Bà già đi lạc…
Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang
Lúc ông già đang cột lên yên xe mấy bó lá dong được đặt mua tận vườn thì chuông điện thoại reo. Thằng nhỏ gọi nói gì đó, chỉ thấy ông ậm ừ, rút tiền trả cho chủ vườn rồi thong thả đạp xe về. Thằng nhỏ ngồi ở gian giữa nó hỏi ông sao giờ này còn có tâm trạng ngồi cọ lá dong? Rằng mẹ nó đã bỏ đi sang ngày thứ ba rồi không thấy về nhà cũng không cách nào liên lạc được. Một người đàn bà không họ hàng thân thích, không chỗ nào để trú chân thì hỏi có thể đi đâu? Chuyện mẹ nó cứ giận dỗi là bỏ đi lang thang thực ra không lạ. Nhưng thường thì chỉ đi vài tiếng, quá lắm thì đi từ sáng đến tối mịt là đã thấy cặm cụi nhóm bếp ở nhà. Đằng này mấy hôm nay tro tàn nguội lạnh, người đi không thấy trở về. Thằng nhỏ sau khi đi tìm khắp huyện đảo, ngược xuôi xuống bến phà mấy vòng thì phờ phạc trở về nhà hỏi “ba đã nói gì khiến mẹ giận bỏ đi?”. Hỏi thế thôi chứ nó thừa biết ông chẳng nói gì, bà già ấy như kiểu sinh ra đã mắc sẵn bệnh buồn tình mãn tính. Không cơn cớ gì cũng buồn, ngay cả lúc người ta tưởng chừng như bà đang hạnh phúc nhất nhưng thực ra trong đầu đã nảy nở sẵn ý nghĩ đi hoang. Nên giờ ngồi ngó cái dáng lòng khòng đang cọ đám lá dong xanh, thằng nhỏ nghĩ chắc ông cũng như mình, tin là bà già đi lạc.
Minh hoạ: Hoàng Báu
Làng xóm được thể nhốn nháo, họ hỏi khi đi bà có dặn dò hay nói gở điều gì? Có mang theo nhiều tiền hay không? Đã tìm quanh nhà xem có thư từ gì để lại? Họ nghĩ ra đủ thứ hiểm họa có thể xảy đến với bà già đã ngoài sáu mươi. Hay là bà già đi đâu đó chơi? Đi thăm một người quen nào đó ở xa chẳng hạn? Họ bảo thằng nhỏ thử cố nhớ xem bà già có hay nhắc đến một người nào đó hay một nơi nào đó hay không? Nhưng thằng nhỏ đưa mắt nhìn ông già, nó cứ quả quyết với thiên hạ rằng mẹ mình chỉ đi lạc mà thôi. Người ta quay ra hỏi nhau “hơn sáu mươi tuổi rồi không lẽ nào còn đi lạc?”. Mà bà già đó có bao giờ đi đâu ra khỏi cái huyện đảo này. Có muốn đi cũng phải qua phà, mà ông lái phà đã quả quyết rằng suốt mấy hôm nay chỉ có nam nữ thanh niên vào thành phố sắm tết chứ không thấy bà già nào bước lên phà trong cái giá rét căm căm của biển.
Ngay lập tức người ta phát lên đài phát thanh huyện đảo thông báo tìm vợ lạc. Một bà già đầu óc tỉnh táo, hàng ngày còn thích ngồi co chân lên chõng tre mách nước cờ cho chồng hạ gục thằng con. Mấy hôm trước còn xức dầu thơm ngồi xem ti vi truyền hình trực tiếp cuộc thi hoa hậu, bà ngoảnh sang bảo ông già “hoa hậu cỡ này còn chả đẹp bằng tôi hồi ấy”. Trước hôm bỏ đi có trận đấu bóng ở sân nhà, thua đau thua đớn mà bà vẫn ngồi xem từ đầu đến cuối với ông. Sáng đó bà xách làn đi chợ còn dặn ông ở nhà nhớ bổ nốt đống củi sau vườn đón thêm trận nắng mới kịp khô mà nấu bánh chưng. Nghe xong bản thông báo người ta ngẩn người thắc mắc sao không thấy nói họ tên bà ấy? Khi đi mặc quần áo màu gì? Mặt mũi ra làm sao? Thông báo mà nói toàn chuyện đẩu đâu thì biết đằng nào mà lần. Có muốn giúp cũng làm sao biết được bà già nào từng đẹp như hoa hậu. Làm sao biết bà già ấy có hoang tưởng hay không. Nhất là khi thời gian vốn không thích làm chứng cho nhan sắc của tất cả đàn bà trên thế gian này.
Thế thì đã sao, cái thông báo phát ầm ĩ trên loa phát thanh ấy hình như ông cũng chỉ muốn một mình bà già nghe được. Rằng có người đang đi tìm bà ngoài ngõ, đang đứng đợi bà trong nhà, ngó bàn cờ nhớ người, ngó ti vi nhớ tiếng. Rằng bà có trốn đi đâu cũng chẳng chạy thoát được khỏi ý nghĩ của lão già này. Rằng bà hãy thôi cái trò trốn tìm con nít ấy đi lo về mà gói bánh chưng bởi củi ngoài vườn đã khô, có người đang còng lưng gom vào thành đống. Thằng nhỏ đọc được thông điệp ấy rõ mồn một như ngồi xem trẻ con nắn nót đánh vần. Nó cũng tin thể nào bà già cũng đang ngồi đâu đó dỏng tai nghe. Vừa nghe vừa tủm tỉm cười bĩu mỗi bảo mới đi có mấy ngày thôi mà đã loạn xị rồi. Hả hê vì thấy tầm quan trọng của mình với hai cha con nhà đó nên thể nào bà cũng vội vã trở về. Kịp tất tưởi xách làn đi sắm cho đủ trước khi chợ tết xác xơ. Làm sao bà có thể yên tâm bỏ bê hai người đàn ông ăn tết với nhau. Bà thừa biết nếu không có mình thì lá dong để vàng, cửa nhà nguội lạnh. Muốn bỏ đi cũng đâu có dễ yên lòng…
* * *
Nhưng hóa ra bà già đi thật, hai chín tết còn chưa thấy người về. Thằng nhỏ thực ra không còn nhỏ, nó đã ngoài ba mươi tuổi, râu ria để xồm xoàm, thỉnh thoảng còn đi xem hội làng tăm tia gái đẹp. Ấy thế nhưng vì nó là cục nợ của bà già nên vẫn được coi là bé bỏng. Cái cục nợ mà bà không thể dứt bỏ khỏi ông để mang theo về miền đất hứa hão huyền. Ông già biết bà cứ lần nữa chờ đợi mãi, chờ cái ngày ông bỗng nhiên điên tiết (có thể vì nhậu say) rồi đuổi mẹ con bà ra khỏi nhà không một chút nắm níu tơ vương. Hoặc một ngày ông dừng lại bên cái gương to tướng mà bà cố tình treo ngay sau cánh cửa, đúng cái chỗ hôm nào ông cũng lại lấy mũ đội đi làm. Để mong ông bỗng thấy đầu tóc mình bạc phơ xơ xác, thấy cái áo mặc trên người sao rách rưới quá chừng.
Cả khuôn mặt phong trần từng ăn đứt tất cả những thằng đàn ông ở cái huyện đảo này, giờ chẳng còn rơi rớt lại chút nào của quá khứ nữa. Rồi ông sẽ ngẫm ra cái nguồn cơn của cuộc đời ông. Rằng nếu không đeo đẳng bao bọc hai mẹ con bà thì ông đã sống một cuộc đời khác, chắc chắn không nhàu nhĩ, thê thảm đến thế này. Bà cứ mong mãi cái giây phút ấy để được ông ruồng rẫy. Là bà sẵn sàng đứng bật dậy dắt theo thằng nhỏ biến mất hút khỏi nơi này mà không cần một lời từ biệt hay một cuộc tiễn đưa nào. Ông già biết vậy nên đâu có dại. Để bà chờ hoài từ cái hồi thằng nhỏ kia còn dại. Mỗi lần nghe thiên hạ chửi mình là đứa con hoang nó về đặt bàn tay nhỏ xíu của mình vào đôi tay to bản, chai sạn của ông mếu máo bảo: “Ba dẫn con đi khắp làng bạt tai đứa nào nói láo đi ba”.
Minh hoạ: Hoàng Báu
Thằng nhỏ ấy sau này không còn dại nữa. Nó biết ông già không phải người cha máu mủ của mình. Biết mẹ mình vẫn nhớ thương người đàn ông đào hoa nào đó đã từng bỏ rơi bà bụng mang dạ chửa sống giữa lòng nghi kỵ của người đời. Thằng nhỏ lớn lên, người dưng quên chuyện xưa đã không ai nhắc nữa. Nó mải lụi cụi bên ông già sớm tối nên chẳng có thời gian nhớ nhung vô nghĩa. Chỉ bà già là ngày đêm ôm mộng, ước bước lên một chuyến phà chiều rời huyện đảo vào thành phố tìm tình nhân cũ. Thằng nhỏ nghĩ gã tình nhân ấy chắc cũng lọm khọm lắm rồi, có còn chút lại dáng vẻ đào hoa cũng chẳng thể làm xiêu lòng ai ngay cả một bà già. Mấy lần vào thành phố chở cám heo, mua cuốc xẻng thằng nhỏ từng vô tình đi qua con ngõ hẹp. Thấy người đào hoa đó đang ngồi cắt tóc, cạo râu cho khách. Quán chật toàn mùi mồ hôi lẫn mùi keo xịt tóc. Hiên quán có gốc hoa giấy nở bung rực rỡ trông càng thêm nóng nực. Thằng nhỏ vờ khát nước dừng xin cốc trà đá, hỏi bâng quơ vài ba câu. Đại khái như vợ con lão đâu? Quán chật vậy thì ăn ngủ thế nào? Lúc nắng không sao thế còn khi giông gió? Người đào hoa cũng trả lời hời hợt. Vợ con có mà như không. Chật quán không lo bằng chật lòng. Tôi sống một đời với gió mưa làm bạn còn biết sợ chi. Thằng nhỏ nghe xong chợt hiểu vì sao bà già cứ mê mẩn mãi. Người đào hoa đến già vẫn còn giữ được cái cốt cách phong lưu, phóng khoáng và cả bất cần đời.
Cuối cùng thì bà già không đợi thêm được nữa. Bà sợ cứ lần nữa mãi rồi lại thêm năm mới, mọi thứ sẽ cuốn bà đi như đã từng mấy chục năm qua. Vì biết ông già kia sẽ chẳng đời nào chịu mất đi thằng nhỏ mà ông đã cưu mang nó bằng cả cuộc đời mình. Bà nợ ông nhiều không biết trả làm sao nên dứt áo ra đi lúc hai bố con ông lụi cụi ngoài vườn tỉa cây quất tết. Nắng xuân ở huyện đảo đẹp như mơ. Con đường quen thuộc mà hàng ngày bà vẫn đi chợ bán mua cơm nước cho hai cha con ông giờ như rắc một màn sương vàng mờ ảo. Bà đi lẫn trong những khuôn mặt người mà không ai thấy. Ngay cả ông lái phà cũng đinh ninh rằng chẳng có bà cụ nào rời huyện đảo. Mấy chục năm rồi bà vẫn đi lẫn trong thứ ảo ảnh của tình yêu. Đi tìm gã người tình đào hoa bà đã yêu thương không hối tiếc. Thằng nhỏ trách thầm bà già rồi còn dại. Thương ông già ngồi đong gạo nếp, chẻ lạt giang, khoác cái áo mùa đông bạc phếch như đời người vậy. Ông già thấy gáy mình bỏng rát biết là thằng nhỏ đang chăm chú nhìn mình. Ông bảo:
- Sống ở huyện đảo này mãi chắc cũng buồn. Nghe nói cô gái con thương cũng đã lên thành phố. Hay là…
Thằng nhỏ cười khùng khục, nó nói tỉnh queo:
- Ôi giời! Ai hơi đâu mà đi tìm hoài cái người đã dứt áo bỏ đi cha ơi. Kệ họ sống phần đời của họ. Việc của hai cha con mình là đi gói bánh chưng. Gói xong cha cắt tóc cho con đi, mấy đứa con gái trong làng chê con bụi bặm.
Ông già nói ờ phải, người đã muốn đi thì làm sao giữ nổi. Rồi ông kêu thằng nhỏ bưng âu thịt ba chỉ đã ướp sẵn hành tím dập nhỏ, tiêu muối cay xè. Trước khi đi bà già đã kháp sẵn đỗ, làm sẵn mấy khoanh giò, nấu sẵn nồi thịt đông mà ông yêu thích. Con gà cúng giao thừa nhốt ở góc sân, bà cũng đã đổi sẵn tiền lẻ để phong bao lì xì lỡ tụi nhỏ đến chơi còn mừng tuổi lấy lộc. Mấy tuần trước khi đi bà có nói bâng quơ về chuyện cất mấy chỉ vàng tích cóp trong góc tủ, để đó chừng nào thằng nhỏ thương ai thì mang hỏi vợ cho nó. Cách đây chừng sáu, bảy năm bà còn xin cây cau về trồng bảo chừng nào cây có quả thì nhà này cũng sẽ có đại hỷ. Rồi có hôm nào đó nhìn khớp chân ông già sưng húp bà vừa xoa dầu vừa rơm rớm bảo “chỉ có ông là tôi chẳng biết phải chuẩn bị những gì”. Nên hôm ông đi mua lá dong, nghe thằng nhỏ gọi điện kêu bà già đi đâu mất tiêu rồi. Ông đâu biết làm gì ngoài bình thản chuẩn bị cho cái tết.
Minh hoạ: Hoàng Báu
Ông nhấc cái gương lớn ra giữa sân để hai cha con cắt tóc cho nhau. Thằng nhỏ bỗng nhớ người đào hoa sống trong ngõ hẹp. Nó từng có lần để tóc tai rậm rạp đến đó kêu người ta cắt hộ. Người ta nhìn vào gương nắn chỉnh, săm soi kĩ càng từng lớp tóc mà nhìn hoài không nhận ra máu mủ của mình. Hai mắt cùng nhìn nhau trong gương, người đào hoa chỉ buông một câu “trẻ trai gì mà ở bẩn, con gái ai nó thèm ngó dòm hỡi cậu chàng ơi. Hồi bằng tuổi cậu trông tôi phong độ lắm”. Thằng nhỏ định nói câu gì cho ai đó đau chơi, nhưng lại thôi vì ngó ra phố thấy trời tối mau sợ ở nhà ông già đang mong ngóng. Thằng nhỏ đoán cái quán chật hẹp ấy bây giờ lại càng thêm chật. Bởi có một bà già lăng xăng chạy đi chạy lại cất cái này, lấy cái kia, sắm sửa vội vàng cho kịp tết.
Giàn hoa giấy chắc là vẫn nở bung rực rỡ nhưng giữa tiết trời đông nên cũng ấm mắt người. Thôi kệ đi, cuối đời buông tay cho bà già đi lạc đã đời. Hai cha con nó ở đây cũng đâu thiếu tết. Nồi bánh chưng đã đỏ lửa, xua tan lớp sương lạnh bao trùm huyện đảo. Lát nữa khênh chậu quất vào nhà, giăng ít đèn nháy lên cứ gọi là rực rỡ. Tóc cắt xong rồi bảnh bao đáo để, thằng nhỏ nhìn vào gương thấy mình giống ông già như đúc. Nói thật chứ chẳng phải mê tín đâu nghe. Ông già cười giục đi tắm mau mau, thanh niên trai tráng gì mà tết nhất đến nơi còn hôi như quỷ. Thằng nhỏ thấy đâu có hề chi vì cứ nghĩ mình vẫn còn bé dại, vẫn được ông già đun nước tắm tất niên qua mấy chục cái tết trong đời…
V.T.H.T.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...