Bánh cooc mò đậm hương tình
VNTN - Bản buổi sáng thường se lạnh, dày sương. Bên bậu cửa nhà sàn, từ lúc còn “mắt nhắm mắt mở” tôi đã thấy mẹ đang đi về đeo bao dao sau hông, tay ôm bó lá dong gừng vẫy bảo “hôm nay lại có cooc mò cho mà ăn nhé!”... Tôi vui sướng reo vang, thế là cả buổi bụng cứ mừng khấp khởi, chờ cho đến khi được thưởng thức bánh.
Quê tôi là thế, trẻ con được chiều chuộng hết mực một cách đặc biệt. Cái sự chiều ấy ngay từ lúc mới lọt lòng cho đến tận lúc đã trưởng thành. Có lẽ điều đó xuất phát từ tấm lòng cha mẹ và một phần cũng bởi theo quan niệm dân gian của người Tày về con cái: con trẻ do mẹ Biooc trên trời ban cho các cặp vợ chồng nên phải hết mực yêu thương, quan tâm và chăm sóc… Trẻ quê tôi đi đâu trở về là ở nhà y như rằng mẹ lại đã gói các thứ bánh để chờ con, nhất là bánh cooc mò, loại bánh ngộ nghĩnh thân thuộc mà hầu hết tuổi thơ chúng tôi đứa nào cũng biết.
Cooc mò, chẳng biết bánh có từ bao giờ, hỏi mẹ, mẹ cũng lắc đầu còn người già ở bản thì nói chắc như lẽ vốn có: “Pẻng cooc mò chò lục đếch” nghĩa là cooc mò dỗ dành trẻ con. Và cứ thế chúng tôi lớn lên cũng chỉ biết rằng từ lâu lắm thứ bánh đó là món quà gần gũi quan trọng với trẻ nhỏ nhất là trong các dịp lễ như: lễ cúng mụ, lễ thôi nôi… Lễ đầy tháng cho trẻ, quê tôi bánh cooc mò được coi là một loại bánh thiêng liêng như biểu trưng cho lời thưa với tổ tiên rằng gia đình có thêm một thành viên nhỏ bé. Bánh được bày biện trang trọng trên ban thờ tổ, ban thờ mụ.
Những chiếc bánh cooc mò
Cooc mò hay còn gọi là sừng bò, người Tày gọi thế có lẽ vì bánh có hình chóp nhọn nhìn giống hệt cái sừng đang mọc của chú bò tơ. Mẹ tôi nói, một chiếc bánh ngon phải là chiếc bánh được làm từ thứ gạo nếp nương dẻo thơm, đậm vị. Bánh cooc mò quê tôi được gói bằng lá dong gừng - thứ lá có lẽ chỉ ở rừng núi quê tôi mới tìm thấy. Lá dong gừng trông giống lá dong nhưng loại lá này không mọc thành khóm như lá dong mà thường mọc rải rác ẩn mình dưới bóng râm của rừng tre, vầu, đặc biệt lá dong gừng rất nhỏ, có bản lá xinh xinh nằm vừa vặn trong lòng bàn tay người lớn và có mùi thơm giống hệt lá gừng.
Để làm bánh cooc mò sau khi đã chuẩn bị xong gạo và lá là đến khâu chọn lạc. Lạc gói bánh thường là loại hạt đỏ (vừa ngon lại tạo mầu đẹp) lọc lấy những hạt mẩy, sơ chế sau đó đem trộn đều với gạo nếp đã được đãi sạch.
Những chiếc bánh cooc mò ngồ ngộ, nhỏ nhắn tưởng như đơn giản nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm. Để gói bánh người gói cuộn lá thành hình chiếc phễu rồi đổ gạo nếp và lạc đã trộn vào trong đó, rồi lấy tay gõ nhẹ bên ngoài hoặc dùng chiếc đũa chọc nhẹ xuống để bánh được chặt hơn, không bị nhão khi chín, sau đó mới gấp mép lá phía trên và buộc lạt.
Khâu buộc lạt quan trọng hơn hết, nếu lạt buộc quá chặt, lá sẽ bị rách, hạt gạo sẽ không nở và chín được, còn nếu buộc quá lỏng thì khi luộc nước sẽ ngấm nhiều vào bánh, khiến cho bánh không được săn dẻo và sẽ bị nhão. Tôi vẫn nhớ cảnh mẹ tôi thoăn thoắt đôi tay vừa thắt lạt, vừa kể chuyện vui và hướng dẫn tôi cách gói. Ngày đó thỉnh thoảng rảnh rỗi mẹ lại gói bánh cho chúng tôi ăn. Hoặc những hôm mẹ đi chợ phiên, đi mừng lễ tròn tháng về là cứ phải có bánh cooc mò cùng với mấy cái kẹo đem về cho chị em tôi. Mẹ nói giọng tín ngưỡng bảo: đầy tháng, phải có bánh này thì trẻ mới lớn và khỏe mạnh, và còn dặn: những đứa trẻ khác được nhận quà của em bé cũng phải ăn để lớn và khỏe mạnh. Mãi sau này lớn, tôi mới biết rằng mẹ lúc đó có lẽ cũng chỉ nói đùa để chị em tôi phải ăn hết, bởi đơn giản ở quê tôi thời ấy, có được một chiếc bánh như thế là quá xa xỉ.
Bánh sau khi được gói xong phải ngâm xuống nước khoảng gần tiếng đồng hồ để mau chín và không bị vỡ lá khi luộc. Sau khi ngâm, bánh được luộc vài tiếng trên bếp. Luộc bánh ngon cũng tùy vào kích cỡ to nhỏ khác nhau của bánh và phải chú ý duy trì lửa, cho phù hợp vì lửa to quá bánh cũng dễ vỡ. Khi luộc, bánh dền mới vớt ra móc lên để ráo nước và nguội ăn mới ngon.
Mùa hè ngồi trên nhà sàn thoáng đãng bên rổ bánh cooc mò mới thật tuyệt. Người quê tôi có thể bắt đầu những câu chuyện không cần chén rượu ấm trà mà chỉ đơn thuần giản dị như thế. Mùa đông tới ngồi cạnh bên nhau bên bếp lửa bập bùng, rì rầm chuyện trên trời dưới bể, hít hà mùi thơm đặc trưng phảng phất của nồi bánh đang sôi cũng đủ quên đi cái rét và những nhọc nhằn thường nhật.
Cooc mò - món bánh đã từ lâu rất quen thuộc với người Tày của quê tôi. Ngày nay, loại bánh này đã như một thứ quà quê theo chân các thực khách đến khắp mọi miền Tổ quốc. Nếm thử miếng bánh thấy cái dẻo thơm của nếp nương quyện mùi ấm lá gừng, vị béo bùi của lạc... ôi, cái hương vị ấy làm tôi nhớ mẹ, nhớ quê da diết.
TRẦN HẰNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...