Ba người bạn lính
VNTN - Buồn, nhưng cứ phải nói ra, cứ phải viết lại, nếu không cho đến lúc già quá rồi vẫn không hết cắn cứa trong lòng. Đã là bạn của nhau mà không có cách gì, ít ra là gặp lại nhau mà hỏi han xem bạn mình đã sống ra sao trong ngần ấy năm trời sau cuộc chiến tranh mất còn. Ấy là tôi nói với bạn của tôi: Bạn lính.
Giống như những người lính trở về từ chiến trường chống Mỹ. Tôi cũng nằm trong số những cựu chiến binh hay xúc động vặt. Mỗi chuyến đi công tác, đi du lịch, hay vì lí do gì đấy mà qua miền Trung, miền Nam tới đâu là lũ trẻ chỉ ào đi kiếm chỗ nhậu, chỗ vui, đàn bà thì tìm mua đặc sản còn mình cứ lang thang mơ mẩn tìm về trận địa cũ, tên người tên làng cũ.
Có chiều, trên đường vào Tây Nguyên, nhìn hoa cúc quỳ vàng suộm ven đường, nhờ chú lái xe dừng lại, bẻ cành hoa rừng hắc mù cầm lên xe nước mắt cứ ứa ra, lũ trẻ cười ồ lên vì anh già lẩm cẩm. Trách làm sao được họ. Buồn vui là quyền của mỗi người. Họ vui mà mình buồn cũng là có lỗi cho cả đoàn. Vì thế, già rồi, có buồn ra chỗ khác mà suy tư. Ở đây còn ối chuyện khác phải bàn. Chuyện chứng khoán, sàn này sàn nọ, cổ phiếu của thằng nào mấy chấm. Dự án thằng nào được cấp vốn thằng nào chưa được cấp…
Mấy người bạn mà tôi kể dưới đây, không biết bây giờ có hiểu chứng khoán là gì không? Mà nếu có hiểu thì có làm được gì không? Chắc khó lắm. Ba khoán ngày xưa đã khó, đến khoán mười đã vất vả trầy vẩy thì những người lính như các anh làm chuyện chứng khoán cũng tội nghiệp lắm.
Người thứ nhất
Anh ấy tên Kim Bằng. Một cái tên nghe cũng nghệ sỹ. Mà quả thật anh ấy nhiều tài. Nguyên là thợ bậc 4 máy nổ nhà máy điện vùng cao, nhập ngũ cùng chúng tôi một ngày. Ấy là vào những ngày ác liệt của năm 1972. Tiểu đoàn tôi gồm sinh viên, giáo viên và cán bộ vùng gang thép. Chỉ sau mười ngày tập trung, tiểu đoàn tổ chức văn nghệ liên kết thi đua với địa phương. Đêm ấy anh Kim Bằng hát hay thế. Anh như nghệ sỹ thật ấy chứ. Về sau, khi có lần hát trong hội diễn sư đoàn ở Tây Nguyên tôi vẫn thấy anh hút hồn tôi bằng cái âm hưởng của người dân tộc vùng cao phía bắc, mà đã là chất dân tộc thì nó ngấm sâu và lâu lắm. Lạ, anh ấy 30 tuổi mà trông vẫn trẻ, lại là người xung phong nhập ngũ chứ không giống như tôi, tôi đi theo tiêu chuẩn gia đình chưa có ai nhập ngũ. Anh thì lớn tuổi, có người em đã đi B. Anh cười: Ai chả phải đi, đến chúng mày sắp tốt nghiệp đại học còn đi nữa là tao.
Ba tháng huấn luyện xong. Đêm chuẩn bị bắn đạn thật ở núi Hanh, Phú Bình, Bắc Thái (cũ) tôi và anh cùng đi gác trận địa. Đêm ấy mắc võng trên rừng bạch đàn gần anh. Tháng 11 heo may nhè nhẹ. Trời nhiều sao và sâu hun hút. Các nhà văn cứ bảo trời cao vút, nhưng chắc chưa có ông nào nằm ngửa giữa rừng nhìn trời vào ban đêm như cánh lính thời trận mạc chúng tôi. Theo lính thì trời sâu hun hút chứ chẳng anh nào nói là trời cao vút cả. Đêm ấy anh Bằng bảo với tôi thế.
Bốn cái võng cứ chùng xuống căng lên theo nhịp những chuyện đông chuyện tây, theo lập loè tàn thuốc. Ai cũng kể về quê, về mẹ cha, về lớp cũ. Anh Bằng nằm yên. Anh gợi chuyện mọi người còn anh thì không tham gia. Cứ im lặng, cứ thở dài. Khuya lắm, tự dưng anh ấy hát. Kì lạ không? Anh ấy hát “Trước ngày hội bắn”. Không ai lên tiếng. Rừng lặng im. Trời cũng lặng im, lành lạnh. Rồi anh ấy khóc. Sợ lắm. Hồi ấy anh ấy già hơn cả. Người già khóc sợ lắm. Nó cứ lờ lợ, đùng đục cả tâm hồn. Chúng tôi im, chúng tôi không dám hỏi gì nữa.
Hai tháng sau. Chúng tôi hành quân đến sông Bạc. Đêm ấy trăng sáng như ngọc đổ. Tiểu đoàn trú quân ở bãi khách gần sông. Cánh lính cơ quan cũng tỏ ra nghệ sỹ, tụ tập nhau ra bờ sông nằm trên đá nhìn trời, nhớ về miền Bắc bất chấp kỉ luật của binh trạm. Và, đêm trăng bên bờ sông Bạc ấy chúng tôi nghe anh kể chuyện về mình.
Sinh ở Nam Hà, học trung cấp cơ điện rồi về làm thợ máy nổ ở nhà máy. Đẹp trai, hát hay, vẽ tài. Anh luôn là tâm điểm chú ý của các cô gái thợ trong nhà máy xứ Thái này. Nhưng anh phải lòng cô gái người dân tộc, cháu ông giám đốc. Cô y tá mắt dài như lá bạch đàn, hát cũng hay mà múa cũng cừ. Gặp nhau, trai tài gái sắc, thế là nên vợ nên chồng. Có con rồi, họ vẫn là cặp song ca chính của nhà máy. Ai mà chả thầm ghen, thầm ước được như vợ chồng Kim Bằng. Cứ mỗi lần xem vợ chồng Kim Bằng song ca “Trước ngày hội bắn”, lũ thanh niên trẻ nuốt nước bọt, cổ họng chạy lên chạy xuống. Nghề của anh trực máy nổ, nên hay đi ca 3. Một đêm vừa đi làm, trời sắp đổ mưa to. Nhờ người trực, anh chạy quay về lấy áo mưa. Gọi mãi, đẩy mạnh cửa vào Bằng gặp ngay cảnh tượng hãi hùng. Một chàng thanh niên bò trên giường vợ mình nhẩy xuống. Anh Bằng nhận ra chàng y sĩ nhà máy và kịp tống vào quai hàm kẻ tình địch đòn trời giáng. Thằng ấy không đổ, chạy mất. Đêm ấy anh Bằng sụp đổ. Những ngày sau càng sụp đổ hơn, vì vợ anh không những không sợ mà còn thách thức anh, nếu anh bỏ cô ta anh sẽ bị nghỉ việc. Uất ức hơn nữa, chính giám đốc nhà máy gọi anh lên đánh tiếng doạ dẫm, không được làm ảnh hưởng tới uy tín đảng viên, vì anh y sĩ nọ là đảng viên, còn Bằng thì vẫn đang là quần chúng.Vậy ra, anh chẳng là gì hết, không có quyền giữ được vợ vì anh chưa phải là người “đồng chí”, anh không phải là cán bộ. Suốt mấy tháng trời, nghẹn ngào nhìn kẻ tình địch hằn học mà không làm gì được. Sống trằn trọc trong ý nghĩ mình vẫn chưa phải là cán bộ, đảng viên thì không trả thù được kẻ xấu kia.Và, anh quyết tâm phải phấn đấu trở thành đảng viên, phải trở thành cán bộ, để trả thù. Anh xung phong nhập ngũ. Con đường nguy hiểm nhưng cũng nhanh nhất để trưởng thành, để trở về nơi anh nung nấu sự đời. Con sông Bạc về đêm chảy vắt vẻo trên từng vạt đá, trăng cuối năm leo lẻo trong. Vài chùm pháo sáng ẻo lả như mảnh sao sa cuối trời nhạt nhẽo. Nằm nghe anh kể mà cái lạnh cứ chạy từ xương sống dần lên đỉnh đầu. Chao ôi, anh ấy liều thế ư? Thảo nào anh ấy phấn đấu như điên, chỉ còn biết dồn sức cho ý nghĩ duy nhất, phải nhanh được vào chiến đấu, phải trở thành dũng sĩ, phải lập được chiến công.
Vào chiến trường Tây Nguyên, tôi và anh lại được về cùng trung đoàn. Đợt ấy, những giáo viên phổ thông, những thợ máy được bố trí về những đơn vị trực thuộc. Anh Bằng thì không, anh xin về bộ binh. Về Tiểu đoàn 7, rồi lại xin về đại đội chủ công. Khỏi phải nói đến những nỗi vất vả của đai đội chủ công bấy giờ. Chốt giữ, phục kích, đánh giao thông, đánh cứ điểm. Cứ chỗ nào ác liệt là chủ công có mặt. Mà anh Bằng là tiểu đội trưởng mũi nhọn. Những tháng ngày sau kí kết 1973, kẻ địch thường xuyên phá hoại hiệp định bằng những cuộc hành quân lấn chiếm. Tiểu đoàn 7 là tiểu đoàn liên tục tác chiến. Mùa mưa Tây Nguyên sao mà khủng khiếp thế. Đánh trận cũng khổ mà ở chốt cũng cực. Đến anh nào yếu ốm ở kiềng tăng gia cũng nhọc nhằn không kém. Những trận đánh đường 15, đường 5A, 5B, làng Dit, Lệ Ngọc đã khiến kẻ thù phải lùi lại và chấp hành hiệp định. Chỉ sau mấy tháng chiến đấu. Tôi gặp lại anh Bằng. Trông anh già nhiều quá, nhưng mắt sáng và anh rắn đanh lại. Ấy là ở hội nghị những trận đánh hay những người đánh giỏi toàn trung đoàn. Anh ôm chầm lấy tôi và khoe, tao kết nạp rồi, hai huân chương, có thư khen về cơ quan rồi, mày thế nào? Tao phải trở về… phải trở về. Thoáng vui mà anh bỗng chùng xuống, con mắt đờ dại đi... Miệng lẩm bẩm ngoài ấy bây giờ... thế nào nhỉ...
Và cũng chỉ sau 2 tháng tôi và anh lại gặp nhau. Nhưng gặp ở viện trung đoàn. Mùa mưa thối trời thối đất khiến lính sốt rét quá nhiều. Đã có vài thằng bạn người thành phố ác tính mà đi ra rừng Lồ ô nằm rồi. Tôi với anh Bằng lại được ở cùng một lán. Thật đã quá, bạn cũ ở với nhau vừa dễ chuỵện, vừa dễ ca cóng. Mưa ác lắm, nước suối sôi ùng ục. Lá rừng gục xuống dính nát vào nhau. Cái ăn chỉ là cá khô nấu lá chua. Có tý rá đậu nhường cho thằng ốm nặng và thương binh. Những thằng sốt rét thì tự vào rừng kiếm bất kì cái gì có thể ăn được. Tôi khoác áo mưa đi đào măng. Mão lùn người Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình đi lật đá tìm cua. Anh Bằng nói, để tao đi đánh cá. Anh móc túi cóc đếm ra 10 cái kíp số 8 màu đồng đỏ. Chuyện này thường. Vì bộ binh ai chả đánh bộc phá. Nhưng nước suối to đánh kíp ăn nhằm gì. Biết vậy nhưng không được gàn, sợ xui xẻo. Chiều. Mưa day dả. Tôi chui về lán trước giờ tiêm của viện. Mão lùn về từ bao giờ đang mân mê 4 con cua chiến thắng. Anh Bằng chưa về. Tự nhiên buồn thế. Hai thằng sốt nặng rên hừ hừ, nôn oẹ, rồi khóc. Rừng thâm như màu mắm tôm. Bỗng nhốn nháo từ phía phòng khám chân đồi. Anh Bằng lao vào hu hu khóc. Luân ơi tao bị rồi, tao bị nát bàn tay rồi, khốn nạn không, ôi trời ơi, hết rồi... Bọn tôi lao tới lau mặt lau cổ đầy máu. Bàn tay tơ tướp, những ngón tay toe toét như ngọn măng bóc dở, đỏ ngòm máu. Quân y lao xuống. Băng bó. Lấy lời khai, tìm hiểu tình trạng gặp nạn. Mấy ông cán bộ viện nhăn nhó vì để xẩy ra hiện tượng thương vong trong bệnh viện. Đêm nặng nề. Đạn đại bác phía Hàm Rồng táng về ùa với mưa rừng tê tái. Bằng áp mặt vào vách hầm mắt mở trừng trừng. Tôi nghĩ anh ấy buồn vì khó có cơ hội trở về đơn vị chiến đấu. Anh ấy máu đánh giặc mà.
Trời đất ạ, buộc cả 10 cái kíp số 8 làm một chùm giật nụ xoè, chùm kíp mắc ở bàn tay nổ đồng loạt bàn tay phải như có hàng ngàn mũi dao nhỏ dóc thịt ra. Bây giờ trông cuộn băng to như cái chổi trên tay anh mà thương. Măt xám đen khói thuốc, rửa không sạch trông càng thảm hại. Sáng hôm sau, anh được gọi lên gặp quân pháp làm việc. Sao lại làm việc với quân pháp nhỉ? Anh đi liêu xiêu, mặt cúi xuống từng bậc đất nhấp nhính bùn, dặt dẹo. Cả lán bó gối nín thở chờ anh về. Chẳng ai buồn ca cóng. Mấy con cua của Mão lùn cũng nằm im dưới gậm sàn chân co quắp. Bâng khuâng nhớ những ngày cùng đại đội ngoài Bắc. Liệu anh có lành lặn mà về không? Cuộc chiến đấu cho ngày trở về của anh sẽ sứt mẻ thế nào đây...
Gần trưa anh về. Con người Bằng bây giờ khác hẳn. Xụp xuống, khóc như trẻ nhỏ. Cả lán hai thằng què ba thằng sốt rét túm vào an ủi anh. Anh bưng mặt. Hết rồi, chấm dứt rồi, sạch sẽ hết mọi thứ rồi... ối cha mẹ ơi. Anh cứ hưng hức khóc hồi lâu, rồi ngẩng lên nhờ tôi cởi ba lô lấy ra cuốn sổ chép bài hát và bảo, mày cầm lấy mà dùng. Tao không cần nữa. Thì ra, anh ấy tự thương. Chao ôi, anh Bằng tự thương! Nghĩ mà không tin được. Anh ấy có hèn nhát gì đâu, tấm gương chiến đấu viết trên tờ tin trung đoàn hôm nào vẫn còn đây. Thế mà...
Ngày ấy chuyện tự thương ở chiến trường là nghiêm trọng lắm. Nhìn vết thương là người ta biết ngay thôi. Nhưng anh Bằng tự thương thì chỉ tôi biết vì sao. Tôi im lặng.
Anh lầm rồi anh Bằng ơi. Máu của chúng ta đổ đâu chỉ vì cái sự tầm thường ấy!
Tới giờ mấy chục năm không biết anh cư ngụ nơi nào. Ai giúp anh trả món nợ đời kia?
Chuyện người bạn thứ hai
Sau cái đận ở viện với anh Kim Bằng là tôi lại về D8. Cũng đại đội chủ công. Tôi về A3, B1. Khi tôi đi viện, A trưởng là cậu Phụng, tôi A phó. Bây giờ về, Phụng đã đi học “Quân chính Rừng Soài” ngoài Đức Cơ. Phụ trách tiểu đội là cậu Nhớn. Vũ Văn Nhớn. Nhớn khoẻ lắm. Bắn RPD kẹp nách. Cánh bộ binh chúng tôi ngại nhất là ôm khẩu súng trung liên này. Nặng, kềnh càng, dễ lộ. Và chẳng dùng bắn thú rừng bất chợt như anh AK. Nhưng với Nhớn thì ngon. Trong ba lô lúc nào cậu ta cũng có một lưỡi cưa Pôzô cuộn tròn lại. Dừng chân đào hầm thì phải biết. Nhớn làm bằng hai lính. Chỉ cần 5 phút là hắn ta làm xong một cái điếu cày. Nhớn đen. Bắp chân, bắp tay lão nông chi điền. Chàng trai đất lúa Hưng Nhân, Thái Bình nhập ngũ trước tôi 1 năm.
Đại đội ngán hắn vì hắn chửi tuốt. Chửi những anh cán bộ hoặc lính tráng nào nhát gan hay lười biếng. Đánh mấy mùa rồi vẫn chưa vào Đảng. Chi bộ ngại và rất khó chấp nhận cái anh hay chửi đảng viên này. Ai đời, dám bảo B trưởng: mày không làm được B trưởng thì xuống tao làm cho. Tất nhiên Nhớn không thể tự động mà lên B trưởng được. Bây giờ hắn làm A trưởng của tôi. Khổ cho tôi, chiều hôm về đại đội, thì tối đó đại đội thông báo tôi phụ trách A3. Nghĩa là Nhớn mất chức. Ở cuộc họp Trung đội về, Nhớn hầm hầm, một tay xách khẩu RPD quăng cái uỵch trước mặt tôi, đòi đổi lấy khẩu AK của tôi. Mày A trưởng thì ôm lấy mà bắn. Phải đổi thôi, kẻo có chuyện không hay. Đêm ấy, có lệnh mỗi A cử 2 người đi lấy gạo. Không nhẽ lại cử người khác, nên tôi nói: tôi và một người nào đó, lấy tinh thần xung phong. Im lặng. Nhớn gườm gườm nhìn tôi: Cử ai thì cử mẹ đi, lại còn xung phong.. để đấy tao đi. Thế là 2 thằng ra đi cùng với 8 người khác. Để mang thêm được nhiều gạo, tôi chỉ cho mang một khẩu súng và 2 lựu đạn. Tôi vẫn khoác khẩu AK báng gấp của mình lên vai. Đường đi lấy gạo chừng 2 tiếng đồng hồ. Lúc đi bình yên, nhưng lúc về mới có chuyện. Bắt đầu là bọn thám báo, bọn này cũng thần hồn nát thần tính, nên vừa gặp tốp đi đầu đã vội vàng nổ súng. Cả bọn 10 thằng dưới sự chỉ huy của b trưởng B3 lăn vào bụi, rồi gỡ ba lô gạo ngay tức khắc nổ súng. Vì tự ái, và cũng muốn xem A trưởng mới là tôi thế nào nên Nhớn vẫn chỉ đeo gạo mà không tự nguyện mang súng nên lúc này cu cậu nằm sau bao gạo tay lăm lăm lựu đạn. Tôi nhảy chồm ra đường nổ một loạt Ak về phía mấy bóng đen sột soạt đang chạy. Cả đoàn lấy gạo thành một trung đội truy kích. Bọn thám báo chạy thục mạng. Chẳng biết có chết đứa nào không nhưng bên ta thì vô sự. Chúng tôi cắm cúi đi. Chừng 20 phút sau, cả bọn muốn nghỉ lại bờ suối. B trưởng còn đang lưỡng lự thì tôi đề nghị: không nên nghỉ, địch sẽ phán đoán sau khi quân ta đi tiếp sẽ nghỉ ở tại khúc suối này và sẽ cho pháo bắn. Nhớn gằm ghè, cho là tôi vẽ chuyện. B trưởng yêu cầu đi nhanh ra khỏi đoạn có con suối. Thật may, chạy qua khu rừng ấy chừng 15 phút thì pháo bắn. Lúc đầu còn vài ba quả, rồi thì cấp tập. Chúng tôi nằm rạp chúi đầu vào những gốc cây to. Cả khu rừng ven suối ban nãy chịu trận pháo chừng 20 phút rồi im lặng. Trong đêm không thấy Nhớn nói gì. Thỉnh thoảng thở dài. Đêm ấy, Nhớn chui vào hầm nằm cùng tôi.
Rồi những ngày tháng sau đó, tiểu đội tôi luôn là tiểu đội cứng của đại đội. Dần dà biết tôi xuất thân con nhà làm ruộng Nhớn thích lắm. Tôi hỏi sao không thấy mày có thư nhà vào? Nhớn buồn buồn, tao có biết viết thư về đâu mà nhà biết để mà viết. Thì ra Nhớn chưa biết chữ. Từ hôm ấy tôi cứ thấy mình là người có lỗi với cậu ấy. Những ngày này mặt trận B3 đói quay quắt. Ai xuất kích thì hôm ấy được 6 lạng gạo một ngày. Ốm đau, ở nhà thì ăn 2 lạng. Đánh nhau suốt ngày đêm 2 nắm cơm bằng quả cam cũng phải ăn theo mệnh lệnh. Một đêm mưa, tôi sờ không thấy Nhớn đâu, hoảng hồn ngồi dậy, nhưng không dám báo trung đội vì tôi nghĩ Nhớn không thể đảo ngũ. Nửa giờ sau nó về, ướt như dê con vừa lọt lòng. Nhớn nhét vào tay tôi 2 bắp ngô non ướt dượt. Tôi và Nhớn ăn ngấu nghiến. Thơm làm sao, ngọt làm sao thứ ngô cao nguyên ấy. Tôi biết, cậu ta tranh thủ mưa to ra nương đồng bào lấy trộm ngô non cho tôi, vì hai hôm rồi tôi sốt chẳng có gì bồi dưỡng. Đêm, pháo bắn từ Plâycu đoành đoạch. Không gian nhớp nháp bùn và muỗi. Nhớn ôm tôi và thì thầm kể chuyện đơm đo, đánh lờ thả cụp ở quê.
Tôi và Nhớn học với nhau. Một tháng cậu ta viết được thư về cho mẹ. Chữ nguệch chữ ngoạc nhưng cũng được mươi dòng. Suốt mùa mưa năm 73, 74 đánh địch ở tây Plâycu chúng tôi theo nhau. Trận đánh nào Nhớn cũng chăm chú lấy về cho tôi nhiều thứ. Theo hắn ta, cứ cái gì có chữ là mang về cho thằng Luân. Chính vì thế, đánh đồi 30, nó mang về cả một mớ tạp chí Tiền phong của địch, suýt nữa tôi và tiểu đội bị kỉ luật vì cái thứ tạp chí bậy bạ ấy. Nhưng thú vị nhất là hôm đánh vào ấp Thánh Giáo, hắn mò đâu ra một cây ghi ta. Trên đường về pháo địch rót chặn đường. Lính ta chạy thục mạng mà chàng Nhớn nhất định không vứt cây đàn. Lăn bên này, rúc bên kia, chui thí cố vào bụi cây, đàn kêu lửng phửng ghê hết cả người. Kệ, hắn cứ khư khư thứ nhạc cụ bác học này về tới kiềng và chỉ còn có 2 dây. Oách chưa, cả đại đội có mỗi tôi và Nhớn chơi đàn và hát cho nhau nghe. Vốn liếng nhạc lí của tôi chỉ 15 phút trổ tài là hết. Mò mẫm rồi tôi mổ cò và độc ca bài “Bài ca năm tấn”, thế mà hắn khóc mới tài chứ lị. Tôi hỏi: tao hát hay hả? Nhớn bảo, tao thấy nhớ bà chị tao trong trại chăn nuôi ở xã cũng hay hát bài này. Tôi không buồn dù hắn không khen tôi, nhưng cũng thấy mình có ích giúp cho bạn nhớ chị là được rồi.
Cuộc chiến tranh đưa tôi và Nhớn đến tận Sài gòn. Cây đàn của Nhớn phải bỏ lại lúc hành quân lật cánh về hướng Ban Mê Thuột. Nhưng đến lúc ấy thì tôi đã viết được bài hát Đi dưới cờ Quyết thắng cho trung đoàn 64 của tôi rồi. Những ngày ở Gia Định tôi không cùng đại đội với Nhớn nữa. Tôi về làm Tiểu đội trưởng trinh sát trên tiểu đoàn từ trận đánh Củng Sơn. 2/5/75 tôi xuống đơn vị. Tiểu đội hi sinh hết chỉ còn Nhớn là lính cũ. Buồn vui lẫn lộn. Chúng tôi khoe nhau những vật kỉ niêm trên đường đánh giặc. Tôi cho hắn cái đồng hồ có con cánh cam xoè cánh. Hắn lắc đầu, chả cần. Đồng hồ gì mà lại dây đeo vào cổ, nhùng nhằng bỏ mẹ. Rồi hắn khoe tôi, hắn có cái cattset. Tôi hỏi đâu? loại gì? Nó bảo, chả biết, thấy thằng Duyên thông tin bảo là cat set tao cố mang về cho mẹ tao nghe. Nhẹ nhàng cẩn trọng giở bốn lượt giấy báo gói buộc khủng khiếp ra, trước mắt tôi hoá ra là chiếc bếp điện lò so. Tôi cười phá lên, giải thích cho Nhớn thủng. Mặt nó đỏ găng lên, nó lao lên tiểu đội thông tin tìm thằng Duyên để nện một trận. May thằng Duyên đi công tác Tân Phú Trung chưa về. Nhét vào cóc ba lô hắn lọ dầu cá mà tôi vớ được hôm đánh Phú Yên, tôi dặn mang về cho mẹ để mẹ tỏng mắt. Nhớn cười, cái cười như mếu. Sao lúc ấy trông nó già thế?
Tôi về, cuối tháng mười năm ấy. Trời Đồng Dù xanh veo vào buổi sáng và mưa rào buổi chiều. Cánh sinh viên chúng tôi từ các trường đại học ra đi thì người ta lại trả về đại học. Chia tay với đơn vị cũ. Buồn cứ như chấu cắn. Thằng ở lại nhớ thằng ra về, mà thương phận mình. Thằng về thương thằng ở lại, ái ngại bởi những người chiến tích nhiều hơn mình mà vẫn chả được ra. Nhớn đút vào tay tôi 2 đồng (tiền mới đổi), bảo ra ngoài ấy mua giấy bút mà đi học. Nó khóc. Ô cái ông Lỗ Trí Thâm của đại đội mà lại khóc. Tôi nhìn nó nấp sau cổng tiểu đoàn, nó sợ, chia tay tôi nó không chịu nổi. Chẳng biết có phải vậy không, hay nó tủi thân nhỉ?
Hẹn với nhau, thế mà hơn ba mươi năm nay tôi đã tìm về quê Nhớn đâu. Cứ tự cho là mình bận học, bận công tác, bận làm cán bộ. Khốn nạn, cán bộ gì cho cam, làm cái anh bán sắt và buôn vật liệu xây dựng ở Hà Nội chúi mũi kiếm tiền, rảnh thì nhậu nhẹt. Nay nhớ đến bạn thì già cả rồi, lại viện lí do sức khoẻ.
Nhớn tha lỗi cho tôi không?
Chuyện người bạn thứ ba
Cuối năm 74. Chuẩn bị vào chiến dịch lớn, cả chiến trường háo hức, nôn nao. Thôi thì đủ thứ phỏng đoán. Nào đi sâu, nào rút ra cao nguyên Pôlôven, rồi lại có tin vào B2. Đi đâu thì đi. Chỗ nào chả là lính, mà là lính thì chỗ nào chả đánh nhau. Nghĩ cho mệt. Tuy vậy, khi thấy tiểu đoàn thông báo rút tôi lên trinh sát thì cũng hơi lấn cấn. Lên trinh sát ác liệt nguy hiểm nhưng thoả trí tung hoành. Ở lại cũng tốt, mà ở lại sẽ lên thay B trưởng để anh Luật lên C phó. Nhưng mãi tới khi bạn tôi, Mạnh Tiêu A trưởng bị thương què cẳng ở trận Củng Sơn thì tôi đành vác ba lô về trinh sát. Ngay chiều hôm đầu tiên về nhận chức A trưởng ở hang đá Hòn Một, tôi gặp Minh. Chẳng xa lạ gì nhau cả. Tôi biết Minh từ hồi Minh làm tiểu đội trưởng cảnh vệ trên trung đoàn. Nó ỉ eo xin xỏ về đơn vị chiến đấu từ đầu 74. Cú gặp nhau với Minh là từ năm 73 cơ. Hồi ấy, có thời gian tôi lên ban tuyên huấn trung đoàn 2 tháng viết chèo cho đội tuyên văn. Các ban từ tham mưu, chính trị, hậu cần đều phải lo tăng gia tự túc lương thực. Người đi tăng gia thường là lính tẩy hoặc mấy anh trợ lí le ve. Tôi là lao động không biên chế, thật là tiện lợi cho quí ban. Tôi sang bắc đường 19. Vừa tăng gia vừa viết chèo, nhất cử lưỡng tiện. Một buổi trưa, có lệnh của chủ nhiệm chính trị tôi về nam đường nhận nhiệm vụ gấp. Sau này tôi mới biết đó là về sở chỉ huy phụ trách việc làm riêng một cái nhà đón tiếp mấy thím văn công. Khiếp chưa, văn công khu năm dám xuống tận đơn vị tác chiến, mà nghe toàn ca sĩ oách. Oách thật đấy, trong đó có cô ca sĩ Trà My rất xinh đẹp và hát hay (sau này chả biết đi đâu).
Vì là cán bộ của ban đi công tác nên phải có một vệ binh đi cùn (mãi về sau tôi biết chủ nhiệm chính trị quí tôi nên mới cho cái ân huệ ấy). Khi tôi lên, anh lính cao to, da trắng, tóc xoăn đứng chờ. Hắn nói rõ to. Tôi, chiến sĩ Nguyễn Minh nhận nhiệm vụ bảo vệ đồng chí, xin mời đi theo tôi. Ngại quá, mình là lính chứ thủ trưởng đâu kia chứ, tôi cố giải thích cho hắn nghe. Hắn tỉnh khô, tôi chỉ nhận lệnh đưa thủ trưởng đi công tác chứ không nhận lệnh đưa lính đi công tác bao giờ. Vì vậy đồng chí đi sau tôi 10 mét. Gặp địch, tôi đánh đồng chí nấp đằng sau. Cay mũi quá, tôi bảo này ông, tôi ở tiểu đoàn 8 đấy, ở chốt Chư Krônkrang về đấy. Hắn quay nhìn tôi rất nhanh, cái nhìn dịu hơn tí chút. Chiều tối, nghỉ ở suối Ialeo. Hai đứa cắm chạc đốt lửa ca cóng. Ngồi ăn, thò hai chân xuống suối hắn hỏi, ông lính đợt nào? Tôi cho biết lính sinh viên. Mắt hắn sáng lên, tuyệt quá, tôi thích bọn ông lắm. Kì lạ thật, mấy ông cán bộ thì ngán mấy thằng nhiều chữ hay lí sự, còn thằng cha này lại khoái tụi công tử sao? Hắn giải thích, có văn hoá đánh đấm vẫn khác hơn. Câu nói của hắn sau này tôi mới hiểu hết ý nghĩa cả đen lẫn bóng của nó.
Thế rồi thi thoảng hai thằng vẫn gặp nhau trong những lần tác chiến. Minh dẫn đường cho tụi bộ binh chúng tôi nhiều lần. Lần nào đi đánh cùng nhau hắn cũng ném cho tôi bao thuốc chiến lợi phẩm mà tụi trinh sát thường ăn mảnh được. Đêm nay là đêm đầu tiên hai đứa cùng đi với nhau. Tôi là tiểu đội trưởng, Minh dưới sự chỉ huy của tôi. Phía đường số 1, địch căng ra nhiều chốt chặn. Chiến xa chạy ngược chạy xuôi ầm ầm, bắn đổ đạn vào khu rừng chúng tôi náu quân. Chiều đỏ ối, gió biển Tuy Hoà mát rười rượi. Hai đứa nửa nằm nửa ngồi trên tảng đá phẳng nghiêng như mái nhà. Nó bảo: đêm nay bò đường 1 đoạn cầu Bàn Thạch nhiều mìn lắm. Tôi ừ. Minh lại tiếp, mày để tao bò trước, mày bò sau. Sao lại thế? Tôi bẳn giọng. Nó ngập ngừng.. rồi nói rất nhỏ, tao mới học lớp 9 còn mày đã học lớp 13, 14 mày chết thì phí hơn tao. Ô hay, nó cho sự phí phạm mạng người đơn giản thế sao. Tôi quay mặt sang nó. Minh cúi đầu, nhìn con chuồn chuồn vô tư đậu trên mép đá. Dáng điển trai lãng tử mất biến chỉ còn khuôn mặt thằng đàn ông ngây ngô trong chiều tối trước khi đi vào chỗ chết.
Suốt đêm bám địch, lội ì õm dưới đồng lầy. Người nhão ra, đói, khát thèm hút thuốc. Mấy chú du kích dẫn đường, chắc lần đầu ra trận hồi hộp nên cổ họng chỉ muốn ho. Ho bây giờ thì chết. Lấy tay chẹt ngang cổ mà họng mấy thằng cứ muốn toé ra. Minh cúi xuống vê cục đất tròn như viên bi đưa cho chú du kích thì thầm, đấy là thuốc chống ho của trinh sát. Quả hiệu nghiệm, từ ấy trở đi cơn ho của anh chàng du kích tắt hẳn. Hôm giải phóng Tuy Hoà, mấy đứa con gái trong tiểu đoàn Phú Yên cứ túm lấy Minh hỏi xin thuốc chống ho. Giải phóng xong Phú Yên, đơn vị tôi quay lại đường 7 đón xe đi chiến dịch Sai Gòn. Suốt con đường hãi hùng còn bao cảnh tượng đau thương mà bút mực đều bất lực tái tả. Tôi thấy Minh khóc nhiều lần khi nhìn dàn dạt xác người dân chết dọc sông dọc suối. Những lúc ấy, nó không còn là thằng Minh của những đêm bám địch luồn sâu. Nó yếu đuối như chàng công tử chưa biết chiến tranh là gì.
Trận đánh cuối cùng mà chúng tôi bên nhau là trận đánh mở đường vào Sài Gòn ngày 29/4 ở cầu Bông. Mấy đêm trước, tôi và Minh cùng Ngô Thịnh bò 2 lần vào đồn Tân Phú Trung để xác định hướng bắn cho hoả lực tiểu đoàn, rồi lại bò cầu Bông với trinh sát của E198. Ngày hôm sau, bộ binh đánh từ sáng sớm tới gần trưa vẫn không vào được đồn ấp Chợ. Hoả lực trống trải không ngóc lên mà phát huy tác dụng. Mặc dù không phải nhiệm vụ của mình, nó lao ra trận địa 12,7 li nâng khẩu súng của một tử sĩ vừa gục xuống bắn xối xả. Vừa bắn vừa la to, xông lên nhanh lên, vừa chửi những thằng nhát gan nằm bẹp dưới ruộng. Rồi hu hu khóc gỡ tay người bạn đã chết bên khẩu súng nóng bỏng. 30/4/1975, cái ngày huy hoàng của bọn tôi ở Sài Gòn, tiểu đội lạc mất Minh. Nó đâu có lạc. Nó một mình một súng chui vào dinh Độc Lập từ lúc xe tăng ta lao vào cổng. Kệ, mọi chuyện sảy ra xung quanh, nó chui lên mò xuống mọi xó xỉnh rồi ra bến Bạch Đằng. Đêm 30/4 phải đến 11 giờ nó mới tìm về tiểu đội. Nó bảo nó đưa hết những gói lương khô cho đám tàn binh. Nó còn kiếm được cả tiền Trần Hưng Đạo, nó cũng cho bọn ấy để tìm đường về quê. Hắn trầm ngâm, chúng nó cũng tội. Cái thằng đánh nhau thì ác liệt thế mà lại thương hại kẻ thù. Tôi băn khoăn, hay nó hữu khuynh tư tưởng.
Rồi những ngày huy hoàng trôi nhanh. Cả tôi và nó đều thay đổi đơn vị. Minh về làm B trưởng bộ binh. Tôi lên trung đoàn viết lách chừng 3 tháng rồi ra Bắc. Trước khi đi, tôi về đại đội thăm nó, nó cười khanh khách chạy ra hàng rào nhặt vào cái túi mìn clêmo đầy đất. Nó phủi đất nhăn nhở, tặng mày, mày về đeo đi học (nó coi mình học đại học giống như trường làng chắc?). Thế mà cái túi ấy bây giờ trở thành vật xót lại duy nhất của tôi về những ngày chiến đấu. Vài năm sau khi chia tay nhau, Minh lại bị thương ở chiến trường Tây Nam. Nghe nói Minh ra quân với một bộ răng giả.
Cho tới 25 năm sau, một buổi chiều run rủi, nó tìm đến tôi. Bảo vệ cơ quan vào báo cho tôi có ông lái xe tải nào đó cứ đòi gặp chú để thanh toán. Quái lạ, việc thanh toán là của kế toán sao lại đòi gặp tôi. Chắc có gì khuất tất mắc mớ đây. Minh vào, đứng lừng lững, trân trố nhìn tôi rồi lắc đầu: mày gầy quá, khổ quá hả. Hai đứa nghẹn ngào sau bao năm xa cách, rồi nó rút ra cái ống nhòm Mỹ cũ rích. Tao trả lại mày, tao lấy của mày từ hồi 75 bây giờ trả về chủ cũ. Trời ơi, hoá ra nó bảo thanh toán là thanh toán cái ống nhòm mà nó đã lấy của tôi từ hồi tôi rời trinh sát lên trung đoàn. Nó còn bảo, ngày mai nó đi Thanh Hoá. Đi để thanh toán mấy thứ còn nợ mấy thằng quê ở Thạch Thành. Nợ đời thì nhiều lắm mày ơi, trả bao giờ hết. Mình bảo trả được bao nhiêu cố mà trả. Chỉ có nợ những thằng chết thì mới không trả không đền được thôi còn thì trả được cả đấy. Đừng có ăn quỵt cuộc đời mày ạ.
Chắc Minh nói đúng. Với bạn bè đã hi sinh thì không trả nợ được, còn thì tôi ăn quỵt bạn tôi nhiều.
Truyện kí. Nguyễn Trọng Luân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...