Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:22 (GMT +7)

Bẩy vòng cầu thang

VNTN - Khải không biết căn nhà của Thúy rộng đến mức nào. Anh chỉ biết là leo bốn vòng cầu thang mới tới phòng ngủ của nàng. Qua khoảng sân rộng đầy nắng xối vào da ran rát là tới bậc tam cấp. Qua hành lang hẹp chỉ rộng bằng sải tay là tới chân cầu thang. Ở đây Khải ngửi thấy mùi xăng cháy phảng phất - gara ô tô của gia đình. Mỗi lần đặt chân lên bậc, Khải như nhìn thấy những chiếc xe sang trọng bóng loáng. Hết vòng cầu thang thứ nhất, anh ngửi thấy mùi hoa tươi. Đó là phòng khách của ngôi biệt thự, những bông hoa được phun sương tươi như lúc bình minh. Hoa đẹp như nữ chủ nhân thâm trầm ít nói. Hết vòng cầu thang thứ hai, Khải ngửi thấy mùi các món ăn. Hết vòng cầu thang thứ ba, anh ngửi thấy mùi khen khét của chàng trai mới lớn. Thúy có một đứa con trai, chàng công tử anh chưa một lần được gặp. Tư duy liên tưởng cho kẻ khiếm thị thấy, chàng trai con của Thúy mắt cận, da cớm nắng như những chàng công tử quen được chiều chuộng. Hết vòng cầu thang thứ tư, Khải ngửi thấy mùi mĩ phẩm hảo hạng của bà chủ. Gương mặt nàng hiện ra, hiền từ phúc hậu như một nữ tu. Hết vòng cầu thang thứ năm, anh ngửi thấy mùi hôi của một người già nghiện thuốc lào. Ngọn lửa bập bùng từ chiếc đóm làm bằng thân cây, đang đốt cháy những sợi thuốc vàng. Hết vòng cầu thang thứ sáu, Khải ngửi thấy mùi hương trầm thơm ngát. Hết vòng cầu thang thứ bẩy là mùi thoáng mát của đất trời. Thường ngày, người giúp việc trong nhà đón anh ở vòng cầu thang thứ hai. Họ đưa Khải vào phòng ăn, cho anh ăn một chút đồ ăn nhẹ. Sau đó dẫn Khải vào phòng tắm liền kề, tắm rửa sạch sẽ xong anh mới được lên phòng Thúy. Hôm nay, anh thơm tho trong bộ quần áo mới, tự vịn cầu thang đi lên. Nhiều ngày phục vụ tại nhà chiếc cầu thang đã thành đường mòn dưới chân kẻ hỏng mắt, phòng nàng đây rồi! Mùi thơm và những tiếng động không thể lẫn được. Tiếng chân người thiếu phụ nhè nhẹ đi trên tấm thảm màu lá khô. Nàng yêu màu vàng của lá! Người giúp việc ngăn giữa lối đi: “Bà chủ đang bận, mời bác lên trên này!” và dắt anh đi thẳng lên sân thượng. Nhờ đó mà Khải biết trong nhà còn có người già. Cha Thúy còn sống. Anh tưởng tượng ra một ông lão râu tóc bạc phơ, ngồi phía sau cửa kính cùng chiếc điếu bát được chạm trổ cầu kì, có hình ông tiên ngồi đánh cờ và con rồng đang ngậm xe điếu…, giống hệt như ông nội ngày xưa. Hôm đón mẹ Khải từ viện về nhà, thấy chiếc điếu trên bàn Thúy đã bảo: “Trông chiếc điếu rất quen hình như đã nhìn thấy ở đâu rồi”. Chiếc điếu đó là của ông nội, sau đến cha Khải dùng. Cha về cõi Phật, mẹ anh rửa sạch để ở chỗ ông vẫn ngồi. Thúy hỏi mua nhưng bà không bán. Vì chiếc điếu là kỉ vật duy nhất của những người quá cố trong gia đình. Mỗi khi nhìn chiếc điếu mẹ như thấy lại hình bóng của cha. Làn gió luồn qua cầu thang mang theo mùi thuốc thơm và tiếng điếu rít giòn. Hình ảnh ông nội hiện về quen thuộc gần gũi. Khải ứa nước mắt. Lúc cha anh trở về, ngồi vào chỗ của ông nội hút thuốc lào, thì Khải đã không nhìn thấy nữa rồi nên làn khói thuốc thơm không gợi lên được hình ảnh của cha, nhưng tiếng điếu kêu lục ục vẫn gợi về bao nhiêu hình ảnh. Ngày anh còn thấy mặt trời, chỉ nhìn thấy cha hút thuốc lá. Ông là thủy thủ tàu viễn dương, nhờ đó mà gia đình Khải giàu nhất làng. Căn nhà của cha anh cũng đẹp nhất trong xóm. Nhà quét vôi trắng lợp ngói đỏ. Nay nó là căn nhà tồi tàn nhất trong ngõ phố. Nhờ có nhà hảo tâm tài trợ qua UBND phường mà mùa khô vừa qua Khải đã tháo được mái ngói, lợp tôn xanh có trần chống nóng, mẹ con không phải sang hàng xóm trú mưa khi trời có bão. Nhưng mỗi lần về nhà mình Khải không còn thấy mùi ấm áp của gia đình ngày xưa. Anh không còn được nghe tiếng gió lùa khe ngói quen thuộc và cả tiếng mọt kêu cót két trên mái nhà. Khải không giải thích nổi tại sao nhà tài trợ lại không quay phim chụp ảnh để đánh bóng cho thương hiệu của mình? Gia đình muốn gặp để cảm ơn, họ cũng từ chối. Nếu không hỏng mắt, Khải sẽ nối nghiệp cha đi tàu, thì căn nhà hiện nay có lẽ cũng được xây lại rồi. Anh cũng có một tòa biệt thự có cả sân vườn như Thúy và có một gia đình mới ấm áp, không phải hoài niệm về những ngày êm đềm khi xưa. Người giúp việc lên đưa Khải xuống phòng bà chủ. Cánh cửa không khép lại ngay khi Khải bước qua. Thúy sực nức mùi nước hoa đắt tiền, cầm tay Khải dắt vào ghế. Bàn tay vẫn mềm mại ướt mồ hôi của thiếu phụ trẻ: -Em có việc phải xa Hải Phòng khoảng một tháng. Trong những ngày em đi vắng anh vẫn có thể tới đây ăn cơm chiều. Tiếng bước chân nhanh nhẹn của chàng trai mới lớn chạy vào phòng: -Tuần này con được nghỉ học rồi. Mẹ cho con cùng đi Sài Gòn thăm ngoại. -Mẹ đã đặt vé cho con đi nghỉ ở Sa Pa hết cả tháng sáu. Con quên rồi sao? Chàng trai bóp vai Khải thay cho lời chào rồi lại chạy đi nhanh như lúc đến. Mùi mồ hôi dầu của đứa con trai mới lớn và tác phong nhanh nhẹn gợi cho anh nhớ về kỉ niệm đã xa lắm rồi. Nhưng Khải không thể sắp xếp được những mảnh vụn kí ức. Môi trường xung quanh với mỗi cá nhân trở thành huyền bí khi hỏng mắt, không gian được thu hẹp từ đường viền chân trời rộng lớn thành một sải tay nhỏ hẹp. Trong nhà Thúy có nhiều điều bí ẩn anh muốn khám phá: Kế toán của công ty nói nàng dành một phần năm lợi nhuận để làm từ thiện nhưng Khải chẳng nghe thấy đài nói bao giờ? Trong khi các doanh nghiệp khác tặng một túi quà cũng được đưa tin. Tại sao ngày nào trước khi lên phòng ngủ của Thúy, anh cũng phải thay đồ? Tựa như cảnh sát kiểm tra an ninh trước khi tới gặp nữ hoàng. Mặc dù kẻ khiếm thị không biết những bộ đồ đó vải màu gì nhưng Khải biết nó được may theo kiểu trang phục của người đi biển. Chắc ngày xưa cha Thúy là một thủy thủ nên bà chủ mới thích những người trong nhà mặc như thế chăng? Rồi nữa, chàng trai trẻ gặp Khải lần đầu tiên, nhưng lại có cử chỉ thân thiện như đã quen lâu lắm rồi. Tiếng rít thuốc của ông già sao giống cha Khải đến thế? Điếu bát đổ nước thường kêu rất giống nhau. Nhiều tiền như Thúy kiếm chiếc điếu cổ cho cha đâu phải là quá khó? Khải tự hỏi và vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Bữa cơm chiều Thúy dành cho anh khi vắng nhà vẫn như thường ngày. Có rất nhiều món ăn trong chiếc cặp lồng sạch sẽ, không một chút mỡ vấy bẩn ra ngoài. Mỗi món ăn chỉ có một miếng, khiến Khải ăn bao nhiêu ngày cũng không cảm thấy chán. Hôm nào cũng bốn chiếc cặp lồng, một cái đựng cơm, một cái chứa canh, một cái để thức ăn mặn và cuối cùng là món xào. Một đôi đũa, một cái bát và một cái thìa. Anh tự biên tự diễn không có người hỗ trợ. Khải phải dùng mũi phân biệt đồ ăn trong các cặp lồng để thưởng thức thứ gì trước. Anh muốn lên phòng ngủ vấn an sức khỏe ông già, muốn mời chàng trai xuống phòng khách trò chuyện, nhưng lại nghĩ: “Mỗi gia đình có một nguyên tắc riêng, người ngoài không nên quan tâm quá sâu”. Thúy đi vắng, Khải lại mở cửa tiệm tẩm quất. Tiệm đóng cửa lâu ngày ngoài những người quen trong khu phố thì chẳng có ai tới. Khải nhớ Thúy, nhớ mùi nước hoa trên người nàng, nhớ mùi thuốc lào quen thuộc phảng phất trong nhà Thúy và mùi khen khét của thằng con trai. Anh tự tát vào má mình khi cái đầu khởi lên suy nghĩ: “Đứa con trai đó ngày mai sẽ là con của mình”. Khải kê lại chiếc giường Thúy từng nằm. Da thịt đàn bà, làm nghề của anh thì chẳng lạ gì. Khải thường để đầu trống rỗng khi khách hàng là nữ. Hai thằng trai mới lớn không chịu làm cho đàn bà nên Khải phải làm thay khi em nhân viên nữ vắng nhà. Đôi lần thành quen, mỗi khi tới tiệm, Thúy thường yêu cầu Khải. Nàng đoan trang không bắt anh bóp vào những chỗ nhạy cảm như mấy mụ sồn sồn có chồng đi tàu. Họ có tiền, thường đòi hỏi những điều quá mức cho phép. Thằng bạn học cùng lớp mát sa không kiềm chế được đã thành “rau sạch” của mụ nạ ròng. Thúy muốn anh tẩm quất là vì Khải có tay nghề tốt. Nhiều hôm anh làm xong thì Thúy đã ngủ ngon. Nàng thường úp mặt xuống gối tận hưởng những giây phút thư thái mà bàn tay khéo léo của người thợ mang lại. Thúy có vòng eo nhỏ khiến Khải tưởng tượng nàng đẹp như cô Scarlett trong “Cuốn theo chiều gió” của tác giả Margaret Mitchell. Mặc dù Thúy không có những lời nói và hành động bỡn cợt như mấy mụ sồn sồn nhưng nam tính trong Khải lại cứ nổi lên, mỗi khi chạm tay vào người Thúy. Nó hành hạ anh cả khi vào giấc ngủ. Khải thường mơ thấy những phút đằm thắm bên nàng. “Thằng nhỏ” tưởng chết cùng đôi mắt, nay lại sống lại giày vò. Mấy mụ sồn sồn có ý gạ gẫm thì anh lại chẳng có cảm giác gì, bản thân Khải cũng không hiểu tại sao nữa. Gần bốn mươi tuổi, anh chưa từng biết mùi đàn bà. Khải chỉ cần lật nhẹ nàng lên là làm được cái việc bản năng khao khát. Nàng không thể đủ sức chống lại người đàn ông khỏe mạnh lực lưỡng. Hiểu về kĩ thuật xoa bóp, Khải có thể bấm ngón tay vào những huyệt kích thích hưng phấn khiến nàng không chịu nổi, tự nguyện dâng hiến, nhưng lương tâm nghề nghiệp đã không cho phép. Nhiều lần anh định từ chối không làm cho Thúy, nhưng lại sợ mất mối hàng quen: Thúy là chủ doanh nghiệp lớn. Công ty của nàng trả tiền cho tất cả nhân viên mỗi tháng tới cửa tiệm của Khải tẩm quất một lần. Phần doanh thu ổn định đó không phải tiệm mát sa nào cũng may mắn được hưởng. Phật ý Thúy, mỗi tháng Khải sẽ mất rất nhiều khách hàng. Những người làm cho Khải sẽ bị giảm thu nhập. Nhân viên của Thúy tới thư giãn không mất tiền vé thì họ lại thưởng cho người thợ phục vụ. Một kẻ chịu khổ để sáu người hưởng lợi thì cũng nên làm. Anh tự ra phố mua những chiếc quần bó chặt. Bên ngoài Khải mặc chiếc quần rộng thế là che được mắt Thúy: “Nàng là người đoan trang, nhận ra mình có suy nghĩ đen tối, sẽ đi tiệm khác ngay”, Khải nghĩ vậy. Tẩm quất người mù trong thành phố mấy năm nay mọc lên như nấm sau mưa, anh phải giữ khách hàng quen. Lần nào kế toán tới trả tiền, bà chủ cũng không quên thưởng riêng cho Khải. Nhiều khi anh tự hỏi: “Không biết Thúy có phải là phụ nữ hay là người đồng tính?”. Cái đầu giàu trí tưởng tượng của Khải lại thấy Thúy mang tướng đàn ông có râu mọc ở cằm! Anh tự cười mình và đuổi đi ngay ý nghĩ xấu về nàng. Trong trái tim của kẻ khiếm thị, Thúy trong sáng như pha lê và đẹp như viên ngọc bích. Giữa hai người tới hôm nay vẫn chưa có một vết nhơ. Thời gian Thúy nằm cho anh xoa bóp, nếu là tảng đá thì cũng phải nóng lên rồi! Tới tiệm mát sa thường xuyên, Thúy không còn đau đầu và mất ngủ. Nữ doanh nhân là người giàu lòng nhân ái, biết mẹ Khải ốm là Thúy chạy ngay đến bệnh viện, đưa bà sang phòng tự chọn, mua cho mẹ anh những thuốc tốt nhất, thuê hộ lý chăm sóc như là con gái. Mẹ ốm không có người lo cơm nước Khải đóng cửa tiệm. Thúy tạo điều kiện giúp đỡ mời anh tới nhà xoa bóp cho mình và tới từng gia đình tẩm quất cho các nhân viên có nhu cầu của công ty. Nhờ đó mà Khải có tiền thuốc thang cho mẹ suốt mấy năm qua. Anh đã trả được cho Thúy khoản vay khi mẹ nằm viện. Thời gian sống dựa vào nàng như thế cũng là quá đủ, Khải phải đứng lên bằng đôi chân của mình thôi. Thúy cho Khải rất nhiều nhưng nhận về lại chẳng được bao nhiêu. Kiếp này Khải đã nợ nàng quá nhiều rồi: “Hỏng mắt mình còn có đôi tay! Các bạn đồng tật không có mạnh thường quân bù trì, họ vẫn sống được đó thôi!”. Anh nhắn tin gọi những người làm thuê cho mình cũ. Họ đều từ chối không trở lại. Khải đóng cửa tiệm lâu quá rồi, họ phải tìm nơi làm việc để mưu sinh. Khải biết chuyến đi này bà chủ muốn mở thêm chi nhánh ở phía Nam. Nếu chi nhánh làm ăn phát đạt, Thúy chuyển cả gia đình về Sài Gòn. Mặc dù Thúy hứa là sẽ trả tiền nhưng Khải chẳng mặt mũi nào dám nhận. Cha anh khi lâm chung chỉ trăng trối một lời: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Dù sao thì Thúy cũng chỉ là người dưng nước lã, anh không thể nhận tiền mà chẳng bỏ một chút công. Nếu thời sinh viên Khải không nổi máu anh hùng lao vào giữa hai thằng bạn can ngăn, để chúng đấm vào mắt thì bây giờ không phải chịu cảnh mù lòa và số tiền cha anh tiết kiệm được cũng không phải theo Khải vào bệnh viện. Nếu anh không hỏng mắt, nhiều khả năng cũng là một chủ doanh nghiệp. Khi Khải nộp hồ sơ thi hàng hải, cha anh đã bảo: “Sau khi ra trường, xuống tàu đi mấy năm có chút vốn thì lên bờ kinh doanh. Theo nghề tàu biển tuy có tiền nhưng khổ lắm!”. Gặp những người phụ nữ sồn sồn tới tiệm tẩm quất, Khải mới hiểu hết lời cha. Cô đơn, anh lại giận kẻ đưa mình tới mù lòa. Hai đứa chúng nó đều bị đuổi học. Thằng bạn cùng làng với Khải giờ cũng rất nghèo, chỉ giúp được bạn khi trong nhà cần người làm những việc nặng nhọc. Mỗi khi nó nhắc về chuyện buồn là Khải gạt đi ngay. Ánh sáng mặt trời mất rồi thì chẳng khi nào lấy lại được! Có ích gì khi nhắc lại những chuyện không vui?”. Kẻ đấm vào mắt anh giờ chẳng biết đi đâu. Hắn nghĩ Khải bênh người làng nên mới ra tay. Ai cũng vậy thôi khi máu đã sôi lên thì rất khó kiềm chế. Quan trọng nhất với mỗi người là giữ mình trước khi giọt nước tràn li. Khải nằm viện, sợ gia đình đưa đơn ra tòa, hắn cũng tới nhận lỗi và thanh toán viện phí. Hắn hứa: “Nếu mắt anh còn sáng thì chẳng bao giờ anh dám quên em!”.

Học cùng lớp nhưng hắn hơn Khải một tuổi. Hai đứa hôm đó đã bắt tay nhau rất chặt. Nếu một năm đôi ba lần hắn gọi điện hoặc đến nhà chơi thì cũng đỡ buồn hơn. Khải không trách cứ và không đòi hỏi hắn phải quan tâm về vật chất nhưng sống trong bóng tối bó buộc, nhiều lúc Khải cũng muốn khởi kiện. Rồi anh lại tự động viên mình: “Hắn đi tù thì mắt kẻ khiếm thị cũng chẳng thể sáng lại được, vợ con hắn sẽ phải khổ, những đứa trẻ ngây thơ đâu có lỗi. Mình bao dung cho hắn thì có người khác giúp đỡ mình.

Khải tới trung tâm dạy nghề của người khuyết tật chọn được hai kẻ khiếm thị có sức khỏe đón về làm cho mình. Họ bằng tuổi con Thúy nhưng không được sạch sẽ thơm tho như chàng công tử. Những gia đình có con khiếm thị thường rất nghèo. Hai đứa muốn gọi Khải bằng chú nhưng Khải không chịu, bắt chúng phải gọi bằng anh. Khải sợ tuổi già mau tới, như con chim chưa xây xong tổ sợ nắng ngả về chiều. Anh truyền cho hai đứa em những ngón nghề mình tích lũy được. Hai thằng thông minh nhanh nhẹn, chúng biết cả nấu cơm và làm việc nhà. Tìm được một nhân viên nữ nữa là cửa tiệm của Khải lại hoạt động được như xưa: Nếu lần này mà được cô gái thông minh tốt nết thì Khải cưới làm vợ luôn. Anh không thể sống cô đơn được nữa rồi! Ai cũng phải có một người phụ nữ của riêng mình. Nếu được người còn chút ánh sáng tự đi được chợ mua đồ thì tốt biết bao! Hai vợ chồng cùng là kẻ khiếm thị khó khăn nhất là việc nuôi con. Trong thành phố đã có người hỏng mắt cho con ăn bị sặc, nhiều lần bác sĩ giám đốc viện Nhi sợ nguy hiểm đến tính mạng đứa trẻ phải đề nghị Sở Lao động Thương binh Xã hội cho vào làng trẻ để các bảo mẫu nuôi giùm. Nhưng dù đứa trẻ ở đâu thì họ vẫn có con, tuổi già có nơi nương tựa. Nhiều kẻ khiếm thị bằng tuổi Khải đã có con chở đi chơi, còn anh đi đâu một bước là phải xe ôm. Nhà con độc, Khải muốn kiếm một kẻ sáng mắt để đỡ đần việc nhà nhưng bao năm rồi ông trời nào có cho. Khải không hiểu tại sao ông trời lại đưa Thúy đến với kẻ tật nguyền. Nàng đã làm sống lại trong anh sự thèm khát về một mái ấm gia đình. Nhưng Thúy cứ chờn vờn như quả chín đung đưa trên cành, Khải chỉ ngửi thấy mùi thơm mà không chạm tay tới được. Anh tự đánh giá bản thân: “Tuy mình là người hỏng mắt nhưng là trai tân. Thúy sáng mắt nhưng đã là góa phụ. Mặc dù có nhiều người khỏe mạnh vây quanh nàng nhưng họ không có đôi bàn tay phá tan những căng thẳng của nàng như mình. Khi là vợ chồng, bàn tay không phải giữ giới hạn, nàng sẽ có những giây phút thăng hoa mà ít người phụ nữ được hưởng”. Có lần Khải nghe thấy nàng thở dài nói với bà giúp việc: “Có người đàn ông trong nhà, để ngắm thôi thì mình vẫn có chồng!”. Khải mơ về những truyện cổ tích đã được nghe từ thuở nhỏ. Khải nhớ về những cuốn sách của Liên Xô mà thời sinh viên anh đã từng được đọc. Trong những cuốn sách đó kẻ khuyết tật được tạo điều kiện và có quyền lợi như tất cả những người bình thường. Khải có quyền hy vọng tới một tương lai với Thúy lắm chứ. Khải nghĩ, tuy mình không thể chở Thúy đi chơi, không thể ngắm cho nàng chiếc váy đẹp nhưng mình có thể cho Thúy những giây phút thoải mái. “Việc riêng” mình dư sức làm đẹp lòng nàng. Tại sao Thúy không hiểu? Nàng là người hay là gỗ đá? Nhiều lúc Khải muốn bày tỏ tình cảm nhưng cái miệng không sao nói ra được. Những lúc chỉ có hai người, Thúy lạnh lùng với anh như kẻ bán người mua, làm Khải lại mặc cảm. Một thời gian dài Khải đã nuôi hy vọng. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ của Thúy là anh tiến tới ngay. Nhưng nhiều khi nàng ngủ rất say, căn phòng vắng lặng Khải lại không dám khám phá. Anh muốn đến với nàng một cách minh bạch. Lúc nào Khải cũng như cảm thấy có hai con mắt nhìn mình trong căn phòng của Thúy. Cặp mắt lúc nẩy lửa, lúc thẳm sâu, nặng trĩu niềm suy tư. Hình như đôi mắt hiểu hết tâm trạng của kẻ thiếu ánh mặt trời. Anh chỉ cần có hành động bản năng nhỏ thôi là kẻ có đôi mắt giết chết Khải ngay. Khải thầm tiếc: “Nếu ngày ở tiệm tẩm quất mà mình mạnh dạn hơn một chút thì chắc giờ có được nàng rồi!”. Dường như có một bàn tay vô hình luôn ngăn cản Khải làm những việc không phù hợp với gia phong. Khi Thúy đi vắng Khải mới hiểu ra thế giới của hai người khác nhau nhiều lắm. Anh đã tự nhủ: “Không đến làm cho Thúy nữa”, nhưng khi có điện thoại đôi chân lại cứ bước đi. Bản năng và ý chí, tiền bạc và đạo đức cứ đan xen nhau giày vò. Khải phải có tiền để dành cho tuổi già đang sầm sập tới: “Mình đi làm bỏ sức lao động như tất cả những người giúp việc trong nhà. Mình không tới làm Thúy cũng sẽ mời người khác làm. Ngày mai sức khỏe suy giảm, phải có quyển sổ tiết kiệm phòng khi trái nắng trở trời”. Trở về sau chuyến thăm quê, Thúy mang theo một người phụ nữ miền Tây hơn Khải hai tuổi. Bà chủ giải thích với các gia nhân trong nhà là: Xuống miền Tây làm từ thiện gặp chị có hoàn cảnh khó khăn, nhận về làm người giúp việc. Bà chủ giao cho chị chăm sóc Khải mỗi khi tới nhà phục vụ. Thúy trả cả tiền tẩm quất cho người giúp việc mới. Nàng còn gợi ý: “Nếu tiệm tẩm quất của anh thiếu người cơm nước thì em sẽ cho chị đến giúp!”. Người phụ nữ miền Tây không ngại va chạm khi dắt Khải đi nhưng anh không có cảm giác gì. Vì trái tim đã thuộc về người khác rồi. Mỗi ngày còn mát sa cho Thúy thì anh không thể đến với ai. Kế hoạch tìm cô gái đồng tật kết thành mái ấm Khải cũng quên luôn khi mỗi ngày lại được sờ lên làn da mềm mại của Thúy: Tại sao nàng không mở lòng ra với Khải? Chỉ để mua vui thôi cũng được! Anh không đòi hỏi nhiều ở nàng, chỉ cần đặt được môi lên má người yêu là mãn nguyện lắm rồi. Thời sinh viên chưa kịp yêu thì đã bị hỏng mắt, những cặp má hồng có mùi vị thế nào, Khải vẫn chưa biết. Nên giờ chạm được tay vào bộ ngực tròn đầy của nàng thì chịu hình phạt như thế nào, anh cũng vui lòng: “Bộ ngực của Thúy chắc đẹp như bộ ngực của bạn Mai Phương - sinh viên khoa kinh tế biển ngày xưa?”. Nó mềm mát, ấm áp ra sao với anh vẫn là điều bí ẩn. Thúy chưa có ai để khỏa lấp nỗi buồn. Khải mơ tới ngày làm chủ cái tòa thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng. Trong tư duy của kẻ thiếu nắng trời, nàng toàn mĩ như cô Kiều trong truyện của Nguyễn Du. Khải chỉ có Thúy là nguồn sống và hi vọng. Ngày nào không được nghe giọng nói của nàng là anh ăn không ngon. Ngày nào không được ngửi mùi thơm từ người Thúy là Khải ngủ không yên. Mỗi bậc cầu thang là một bước đi nặng nề của Khải. Anh đi thật chậm để cân nhắc về những việc sẽ làm. Mọi thứ rối như tơ vò đẩy Khải vào chiếc vòng quay tròn không thể theo hướng khác. Mỗi bậc cầu thang là một hơi thở hồi hộp của kẻ đang yêu. Việc đó quá khó với anh. Trái tim Khải đập rộn ràng, thẹn thùng như chàng trai mới lớn. Bốn vòng cầu thang vẫn tiếp diễn mỗi ngày, Khải quyết định rồi, Khải không thể chờ đợi thêm được nữa. Nhưng gì thế này? Thúy đã tát thẳng vào mặt Khải khi bàn tay anh đi quá giới hạn. Anh chịu đòn không một lời bào chữa. Đôi môi kẻ si tình run run không ra cười mà cũng chẳng phải là khóc. Thúy giận dữ gọi lái xe đưa Khải về. Anh không bước nổi xuống cầu thang, phải dựa vào người giúp việc. Nhiều bước chị phải ôm gọn Khải trong vòng tay mới giữ được kẻ mù lòa khỏi ngã. Chiều hôm sau xe nhà nàng lại đến đón đúng giờ. Nghĩ Thúy đã bình tâm bỏ qua, Khải vội vã đi ngay. Đón anh trên bậc tam cấp hôm nay không phải là người giúp việc mà là chàng trai con của Thúy. Nó ôm Khải như người thân lâu ngày gặp lại. Chàng công tử cao hơn anh hẳn một cái đầu. Khải liên tưởng, nó đẹp trai như diễn viên Lý Hùng mà tuổi trẻ anh từng ngưỡng mộ. Khải hít hít mùi thơm từ bờ vai của thằng con trai. Nó có làn da săn chắc, cánh tay khỏe mạnh chứ không mềm yếu như anh tưởng tượng. Qua năm vòng cầu thang chàng trai mới dừng lại. Giọng nói là lạ quen quen vọng ra từ căn phòng nồng nặc mùi thuốc lào: “Đưa chú lên sân thượng cho thoáng, rồi bố lên sau”. Tự nhiên Khải thấy lạnh sống lưng: Nó có bố, nghĩa là Thúy vẫn có chồng. Khải lo lắng. Tại sao hôm qua mình lại hồ đồ đến thế? Mình là ai? Nàng là ai?”. Anh thấy mình như con cá nằm trên thớt. Lát nữa thôi người ta sẽ chặt anh ra từng khúc: “Sân thượng có một cầu thang duy nhất biết chạy lối nào? Hỏng mắt biết đường nào mà chạy? Kêu la không biết những nhà xung quanh có nghe thấy không và họ có lên được sân thượng cứu mình không?”. Qua vòng cầu thang thứ sáu, Khải nghe thấy tiếng Thúy đang đọc kinh khe khẽ. Trước nàng là một pho tượng Phật hay là một bức tranh? Anh lại liên tưởng đến chi tiết của một bộ phim kiếm hiệp: “Người vợ không ngăn nổi chồng làm điều ác, chỉ biết quỳ trước bàn thờ Phật cầu xin sự bình an”. Khải sợ hãi không ngồi nổi trên chiếc ghế, phải tựa hẳn vào chị giúp việc. Khi kẻ trong phòng được hai người giúp việc khác cáng lên, Khải mới nhận ra hắn chính là thằng đấm vào mắt mình ngày xưa. Kẻ khiếm thị giờ mới nhận thức được việc làm và lòng tốt của bà chủ. Hiểu tính bạn, nếu biết rõ sự thật thì Khải sẽ không bao giờ nhận sự giúp đỡ của vợ chồng mình nên hắn đã giấu mặt bấy lâu. Tấm màn bí ẩn được mở ra trong nắng thu dịu nhẹ và cái bắt tay rất chặt. Bình trà sen trên bàn tỏa hương thơm ngát. Hương đậm đà hơn trong ngọn gió lành lạnh buổi chiều.

Lê Trung Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước