Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
02:32 (GMT +7)

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Tái hiện quá khứ để thêm yêu hiện tại

VNTN - Sôi nổi, mới mẻ, bổ ích và ý nghĩa - đó là cảm nhận của đông đảo người xem khi đến Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cùng tham gia và chứng kiến chuỗi các hoạt động văn hóa chào mừng 70 năm Quốc khánh, 70 năm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân, 70 năm thành lập ngành văn hóa thông tin.


Diễn ra từ 1/9 đến hết 30/9 tại sảnh chính và trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chuỗi các hoạt động tập trung trưng bày hai chuyên đề và trình diễn trải nghiệm: “70 năm ký ức mùa thu lịch sử”, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Thái Nguyên trên đường hội nhập và phát triển” do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Hoàng Phương Thảo cùng các bạn vào vai chị Võ Thị Sáu

Sảnh chính Bảo tàng phía ngoài trưng bày 155 bức ảnh tư liệu đen trắng sắp xếp khoa học theo trình tự lịch sử, cung cấp cho người xem cái nhìn khái quát các giai đoạn của Cách mạng và sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, những thành quả to lớn mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong 70 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước… Trong suốt quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng công an nhân dân- công cụ bạo lực của cách mạng để trấn áp tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Và theo sát đường lối của Đảng, lực lượng công an nhân dân không ngừng phát triển và trưởng thành.

 Qua phòng ảnh tư liệu là không gian trưng bày 70 tác phẩm ảnh nghệ thuật của các Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tại Thái Nguyên. Đây là những góc nhìn độc đáo của các nghệ sĩ thể hiện những vẻ đẹp trong cuộc sống của đất và người Thái Nguyên đang trên đường xây dựng hội nhập và phát triển cùng đất nước.

Không chỉ tìm hiểu truyền thống lịch sử qua các bức ảnh tại triển lãm, để có những cảm nhận cụ thể, người xem được đắm mình trong không gian và không khí “70 năm ký ức mùa thu lịch sử” được phục dựng lại qua các hoạt động thưởng thức, trình diễn và trải nghiệm diễn ra trong khuôn viên Bảo tàng. Những hoạt động này do các cán bộ bảo tàng phụ trách cùng sự tham gia của những nghệ nhân các dân tộc Mông, Dao đến từ huyện Hoàng Su Phì - Hà Giang, Câu lạc bộ Xe đạp phường Đồng Quang, Câu lạc bộ Giáo chức phường Quang Trung và các sinh viên thuộc Câu lạc bộ Tôi yêu bảo tàng.

Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: Các hoạt động văn hóa chào mừng ngày Quốc khánh là hoạt động thường niên của bảo tàng. Tuy nhiên, so với các năm, năm nay bảo tàng làm quy mô và có sáng tạo hơn. Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động lần này là hình thức tham quan trải nghiệm hồi ức “70 năm ký ức mùa thu lịch sử”. Từ hoạt động này người xem được trải nghiệm, khám phá thực tế, từ đó sẽ để lại dấu ấn đậm sâu, dễ dàng tiếp cận hơn với những những kiến thức lịch sử và văn hóa.

Hồi ức “70 năm ký ức mùa thu lịch sử” được chia thành các thời kỳ:1930 -1945, 1945 -  1946, 1946 - 1954, 1954 - 1975 và từ năm 1975 đến nay, để người xem tiện theo dõi. Qua đó, người xem sẽ được ngược thời gian chứng kiến lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua không gian chợ khô Thái Bình những năm ba mươi (thế kỷ XX). Đặc biệt, với giai đoạn 1945  1946, người xem được chứng kiến không gian chợ thủ đô, lắng nghe lời Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ - một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta và mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; được thâm nhập Ty Liêm phóng Bắc bộ 19/8/1945; cùng diệt giặc đói, giặc dốt và khám phá vụ án Ôn Như Hầu; thử sức theo bước các anh hùng Bùi Thị Cúc, Võ Thị Sáu…

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn tái hiện chợ vùng cao Việt Bắc thời kỳ 1946- 1954. Tại đây, cùng với quân và dân lực lượng công an thực thi các nhiệm vụ: Bảo vệ ATK, điệp báo trinh sát, trừ gian, tham gia các chiến dịch: Sông Lô 1947, Biên giới 1950 và Điện Biên Phủ 1954… Bước vào thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội 1954-1975, có phong trào tiếng hát mở đường, trinh sát chống Mỹ với các hoạt động: đi qua địa đạo Củ Chi, đánh trong lòng địch, thử sức vào trận Ấp Bắc, Đồng Xoài, cắm cờ xung trận theo mốc chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh…

Trong những hoạt cảnh hồi ức, có lẽ khiến người xem xúc động nhất là màn thử đóng vai chị Võ Thị Sáu - người Công an xung phong miền Đất Đỏ, do các em học sinh tham gia:

Chợ quê những năm 1945-1954 với những dãy hàng quán mái lá... Mấy cán bộ chiến sĩ công an Đất Đỏ giả làm người bán chè, có một số lựu đạn được giấu trong những thúng hàng. Chị Võ Thị Sáu cùng một chiến sĩ khác giả người mua hàng để thăm dò tin tức. Chị đang thực hiện kế hoạch ném lựu đạn vào cuộc mít tinh để tiêu diệt Cai tổng và lính Pháp. Cuộc mít tinh diễn ra cách chợ không xa, Cai tổng Tòng phát biểu, lính Pháp đứng canh gác và dân thường đứng nghe xung quanh. Ở chợ, một số lính Pháp được lệnh đi lùa những người dân về, để tham gia cuộc mít tinh do Pháp tổ chức. Tên lính pháp hạ lệnh: “se tenir debout - đứng lên”, “concentrer les - tập trung”, rồi làm ám hiệu cho đồng đội dồn dân về khu vực mít tinh. Nhân lúc quân Pháp đang chú ý nghe phát biểu, chị Sáu cùng đồng đội ném lựu đạn vào giữa cuộc mít tinh tiêu diệt Cai tổng Tòng và khiến 20 tên lính Pháp bị thương nặng. Sau đó chị cùng đồng đội chạy trốn trước sự truy lùng ráo riết của lính Pháp. Cuối cùng chị Sáu bị bắt. Chị bị lôi ra và trói vào gốc bằng lăng trong sân bảo tàng - nơi giả làm trường bắn.

- Bị cáo đã biết tội của mình chưa? Quan tòa hỏi.

- Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội - chị Sáu lạnh lùng.

Quan tòa rung chuông ngắt lời chị, tuyên án:

 - Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản!

Chị Sáu hô những lời cuối cùng:

- Đả đảo bè lũ thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm…

Sự tái hiện một phần lịch sử của những học sinh thông qua hoạt cảnh, tuy ngắn thôi nhưng đã khiến nhiều người phải xúc động nghẹn ngào. Đó chính là thành công của Ban Tổ chức, là hiệu quả của Chương trình mang đến cho công chúng.

Ngoài ra, còn nhiều không gian như nơi tái hiện chợ chiến khu, chợ vùng cao với không gian và thời gian lùi lại mấy chục năm trước, khiến những người tham gia hết sức hào hứng.

Em Hoàng Phương Thảo, học sinh lớp 6 trường THCS Đỗ Cận - Phổ Yên sau khi vào vai chị Võ Thị Sáu, đã vui sướng và tự hào tâm sự: “Đây là lần đầu tiên được cùng các bạn tham gia một hoạt động trải nghiệm thú vị như thế này, từ đó em hiểu hơn về lịch sử dân tộc, thấy thêm yêu môn học này. Qua chuyến tham quan này em cũng mong nhà trường sẽ tổ chức những hoạt động trải nghiệm như thế này tại lớp để chúng em có những giờ học bổ ích”.

Những hoạt động trải nghiệm như thế này đã được Bảo tàng Văn hóa các dân tộc thực hiện trong những năm gần đây. Nó thực sự có ý nghĩa lớn đối với những người được tham dự, bởi qua đó, chúng ta có thể hình dung được quá khứ, mặc dù chỉ là phục dựng, nhưng cũng thật giá trị đối với mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy