Áp thấp mùa hè
Cơm xong, tôi kéo chiếc võng ra giữa sân cho ba nằm. Chiều đã về xẩm mà trời vẫn nồng nực bức bối. Cái xứ sở chi đâu mà thời tiết khốc liệt quá tay – tôi lầm bầm. Mùa khô mới bắt đầu đã thật dữ dội. Ngày nắng rêm đầu, đêm nóng chảy mỡ. Mới ra khỏi nhà tắm mồ hôi đã đầm người. Nhà chật, quạt cũ chạy vù vù như xay lúa, quạt thì quạt, mà nóng vẫn cứ nóng. Nghe đài báo sẽ có sự chuyển đổi đột ngột của thời tiết nhưng ngó chừng miết mà chưa có tín hiệu sẽ mát. Mà ai biết sẽ thay đổi kiểu nào, thời tiết cũng như lòng người vậy, ấm lạnh khó lường, thay đổi đủ đường đủ kiểu. Song tôi tin rằng, đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra...
Minh họa: Gia Bẩy
Đêm đó, cựa quậy mãi rồi cũng ngủ. Không biết đã quán tính kéo chăn đắp từ lúc nào nhưng đã giật mình vì tiếng gió quần vũ trên mái nhà. Hú, rít, ầm ào, quật mạnh xô đảo, những tàu dừa, lá chuối va vào nhau loạn xạ. Đêm bị đánh thức vì một trận gió ngả nghiêng. Đồng hành với gió là mưa, mưa rầm rầm chắc hạt, những viên mưa đập bôm bốp vào mái ngói. Bất ngờ không tưởng luôn. Đã sang hè, ngày nắng cháy đầu nhưng trời bỗng trở mưa, đổ gió, dữ dội còn hơn mùa đông. Vô thường hết. Thời tiết cũng hóa vô thường. Tôi co người lại, rúc vào nách chồng. Đang ngủ nhưng anh đưa tay bỏ qua lưng vợ, xoa xoa, tôi sung sướng ngất ngư. Tôi thuộc tuýp phụ nữ dễ tính chăng?. Chỉ một cái bỏ tay qua lưng lúc ngủ, tôi đã lạc quan nghĩ, giả trời sập xuống thì cũng đã có chồng dang tay đỡ.
Thế gian này, chắc tôi là người đàn bà hạnh phúc nhất. Người đàn ông của tôi – đẹp trai, nồng ấm. Dịu dàng đến từng phút giây và chu đáo đến từng centimet. Tôi không thể đếm hết bao nhiêu lần mình đã khoe khoang một cách lộ liễu về “ông chồng huyền thoại” này. Lúc nào cũng vậy, cứ mở miệng là chồng vĩ đại, chồng muôn năm. Rồi đùng cái, anh biến thành một người máu lạnh. Tình hết, nghĩa cũng chẳng còn. Tôi đã phải huyễn hoặc mình, tất cả chỉ là một giấc mơ. Phải tỉnh táo, chỉ có kẻ ngốc mới đem cuộc đời mình đi đánh đổi một giấc mơ.
Mối tình đầu thơ mộng kết thúc bằng một đám cưới lung linh với những tấm ảnh đưa dâu lấp lánh bên con đường đầy cỏ lau bên triền núi. Tốt nghiệp Cao Đẳng kế toán, bỏ đồng theo chàng trai tay trắng về núi với giấc mộng cùng nhau xây dựng thiên đường trên sỏi đá. Người thân và bạn bè ái ngại nhưng tôi yêu chí chết. Được chết cùng anh ấy cũng cam lòng thì những nghèo khổ về vật chất không thể là thử thách. Tôi mà đã yêu là chỉ có… tận cùng.
Ngu dại là tôi, mù quáng là tôi - cuồng chồng như một đứa dở hơi. Chồng bảo sao nghe vậy, làm gì cũng được, miễn chồng thấy vui, tôi đều chiều. Ngây thơ đến độ, có lúc thấy bứt rứt như cái lần anh bảo tôi chuyển tiền giúp một người bạn nữ sau ly hôn đang khó khăn, chỉ hỏi qua cô gái nào, chồng bảo bạn cũ, bị chồng bỏ vì bị bệnh. Tôi bức xúc lên án người chồng bạc bẽo và vui vẻ đi chuyển tiền giúp đỡ. Thật lòng mà nói, cũng có chút lướng vướng. Nhưng kệ, những thứ đó đều vặt vãnh, tiểu tiết nên bỏ qua vì tôi hướng đến đại cục: phục tùng, tôi nghĩ đó là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để mỗi ngày được chồng một thêm yêu thương.
Nhưng cuộc sống không có nghĩa vụ chiều lòng người, cũng như đàn ông, đâu phải cứ “gái có công” thì “chồng không phụ”. Tôi toàn tâm toàn ý với chồng nhưng số phận lại căng thẳng với tôi. Kì kinh đó, không có ngày kết thúc. Tôi tái xanh và tiều tụy như tàu lá sau mùa giông bão. Cô đơn đã len lỏi vào tâm hồn. Chồng bận rộn, nay đã xin được việc, từ Bí thư Đoàn thôn chuyển lên làm cán bộ văn hóa xã nên có nhiều đợt tập huấn, giao lưu, đưa đoàn thanh niên xã nhà đi thi văn nghệ, thể thao… Tôi phải tự thân mò xuống bệnh viện. Bị u xơ, bác sĩ phán phải cắt bỏ tử cung toàn phần, tôi hơi núng vì sợ chồng sẽ hụt hẫng. Nhưng bác sĩ nói: nếu không cắt bỏ sẽ sống chung với đau đớn, xanh xao mà chết.
Tôi đã như chiếc lá mùa thu năm ngoái còn sót lại, không phải vì mới từ viện về mà là sự bất an trong tâm hồn. Ngày vợ vào phòng mổ, chồng có mặt ở bệnh viện, chỉ ngày hôm đó, những hôm còn lại anh đều nhờ mẹ tôi vào chăm dùm. Một người trong phòng bệnh vô tình hỏi: chồng làm gì mà vợ bệnh không thấy mặt? Tôi nghe xong, cố gắng nuốt cục uất nghẹn vào lòng. Rát... Người ta quan tâm, vô tình hỏi, tôi nhạy cảm, vô tình đau.
Chồng ra ngủ riêng, tôi rón rén hỏi lí do, anh nói: mới bệnh dậy nên ngủ riêng để phục hồi nguyên khí. Vợ chồng nằm chung, dương thịnh âm suy, không tốt cho em. Chưa kể đêm anh lăn qua lăn lại làm em khó ngủ, còn vụ kia, phải đợi em thật sự hồi phục rồi tính…
Chồng nói nghe có lí có tình nhưng đó không phải “cái tình” tôi mong đợi. Không chỉ ngủ riêng, để tôi “phục hồi nguyên khí”, chồng thường xuyên ra khỏi nhà, cả ngày lẫn đêm, tệ hơn, có khi hai, ba hôm mới về. Đương nhiên rồi, ngoài công tác cán bộ văn hóa xã anh còn đăng kí bán bảo hiểm. Giai đoạn đầu phải tham gia tập huấn, giao lưu, học tập rồi lo tìm khách, tư vấn… Tóm lại, siêu bận rộn. Anh nói đâu tôi tin đó, như từ trước tới giờ, tôi chưa bao giờ biết nghi ngờ chồng.
Rồi một ngày, không lâu sau những ngày vợ chồng không còn ăn chung mâm ngủ chung giường, tôi vô tình thấy anh và một cô gái xinh đẹp đang ngồi cà phê Góc Phố. Đẹp, trẻ và gợi cảm. Cả ba thứ quý giá đó, cô vợ tàu lá tôi đều thua đứt. Tôi chết trân, gối mềm, tay chân bủn rủn. Cảm giác thấy chồng mình nói cười bên cô gái trẻ đẹp thật là thứ cảm giác cực kì khó chịu. Cô gái mơn mởn mà chồng đang tình tứ kia là ai? Câu hỏi xuất hiện, ngay lập tức hàng tá giả định trôi nổi trong đầu, toàn những ý nghĩ tệ hại nhất. Thề có Trời Đất, đó là lần đầu tiên tôi có ý nghĩ xấu về chồng.
Không lâu sau, tôi có giấy mời từ tòa, mời hòa giải khi tờ đơn ly hôn được đơn phương gửi. Trước tòa, chồng đưa ra hàng ngàn lý do, rất thuyết phục, chỉ có cách ly hôn sớm nhất mới mong những ngày sau của cuộc đời sẽ hết đau khổ. Có cho tiền tỉ tôi cũng không thuật lại nguyên văn những lời chẳng đáng mặt đàn ông đó. Tôi có thể tưởng tượng được nhiều thứ khủng khiếp nhất nhưng sự thay đổi này của chồng là tình huống không thể lường trước. Tôi trở tay không kịp, suy sụp toàn phần. Anh đã biến thành một người không có trái tim. Tính tôi giỏi cam chịu nhưng dễ bị tổn thương. Tôi có thể chịu đựng mọi thứ, trừ sự xúc phạm. Hết đường cứu vãn khi những lời hạ đẳng được anh trút ra ron rót. Ok, tôi ký vào đơn - đồng tình ly hôn.
Lấy chồng xa xứ, chưa kịp sinh con đã trở thành món hàng thanh lý. Tôi thua buồn ôm đồ về mẹ. Mẹ động viên: đời còn duyên hợp hết duyên tan, đừng buồn nữa. Tôi ngoan ngoãn “dạ”.
Cũng may bị chồng bỏ, tôi mới biết yêu hơn gia đình mình.
Sau bao nhiêu năm, nhà mẹ, vẫn là một căn nhà cấp bốn thấp lè tè. Anh Hai muốn bước vào nhà phải cúi đầu kẻo vỡ trán. Nhà xây từ năm 70, nhỏ, thấp, lợp ngói vỉ, nền lát xi măng đã mục nát. Ba tôi mất sức lao động từ trẻ, mình mẹ với mấy sào ruộng cùng gánh đậu hũ ngoài chợ. Hai anh em tôi tranh nhau hứa: lớn lên sẽ sửa sang ngôi nhà cho ba mẹ nhưng lời hứa cũng chỉ là lời hứa.
Anh lết không qua lớp mười hai, bỏ ngang kì thi tốt nghiệp đi học nghề.
Con trai ra nghề, lấy vợ - cũng nghề hớt tóc, ba mẹ dốc hết vàng trong cái ruột tượng mua cho anh miếng đất cách nhà chừng hai cây số. Xây cái tiệm, phía sau có phòng ngủ, cái bếp, phía trước bỏ đồ nghề cho vợ chồng anh hớt tóc, cạo lông mặt, lấy ráy tai.
Chắt mót, dành dụm, sau khi hai đứa con lần lượt ra đời, con càng lớn nhà càng thêm chật. Anh Hai quyết định sửa tiệm thành nhà. Anh tính nâng lên một tầng cho có không gian sinh hoạt.
Vật liệu đã tập kết về, thợ thuyền cũng đã hợp đồng xong. Sáng hôm đó được ngày, anh thắp nén hương, động thổ. Chưa đầy hai tiếng sau, có người ở tòa đến, đọc quyết định có lệnh dừng xây cất trái phép. Trời đất! Cả nhà tôi tá hỏa, án đâu tự dưng rớt xuống đầu. Người ta giải thích: anh chị đang xây dựng trên đất của người khác, đã có đơn tại tòa.
Gì vô duyên vậy? Đất tranh chấp là thế nào? Đất này ba tôi mua, tới bây giờ đã hơn mười năm có lẻ.
Vài ngày sau, có trát đòi xuống tòa. Té ngửa khi biết bao năm anh Hai ở trên miếng đất nằm trong sổ đỏ của ông Nguyễn Tám - chú họ. Cả nhà xụi lơ luôn! Bằng chứng được đưa ra trước mắt. Bản đồ địa chính của chú Tám có lô đất đó. Ba tôi khẳng định không liên quan đến chú Tám, miếng đất được mua của bác Sáu. Hồi đó ba đưa năm chỉ vàng mua miếng đất. Ba kêu viết giấy tay, bác Sáu nói yên tâm, tui mặt mũi nào lại đi lật lọng với anh với cháu. Tòa nói không đủ sức thuyết phục, đó là lời nói một phía, vì ông Sáu khẳng định chưa từng bán miếng đất nào.
Mua đất không có giấy tờ, sai đã đành. Nhưng sao mua của bác Sáu lại phải tháo dỡ nhà trả đất lại cho chú Tám. Con hồ ly bán nhưng xử trả đất cho con chó. Loạn cào cào! Nhà tôi, chuyện này như một tai ương không lường trước, như thể đang giữa mùa hè bỗng có trận bão lớn.
Không buồn nữa, lỗi do ba mẹ tôi tin vào sức níu kéo của bà con, dòng tộc. Án tại hồ sơ, bi kịch thâm thúy nhất là tình thân trở mặt và điều khó khăn nhất là bắt tòa án dựa trên lời nói để tìm công lí. Tòa án cao nhất và cuối cùng sẽ là tòa án lương tâm. Tòa án nào cũng kết thúc, nhưng sự dày vò của lương tâm thì không có hồi kết.
Gia đình anh Hai bốn người cùng tôi chui về căn nhà lợp ngói vỉ của ba mẹ. Đúng là cực hình.
Nhà chật, ra vô mặt đụng mặt, lưng đụng lưng nhưng sự ấm cúng lại tìm về. Mỗi ngày, những người trong gia đình quan tâm, chia sẻ với nhau từng miếng ăn, giấc ngủ. Hình như trong gian khó, tình thân lại có cơ hội để bung tỏa.
Đang cao điểm của mùa hè, ban ngày nắng rêm đầu, đêm nóng chảy mỡ, hai đứa cháu than nóng không ngủ được. Tối, anh Hai đem chiếu ra hè hóng gió, ba cha con lăn ra ngủ.
Sáng dậy, tôi hỏi:
- Ngủ ngon không hai nhóc?
Thằng cháu nhỏ phấn khởi:
- Nhà mình đã có cái hè thì lo gì nóng, hen cô Ba!
Tôi trả lời: ừ, mùa hè không nóng mới là chuyện bất thường. Ráng thêm đi, nóng nực nào rồi cũng qua, đằng nào trời cũng sẽ mát. Tôi chỉ nói vậy chứ chưa hé lộ thông tin cô Ba đang gom góp vay mượn để sửa lại ngôi nhà cho cao ráo, mát mẻ...
Truyện ngắn. Nguyễn Thị Bích Nhàn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...