Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:41 (GMT +7)

Bảo tàng – vì đâu nên nỗi “chùa bà Đanh”?

VNTN - Nghe thông tin dâng bánh chưng 2,5 tấn trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương, tại khu vui chơi Đầm Sen, thực sự chẳng lấy gì làm giật mình, chỉ một cảm giác duy nhất là buồn. Có nhiều cái kỉ lục, to, hoành tráng ở ta đang đắp chiếu. Nhưng người ta vẫn chưa dừng cuộc đua về nhất dù hiện nay và dễ thấy nhất ở công tác bảo tàng, nhiều bảo tàng to mà rỗng ruột, còn rất nhiều bảo tàng tư nhân lại đang là điểm đến của khách tham quan.


To và rộng nhưng ít khách

Hiện nay chúng ta có gần 60 bảo tàng to đẹp, chưa kể một số bảo tàng ở quy mô cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân, tổng số bảo tàng đã lên tới 130. Con số đó liệu có “khủng” không? Xin thưa, rất “khủng” nhưng còn nhiều điều để nói.

Không cần đi đâu xa, ở ngay thủ đô, trong một khuôn viên đẹp, Bảo tàng Hà Nội gần 3000 tỉ đồng  công trình chào mừng nghìn năm Thăng Long đẹp từ bề ngoài lẫn kiến trúc. Người xem dễ dàng choáng ngợp với không gian ấy  nhưng cũng rất nhanh lại thất vọng về nội dung và hiện vật được trưng bày. Rất ít hiện vật được trưng bày trong không gian to và đẹp này. Và người xem nhìn thấy khá nhiều biển báo khu vực đang trong quá trình chỉnh lý. Hiện vật chủ yếu trưng bày trên tầng 3 và tầng 4 nhưng khá sơ sài, khu ấn tượng và đẹp nhất lại là của nhà sưu tầm Vũ Tấn gửi.

Tọa lạc ở những vị trí đẹp nhất ở các tỉnh thành, hầu hết ngay từ trước khi xây dựng, các bảo tàng đều được kì vọng là điểm nhấn, là dấu ấn văn hóa. Nhưng dấu ấn để lại nhiều nhất có lẽ là số tiền đầu tư. Câu chuyện vẫn nhắc đi nhắc lại là thông tin về dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội với mức đầu tư lên đến hơn 11.000 tỉ đồng, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh có kinh phí là 900 tỉ đồng, rồi việc thành phố  Hồ Chí Minh đề xuất xây dựng Bảo tàng thành phố  Hồ Chí Minh tại quận 9 với lí do hiện các bảo tàng ở thành phố đều chung cảnh mặt bằng chật chội, hiện vật không thể đưa ra trưng bày hết. Chỉ riêng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, mới có khoảng 1/10 hiện vật được trưng bày... Đấy còn chưa tính đến hàng năm, các bảo tàng còn được cấp tiền ngân sách đáng kể cho việc duy trì hoạt động.

Điều đáng nói thứ hai và quan trọng nhất là đó chính là lượng người đến xem thưa vắng. Theo tổng kết của Bảo tàng Hà Nội trong 5 năm kể từ khi đưa vào hoạt động, chỉ khoảng 760.000 người. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trung bình mỗi tháng đón khoảng 2.000 khách, giảm hơn 10% so với những năm trước. Trong số các bảo tàng ở Hà Nội, có lẽ chỉ Bảo tàng Hồ Chí Minh đông hơn cả với trên một triệu khách mỗi năm. Nếu không giải được bài toán khách tham quan thì dù bảo tàng có quy mô về xây dựng hay nội dung trưng bày cũng thể hiện sự yếu kém trong khâu tiếp thị. Đó còn chưa nói đến hầu hết bảo tàng hiện nay nội dung nhợt nhạt và không tạo sự hấp dẫn.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên hiện nay đang nỗ lực với các hoạt động trải nghiệm để thu hút du khách    Ảnh: Q.K

Tại sao du khách không muốn đến bảo tàng? Không riêng gì các bảo tàng đã có thương hiệu, các bảo tàng mới mở còn èo uột hơn nhiều. Bảo tàng Văn học Việt Nam, một địa chỉ đẹp tọa lạc ở khu Tây Hồ, phòng trưng bày khá là phong phú với những tư liệu quý về các nhà văn đã được Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng hầu như lúc nào cửa chính cũng khóa, phòng trưng bày im ắng, hiện vật phủ bụi. Với lí do là Bảo tàng mới đi vào hoạt động, ít người biết nên ít khách… Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cái quan trọng nhất là khâu quảng bá chưa có, đặc biệt là  quảng bá du lịch, văn hóa.

Dễ nhận thấy là hệ thống bảo tàng ở Việt Nam đang trong tình trạng có cái gì thì bày cái đó, hoặc cố gắng phục chế hiện vật, đưa tranh ảnh vào trưng bày, coi bảo tàng như cuốn sách lịch sử, mà ít chú ý đến yếu tố hấp dẫn. Trong khi hiện nay, mọi người đều có nhiều phương tiện để tìm hiểu giải trí thì cách làm cũ kỹ như vậy ( cách làm hàng xén của ta theo cách nói của nhà sử học Lê Văn Lan) sao có thể níu chân khách.  Mô hình và cách làm của Bảo tàng Dân tộc học đang được rất nhiều bảo tàng trong cả nước học tập, nhưng vấn đề chính ngoài chi phí như thuê người nước ngoài ra, điều cần nhất là không phải nội dung nào chúng ta cũng có nhiều hiện vật, sự lẻ tẻ, chưa quy tụ được vào những chủ đề, và không mở rộng biên độ của chủ đề đang là bài toán lúng túng của các bảo tàng hiện nay.

Tuy nhiên, số lượng hiện vật nhiều chưa chắc đã “chất” và nếu không có tư duy làm  kiểu mới, thì có khi  xây lên cũng không ai vào, như Bảo tàng Hà Nội là điển hình của tình trạng vỏ “khủng” ruột rỗng. Hiện tượng “vườn không nhà trống” đắp chiếu chờ khách đang xảy ra ở hầu hết các bảo tàng quy mô lớn hiện nay. Đó là chúng tôi không muốn nói đến những bảo tàng tỉnh, chỉ vào những dịp có các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, các bảo tàng mới được mở cửa, và khách cũng chỉ đến đúng buổi khai mạc, thời gian còn lại “vắng như chùa bà đanh”.

Xu hướng của bảo tàng tư nhân

Luật Di sản văn hóa ra đời từ năm 2001, nhưng phải gần 10 năm sau, khi các văn bản, thông tư hướng dẫn được hoàn thiện thì các bảo tàng ngoài công lập mới được cấp phép và hoạt động. Theo thống kê, trên cả nước hiện có hơn 30 bảo tàng tư nhân ra đời. Bảo tàng có thâm niên nhất cũng mới chỉ chừng 10 năm tuổi, như: Bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình, Bảo tàng Mỹ thuật của họa sĩ Phạm Thị Ngọc Mỹ, Bảo tàng về chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày ở Phú Quốc…

Sự ra đời của các bảo tàng tư nhân được xem là xu hướng phát triển của bảo tàng. Nếu như Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, với số lượng hiện vật ít, thỉnh thảng mới có khách tham quan, thì Bảo tàng cổ vật Hoàng Long do ông Hoàng Văn Thông làm chủ lại có sức hút riêng. Với hơn 6.000 cổ vật, trong đó là rất nhiều cổ vật có giá trị cách đây 2000 - 2500 năm tuổi,  Bảo tàng cổ vật Hoàng Long là địa chỉ của du khách ham tìm hiểu lịch sử văn hóa xứ Thanh ghé thăm. Và đến nay, số lượng cổ vật sưu tầm được đã là hơn 16.000 và không ngừng tăng lên gồm các hiện vật bằng đá, đồng, gốm, gỗ, giấy… có họa tiết, hoa văn sinh động. Bảo tàng Fito (Bảo tàng Y dược tư nhân) ở thành phố  Hồ Chí Minh có hơn 3.000 hiện vật quý liên quan đến y học cổ truyền Việt Nam từ thời kỳ đồ đá cho đến nay. Bảo tàng Đồng quê (Giao Thủy- Nam Định) với những hiện vật tái hiện một không gian trưng bày về văn hóa đồng quê lúa nước sông Hồng, bao gồm các công cụ nhà nông khoảng 100 năm trở lại đây cùng với bộ sưu tập đồ đồng và nhiều đồ gốm cổ, sứ cổ, tiền cổ… Có lẽ vì đối tượng và phạm vi hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập khá phong phú,  hấp dẫn và có sức hút công chúng riêng nên đến nay chưa có Bảo tàng tư nhân nào phải đóng cửa. Tiếp theo trào lưu và sức hút, cộng sự đam mê của những người yêu cổ vật, chỉ tính riêng ở Hà Nội, trong vòng một năm đã có một số bảo tàng tư nhân ra đời như: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, Bảo tàng Radio, Bảo tàng nghệ thuật hồn Việt Bát Tràng…

Dù đa phần các bảo tàng ngoài công lập hiện nay ở nước ta vẫn hoạt động mang tính tự phát, chưa có được một tổ chức bộ máy hoàn chỉnh và còn thiếu hụt nhiều yếu tố như đội ngũ cán bộ có chuyên môn, chưa biết liên kết với doanh nghiệp lữ hành để quảng bá thu hút khách du lịch… Nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà các bảo tàng đó mang lại, nhất là khi nó có lợi thế so với bảo tàng công lập về tính tập trung, đặc thù chuyên biệt trong trưng bày và sự gần gũi, thân thiện theo kiểu “quan hệ gia đình”. Sự ra đời và phát triển ngày càng nhiều của bảo tàng tư nhân là xu thế tất yếu của mô hình hoạt động bảo tàng. PGS.TS.Đặng Văn Bài khẳng định: “Qua nghiên cứu, đa số bảo tàng trên thế giới là bảo tàng tư nhân. Xu thế ấy là đúng và Việt Nam cũng phải vậy nếu muốn hội nhập với thế giới”.

Nắm bắt được xu thế ấy, các nhà sưu tập ở Việt Nam có cơ hội và chứng tỏ khả năng về tài chính và đam mê của mình bằng việc cho ra đời các bảo tàng tư nhân. Trên thế giới việc ra đời bảo tàng tư nhân rất sớm, không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng  còn bảo tàng tư nhân của Việt Nam đi chậm hơn 300 năm, và cũng rất ì ạch, thậm chí dò đường. Nói như thế để thấy được những khó khăn của người làm công tác bảo tàng, mà cụ thể là nhà sưu tập, họ dễ bị đánh đồng sang hiện tượng mua bán, trong khi cổ vật chỉ là một phần của bảo tàng. Theo chuyên gia di sản Lê Thị Minh Lý, xét một cách biện chứng thì bảo tồn văn hóa không có nghĩa là việc xây dựng phòng trưng bày. Việc trưng bày sưu tầm chỉ là một hình thức, còn để lâu dài và bền vững thì phải làm cho cộng đồng nhận thức được hết những giá trị di sản người ta nắm giữ, để nâng niu gìn giữ và truyền lại cho con cháu... Nhà sưu tầm trước tiên phải hiểu được điều này thì họ mới có thể xây dựng được bảo tàng hấp dẫn du khách.

Dù khó khăn như bảo tàng tư nhân, hay thuận lợi như bảo tàng nhà nước thì điều quan trọng và có thể trụ được lâu dài vẫn là nội lực của chính bảo tàng đó. Tức là ngoài số hiện vật người ta có thể cân đong đo đếm được thì bảo tàng phải có sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, kể cả tương lai. Nếu một hiện vật chỉ cất lên tiếng nói của quá khứ, có lẽ người ta chỉ cần tìm hiểu sơ qua, nhưng nó là tương lai của những ý tưởng, của những con đường, liệu ai có thể thờ ơ?

Kiều Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy