Thứ tư, ngày 08 tháng 01 năm 2025
02:42 (GMT +7)

Bão chiều

Nhìn những vệt nắng cuối ngày rớt những tia vàng yếu ớt xuống mảnh sân, bà Phương khẽ thở dài. Không hiểu có chuyện gì sắp xảy đến mà trong lòng như có lửa đốt, khiến bà thấy bất an vô cùng. Trên bầu trời, từng vầng mây u ám đang bị những cơn gió thổi mạnh bay dạt tới phía bà, bà khẽ lẩm bẩm: “Lại sắp có bão ư”.

Bão chiều
Minh họa: Nguyễn Gia Bảy

Bà đứng dậy chậm chạp bước vào nhà, với tay cầm chiếc điện thoại ở bàn lên xem. Hôm nay thứ Bảy, bà khẽ thở dài. Đã hai tuần nay vợ chồng thằng con trai không cho cháu về thăm bà mà như thường lệ. Mấy hôm trước, cô con dâu gọi điện “thông báo” với bà rằng cho cháu về trên nhà ngoại ăn giỗ, vậy mà nay đã cuối tuần rồi cũng không thấy nó đưa bọn trẻ xuống. Chưa bao giờ nó dám cho con nó nghỉ học mấy ngày liền. Linh tính như báo cho bà biết hình như vợ chồng thằng con bà đang có chuyện gì. Bà mở máy điện thoại, tìm vào zalo của con dâu định gọi cho nó thì mới thấy nó gửi tin nhắn từ bao giờ mà bà không để ý tới. Khổ, già rồi mắt kém, tay chậm, có mấy khi bà dùng zalo đâu nên nào có biết nó nhắn tin. Bà bỗng nhiên thấy bực trong người: “Mẹ cha cái con này, vô phép vô tắc thế đấy. Có điện thoại không gọi mà lại nhắn tin. Bà là mẹ chồng nó chứ có phải bạn bè bằng vai phải lứa với chúng nó đâu”. Nghĩ thế nhưng bà vẫn đi vào mở ngăn tủ, lấy kính đeo lên mắt: - “Con giai mẹ nó có bồ, nó nhắn tin cho bồ bị con phát hiện ra, con chưởi nó, nó còn định đánh con nữa”. Bà xây xẩm mặt mày như bị trúng gió. Nỗi lo lắng bấy lâu cứ âm ỉ trong lòng bà thì nay, nó đã xảy ra thật rồi nhưng lý do không phải từ phía con dâu mà lại là thằng con trời đánh của bà.

 Nhớ ngày đầu tiên cô bé theo con gái về nhà chơi. Cũng như mọi lần, mọi đứa khác, bà đều yêu quý chúng nó. Nhìn con bé trẻ măng mới lớn, đôi mắt đen láy là bà đã hài lòng vì con gái biết chọn bạn để chơi. Theo kinh nghiệm nhìn người của bà thì những ai có đôi mắt to tròn, đen và cặp môi đầy đặn xinh xắn như thế này là sống rất chân thành và thật thà. Hơn nữa con bé này lại được nước da trắng hồng và khuôn mặt bầu bĩnh nữa nên càng nổi trội hơn. Con gái miền núi mà, xinh như bông hoa rừng là có thật...

Thấy mấy anh em quấn quýt, thân mật với nhau bà không để ý, cho đến một ngày thằng con trai bà khoe “con đã có bạn gái rồi mẹ nhé”. Bà mỉm cười mắng yêu: “Cha bố nhà anh. Bằng tuổi tôi bây giờ người ta có cháu đi học cả rồi đấy! Giờ mới khoe có người yêu. Làm như còn ngây ngô lắm không bằng”. Ấy vậy mà khi biết nó yêu cái đứa bạn của em gái mình, thì bà lại kịch liệt phản đối. Bà quý thì quý thật đấy nhưng mà làm con dâu bà thì không được. Con bé này xinh xắn dễ thương nhưng lại trẻ con quá. Làm sao nó cáng đáng, đảm đang được việc nhà khi nhìn cách nó ăn còn chưa khéo, nói còn chưa sõi cơ chứ. Con gái miền núi vừa chân ướt chân ráo xuống thành phố học nghề chưa được bao lâu, trẻ người non dạ trong khi thằng con nhà bà thì đã ngoài ba mươi tuổi mà cũng chẳng có tài cán nghề ngỗng gì. Bập vào nhau, “ăn xổi ở thì” rồi lại lỡ dở đời con gái nhà người ta thì khổ.

Bà sinh được hai người con, chúng đều ngoan ngoãn lễ phép và rất thương bà, ấy vậy mà khi lớn lên, thằng lớn bỗng thay tâm đổi tính. Bà đã cho đi học nghề rồi về mở cửa hàng, cửa hiệu cho nó làm ăn, được một thời gian sau thì nó trở chứng trở nết, bỏ bê hàng quán giao lưu với đám bạn bè lêu lổng, chỉ chăm ăn nhưng không chịu làm. Suốt ngày số má đề đóm với đám vô công rồi nghề. Mắng có, chửi có, ngọt ngào có nhưng nó có nghe cho đâu, đến khi bị bắt phải vào ngồi tù thì mới biết thế nào là “trăm cái đá không bằng một phát đạp”… Giờ đây việc làm không ổn định lại đi yêu một đứa đang học nghề thì lấy gì mà sống giữa thời buổi thóc cao gạo kém cơ chứ. Bà lại không có của chìm của nổi gì cho các con, thân già, sức yếu cũng chẳng làm được gì. Nếu như con gái của bà mà có người yêu như thằng này, bà cũng không đồng ý, thì nhà người ta cũng vậy thôi… Nghĩ rồi bà liền cầm điện thoại ra, bấm số ngọi ngay cho con trai. Nó vừa mở máy:

- Con đây ạ!

Bà không rào đón gì, đi thẳng vào vấn đề

- Này! Hai đứa không thể đến với nhau được đâu nhé!

- Sao hả mẹ?

- Không được là không được. Mẹ đi xem bói rồi, tuổi của hai đứa mày không hợp nhau đâu.

- Ôi dào! Bói với chả toán, làm con tưởng có chuyện gì. Thôi con cúp máy đây, con đang bận.

Nói rồi nó tắt máy đánh “phụt” một cái, làm bà điên tiết, quăng cái điện thoại xuống đệm ghế. Mấy hôm sau bà gọi nó về, tỉ tê phân giải:

- Con bé ấy là người dân tộc, lại kém con những hơn mười tuổi, trẻ người non dạ thế, hơn nữa hai đứa lại chẳng có công ăn việc làm ổn định gì, nếu lấy nhau, sinh con đẻ cái ra thì làm sao mà cáng đáng được gia đình. Rồi có chuyện gì xảy ra thì lại làm khổ con người ta.

Thằng con gắt khẽ với bà:

- Sao mẹ cứ lo xa thế làm gì cho mệt. Mẹ chả mong con có vợ là gì, bây giờ có rồi thì mẹ lại lo “bò trắng răng”.

- Thế nó có biết mày vừa đi trại về không?

Con trai bà dõng dạc nói:

- Biết! Con gái của mẹ đã nói ngay từ khi bọn con mới gặp nhau rồi…

- Biết rồi mà nó vẫn chấp nhận à. Đúng là mày chả được tích sự gì ngoài cái lẻo mép.

Bà chép miệng thở dài.

Bẵng đi mấy tháng, không thấy con bé đến nhà chơi như mọi khi, thì ra nó đã biết bà không bằng lòng cho con trai bà lấy nó nên nó sợ. Thật ra bà cũng không ghét bỏ gì con bé nhưng vì nó trẻ đẹp quá, mà con trai bà ngoài cái tốt mã và khéo mồm ra thì chẳng có tài cán gì, mai này làm sao mà lo cho gia đình được. Rồi sống với nhau một thời gian nó lại chán chồng, bỏ chồng bỏ con thì khổ, mặc dù trong thâm tâm bà rất muốn nó lấy vợ, lấy sớm ngày nào tốt ngày ấy. Mong sao khi đã có gia đình thì con bà sẽ thay tính đổi nết mà biết sống có trách nhiệm hơn. Giá như nó gặp được đứa ngang hàng phải lứa... nhưng con gái tầm ba mươi tuổi giờ còn mấy ai chưa chồng con. Lần trước, khi chưa đi tù, nó đưa một cô gái qua một đời chồng và có con riêng bốn tuổi về nhà giới thiệu. Bà vốn tin tưởng vào con mắt nhìn người của mình nên cũng không ưa cô gái này. Khuôn mặt “lưỡi cày” xương xẩu thì mai này ăn uống đầy đủ nó sẽ tròn trịa nhưng hai con mắt một mí lại thường xuyên nhìn trộm là bà không thích rồi. Đã thế cái miệng cứ chẩu ra, môi trên úp xuống môi dưới, hai rãnh cười hằn sâu khiến bà thầm nghĩ: “Đàn bà mà cái mồm có dải thế kia thì không phải vừa đâu”. Nhưng rồi bà lại tự an ủi “biết đâu con bé này sẽ biết cách dạy chồng” nên bà cũng không phản đối chúng nó. Hơn nữa bỗng dưng có thêm một đứa cháu gái bốn tuổi rất đáng yêu, đúng là “tậu trâu lại được cả nghé” dễ thương thế này thì bà cản chúng làm gì. Nhưng rồi, không bao lâu sau thì chúng chia tay, bà cũng chẳng buồn hỏi lý do...

 Khuyên bảo mãi rồi mà chúng bỏ ngoài tai lời bà nói, tự đi tìm thuê nhà sống chung với nhau như vợ chồng. Thôi đành bó tay, bà chặc lưỡi nghĩ thầm “thời bây giờ con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy. Cứ mưa đến đâu mát mặt đến đấy chứ mình nghĩ hộ, chúng nó cũng có chịu đâu”. Đôi lần bà tìm vào chỗ nhà trọ để xem chúng ăn ở ra sao, bụng bảo dạ nếu thiếu thốn gì thì bà bù đắp thêm nhưng vì sợ bà nên chúng đều tìm cách lánh mặt.

 Lo nghĩ chán rồi bà cũng nguôi ngoai cho đến một hôm thằng con gọi điện. Giọng nó hét to vào máy làm bà giật bắn người:

- Chúc mừng bà.

Chưa bao giờ nó dám gọi mẹ là “bà” mà nay... Thằng này hỗn. Nghĩ thế nên mình quát lại.

- Cái gì! Mày nói với ai đấy hử?

- Vợ con có thai rồi mẹ ạ. Mẹ đã lên chức bà nội rồi.

Không tin nổi, bà vội bắt nó nhắc lại, nó bảo “con đang đưa vợ con đi siêu âm”. Bà sốt xắng hỏi địa chỉ rồi lên xe phóng vù xuống phòng khám. Bác sĩ bước ra báo thai nhi đã được gần năm tháng, là con trai. Bà nghe người bồng bềnh như đang bị say sóng. Vậy là mong mỏi của bà nay đã thành sự thật. Bà đã lên chức thật rồi. Con bé từ trong phòng khám bước ra, trông thấy bà nó thoáng có chút e dè, sợ sệt. Thằng con trai đến bên, nhấc bổng vợ lên quay mấy vòng miệng không ngớt khen “vợ tuyệt vời quá”. Bà chạy đến phát vào tay nó quát:

- Nhẹ nhàng thôi nào kẻo ảnh hưởng tới cái thai!

Rồi bà quay sang mắng con dâu chưa cưới:

- Sao trên đời lại có đứa ngu ngơ thế cơ chứ! Chưa biết gì mà đòi làm vợ, làm mẹ hả con. Ai đời chửa đến tháng thứ năm mà không biết thì đúng là chịu thua thật. Cha bố nhà chúng mày, chủ quan quá thể.

Nói rồi bà móc túi còn mấy trăm đưa hết cho nó và nhẹ giọng bảo:

- Cầm tạm mấy đồng này thèm gì thì mua mà ăn! Đi đứng nhẹ nhàng thôi, cấm được mang vác nặng và nhất là không được với cao, nghe chửa.

Thấy nó không dám nhận tiền, thằng con trai cười toe toét vội nói “chúng con xin” rồi cầm mấy trăm từ tay bà đưa cho vợ, còn nó thì bẽn lẽn dạ khẽ. Nó vẫn chưa quen cách ăn nói bỗ bã của bà.

Rồi mọi thủ tục cho một đám cưới cũng xong xuôi tốt đẹp. Vì điều kiện, hoàn cảnh nên chúng khống sống cùng bà nhưng từ xa bà vẫn quan tâm, âm thầm theo dõi, thấy thằng con biết nâng niu chiều chuộng vợ, lại rất chịu khó làm ăn nên bà thấy thương chúng và tạm hài lòng nhưng đâu đó, từ sâu thẳm trong lòng mình, bà vẫn cứ thấp thỏm lo âu…

Con dâu bà là đứa ngoan hiền, tuy ăn nói cụt cằn, không khéo nhưng chắc là do bản chất của người dân tộc vốn thế. Đôi khi những câu nói của nó, khiến cho bà không hài lòng nhưng bà cũng chẳng nói ra. Một phần bà nghĩ nó còn trẻ con lại không được uốn nắn từ bé, phần nữa là bà biết nó vẫn e dè chưa thật sự gần gũi với mình nên càng không muốn khắt khe vì sợ mang tiếng mẹ chồng nàng dâu. Nó lấy con bà chẳng sung sướng gì lại phải xa quê, thân cô thế cô nơi xứ người đã là thiệt thòi lắm rồi, thôi thì cũng nên thông cảm cho nó. Nhiều lần không nhịn được bà cũng mắng chửi thật đấy nhưng lại phải nghĩ sao để mình chửi nó mà nó không ghét mình. Tính bà vốn thế, từ xưa tới giờ bà luôn nghĩ trước khi nói để tránh làm tổn thương người khác. Ngày xưa mẹ bà thường lấy những câu nói của tiền nhân ra dạy con cái, nào là: “Sẩy chân thì còn gượng được chứ sẩy “nhời” thì không thể gượng lại được đâu”; nào là “nhời” nói không mất tiền mua, lựa “nhời” mà nói cho vừa lòng nhau…. Thời buổi nay giới trẻ có mấy đứa thuộc những câu nói đầy thâm thúy của các cụ ngày xưa đâu, nên những câu chửi con dâu của bà thường: “Cha bố mày, dốt lắm con ạ”, hoặc “ lần sau con không được nói như thế với bố hay người lớn trong nhà, mà phải thế này hay thế kia. Mẹ thì không để bụng nhưng ông ấy dễ chấp vặt lắm đấy”… Được cái con bé nghe mẹ chồng chửi thế, cũng chỉ biết nhoẻn miệng cười trừ, đôi khi từ tốn vâng dạ lễ phép.

Ba năm đầu, con dâu sinh cho bà liền hai thằng như trứng gà trứng vịt. Bà không ở cùng nên thi thoảng có vài đồng dư dật, bà lại dúi vào tay con dâu dặn dò không cho thằng chồng biết kẻo nó lại lấy mất. Thằng con bà dạo gần đây đi làm ăn cho một công ty, chẳng biết lương bổng thế nào nhưng đôi khi nó về thăm lại biếu bà dăm bảy trăm, khi thì tiền triệu. Thấy con chí thú làm ăn bà rất mừng và luôn nhắc nhở nó phải sống tốt, luôn yêu thương và chăm sóc vợ con. Bà bảo:

- Đời mẹ đã quá vất vả rồi, chẳng có nỗi đau nào mà mẹ chưa trải qua nên giờ về già, nhìn thấy các con sống tốt, biết thương yêu đùm bọc nhau, đấy là món quà mà ông trời đã bù đắp cho mẹ sau những biến cố lớn. Mẹ không cần các con nay biếu mẹ quà, mai cho mẹ tiền mà chỉ cần các con cháu mạnh khỏe, chăm ngoan, thế là mẹ hạnh phúc lắm rồi.

Nói thì nói vậy thôi chứ con bà đẻ ra, sao bà không biết tính nết nó, vì thế bà cứ nơm nớp lo sợ một ngày nào đấy, lại sẽ có một biến cố nữa xảy ra khi mà bà đang ở cái tuổi gần đất xa trời.

Giờ đọc những dòng tin nhắn của con dâu mà bà vẫn cứ hy vọng rằng chúng nó hiểu nhầm nhau hoặc chí ít thì chuyện cũng chưa có gì to tát. Bà buồn rầu nghĩ: “Mình chưa làm được gì để nó tin tưởng và muốn chia sẻ với mình ngoài mấy dòng thông báo, giá như nó chịu tâm sự với mình để mình được chia sẻ với con...”. Nghĩ đến đây, bà như quên mất nỗi bực mình vì cái tội nó nhắn tin ban nãy, liền gọi điện hỏi con dâu:

- Giờ mẹ mới biết có tin nhắn. Chuyện là thế nào, mày kể ra để mẹ xem rồi mẹ đi điều tra cụ thể.

Con dâu bà buồn bã nói:

- Để làm gì hả mẹ, chuyện xảy ra mấy tháng nay rồi. Lần trước đã về xin lỗi con và hứa hẹn đủ kiểu, con cũng vì thương hai đứa con mà cho qua. Giờ mới được mấy tháng lại tái diễn. Vì con sợ mẹ suy nghĩ nên không muốn để mẹ biết nhưng chuyện đã đi quá xa rồi mẹ ạ. Con trai mẹ đã làm đơn ra tòa rồi.

Bả lảo đảo, vội quơ tay vịn vào cái thành ghế rồi run rẩy ngồi xuống. Như chưa muốn tin những gì con dâu nói là sự thật. Bà liền gọi cho thằng con trai. Khi nó vừa mở máy, bà đã hỏi ngay:

- Mày đang ở đâu, về nhà ngay cho tao!

Biết là bà đã rõ mọi chuyện nên nó khước từ:

- Con đang ở xa lắm, chưa về ngay được, có chuyện gì nói sau mẹ nhé.

Bà năn nỉ nó:

- Con ơi! Nói cho mẹ biết đi, mẹ xin con… Đừng làm khổ mẹ nữa. Quay về đi con, hãy vì hai thằng con trai mà sống tốt để còn nuôi dạy con cái nữa chứ con.

Bên kia, tiếng thằng con buồn rầu nói.

- Chúng con không thể sống tiếp được mẹ ạ, con đã gửi đơn rồi.

Bà đứng phắt dậy, mắt trợn trừng như thể thằng con trai đang hiện hữu trước mặt. Bà quát to vào điện thoại:

- Sao mày khốn nạn thế hả con. Tao có dạy mày làm kẻ phản bội đâu mà nay mày lại bỏ gia đình, vợ con để đi theo đứa khác. Bảy năm nó là vợ mày, chăm sóc các con, một lòng một dạ với chồng để bây giờ mày trả ơn nó bằng sự bất nghĩa này sao hả thằng mất dạy kia!

Nó chầm chậm nói với bà từng câu trịnh trọng như đọc bản tuyên ngôn:

- Mẹ chửi đủ chưa, nếu đủ rồi thì từ nay trở đi mẹ coi như con đã chết rồi nhé.

Nói xong một câu tuyệt tình, nó cúp điện thoại và chặn luôn số của bà.

Thế là hết! Hết thật rồi. Đất dưới chân bà bỗng thụt sâu, làm cho cả người bà từ từ ngã xuống đất. Bà muốn gào lên mà chửi cuộc đời. Bà muốn hét lên hỏi trời tại sao nhưng hình như bà đã bị kiệt sức, bà ngồi bất động, đôi mắt vô hồn hướng ra phía bầu trời đang cuồn cuộn những đám mây đen kịt. Những trận cuồng phong vừa ập tới, khiến cho cây cối trong vườn phải oằn mình vật vã. Những nhánh non không đủ sức chống đỡ chả mấy chốc đã phải lìa cành. Từng đám lá vàng lẫn lá xanh tan tác bay khắp nơi.Trong nhà, từng cơn gió lạnh bên ngoài lùa vào cũng không bằng cái lạnh đang làm tê tái cõi lòng bà.

Từ hôm đó, thằng con trai không một lần gọi điện hỏi thăm bà như trước đây nữa. Thay vào đấy bà thường xuyên gọi điện động viên con dâu, hễ rảnh rỗi, bà tranh thủ xuống an ủi. Nhìn nét mặt của nó cố tỏ ra bình thường mà bà thấy như có cái gì nghèn nghẹn trong lồng ngực. Cũng là cái miệng hay cười mà sao nụ cười của nó hôm nay lại héo hắt thế. Còn đôi mắt đen láy ngày nào thì nay đỏ hoe, lúc nào cũng sóng sánh ướt. Bà không dám nhìn lâu vào mặt con như mọi khi. Quay vào phía trong, lau vội những dòng nước mắt, bà lấy lại dáng vẻ của mọi ngày đi ra, thản nhiên nói với con dâu:

- Mày ra tòa, mẹ sẽ mua hoa mang đến tặng, mừng ngày con đã thoát được “của nợ”. Không phải lưu luyến tiếc rẻ với một kẻ không xứng đáng con ạ. Từ nay trở đi mày sẽ là con gái của mẹ.

Nói đến đây, bà không kìm được nữa, ôm nó vào lòng nức nở:

- Mẹ xin lỗi con vì đã không dạy bảo được con trai mình sống có nhân có nghĩa. Con hãy xem như duyên số hai đứa đến đây là hết và cố gắng đừng nghĩ ngợi gì nhiều. Nó đâu có đáng để cho con phải đau khổ dằn vặt chứ, quên đi con ạ. Từ nay mấy mẹ con bà cháu mình luôn bên nhau con nhé.

Nó vẫn ngồi bất động, người cứng đơ như muốn cưỡng lại vòng tay của bà, chỉ có những giọt nước mắt mặn chát vẫn tuôn rơi. Bà biết bây giờ có nói thế nào thì nó cũng không tin, vì nó sẽ nghĩ “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, huống chi nó chỉ là đứa con dâu “khác máu tanh lòng”…

Ngày chúng ly hôn, bà cùng con gái đưa con dâu ra tòa. Gặp bà, thằng con chững người mất mấy giây vì bất ngờ, lát sau nó cũng bước đến, ngượng ngịu chào hỏi:

- Mẹ! Sao mẹ cũng đến đây?

Bà như không nghe thấy, quay sang sai cô con gái đi mua cho bà bó hoa.

Thủ tục ly hôn nhanh gọn vì không có tranh chấp gì về tài sản. Con cái mỗi người nuôi một đứa. Mới đầu con dâu bà không chịu nhưng bà động viên: “Tòa xử sao con cứ nghe thế, rồi con sẽ nuôi cả hai thằng thôi”. Nhìn hai đứa ngồi đối diện nhau, trước mặt là tờ giấy thuận tình ly hôn mà bà không tin mình có đủ dũng khí để nuốt được những giọt mặn chát vào lòng.

Bà ôm bó hoa tiến tới trước mặt con dâu cũ:

- Chúc mừng con gái đã được giải thoát.

Nó ôm bó hoa vào lòng, miệng cố nở một nụ cười mà nước mắt cứ lã chã rơi. Bà cũng vậy, hai mẹ con ôm nhau trước cửa tòa án thành phố. Thằng con trời đánh của bà thấy thế nó nhắn tin khủng bố bà bằng những lời lẽ tuyệt tình. Còn bà cũng đau đớn mà thốt lên:

 Bỏ đi một giọt máu đào

Nhận về trong vắt một ao nước lành.

Bà đã từng đi qua bao nhiêu cơn bão nhưng bà vẫn thản nhiên như số phận đã mặc định phải thế. Nay nhìn con dâu chưa đến ba mươi tuổi đầu, phải ra ngoài bươn chải với hai bàn tay trắng mà nhiều lúc bà cảm thấy không còn một chút sức lực nào để thở nữa. Bà giơ tay định ôm nó vào lòng vỗ về an ủi nhưng nó dửng dưng xa lánh nên bà lại thôi. Hai tay buông thõng hụt hẫng, ánh mắt bà da diết muốn nói với nó rằng “từ nay, mẹ sẽ coi con như con gái của mẹ”. Nhìn gương mặt không cảm xúc của nó bà đành cố gắng gạt đi mọi đau buồn, bà tự nhủ cứ sống thật với lương tâm mình, rồi có ngày con dâu cũ của bà sẽ bước qua cái ranh giới “mẹ chồng cũ” để mở lòng với bà hơn...

Ba hôm nay bà nằm bệt trên giường, căn bệnh sốt virut nó đã quật ngã, khiến bà mê man. Bà thấy mình đang ở một nơi rất xa nhưng văng vẳng bên tai những tiếng gọi thống thiết: “Mẹ, mẹ ơi. Bà nội ơi”. Bà từ từ mở mắt, nhìn thấy mẹ con nó ngồi gục đầu bên giường bà, nét mặt lo lắng mà đôi mắt sưng đỏ vì khóc nhiều. Bà hỏi: “Mẹ đang ở đâu đây?”. Thấy bà tỉnh lại nó òa lên nức nở rồi lại cười được ngay: “May quá mẹ tỉnh rồi. Mấy ngày nay mẹ làm tụi con lo quá”. Bà cười yếu ớt, mắng khẽ: “Cha bố nhà cô, làm như mẹ dễ chết lắm ấy”. Nó ôm lấy bà, vẫn cái miệng nửa cười nửa mếu ấy nói: “Con sợ mẹ không tỉnh lại. Mẹ phải khỏe để tiếp tục làm người mẹ Quốc dân, mẹ nhé”.

Bà chẳng hiểu người mẹ Quốc dân, quốc diếc nó ra làm sao nhưng trong vòng tay của nó, bà bỗng thấy ấm lòng hơn bao giờ hết. Bà cười mà đôi mắt rưng rưng. Bà bất chợt nhận ra lâu nay bà đã hiểu sai về nó, bản chất người dân tộc vốn thật thà chất phác, không khéo ăn khéo nói chứ đâu phải nó không hiểu lòng bà, xa lánh bà đâu. Bà nghĩ “trận ốm này cũng không hẳn tệ lắm”.

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tiết học cuối cùng

Văn xuôi 2 ngày trước

Những mùa đông…

Văn xuôi 3 ngày trước

Câu chuyện dang dở

Văn xuôi 4 ngày trước

Những luống rau xanh

Văn xuôi 2 tuần trước

Chuyện ngày xưa…

Văn xuôi 2 tuần trước

Mùa nắng pha lê

Văn xuôi 3 tuần trước

Đủ đủ đực

Văn xuôi 3 tuần trước