan sát (Hình 1) ta thấy ở mỗi cạnh có các số chẵn (Âm: 2,4,6,8) - lẽ (Dương: 1,3,7,9) nằm chung, phối hợp với nhau thành từng cặp: 7 với 2 , 9 với 4, 8 với 3, 6 với 1. Còn số 5 thuộc vị trí trung ương. Quan sát (Hình 2) ta thấy, nếu kéo một đường đi từ số 2- 4- 6 - 8 thì ta sẽ có hình một “S” - đó là con đường đi của khí âm. Nếu ta kéo một đường từ số 1- 3 -7 - 9 ta lại có thêm một chữ “S” ngược lại - đó là đường đi của khí dương. Cả hai đường đi của khí Âm và Dương đều cắt qua số 5 trung ương, mà trung ương này chính là Trái đất, con người (có 5 hành: kim, mộc, thủy, hỏa , thổ). Có nghĩa là Trái Đất (con người) luôn chịu sự chi phối điều hòa của Âm Dương vậy. Mà hai chữ “S” này nhập lại ta sẽ có hình con số “8”. Mà hình con số “8” chính là biểu tượng của xoắn ốc ở thời kỳ ban đầu. Từ xoắn ốc mới tự hóa thành “ vạn” như ngày nay. Mà như trên đã nói hai chữ “S” là hai hướng đi của Âm và Dương phân biệt. Vậy nếu khí dương thịnh (Nam thần) thì hướng chữ “Vạn” quay theo chiều kim đồng hồ. Còn khí Âm thịnh (Nữ thần) thì chữ “Vạn” quay nghịch chiều kim đồng hồ. Đó là quan niệm của Bà la môn giáo. Còn biểu tượng “Vạn” của Phật theo chiều nào? Thuận hay nghịch?

(Hình 2)

Chúng ta đã biết, triết lý của Phật giáo là dòng chảy ngược triều lưu, đi ngược lại bản năng, đi từ dưới lên trên để hòa đồng vào hướng bát ngát của vũ trụ giải thoát. Có nghĩa là theo bản năng con người nếu ai xúc phạm đến mình thì ghét giận chửi bới, ai xâm phạm đến lợi ích mình thì sẵn sàng sát phạt chém giết, ái rồi đến dục, không được ái dục thì đâm ra đau khổ thù hận, đố kỵ thì loại trừ lẫn nhau cho tới tận cùng... Vì lẽ đó mà Đạo Phật giúp người ta chế ngự những cái thấp hèn đó để đi đến cái thánh thiện, diệt trừ cái xấu ác đi đến cái từ bi, xóa bỏ dục vọng trầm luân để đi đến bến bờ giải thoát… Đi từ cái cá nhân phân biệt riêng lẻ đến cái đại đồng yêu thương…Cái hướng đi đó chính là hướng của vũ trụ. Vì Trái đất quay quanh trục là từ Tây sang Đông, đó là chiều ngược kim đồng hồ. Trái đất quay quanh mặt trời cũng là ngược chiều kim đồng hồ. Vậy từ triết lý sâu thẳm ấy mà cụ thể hóa thành biểu tượng “Vạn” quay ngược chiều kim đồng hồ, chính là chiều thuận của bản thể vũ trụ. Chứ không thể theo chiều thuận kim đồng hồ được. Mặt khác ta thấy chiều thuận kim đồng hồ thì có khác gì chiều của con vít, mà mục đích của con vít thì chỉ khoan và chui xuống mà thôi. Triết lý Phật là đi lên, đi lên để giải thoát. Phật không bao giờ và không thể dẫn chúng sinh chui xuống địa ngục được!

Khi vào chùa chiêm bái Phật, ta thấy biểu tượng “Vạn” ở ngay trên ngực Phật. Ngực là tâm, “Vạn” là hướng đi giải thoát. Tâm của Phật bao giờ cũng muốn chỉ cho chúng sinh con đường giải thoát. Vấn đề chính là ở chỗ đó. Nhưng quan sát kỹ hơn ta còn thấy trên đầu Đức Phật còn vô số lọn tóc hình xoắn ốc nữa. Xoắn ốc như trên đã nói chính là biểu tượng của sấm chớp và lửa vũ trụ. Mà bầu trời có lửa sấm chớp thì mới có mưa trút xuống. Mưa là nguồn sinh lực của Trời Cha thấm xuống lòng Đất Mẹ để cho muôn loài sinh nở tốt tươi. Đó chính là nguồn hạnh phúc của muôn đời. Mặt khác ta có thể hiểu, nguồn sinh lực của vũ trụ ấy ban phát xuống “vô kiến đỉnh tướng” (cái phần nhô cao trên đầu Phật) của Phật để nuôi bộ óc của Phật. Mà bộ óc được nuôi bằng sinh lực hạnh phúc vô tận ấy sẽ là nguồn trí tuệ sáng suốt vô biên. Mà khi đã có trí tuệ sáng suốt thì mới tránh được những sai lầm, lìa xa dục vọng, diệt trừ ác xấu để giải thoát vậy! Bộ óc ấy sẽ sản sinh ra muôn vạn nghiệp lành, trí tuệ bát nhã. Đó chính là biểu tượng hoa sen đỏ ngàn cánh nở ra. Đức Phật ngồi trên tòa sen là đại diện tiêu biểu nhất cho “Định” phát “Huệ” vậy.

Tóm lại biểu tượng “Vạn” có nguồn gốc sâu xa từ thuyết Âm Dương của nhân loại nói chung và chịu ảnh hưởng phần nào về mặt biểu tượng của Bà la môn giáo. Nhưng “Vạn” của Phật vận hành theo nguyên lý Phật, chứ không tùy tiện theo hướng nào cũng được như một số người đã nói. “Vạn” là con đường đi của hạnh phúc đích thực, là viên mãn của giác ngộ. Nếu hiểu không khéo, hiểu không tới, hay tùy tiện thì có ngày sa vào chữ vạn đen nghiêng trong cái vòng tròn trắng của Phát xít Đức thì chỉ còn có con đường vùi đầu xuống Địa Ngục A Tỳ đầy chết chóc mà thôi!.

Đào Thái Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy