Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
00:57 (GMT +7)

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Những bước đi vững chãi trên hành trình hội nhập

VNTN - 55 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã và đang làm tốt vai trò là nơi lưu giữ những giá trị “quốc hồn quốc túy” dân tộc; qua dòng chảy đầy biến thiên của đời sống mới, con người mới, với nhiều nỗ lực hợp tác và hội nhập, hoạt động của Bảo tàng đang hướng đến một tầm cao, một vị thế mới cùng bạn bè quốc tế.


Cánh tay nối dài

Những ngày này Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (VHCDTVN) thật nhộn nhịp, bởi từ 25 đến hết ngày 28/11 đây là không gian diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của Festival trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3 năm 2015. Không khí làm việc cấp tập, các cán bộ, nhân viên Bảo tàng thì hào hứng, say mê luyện tập tiết mục để tham gia biểu diễn trong đêm Bế mạc Liên hoan Trà là vở nhạc kịch “Lời thề non nước” - chuyện tình chàng Cốc nàng Công. Và câu chuyện về vở nhạc kịch này là một điểm sáng của tình hữu nghị, hợp tác giữa Bảo tàng VHCDTVN và những người bạn Nhật Bản.

Trình diễn trang phục các quốc gia ASEAN trong Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4, năm 2013.

Người viết kịch bản này là Takahiko Shimizu - một người Nhật đã đến thăm Bảo tàng, thăm mảnh đất Thái Nguyên nhiều lần, thưởng thức đặc sản trà Thái. Cảm động khi nghe về huyền thoại Hồ Núi Cốc, ví nó giống thiên tình sử Romeo và Juliet nổi tiếng thế giới, ông Takahiko Shimizu đã dành toàn bộ cảm hứng và tâm sức để viết một vở nhạc kịch opera. Theo như dự kiến thì từ tháng 6/2016, ông sẽ dựng vở để dành tặng riêng cho người Thái Nguyên, sau đó là đông đảo công chúng Việt Nam và Nhật Bản. Nhưng khi biết Thái Nguyên tổ chức Liên hoan Trà năm 2015, những người bạn Nhật đã đến Thái Nguyên và đề nghị Bảo tàng VHCDTVN giúp đỡ, vận động các nhạc sỹ, biên đạo cùng Bảo tàng hỗ trợ dàn dựng và biểu diễn, coi đó như một món quà của đất nước Nhật trong Lễ hội Trà lần này.

Đó là một việc làm đầy ý nghĩa, thể hiện tình cảm sâu sắc của những người bạn Nhật Bản, cũng là kết quả của nhiều năm nỗ lực hội nhập và phát triển, tạo được sức hấp dẫn đối với các bạn bè thế giới của Bảo tàng VHCDTVN. Trước đó, vào năm 2012, khi các đoàn Nhật Bản sang Việt Nam, bằng sự chia sẻ, chân thành, tâm huyết với văn hóa dân tộc của mình, lãnh đạo và nhân viên Bảo tàng đã giúp các bạn Nhật có cái nhìn thiện cảm, yêu mến văn hóa Việt. Trong số đó có hai anh em sinh đôi nhà Aoki, những nhà thiết kế Kimono nổi tiếng của Nhật Bản. Họ đã tặng cho Bảo tàng một bức tranh dệt, thêu bằng những sợi chỉ vàng với cây lúa và 200 hạt thóc. Tác phẩm do anh em Aoki thiết kế, nhờ 60 nghệ nhân làm trong 6 tháng mới xong một bức, bức nhân bản sau đó tặng lại cho Bảo tàng với lời chia sẻ hết sức chân thành rằng “hãy làm những điều nhỏ nhất, thành công ban đầu nhỏ nhoi sẽ giúp có thành công lớn”. Kể từ đó, bức tranh được coi như một vật tín để mở rộng giao lưu, hợp tác của bảo tàng hai nước.

Lần này, những người bạn ở đất nước Mặt trời mọc lại tiếp tục mang trà đạo của họ đến với Festival Trà Thái Nguyên bằng sự thấu đáo và chân thành.

Câu chuyện từ những người bạn đến từ Nhật Bản là một câu chuyện điển hình trong nhiều “mối tình” hữu nghị với các quốc gia châu Á mà Bảo tàng đã dày công vun đắp. Có thể nói, những người bạn ở các quốc gia - họ là những cánh tay nối dài, cùng sẻ chia và giúp nhau bình đẳng, tiến bộ trong môi trường hội nhập rộng mở, tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ về cả tư duy quản lí và cơ hội phát triển cho Bảo tàng VHCDTVN.

Vững vàng ra “biển lớn”

Từ năm 1993, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã xúc tiến hoạt động hợp tác quốc tế. Nhưng suốt thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Bảo tàng chủ yếu là đơn vị thụ hưởng dự án và tiếp cận công nghệ, phương pháp hoạt động của nước ngoài. Để chuyển từ vị thế thụ động tiếp nhận sang chủ động hội nhập là một quá trình thay đổi từ nhận thức đến hành động của cả một tập thể, bắt đầu từ những người đứng mũi chịu sào. Thực hiện quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, cập nhật các hoạt động bảo tàng của khu vực và trên thế giới, từ năm 2001 đến 2014, Bảo tàng đã cử nhiều đoàn cán bộ ra nước ngoài tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại nhiều nước như: Thụy Điển, Hoa Kỳ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Cam-pu-chia, Lào, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào….; đã áp dụng kiến thức tiếp nhận ngay trong các hoạt động Bảo tàng mình như: Nghiên cứu sưu tầm hiện vật, trưng bày theo nhóm ngôn ngữ kết hợp với vùng văn hóa, xây dựng không gian khám phá cho công chúng nghiên cứu, học tập, vui chơi giải trí và trải nghiệm…

Kể từ năm 2006 đến nay, Bảo tàng có nhiều bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, bắt đầu từ những chuyến tham dự Hội thảo khoa học, thăm và làm việc trao đổi kinh nghiệm tại nhiều quốc gia châu Á. Trên cơ sở yêu cầu nội dung công việc, các mối quan hệ hợp tác từng bước được cụ thể hóa, phát huy tối đa các nguồn lực giữa Bảo tàng và các cơ quan hữu quan các nước. Chuyến học tập kinh nghiệm tại Hoa Kỳ (2008) đã mang tới nhiều kiến thức hữu ích cho cán bộ bảo tàng về những ý tưởng trưng bày mang tầm định hướng vĩ mô; về việc xây dựng Bảo tàng theo quy hoạch mang tính tổng thể, đồng bộ… Tại Hội thảo khoa học “Liên kết Á - Âu trong quản lý du lịch bền vững” tại Nepal và Ấn Độ (2009), qua các buổi hội thảo và trao đổi, cán bộ Bảo tàng VHCDTVN đã góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.

Tiếp đó, trong 2 năm 2010 - 2011, Bảo tàng tham gia khá nhiều chương trình hợp tác như: Họp Hội đồng Bảo tàng quốc tế ICOM tại Trung Quốc; Hội thảo quốc tế lần thứ III về nghề dệt tại Malaysia; Hội nghị bàn về đổi mới các hoạt động bảo tàng khu vực Đông Nam Á, tại Thượng Hải, Trung Quốc; hội thảo mạng lưới di sản Đông Nam Á về “tư liệu hóa và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể” tại Malaysia,…

Sau nhiều năm vươn mình hội nhập và đạt được những thành công nhất định, năm 2013 hoạt động Bảo tàng đã vượt ra ngoài biên giới theo cách hợp tác trưng bày, giới thiệu văn hóa của mỗi quốc gia. Bảo tàng đã tổ chức thành công Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4, với sự tham gia của 13 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Đa-rút-xa-lam, Campuchia, Lào, Nhật Bản, Singapore, Philippin, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Croatia và 9 làng nghề dệt may truyền thống trong nước. Đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghề dệt, tăng cường giao lưu văn hóa, kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Cũng trong năm 2013, Bảo tàng VHCDTVN tham gia trưng bày và hội thảo “Bảo tồn di sản phẩm dệt truyền thống ASEAN và thách thức toàn cầu hóa” tại Bảo tàng quốc gia Indonesia. Lần thứ hai mang hiện vật và nghệ nhân ra trưng bày tại nước ngoài, hoạt động của Bảo tàng đã được đánh giá cao, nâng dần vị thế trên trường quốc tế.

Sau hoạt động này, con đường hợp tác quốc tế của Bảo tàng ngày thêm rộng mở với nhiều chương trình được thực hiện như: Phát triển các hoạt động trưng bày, trình diễn sản phẩm dệt truyền thống tại một số quốc gia ASEAN; phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Trưng bày Búp bê Nhật Bản; phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan, Sở Ngoại vụ Thái Nguyên trưng bày ảnh áp phích Phần Lan; trưng bày tranh mỹ thuật Cộng hòa Liên bang Nga; Triển lãm tranh Hàn Quốc; phối hợp với Trung tâm nghệ thuật Hàn Quốc tổ chức Những ngày văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam…. Năm 2014, Bảo tàng đã xây dựng 4 phần trưng bày cố định tại Bảo tàng Dệt châu Á ở Siem Reap, Cam-pu-chia. Với hơn 300 tài liệu hiện vật về nghề dệt của 22 dân tộc Việt Nam ở lưu vực sông Mê Kông; được đánh giá rất cao cả về hình thức thể hiện và nội dung trưng bày: trang trọng, sâu sắc, mỹ thuật và ấn tượng, thể hiện sự nghiêm túc và tinh thần hợp tác, đoàn kết cùng phát triển.

Anh em Aoki, nhà thiết kế hàng đầu Nhật Bản Hoongriminơ và bức tranh tặng cho Bảo tàng

VHCDTVN.

Khẳng định khát vọng và khả năng thực hiện ngày càng cao hơn, năm 2015 này, Bảo tàng tiếp tục tham dự hoạt động “Bản sắc văn hóa trong các sản phẩm thủ công ASEAN” tại Thái Lan; trưng bày sản phẩm thủ công Việt Nam, là tranh thêu, áo dài thêu, trang phục truyền thống của các dân tộc, bộ sưu tập nón lá, đồ đan truyền thống (gùi, túi đeo, giỏ, lồng bàn…)…. Trình bày tham luận và trao đổi kinh nghiệm với đại biểu các nước về nhiều vấn đề liên quan đến thêu, dệt…

Nâng cao trách nhiệm trong quá trình hợp tác, bình đẳng, hai bên cùng có lợi, trong Liên hoan Trà năm 2015, Bảo tàng cũng đã mời các nước bạn tham gia và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Hiện nay 60 người ở 6 quốc gia đã đăng ký tham gia đủ cả 3 nội dung hoạt động: Lễ hội trà; Khai mạc Góc trưng bày ASEAN; trình diễn văn hóa, thủ công truyền thống.

Góc trưng bày ASEAN diễn ra ngày 25/11 gồm nhiều nội dung mang tính chất kết nối, là hoạt động hợp tác lớn của Bảo tàng: sẽ giới thiệu về 10 quốc gia ASEAN; nghề thủ công truyền thống, may mặc, đan lát, sản phẩm du lịch, văn hoá; ASEAN hội nhập và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh, quốc phòng... Giám đốc Bảo tàng VHCDTVN Nguyễn Thị Ngân bày tỏ: “Sự hiện diện của các nước làm phong phú thêm hoạt động Lễ hội Trà và văn hóa các dân tộc Việt Nam; thắt chặt đoàn kết, gắn bó, hợp tác, góp phần cho ý tưởng thành lập cộng đồng chung ASEAN sớm thành hiện thực. Quan trọng hơn, những cách làm của các bạn sẽ giúp chúng ta nhận diện rõ cách làm của mình để thẩm thấu và thay đổi cho phù hợp”.

Với những bước đi đang dần ổn định và mạnh mẽ ấy, tin tưởng rằng Bảo tàng VHCDTVN với sứ mệnh cao cả là lưu giữ và phát huy các giá trị “quốc hồn quốc túy” dân tộc sẽ luôn cố gắng vươn lên, mở rộng hợp tác và phát triển trên trường quốc tế.

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy