Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
07:28 (GMT +7)

Bánh trứng kiến

VNTN -Nếu nói rằng một trong những nét độc đáo của ẩm thực một dân tộc, một địa phương là ở đó người ta ăn gì, thì ăn xôi hoặc ăn bánh trứng kiến là món ăn độc đáo nhất của người Tày, người Nùng. Các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Bắc có thói quen dùng trứng kiến để làm nhân bánh, hoặc trộn vào xôi, thành món ăn đặc trưng. Những người Tày và người Nùng luôn nhớ đến món ăn độc đáo này đã đành, nhiều người ở miền xuôi lên miền núi được ăn một lần thì có ấn tượng mãi. Cao Thị Hồng, người gốc Thanh Hóa về thăm quê chồng ở Hà Hiệu, Ba Bể được gia đình nhà chồng cho thưởng thức bánh trứng kiến, đã ghi lại cảm xúc thành bài thơ: “Mùa bánh kiến”.

Về quê chồng giữa mùa bánh kiến

Nếp nương nồng nàn

               thơm mãi tết thanh minh

Bánh trứng kiến là một đặc sản của đồng bào Tày, Nùng. Tuy vậy muốn ăn bánh trứng kiến không phải dễ, bởi nó có thời vụ và chế biến cũng khá công phu.

Trứng kiến làm xôi, làm bánh là trứng của loại kiến đen, làm tổ trên cành cây. Ở rừng núi, có loại kiến đen. Vào tháng giêng, tháng hai âm lịch, trên những cành cây ở những khu rừng ót người ta thấy có những tổ kiến to bằng cái mũ bảo hiểm. Dịp đầu xuân, những tổ kiến đó có rất nhiều trứng kiến. Thu hoạch trứng kiến chỉ vào khoảng cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch. Nếu sớm hơn thì tổ kiến chưa có trứng hoặc trứng quá non, nếu muộn hơn thì trứng kiến đã già, nở thành kiến non, ăn không ngon nữa.

Lấy trứng kiến khá vất vả. Loài kiến này tuy không độc, nhưng khi phá tổ  để lấy trứng, kiến thường bò vào người gây cảm giác khó chịu. Để tránh điều đó, người lấy tổ kiến thường dùng than củi bôi vào một cái sào, sau khi chặt cành cây có tổ kiến, dùng sào đó khêu tổ kiến mang về. Kiến bò gặp chỗ có than bôi đen, kiến sẽ tự rơi xuống đất, không bò vào người. Tổ kiến được chặt ra thành từng miếng to, rũ cho trứng kiến rơi ra. Những quả trứng kiến trắng phau, căng mọng, to gần bằng hạt gạo. Khi trứng kiến đã được dốc ra một cái nong, người ta dùng bông chít làm chổi quét, đuổi những con kiến đi, chỉ còn lại trứng kiến. Mỗi tổ kiến  thường thu được khoảng 2 đến 3 lạng trứng. Trung bình cứ 3 đến 5 tổ kiến thì sẽ có được khoảng nửa cân trứng. Trứng kiến được cho vào chậu nước to, đãi sạch những hạt bụi lá cây mục từ trong tổ kiến rơi ra. Vớt lấy trứng cho vào rá cho ráo nước. Trứng kiến được cho vào chảo xào lẫn với thịt nạc băm nhỏ, trộn với hành, mắm, muối tiêu và một số gia vị khác, tùy theo khẩu vị và sở thích của người chế biến.

Gạo nếp nương, hoặc nếp cái hoa vàng, thơm, ngon được xay mịn thành bột, trộn với nước, nặn thành bánh như làm bánh dợm. Trứng kiến đã xào chín, thơm được dùng làm nhân bánh.

Bột bánh đã có nhân trứng kiến được bọc trong lá vả (một loại sung rừng). Lá vả phải là lá bánh tẻ. Lá non quá khi đem đồ sẽ bị nát. Lá già quá ăn sẽ thấy cứng và chát. Bánh bọc lá vả lại được gói trong lá chuối. Xếp bánh vào chõ đồ như đồ xôi trong khoảng 30 phút. Bánh chín, bỏ ra nong hoặc ra đĩa cho nguội. Bánh to, có thể dùng kéo cắt thành từng miếng vuông vắn.

Bánh trứng kiến dẻo thơm mùi nếp nương, bùi béo, thơm và ngọt mùi vị trứng kiến, có vị thanh mát của lá vả. Bánh trứng kiến có thể ăn lúc còn nóng hay để nguội, tùy ý. Bánh trứng kiến ăn lúc nào cũng có vị ngon riêng. Đó là hương vị đặc trưng của lá rừng tự nhiên, sự béo ngậy của trứng kiến, của các gia vị và nói chung, là của núi của rừng của sự tỉ mỉ trong chế biến, của sự riêng có ở dân tộc Tày.

Là một món ăn dân tộc đặc trưng. Nếu có dịp đến với Bắc Kạn hay Cao Bằng vào khoảng thời gian tháng 2, tháng 3 âm lịch, đừng quên thử một lần thưởng thức món bánh kỳ lạ mà rất thú vị này. Ở Thái Nguyên, nếu bạn muốn nếm thử, đến tết thanh minh xin mời lên Võ nhai, Định Hóa.

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy