Bản Lô Lô trên đỉnh núi thiêng
VNTN - Đã từng được đến cao nguyên đá Đồng Văn. Sững sờ trước vẻ hùng vĩ của cao nguyên, của dòng Nho Quế, rợn ngợp trước vô vàn sặc sỡ của váy áo người H'Mông…, nhưng khi đứng trên đỉnh núi thiêng đó, vẻ mộc mạc của một ngôi làng dân tộc, đẹp hơn tranh đã khiến tôi tần ngần chả muốn rời đi. Và rồi, dù có tất bật với cơm áo, lòng vẫn dặn phải về lại để ngắm nghía và tận hưởng cho bằng được cái cuộc sống ban sơ của ngôi làng đó.
1. Cờ Tổ quốc phần phật bay, Lũng Cú, nơi địa đầu của Tổ quốc, ở đỉnh núi thiêng này, gió dữ dằn hơn… Gì thế kia? Phía dưới, trước mắt là phong cảnh nguyên sơ của ngôi làng cổ. Giữa bạt ngàn đá núi xám xịt của cao nguyên ngôi làng ấy như một vừng sáng, nằm nghiêng nghiêng chạy theo thế đất. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ôm trọn lấy làng. Phía sau là chiếc ao tròn to, nước trong mát như chiếc giếng của ông trời. Có lẽ tự nghìn năm trước tổ tiên những người dân nơi đây trong cuộc thiên di tìm sự sống, khi đặt chân lên đỉnh núi hiểm trở này, thấy thung lũng có chiếc ao phù hợp cho tập quán trồng trọt, canh tác nên đã ở lại định cư.
Cảnh vật tự nhiên, ấm áp. Các nếp nhà trình tường đất, lợp ngói máng thâm u, lẩn sau những hàng rào đá. Tất cả như cùng nương vào nhau vững chãi. Một sự trù phú, quyến rũ nguyên thủy. Màu vàng của lúa, màu xanh rì của gai mèo (cây lanh), màu tím của bạc hà và vô vàn những loài hoa dại cứ lung linh dưới nắng. Xe chuyển bánh, tôi chỉ kịp zoom máy từ xa chụp vài kiểu về quang cảnh ấy. Sau chuyến đi trong vô vàn những bức ảnh về cao nguyên đá, thì bức ảnh chụp vội đó tuy hơi mờ nhưng ai cũng phải trầm trồ về cảnh đẹp. Và bức ảnh được lãnh đạo báo chọn đăng ngay trang nhất của Văn nghệ Thái Nguyên mang tên “Đất ấm”. Vài năm sau truyền thông viết nhiều về vẻ đẹp của ngôi làng làm du lịch dưới chân cột cờ Lũng Cú, tôi mới biết tên làng - Lô Lô Chải.
Xe chầm chậm leo đèo. Cố lim dim mường tượng về Lô Lô Chải, như để níu giữ cái cảm xúc trong trẻo của mười mấy năm trước. Thú thực, chuyến về lại cao nguyên đá lần này chẳng mấy ấn tượng. Đường lên Đồng Văn rộng, đẹp hơn trước nhiều, phố xá cũng sầm uất hơn nhưng cao nguyên thì đã gần hết nhà cổ. Chợ và phố cổ Đồng Văn xây mới lạc lõng giữa bạt ngàn những tiện nghi.
2. Cảnh vật xung quanh cột cờ Lũng Cú đã thay đổi khá nhiều vì những công trình đang xây dựng ngổn ngang. Cây cối vẫn chưa tươi tốt dù xuân sắp tới, còn Lô Lô Chải thì vẫn vậy, dẫu có đôi nét mới mẻ hơn. Để xuống dưới, chúng tôi leo lên “con ngựa sắt” của Vàng Dỉ Số, một người đàn ông của bản chạy xe ôm. Nhìn Số cứng cáp, thật thà như tảng đá của cao nguyên.
Số chạy xe tà tà xuống thung lũng, đỉnh đương vừa đánh lái vừa nói chuyện. Bằng giọng lơ lớ chưa sõi tiếng Kinh, Số bảo,nghề này không vất vả, lại được ở nhà với vợ con. Số cùng vài người nữa chạy xe ôm từ chân cột cờ đưa khách về bản. Trong tuần Số chạy khách ba ngày từ thứ sáu đến hết chủ nhật, còn ngày nào vắng lại đi làm thuê, xây nhà, làm đường. Đàn ông ở đây vào độ tuổi lao động nếu không làm du lịch thì đều sang bên kia biên giới làm thuê. Trong bản phần lớn còn lại người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Hiện bản có hơn 80 hộ dân với gần 400 nhân khẩu là người Lô Lô, và đã có hơn chục gia đình làm homestay.
Số khoe, làm du lịch vui lắm vì bản ngày càng nhiều nhà dân cho khách trọ. Tôi trêu, ở trong cái nhà đất tối om thế thì khách ăn uống, ngủ nghỉ kiểu gì, tính giá cả thế nào? Số thật thà: “60 nghìn một tối thôi (ở bình dân). Còn ăn uống thì gà, bò, lợn cũng có hết. Mỗi đĩa trung bình hai trăm cho dễ tính. Rau thì ăn rau cải mình khác trồng. Khách đến đưa nó đi thăm các nhà, cho mặc thử quần áo truyền thống xong lại quay phim, chụp ảnh cho. Tối đoàn nó lên đông thì lại có một đội văn nghệ của bản giao lưu, hát tiếng dân tộc cho nghe…”.
Đường ngoằn ngoèo lúc lên lúc xuống, hai bên là tường rào đá xếp ngay ngắn. Và đây đúng là một sản phẩm độc đáo của người Lô Lô. Những viên đá nhỏ, to xù xì, lồi lõm với đủ hình thù vậy nhưng chẳng biết bằng cách gì họ đã xếp được những bờ rào uốn lượn bám theo thế đất một cách tự nhiên mà không tốn bất cứ một loại vật liệu kết dính nào. “Sinh ra trong đá núi, chết lại về với đá núi”, và cũng giống các dân tộc khác trên cao nguyên đá này, tự nghìn đời họ đã chinh phục đá, biết dựa vào đá để sinh tồn. Không chỉ để che chắn gia súc, tránh thú dữ, hàng rào đá vững chắc còn tạo nên vẻ độc đáo của ngôi làng cổ.
Qua những khúc cua thỉnh thoảng những cành mận, cành đào, đã lấm tấm nụ như đang nấp phía trong vườn, lại thò cánh tay nghều ngào qua bờ rào đá, ý như muốn trêu chọc khách. Tới giữa bản có vài ngôi nhà cổ, lan can treo lúc lỉu những túm bắp ngô và những quả bí đỏ tròn xoe, ngộ nghĩnh. Trên cổng đất có tấm biển gỗ mộc mạc đề những dòng chữ: Homie homestay, The level coffee& bar… theo kiểu handmake rất dã chiến.
Rẽ vào một homestay cổ, có bà cụ già mặc trang phục truyền thống đang quét sân. Thấy khách, bà cụ líu lô một tràng bằng thứ thổ ngữ lạ, nghe như tiếng con yểng nói. Số bảo, cụ đang chào khách. Cụ tên Vàng Thị Tình, xuân này vừa tròn 90 tuổi, là mẹ anh Vàng Gỉ Trí (44 tuổi), chủ hộ của mấy căn homestay này. Cụ Tình mặc chiếc áo khá sặc sỡ có những họa tiết, xanh đỏ tím vàng được thêu, hoặc đính liền nhau. Chiếc khăn đội trên đầu cũng sặc sỡ, cùng chùm hoa bông và chiếc vòng bạc đeo trên cổ to quá khổ, càng làm tôn thêm vẻ khắc khổ, của bà cụ vùng sơn cước. Nhìn chiếc quần đen và đôi giày vải kiểu lính lấm đầy đất của cụ, Số bảo, hàng ngày cụ vẫn ra ruộng làm việc và đều đặn mỗi bữa vẫn ăn hết hai bát mèn mén. Cụ không hề bị còng, không biết nói tiếng Kinh. Cụ vẫn rất minh mẫn.
Cụ Tình trước cổng nhà
Giống như những ngôi nhà đất trong bản, căn homestay cũng có ba gian, các cột và kèo gỗ thô tháp được khéo léo kê, gác như lẩn vào tường đất. Nhà khá thấp, trần ám bồ hóng, chỉ cần với tay lên là chạm tới nóc. Nhà chỉ có một cửa chính ở gian giữa và một cửa nách ở gian bên trái để đi ra vườn hoặc ra sân. Cầu thang gỗ đi lên gác lửng-nơi nghỉ ngơi của khách, cũng thô mộc, đơn giản. Mấy ngăn phía dưới vẫn là nơi sinh hoạt của gia đình và có thiết kế thêm phòng ngủ cho khách. Gian phụ vẫn để nguyên bếp đun củi để nấu nướng và sưởi. Mấy căn homestay này tuy được cách điệu cho phù hợp nhưng vẫn còn giữ lại cơ bản những nét cổ truyền của nhà người Lô Lô.
Lê Thùy Dương, nữ nhân viên Công ty Cổ phần Cộng đồng Lũng Cú cuối tuần cũng có mặt ở đây để làm việc. Dương cùng công ty ở Hà Nội, vừa làm trang web quảng bá, nhận tour của khách rồi gửi về đây. Thỉnh thoảng cô và mọi người vẫn lên hướng dẫn dân bản cách làm du lịch, rảnh rỗi lại dạy ngoại ngữ cho lũ trẻ. Căn nhà là của người dân, công ty đầu tư thêm và hỗ trợ người dân phát triển. Còn vài ngôi nhà mới phía sau công ty bỏ tiền ra xây theo đúng kiểu nhà truyền thống, xây xong cũng đều giao dân tự vận hành. Giá phòng tập thể ở đây là 130 nghìn một ngày đêm, phòng riêng là 350 nghìn đến 500 nghìn một ngày đêm. Tiền phòng thu về để tái đầu tư và trả lương nhân viên. Công ty trả người dân 3 triệu đồng một tháng, các dịch vụ như ăn uống, trải nghiệm là người dân tự làm tự thu.
Dương kể, Công ty Cổ phần Cộng đồng Lũng Cú vốn là công ty nhánh của một đơn vị làm đường. Năm 2016 hưởng ứng Dự án của Chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư về phát triển an ninh biên giới bền vững cho các xã vùng cao biên giới, trong một lần đi thiện nguyện ở xã Lũng Cú, tới đây thấy người dân giữ được khá nhiều nét văn hóa truyền thống, công ty đã quyết định đầu tư cùng dân làm du lịch, một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ, nhưng đã bước đầu thành công. Dương khoe, ở đây bọn em có 3 căn. Căn này và 2 căn ở đằng sau. Khách đến ngoài phục vụ chỗ ăn nghỉ còn xây dựng các tour để khách đi thăm thú và trải nghiệm. Hai tour đi trong ngày là: đi thăm tám cột mốc biên giới và đi thăm ba làng của cực Bắc. Tour thứ ba dài nhất đi 2 ngày 1 đêm. Sẽ cắm trại ở sông Nho Quế, đi thuyền ngắm cảnh trên sông, buổi tối tổ chức nướng gà đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ…
Tôi hỏi Dìu Thị Vấn (42 tuổi), con dâu cụ Tình. Nhà được công ty sửa sang có hơn trước không? Chị thật thà: “Cũng như ngày xưa thôi, nhưng như xưa thì khổ lắm, ông già, bà già cũng khổ lắm vì không có tiền tiêu, không biết làm gì ấy. Giờ có việc làm thấy nó lịch sự hơn”. “Làm du lịch so với làm ruộng có tốt hơn không?”. “Cũng tốt thôi! Khách đến đông là vui rồi. Khách đến là cứ làm thức ăn thôi, làm cơm để phục vụ khách”.
Vấn lại bảo, dù làm du lịch nhưng vẫn làm ruộng, không thì lấy gì ăn.Tôi hỏi, trồng lúa nhưng vẫn ăn mèn mén à.Vấn cười phá lên, nhìn tôi như sinh vật từ hành tinh khác xuống, “Ăn cơm chứ”. Làng Dỉ Thắng (11 tuổi), con trai Vấn cũng cười ngặt nghẽo. Thắng bé choắt nhưng nhanh nhẹn, thấy khách, cu cậu cứ cười đùa lích chích ngay bên cạnh. Thắng ghé tai tôi thầm thì: “Bây giờ bọn cháu chỉ thích ăn cơm thôi. Ăn mèn mén bà già (bà cụ Tình) thích ăn lắm!”. Nói xong hai mẹ con lại nhìn nhau cười thích thú như thể trêu cái khẩu vị “truyền thống” của bà.
Quán Cà phê Cực Bắc cuối tuần đông nghẹt khách du lịch, cụ bà người Lô Lô nhanh nhẹn điều hành các nhân viên đều là những phụ nữ ở thôn. Bên ly cà phê thơm nức, khách cả ta lẫn Tây xì xồ “chém gió”. Ai thích có thể thoải mái check in, background ảnh rõ mồn một đỉnh núi rồng và cột cờ Lũng Cú. Hương, nữ sinh của một trường đào tạo du lịch ở Hà Nội vui vẻ: Tuy người dân không nói sõi tiếng Kinh nhưng giọng họ và cách nghĩ thì rất thú vị. Bọn em lần đầu đi phượt Hà Giang và đến làng Lô Lô này chỉ muốn nán lại thật lâu để trải nghiệm, để tĩnh tâm và có thêm những suy nghĩ sâu sắc hơn.
Khách Tây tại quán Cà phê Cực Bắc
3. Thoáng thấy khách ngoài ngõ, Lẩu Thị Phương cười nói rổn rảng, rủ, “vào nhà chơi đã”. Khi được chồng giới thiệu thì Phương cứ nằng nặc đòi vào nhà thay áo mới, mặc những lời giải thích rằng, mặc vậy cũng đẹp rồi. Phương nói rằng: “Thay cái áo, để chụp ảnh lên báo không người ta cười cho đến chết”. Phương đẹp và duyên như một nhành hoa dại. Trong lúc chờ Số rót rượu ra chai tôi đùa: Hồi xưa lấy được cô này là tốn kém lắm đây?”. “Bình thường”, Phương nhanh nhảu. “Vậy thấy ông này đẹp trai là lấy luôn à?”. “Vâng ạ! Chồng em là xấu nhất làng rồi. Hai vợ chồng lấy nhau vì hợp thôi”. “Hợp như thế nào?”. “Thì đẻ liền hai thằng đấy”. Nói xong Phương cười ngặt nghẽo chỉ lên bức ảnh gia đình chụp chung có hai cậu nhóc giống nhau như tạc, khoe, giờ một thằng học lớp 4, một học lớp 3.
Phương quay sang nhìn Số với ánh mắt biết nói, rồi ý tứ: “Em không uống được rượu. Chồng uống cùng các anh nhé!”.
“Đây là rượu nấu bằng ngô hạt. Là người Lô Lô ai cũng biết nấu rượu à! Để nấu được rượu ngon phải có bí quyết đấy! Thử uống xem có ngon không nào?”. Đỡ chén rượu trong ngà, đầy ắp, bạn tôi nhăn mặt, xua tay. Số nài: “Uống đi không sợ say đâu, yêu quý lắm mới mời đấy, uống vào mới nhớ nhau lâu dài chứ”. Tôi trịnh trọng đón chén rượu Số đưa cho, tợp một ngụm to. Hương rượu cay nồng, ngọt ngào tỏa lên mũi và lan khắp cơ thể. Số bắt tay tôi, cười thân thiện thỏa mãn. Như lời Số, thì để chưng cất ra loại rượu này quả không dễ.Ngô lấy về đem luộc hoặc đồ chín rồi vớt ra cót. Để ngô nguội rồi lấy men đem đi nghiền nhỏ rắc, trộn đều và vun thành đống. Cứ ủ vậy tới lúc thọc ngón tay vào thấy ấm nóng là được. Khi đó sẽ đem đống ủ đổ vào thùng gỗ, ủ tiếp khoảng hơn chục ngày ngô ngấu tỏa thơm nức là lấy ra nấu. Làm được rượu ngon phải phụ thuộc vào chất ngô, chất men và nguồn nước. Nhưng nếu thiếu đi tấm lòng của người nấu rượu thì vẫn không ra được thứ rượu ngon. Vì vậy, rượu của mỗi nhà uống cũng sẽ khác. Đến nhà người Lô Lô chỉ cần uống chén rượu là biết phần nào tính cách của gia chủ.
Với phụ nữ ở bản, bộ trang phục mặc trên người là biểu tượng của sự duyên dáng, chăm chỉ. Phương đi lấy chồng mẹ cô chia cho một bộ, đến bây giờ Phương tự làm được hai bộ nữa. Bộ quần áo của Phương có tới mười mấy món gồm: yếm, váy, khăn đội đầu ba, bốn cái... Đàn ông Lô Lô thì ăn mặc đơn giản, trang phục như người Mông. Các cụ già ở bản vẫn thường xuyên mặc bộ truyền thống. Những người trẻ như Phương vì phải lao động, làm ruộng nên chỉ diện vào những ngày quan trọng như ngày lễ, ngày tết, hoặc lúc đi chợ phiên.
Phụ nữ Lô Lô Chải có Hợp tác xã dệt vải và làm quần áo truyền thống ở nhà văn hóa của thôn. Phương chỉ tấm ảnh trên vách chụp hai cô gái xinh xắn mặc bộ truyền thống đứng làm duyên dưới tán cành mận đang trổ hoa, giọng tự hào: “Hồi em mười tám đấy, nhìn khác bây giờ không?”.
Phương (bên phải), diện bộ trang phụctruyền thống ngày Tết
“Dệt xong là bán cho khách du lịch à?”, tôi nghĩ chắc thành lập Hợp tác xã sẽ cùng nhau làm kinh tế như ở dưới xuôi. “Không, kiểu quần áo của bọn em thì nó chẳng hay ho nhưng mà nó làm kỳ công quá! Mà bán thì chẳng ai mua. Ở chợ cũng chẳng có đâu. Tiền họ cũng không có đủ để mua nên tự làm rồi tự mặc thôi”.
Tôi khen bộ đó đẹp lắm đấy! Phương cười bẽn lẽn bảo, chỉ khách du lịch ngắm là thích nên họ cũng hay thuê mặc chụp ảnh. “Họ thuê mình lấy 50 nghìn, mà cũng tùy tâm thôi. Ai có tâm thì cho 100 nghìn không thì ít hơn, mình cũng chả nài. Làm du lịch phải để khách thoải mái mà!”. “Cần thì mình bán luôn, vài triệu một bộ nếu khách nào thích”, tôi xúi Phương vì muốn cô năng động “nhảy số” hơn. Cô giãy nảy: “Vài triệu gì. Bọn em làm mới thì tầm hơn 20 triệu một bộ đấy! Vì nó nhiều thứ mà. Dệt xong lại thêu, trang trí các kiểu rồi mới vá vào. Phải làm lâu dài, 2 năm mới xong. Còn người nào không biết thêu thùa, không khéo tay thì cả đời chỉ làm được một bộ”.
Nhìn ngôi nhà gạch xỉ mới xây lợp bê tông của hai vợ chồng Số tôi bảo: Phải để nhà truyền thống chứ, nhà này khách không đến đâu. Nhà trình tường mà biết cải tạo như homestay ngoài ngõ thì đẹp quá rồi. Hai vợ chồng Số gật gù, ý như đã thông nhưng vẫn thanh minh: Làm nhà truyền thống tốn công lắm, gỗ bây giờ cũng hiếm và đắt lắm rồi. Anh bạn tôi trầm ngâm như mới nảy ra một tứ thơ: Ở Lô Lô Chải, một thế giới khác. Thời gian cứ chậm chạp, người dân thật thà, đủng đỉnh như lẽ tự nhiên phải thế... Ôi, tuyệt thật!
QUANG KHẢI
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...