Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
14:58 (GMT +7)

Bàn chân tìm nhau

Hạng tìm về đây để tìm một kỉ niệm từ hơn bốn mươi năm trước. Tấm bản đồ địa hình cộng với trí nhớ mẫn tiệp của một người làm nghề viết đã đưa bước chân Hạng đến một quả đồi lạ hoắc. Hạng không tin vào mắt mình khi gặp một vùng đồi đẹp như tranh vẽ với hàng chục biệt thự, giả nhà sàn thấp thoáng sau các rặng cây xanh. Cảnh trí nơi đây vừa như sắp đặt, lại vừa như tự nhiên với những con đường uốn lượn quanh co, khi lên lúc xuống. Giở bản đồ xem lại, không còn nghi ngờ gì nữa. Nó chính là Thom Hill. Nhưng nó đã quá khác so với thời chiến tranh. Ngày ấy quả đồi trông giống cái đầu trọc bị chốc lở, toàn đá đất lởm chởm, xám ngoét. Đó đây rặt những khóm sim mua, dứa (thơm) dại. Nhiều nhất là dứa, cứ chong những tay lá gầy guộc đầy gai lên trời, như đầu hàng, như kêu than cái nóng. Nắng nóng mùa khô càng kinh người hơn khi cộng thêm thiếu nước. Nhớ một lần hành quân, đơn vị Hạng cắt ngang đồi mệt thở ra tai. Xuống được đến chân, lính tráng vội lao vào bóng cây trú nắng cùng bầy bò. Hạng vừa lôi bi-đông ra ngửa cổ uống, bản năng sinh tồn khiến bầy bò đang nằm nhất loạt đứng cả lên, nhìn chòng chọc vào dòng nước chảy vô miệng anh.

Bàn chân tìm nhau
Minh họa: Dương Văn Chung

Giờ thì khác. Những con bò ngày ấy chắc cũng sẽ đồng loạt “hụm” lên giận dữ vì không tin nếu Hạng bảo, từ lưng chừng đồi Thơm hiện thời có một thác nước đủ sức cuốn cả đàn, cả lũ chúng mày, trôi xuống chết đuối vào bể bơi lớn phía dưới.

Hạng đi trong cảnh thơ mộng với những con đường khi cua, lúc lượn này đã đẩy anh về với bao ám ảnh. Những ám ảnh đầy chống chếnh, lao chao. Nó giống như đôi hài vạn dặm, thoắt cái đã đưa Hạng về với miền ký ức, tưởng đã chôn vùi đâu đó từ xa lắc, xa lơ.

***

Thời ấy, sau chín tháng huấn luyện nơi trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, tốt nghiệp ở mức tránh bị “cọp vồ” (1), Hạng thuyên chuyển loanh quanh một số đơn vị mất mấy năm. Cuối cùng, cầm được sự-vụ-lệnh về trình diện Tiểu khu Phú Yên, nơi gần tỉnh nhà nhất mà anh có thể chọn. Bộ chỉ huy Tiểu khu phân anh về Tiểu đoàn 238, Địa phương quân. Tiểu đoàn này đang khan sĩ quan. Với cấp bậc thiếu úy, thuộc diện gọi là trí thức đào tạo bài bản, Hạng được bổ nhiệm chức “Quyền” Đại đội trưởng Đại đội 4. Tiểu đoàn 238 lúc đó đóng đồn ở xã Long X, quận Tuy An, nằm cạnh đồi Thơm. Nhiệm vụ chính của đơn vị là thế chân lính Pắc Chung Hi về nước, trấn giữ, duy trì an ninh vành đai mạn bắc thị xã Tuy Hòa. Làng Long X là nơi tuy nằm trong quyền kiểm soát của Quốc gia, nhưng lại xen kẽ một số ít gia đình có người thân theo hoặc dính líu dây mơ rễ má với Cộng sản.

Ở thời điểm ký kết hiệp định Pa-ri, trong tình trạng thường xuyên xảy ra giành dân, lấn đất, Tiểu đoàn được trú đóng tại nơi vậy, kể như khá an nhàn. Ở đồn Long X, các đại đội 1, 2, 3 ngày đêm phải luôn luôn luân chuyển trong khu vực nhiệm trách. Khi vào xóm có dân, lúc lại ra ở rừng, dễ dàng đụng độ hoặc rơi vào ổ phục kích. Mấy đơn vị này thi thoảng được lệnh mới về đồn. Còn nhiệm vụ chính Đại đội 4 của Hạng là bảo vệ Ban chỉ huy Tiểu đoàn, canh gác phạm vi đồn và làm những việc linh tinh khác thuộc về hậu cứ. Nhìn chung đơn vị đã nhàn, đại đội của Hạng lại càng nhàn hơn. Nhưng nhàn cư vi bất thiện…

Làng Long X xưa nổi tiếng với việc hô bài chòi ăn tiền. Nhưng thời chiến tranh, loại hình bài bạc ấy không còn phù hợp nữa. Những “hậu duệ bác thằng bần” trong làng dần chuyển sang các thứ bạc bài khác. Một trong số loại hình hay lén lút chơi nhất lúc này là xóc đĩa. Máu mê cờ bạc thường rất dễ lây lan. Bởi hầu như ai cũng nấp sẵn lòng tham trong người. Chỉ gặp dịp là bùng lên. Lính tiểu đoàn 238 cũng vậy. Từ lính đến quan. Với mấy đại đội bung ngoài, Ban chỉ huy tiểu đoàn nếu không thường xuyên bộ đàm kiểm tra thì rất có thể họ sẽ “chém vè” vào cánh rừng hoặc một nhà dân nào đó. Cũng bày đặt gác canh nhưng là để bảo vệ việc… gầy sòng xóc đĩa. Nhất hạng vào những đầu tháng có lương, túi anh nào cũng rủng rỉnh tiền,  Đại đội 4 không tại ngoại ban đêm, ban ngày anh nào xong nhiệm vụ, cũng tìm cách lỉnh ra ngoài xóm. Có trời mới biết anh ra đấy vì nhu cầu quan hệ chính đáng với dân, hay ve gái, bạc bài. Ban ngày còn đỡ. Đêm đến có người mải sát phạt, tới sát giờ giới nghiêm qui định mới mò về.

Hạng cũng có gen cờ bạc, song vì là chỉ huy nên phải gương mẫu. Anh chỉ thỉnh thoảng “ra xóm” khi nào gặp dịp hợp lý. Tuy ít đi đêm nhưng lại gặp ma! Trong một lần ra xóm với tà lọt (2), bị thằng đệ tử cùng máu mê này kích, Hạng quyết chứng minh cho nó thấy, không phải ai đánh bạc cũng là “bác thằng bần”. Hai thầy trò lủi vào sòng xóc đĩa. “Khát nước” vì chờ phải một hơi mười tám cây lẻ rền, khiến Hạng gần đụng giờ gài mìn đêm, nhẵn túi mới lui đồn. Hôm ấy, chẳng biết thiếu tá Sang, tiểu đoàn trưởng linh tính thế nào, từ buổi điểm danh tối, ông đã bất thần xuống kiểm tra đại đội 4. Thấy vắng Hạng, ngoài người đang làm nhiệm vụ canh gác, tiểu đoàn truởng bèn cho tập hợp toàn bộ đại đội ở sân chào cờ và lệnh: Không ai được đi gọi Đại đội trưởng. Tất cả đứng hàng ngũ, trật tự đấy, chờ thiếu úy Hạng về. Khi anh về tới đồn, cả đại đội đã hơn hai giờ đứng ngoài trời đêm, sương thấm ướt cả vai. Gần trăm cặp mắt oán trách nhìn Hạng. Sáng hôm sau khi giao ban xong, tiểu đoàn trưởng chỉ nhìn anh cười cười, hỏi thăm: “Tối qua, ông thắng thua thế nào?”

***

Lần này, Hạng được bảy ngày phép thường niên đợt một. Cắt đặt, bàn giao các cái, anh ra khỏi đồn thì trời đã triện xế, Hạng mới biết đã hết phương tiện về thị xã để chuyển qua xe Trung Nam. Trở lại đồn, vô phúc gặp lệnh hành quân khẩn cấp có mà toi phép. Chỉ còn cách qua đêm đâu đó trong làng, mai sớm sẽ xuôi xe. Nghĩ vậy, Hạng gỡ bông mai cho vào túi áo, thả bộ vào quán nhậu. Sau một hồi sương sương, nghe chuyện bài bạc ở các bàn bên, Hạng nghiệm ra một điều: Những lần đánh trước, cụ thể là vụ “khát nước” mười tám cây lẻ mới đây, sở dĩ thua vì mình chơi trong tâm trạng không thoải mái. Lúc nào cũng cứ canh cánh chuyện đồn bốt, đơn vị. Còn bây giờ? Chim đã xổ lồng. Và đó cũng là cách qua đêm thú vị nhất, chờ chuyến xe mai sáng. Với ý định này, Hạng kêu thêm bia để chờ đêm xuống.

Sòng xóc đĩa lúc Hạng vào khá đông. Anh tuột giày, thế chỗ chiếu cho một ông vừa ra về, chắc là cạn túi. Sòng này có vẻ hỗn hợp dân quân. Cũng may không có ai quen trong Tiểu đoàn 238. Sát chỗ anh ngồi xếp bằng là mặt chẵn. Tiền hai phía cứ rơi xuống loang loáng như lá mùa thu. Liên tiếp ba cây chẵn liền nhau. Hạng vừa làm dày thêm số tiền đơn vị ứng phép bằng trúng cái “ngữa tư” cũng kha khá. Thường cứ “ba bay hồi lùng”. Hạng vừa rơi tiền xuống lại bên mặt lẻ, thì bỗng ai đó hét lên: “Động rồi! Nghĩa quân bắt bạc! Nghĩa quân…”. Vô số những cánh tay nháo nhào chụp xuống vơ lại tiền của mình. Và… chạy!

Hạng cũng theo quán tính vọt ra cửa hông, không kịp cả mang giầy. Bỏ lại tiếng súng nổ, tiếng la hét hỗn độn sau lưng, anh lao vào con đường nhỏ bên nhà. Bọn Nghĩa quân nhãi nhép này mà tóm được mình thì đúng là ê mặt cả tiểu đoàn. Nghĩ vậy nên Hạng thục mạng chạy. Anh chạy nhanh vậy, nhưng tiếng chân đuổi càng lúc nghe càng nột nạt hơn ở phía sau. “Đứng lại…! Đứng lại, không tau bắn!”. Anh vội vẹo người, quăng mình vào con đường nhỏ vừa nhác thấy có cánh tay ai đó thuận đà chạy, kéo anh vào cửa. Rồi ấn mạnh vào sào áo quần treo bịt rịt, lòng thòng. Tiếng rượt đuổi vẫn tiếp tục xa dần về phía không có Hạng. Thật là hú hồn! Không có cái kéo tay, chút nữa anh bị tụi nghĩa quân tóm gửi trả về đồn trong bộ dạng một sĩ quan không giày không dép. Và rồi, thiếu tá Sang sẽ cười cười và hỏi “Việc phép tắc của ông thế nào rồi?!”

Cuộc vây bắt bạc bên ngoài im dần.

Hạng định thần lại. Hóa ra nơi cứu anh trong lúc dầu sôi lửa bỏng này là một vách ngăn đôi bí mật. Anh giật mình. Chỉ có nhà thuộc cơ sở Việt Cộng mới thửa loại ngăn vách này. Khi hiểu ra vậy, Hạng tháo mồ hôi hột! Chẳng lẽ người cứu anh thoát khỏi tội bài bạc lại là… Việt Cộng? Bên ngoài chợt vọng vào tiếng của một phụ nữ, nhỏ vừa đủ nghe “Chừ cứ ở yên trong nớ, sáng mai tính ne!”

Cuối vách ngăn là chiếc giường hẹp, dường như có ai đang nằm. Một tiếng rên khẽ cố nén chợt phát ra từ đó. Hạng khẽ khàng đến. Trên đầu giường buông thõng xuống nền đất là mái tóc dài rũ rượi. Đầu kia, một cẳng chân gác cao lên xấp quần áo cũ, quấn băng to đùng, máu từ trong thấm ra đen kịt. Thoáng nhìn, Hạng biết ngay là một nữ cán binh Việt Cộng bị thương ở đâu đó được đưa giấu về đây. Anh bàng hoàng. Làm sao có thương binh Việt Cộng trong xóm nhà dân, lại cách không xa đồn? Nhưng câu trả lời đang ở trước mắt Hạng. Với một sĩ quan tác chiến, đây chẳng khác nào của từ trời rơi xuống, chó ngáp phải ruồi! Việc tay không bắt giặc này, nếu chưa xứng đáng để thưởng huân chương, chí ít cũng “cắt được cu” - chức quyền đại đội trưởng.

Mà… sao lại tay không và cả… chân không nữa, nhỉ? Thử phác họa bản tường trình: Đầu tiên là lỡ xe rồi đánh xóc đĩa bị rượt. Sau đó, nhờ được kéo vào, mới khám phá ra vách đôi bí mật và cán binh. Sĩ quan đánh bạc tội không lớn, chẳng bì với công. Nhưng… thằng ngu nhất bên An ninh quân đội cũng không tin được những diễn biến tiếp theo. Tình ngay lý gian. Hỏi han lòng vòng, không khéo lại rơi vào bị nghi là cơ sở Việt Cộng. Vậy là bỏ mẹ! Tật bạc bài, nhậu nhẹt chẳng chừa được đã làm hại Hạng. Trong tâm trạng tiến thoái lưỡng nan bên chân giường tre, anh thiếp đi lúc nào không hay.

Khi Hạng thức dậy, ngăn hầm trông sáng nhờ nhờ. Qua ánh nắng hiếm hoi lọt vô từ đầu chân vách, anh thấy cô gái đôi lúc cựa mình rên khẽ, còn thì vẫn thiêm thiếp trong mê. Cô trông xanh xao vì trọng thương nhưng khá đẹp. Mái tóc dài rũ rượi tương phản một chút với đôi lông mày rậm vẻ cương nghị, mà thỉnh thoảng lại cau lên, như từ sự đau đớn nào trong cơn mê. Phía trên cổ chân trái, máu vẫn còn tiếp tục thấm ướt ra bên ngoài. Mùi hôi thối từ đó thoang thoảng bốc ra. Nhìn bàn chân tím dần màu hoại tử, là người từng theo học chút ít ngành y, Hạng biết, nếu không can thiệp, cứu chữa tích cực, ắt sẽ phải đoạn chi. Một cô gái dễ thương vầy, cụt chân thì bất hạnh biết nhường nào!

Có tiếng động nhẹ nơi sào quần áo cũ. Chị chủ vách ngăn đôi, có lẽ cũng là người kéo tay Hạng hồi đêm, bước vào. Khi tới gần, thấy mặt anh, chị bỗng trố mắt, ré lên: “Ẳi…ai dzầy ne?”. Hạng cũng vừa nhận ra. Chị ta tên Hoa, người thỉnh thoảng gánh rau muống vào bán cho nhà bếp của đồn, khi gặp vẫn hay chào nhau.

“Hồi đêm, ông là…?”

Nhìn khuôn mặt tái mét và thân hình run lẩy bẩy của Hoa, Hạng đã củng cố thêm nhận định: Ngôi nhà này đích thực là cơ sở của Việt Cộng. Và anh đã hiểu ra cơ sự: Đêm qua, khi nghe tiếng súng rượt đám đánh bạc, chủ nhà đã lầm tưởng có vụ phục kích, và người chạy trốn là cán bộ Việt Cộng nên đã chạy ra đón kéo vào giấu trong này.

Ở vào tình thế trớ trêu, Hạng không còn cách nào khác là ngao ngán để tay lên môi: “Thôi… lỡ rồi! Xin chị giữ bí mật cho”.

Thời gian trong ngăn vách đôi dài dằng dặc. Hạng không biết phải làm gì hơn là đợi trời tối rồi sẽ thoát ra ngoài. Nhưng nhìn cảnh người bị thương đang sốt cao, những tiếng rên đau đớn cứ lịm dần, lịm dần… Hạng đã bần thần. Anh hất hàm hỏi: “Sao để vầy?”. Chị Hoa bấy giờ mới đỏ mặt, thụp xuống khóc, mắt mũi sụt sùi, giọng xứ nẫu đặc sệt: “Mấy hoẳm ray, tui chỉ they quấn giẻ sô sô, chứ đâu biết lem gì ne. Chỉ mong các eng ấy sốm đến, để đưa đi cứu chữa” (Mấy hôm nay, tui chỉ biết thay quấn giẻ sơ sơ, chứ đâu biết làm gì đâu. Chỉ mong các anh ấy sớm đến để đưa đi cứu chữa).

Trong trường hợp này, trái tim đã lớn hơn cái đầu.

Sáng sớm ấy, Hạng vào đồn, nói bị nhỡ xe và vờ quên một thứ gì đấy, nhân tiện bảo y tá đại đội cho anh một ít thuốc men, dụng cụ để về điều trị cho cánh tay của vợ, vừa nhắn ra bị té gãy ở quê. Cũng may, số ít người trong đồn Hạng gặp không ai chú ý đến đôi giày lạ anh đang mang.

Phải mất đến ba ngày “cấm cung trong vách đôi”, anh điều trị tích cực cùng với sự chăm sóc chu đáo của chủ nhà, bàn chân của cô gái mới cầm chừng sự hủy hoại. Nhưng chỉ cần ngưng một ngày làm thuốc chắc chắn nó sẽ bỏ đi, có khi nguy đến tính mạng vì nhiễm trùng…

Mờ sớm ngày thứ 4. Không thể nấn ná lâu hơn vì cạn gần nửa phép, Hạng ngỏ ý cáo từ. Anh chỉ dẫn chị Hoa liều dùng số thuốc ít ỏi còn lại. Chị rơm rớm nước mắt cám ơn. Còn cô gái - có tên là Diệu Nghì - gượng ngồi dậy, nắm tay anh thật chặt. Cô nhìn Hạng bằng ánh mắt đầy chứa chan, cảm động. “Chân em vẫn chưa ổn. Tốt nhất là nên rời khỏi đây, để đi chữa trị ngay”, anh nói thật lòng và tức tốc rời khỏi vách đôi bí mật. Ra nhà, chị Hoa nói mình không có gì, chỉ gửi biếu anh một ít bánh tráng của địa phương làm quà. Sợ từ chối dây dưa, rủi gặp người thấy, Hạng nhận và đi ngay.

Lịch trình nghỉ phép, Hạng và vợ con dự định thì nhiều, nhưng qua vụ “cái vách đôi”, chỉ còn đủ thời gian đưa con gái đi công viên chơi một lần, ăn với hai mẹ con vài bữa cơm, là trở về đơn vị. Trong mấy bữa ăn, con bé cứ toàn dùng thứ bánh tráng ba Hạng mang về, mẹ nướng. Và khen ngon. Làm anh cứ bâng khuâng rưng rưng cả buổi.

Về đồn, Hạng biết được một tin làm anh sững người, choáng váng. Cách đây hai hôm, Đại đội 3 của tiểu đoàn trong đêm phục kích đã bắn chết một tổ Việt Cộng ba người. Một nữ dẫn đường và một nữ khác bị thương chân, do nam cõng. Có một sự mất mát đổ vỡ xảy ra ngay trong lòng Hạng khiến anh thấy bải hoải vô cùng. Trong đầu anh hay lởn vởn ý nghĩ, mình phải làm sao rút ra khỏi cuộc chiến này, càng sớm càng tốt. Mỗi lần như thế, chân trái anh lại giật lên, đau một cách vô thức.

Rồi liên tiếp xảy ra những sự việc dồn dập với Hạng. Vợ mất do tai nạn giao thông, anh tự hủy hoại dẫn đến cưa mất bàn chân. Tây Nguyên đánh lớn. Rồi miền Nam được hoàn toàn giải phóng...

Riêng việc Hạng tự hủy hoại ngón chân cái trái để được giải ngũ, dẫn đến mất hẳn cả bàn chân, có một sự lạ. Đêm trước đó, anh bỗng nằm mơ gặp lại Diệu Nghì, điều mà từ ngày chia tay, Hạng chưa thấy bao giờ. Giấc mơ tuy hơi lộn xộn, nhưng khi tỉnh lại, tưởng còn văng vẳng bên tai câu nói của cô: “Nếu anh thấy không cần đôi giày nữa, thì trả lại cho em!”.

Đôi giày vải bố xanh ấy, Hạng đã mượn để khỏi chân trần ra khỏi nhà Hoa. Về phép đến nhà, anh thay đôi giày trận khác. Còn nó, Hạng giặt và đút vào dưới gầm tủ. Sau cái chết của Diệu Nghì, Hạng định hỏa thiêu cho nó theo cô mà cứ quên tới quên lui.

Sau giải phóng, từ chiến tranh sang đột ngột hòa bình, mừng vui là một lẽ, nhưng mọi thứ đều đảo lộn. Từ cá nhân đến cả nước, đâu cũng gặp khó khăn. Riêng Hạng, càng khó khăn hơn trong việc thích nghi thương tật của mình với cuộc sống. Trên ba mươi tuổi, anh trở lại bắt đầu tấp tểnh tập bước. Dáng đi nghe chừng còn thua trẻ mới thôi nôi. Từ chập chững đi trên chân tự chế, đến mang được giầy là cả quá trình khó khăn. Theo bước chân, dáng đi anh giống hệt như người mắc bệnh rối loạn tiền đình mãn tính. Cứ lảo đảo, lao chao. Rồi từ giầy vải chuyển sang giầy da, cho hợp thời đổi mới cũng từng bước gian nan. Nhớ hồi chuyển đổi, trong một lần đi ăn cưới về, Hạng bị mấy anh thanh niên xung kích làm công tác giao thông tuýt còi. Hỏi sao lại thổi còi với cả người cuốc bộ, anh xung kích nửa thật nửa đùa “Tại bác đi theo lối “đánh võng” thế rất nguy hiểm, còi cho bác nhớ”. Tất nhiên, tham gia giao thông kiểu nớ do say thì ít mà do giầy thì nhiều. Ít lâu sau, trong một lần dọn dẹp nhà đón Tết, kê lại tủ, chợt lòi ra đôi giầy “bí mật” năm xưa. Đi thử, thấy rất vừa, rất êm. Nên mang luôn! Kỳ lạ là từ ngày mang đôi giầy ấy, dù uống say đến mấy, cũng giữ được lề phải mà đi. Không còn tình trạng cứ nhểnh ra, lại “đánh võng” sang bên trái nữa!

***

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay... Chẳng biết có phải vì thế mà đêm rồi, ngủ trong một căn biệt thự sang trọng giữa đồi Thơm không hiểu sao trong mơ Hạng lại gặp Diệu Nghì. Khác với gương mặt mét xanh vì mất máu, cô giờ hồng hào hơn nhiều và vẫn trẻ như hồi ở vách đôi bí mật năm xưa. Diệu Nghì nắm chặt lấy hai vai anh, mừng rỡ: “Anh Hạng trở lại rồi ne? Đôi giầy nếu anh hông mang, thì trả lại em”. Rồi Hạng thấy Diệu Nghì dẫn mình đi thăm khắp các nơi trên đồi Thơm, qua những con đường quanh cua ngoằn ngoèo, hai bên đầy mái đỏ, cây xanh, nắng vàng với muôn ngàn kỳ hoa dị thảo. Cả hai đi, đôi chân như nhẹ lướt trên đường. Hạng ngạc nhiên dừng lại, nhìn xuống chân trái mình. Một bàn chân với da thịt rõ ràng. Và rõ ràng hơn, là bàn chân con gái. Bỗng các ngón từ hồng hào chuyển sang tái, rồi tím dần lên. Rất nhanh! Chân trái Hạng bỗng nhức lên từng cơn, lôi giật anh ra khỏi giấc mơ.

Lúc ấy đã hơn hai giờ khuya. Hạng không ngủ lại được và thức luôn tới sáng. Cả hai lần hiện ra trong mơ, Diệu Nghì đều đòi giầy. Nhưng thật ra là để nhắc anh đừng quên mang nó. Ngay sáng nay, Hạng sẽ đi mua cho mình đôi giày vải để thích nghi địa hình. Và cũng để bắc cầu về ký ức xa xưa. Trong cuộc chiến tranh trước đây, cả Nghì và Hạng cùng bị chân về một phía. Phía thật do địch, phía giả do ta. Giờ đâu đó quanh đồi Thơm này, Hạng biết, vẫn còn có linh hồn hai bàn chân đang lang thang, vất vưởng, kiếm tìm nhau trong lẻ đôi của mình. Có đi thì có đến. Và Hạng, anh cũng sẽ kiếm tìm, tiếc nhớ suốt đời qua mỗi bước chân đi.

-----------

(1) Cọp vồ: Cọp là huy hiệu của Liên đoàn Biệt động quân. Đơn vị này thường về Trường Sĩ quan Thủ Đức chọn những người tốt nghiệp loại khá, cao về binh chủng mình. Và về đó rất dễ chết, nên ai cũng sợ bị nó “vồ”.

(2) Tà-lọt: Lính phục vụ riêng cho cấp chỉ huy.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bình dị Hà Nội

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Chùm tản văn của Mai Đình

Văn xuôi 1 tuần trước

Hương mặt trời

Văn xuôi 2 tuần trước

Đơn giản nhưng cao quý

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Ra rìa

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Mùa xao xác lá vàng

Văn xuôi 2 tuần trước

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 3 tuần trước