Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
17:26 (GMT +7)

Bạc đầu vẫn “khổ” vì… yêu

VNTN - Cách đây mấy năm, khi nghe tin Hội Văn học nghệ thuật Võ Nhai thành lập tôi hơi ngạc nhiên. Một huyện miền núi với đặc điểm địa lý khó khăn thế, mặt bằng dân trí có phần khiêm tốn thế, rất khó cho một hoạt động đặc thù. Tôi nghĩ người đứng mũi chịu sào của Hội ấy sẽ phải là người đam mê, kiên nhẫn lắm mới ghé vai gánh vác việc này. Cứ mong, có một dịp nào để trò chuyện với người đã gài “chiếc nan” đầu tiên ấy.

 

Tôi đã gặp Chủ tịch Hội VHNT huyện Võ Nhai Trần Xuân Thắng, đã ngồi nghe anh cùng những người đang gánh trọng trách Hội Văn học nghệ thuật các huyện trao đổi, trải cả gan ruột mình ra trong chương trình tập huấn công tác quản lý, duy trì hoạt động các Hội VHTN địa phương, do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại Võ Nhai. Biết tên anh đã lâu, nhìn ảnh anh qua mạng thấy mờ mờ. Khuôn mặt gầy. Mái tóc thì bạc trắng, hơi dựng càng làm gương mặt anh khắc khổ. Thông tin về anh có ngần ấy, nhưng khi gặp và nghe anh tâm sự, tôi thấy anh trầm tính, kiên định và chất chứa đầy tâm trạng. Anh phác cho tôi một lai lịch thế này: Anh quê gốc Hưng Yên, là giáo viên văn. Dạy học từ 1963 đến 1989 nghỉ hưu. Say mê văn học và đã là học viên khóa 9 Trường bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du. Đã xuất bản 3 tập thơ, 3 tập tiểu luận, 1 tiểu thuyết và 1 tập sưu tầm về biển đảo. Nghe sơ như thế, tôi đã nghĩ bụng, “thành quả cũng dày ra phết đấy, đừng có đùa”. Hỏi về việc xây dựng và duy trì công tác Hội VHNT Võ Nhai, câu dặn dò của anh dành cho tôi chứa đầy trăn trở bên trong: Khó khăn lắm! Quý viết thế nào thì viết nhé, để mọi người thấy bọn anh còn nhiều khó khăn lắm để mà ủng hộ đấy!

Anh chả dặn thì tôi cũng biết. Anh sợ sự liệt kê, tung hô trong khi còn bao nỗi khó trước mắt. Không phải chính quyền địa phương không ủng hộ. Không ủng hộ làm sao các anh làm được các việc như bây giờ. Cái khó là Hội Văn học nghệ thuật của huyện là một tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, nhà nước không phân bổ kinh phí mà chỉ hỗ trợ. Một thực tế là động vào các hoạt động gì cũng phải có tiền. Vận động thành lập Hội các anh cũng phải mất tới 4 năm (từ 2009 đến tháng 12/2013 mới đại hội), nhưng duy trì hoạt động của Hội còn khó khăn hơn nhiều. Anh đã vận động vài người cùng mình lặn lội đi Hải Dương, Lạng Sơn, Yên Bái để học hỏi kinh nghiệm, chưa kể nhiều lần xuống Hội VHNT tỉnh, Hội VHNT các huyện như Phổ Yên, Định Hóa để trao đổi, nắm bắt thêm. Ban đầu thành lập, Hội chỉ có 49 hội viên thuộc một Chi hội Văn học, đến nay đã có 227 hội viên ở 6 chi hội: thơ, văn xuôi, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, lý luận phê bình.

Việc phát triển hội viên như vậy là khá nhanh. Nghĩ đến đoạn đường các anh đi về các xã để phát triển các chi hội, có xã cách huyện hơn năm mươi cây số về phía tây như Thần Sa, Cúc Đường, Sảng Mộc, Nghinh Tường, phía đông gồm Tràng Xá, Liên Minh, Dân Tiến, Bình Long cũng hơn hai mươi cây số; đường đi đã xa lại nhiều đèo dốc, anh và những hội viên của Hội Võ Nhai phải đam mê lắm, hy sinh lắm mới giữ được Hội như bây giờ. Nói về kinh phí hoạt động, Trần Xuân Thắng cho biết, cả nhiệm kỳ chi ra gần 83 triệu đồng. Huyện hỗ trợ 29 triệu, hội viên đóng góp 11 triệu, còn gần 43 triệu anh đã ứng tiền cá nhân mình ra. Nghe anh nói, tự nhiên tôi lại liên tưởng đến những người có chức, có quyền thời gian qua đã bị sa vào pháp luật. Họ tham ô hàng trăm tỷ đồng, song vẫn lớn tiếng kêu gọi hãy chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, hãy biết hy sinh vì quê hương, đất nước. Mong ước có phần xa vời nảy ra trong ý nghĩ của tôi, giá như những tham ô lãng phí kia được dùng cho những mục đích tốt đẹp mà còn đầy thiếu thốn này thì tốt biết bao!

Nghĩ sâu xa thế, so sánh có phần khập khiễng thế mới thấy quí những việc làm của anh và các cộng sự trên hành trình đi tìm giá trị của chân - thiện - mỹ, với sự say mê đến quên mình. Tôi hiểu những suy tư của anh, bởi cái danh Chủ tịch Hội ấy có là gì, nếu không yêu không trọng văn học nghệ thuật, thì anh về với mảnh vườn, ao cá sẽ thanh thản, nhàn nhã hơn nhiều. Hội ra đời bao nhiêu năm, là bấy nhiêu thời gian Trần Xuân Thắng quên cả việc nhà mình. Đem “của nhà” đi lo việc Hội, dẫu những sản phẩm ấy anh chưa lan tỏa đi xa, nhưng với anh, nó là niềm đam mê, trước hết đủ cho anh bình yên, giữ sáng tâm hồn; sau nữa là món ăn tinh thần, là những hình ảnh, những cảm xúc chân thực gắn bó với mỗi con người, mỗi thôn làng trên quê hương Võ Nhai. Ý nghĩ ấy của anh, thật đáng để nhận về niềm kính trọng.

Thẳng thắn trao đổi, sẻ chia những vui - buồn, khó khăn, anh đã có những văn bản kiến nghị lên Huyện, rồi Hội VHNT tỉnh, Ban Tuyên giáo tỉnh…, cốt tìm ra mối gỡ cho hoạt động Hội địa phương. Hiểu và thương anh quá, hơn bảy mươi tuổi rồi mà còn phải loay hoay trình bày phòng này phòng kia để có chút tiền cho hoạt động Hội. Buồn, và có cả tủi thân chứ. Nhưng nếu anh mà nản lòng, thì Hội sẽ ra sao?

Trăn trở mãi rồi anh cũng tìm ra lối đi cho mình. Anh đẩy các hoạt động về cơ sở. Các xã sẽ có chính quyền trực tiếp lãnh đạo cùng các chi hội. Xã muốn đẩy đời sống tinh thần địa phương mình lên thì phải tìm cách có kinh phí mà hoạt động. Ở điểm này, anh có vẻ tâm đắc. Anh đưa tôi và mọi người mục sở thị ở xã Phú Thượng một chương trình sinh hoạt thường kỳ. Tôi đã nghe những bài thơ do hội viên sáng tác về chính mảnh đất quê mình. Rồi bình thơ, rồi những tiết mục ca hát xen kẽ chương trình. Tôi nhận thấy trong những bài thơ, lời bình, bài hát, điệu múa của những con người vừa rời bục giảng, vừa rời tay liềm, tay cuốc bước lên đây. Họ đang cho nhau, cho tôi một tình yêu, một nhiệt huyết, một niềm vui trong cuộc sống này. Các chị Kiên, Liên, Bổng, Niên, Nàng, Gia đều là những người làm ruộng ở tận Cúc Đường cách đây hơn năm mươi cây số, vậy mà vẫn đèo đàn, phóng xe máy lên đây trình diễn. Đàn hát xong bắt tay từng người rồi lại vội vã về khi trời đã cuối chiều. Tôi biết những con người ấy nếu không yêu Hội, không tin yêu vào người đứng đầu như Trần Xuân Thắng, sao họ có đủ nhiệt tình như thế.

Còn anh, nếu không yêu nghệ thuật, không trân trọng niềm đam mê của hội viên mình, làm sao anh trụ vững. Tạm biệt anh với một ngày trải nhiều cung bậc cảm xúc, tôi nhìn về phía trập trùng xa xanh kia, biết những nơi ấy còn ẩn giấu bao điều kỳ bí về thiên nhiên và con người nơi này. Tôi tin anh, người đứng đầu của Hội Văn học nghệ thuật Võ Nhai sẽ cùng các hội viên của mình đã và đang tìm ra hơi thở ấy trên những tác phẩm của họ. Tôi luôn mong có một dịp được trở lại nơi này, để lại được chuyện trò, được thấy những nụ cười rạng rỡ hơn.

PHẠM QUÝ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục