Ao quê soi bóng tuổi thơ…
VNTN - Những ngày nắng ngột ngạt phố xá, bước chân chỉ muốn loanh quanh về lại mảnh trời thơ ấu, tìm nguồn nước mát vỗ về bao thương nhớ ngọt lòng phù sa. Trong tâm khảm như dâng lên những lớp sóng ký ức dạt về bất tận, muốn trở lại là cậu nhỏ lên mười, tung tẩy giữa làn nước biếc xanh, mát lành diệu vợi, dưới màu nắng vàng chất phác hương hoa cỏ. Giấc mơ quê mùa gói ghém bao yêu thương vẹn tròn nhân nghĩa, gọi ta trở về lối cũ chân phương lưu giữ những trong veo, hồn nhiên tuổi dại. Mở cánh cổng tre nghe cót két vang lên thanh âm của mưa nắng, là tâm hồn lại đồng điệu cùng màu xanh rau má, màu tím hoa cà, bụi tre già thầm lặng, buồng chuối chín ngọt lành. Vén đám lá chuối phủ lòa xòa bên bờ dậu mồng tơi, sẽ lại thấy bờ ao nhỏ nằm an nhiên dưới tán bông gòn, như ôm trọn bầu trời thơ ấu tinh khôi. Nước ao lặng lẽ tưới tắm những giấc mơ lấp lánh năm xưa, mà khi đã bước qua tuổi thiếu thời thật thà khoai sắn, lòng ta mới ngẩn ngơ hoài nhớ trang cổ tích yên bình… Chắc hẳn ai xa quê cũng mang theo bên mình một khoảng trời nho nhỏ, chất chứa bao kỷ niệm, đủ để sưởi ấm tâm hồn qua những buồn vui xứ người, và nhắc nhớ về nguồn cội thảo thơm nắng gió. “Hò ơi…Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”… Nghe câu hát dạt dào giữa chiều lơ thơ nắng, mà lòng bỗng miên man nhớ, rưng rức thương bờ ao quê rợp bóng tre ngà. Chợt ùa về cảm giác yên ả, thanh bình giữa trưa nắng rộn tiếng chim đồng nội, mắc chiếc võng nằm đong đưa dưới tán bông gòn cạnh bờ ao, nghe cá đớp bèo lao xao, nghe gió ru êm khúc tình tang thật thà. Chợt thấy phảng phất mùi thơm khen khét, dân dã của cá lóc, cá rô nướng trui chân phương bùn đất, béo ngọt hương vị nước mặn đồng chua. Chợt quay quắt nhớ dáng mẹ tảo tần hái đọt rau muống, ngó khoai, nhớ lưng áo cha đầm đẫm mồ hôi những lần tát ao bắt cá… Nước ao hiền hòa như mạch nguồn dung dưỡng tâm hồn ta, để lòng không quên những nẻo về ấm êm rơm rạ… Tuổi thơ chân đất đầu trần luôn ẩn chứa những phép màu diệu vợi, nhẹ ru lòng mình bằng dư vị ngọt ngào vương vấn trong tiềm thức. Ao quê lặng thầm ôm tất thảy những niềm vui giản dị, những ánh mắt trong veo của ấu thơ vào vòng tay thân thuộc. Đôi khi, lòng vẫn thao thức nhớ về chiếc cầu ao chất phác, nơi bầy trẻ tập bơi những trưa hè đứng nắng, những hoàng hôn yên ả mẹ cùng chị lom khom giặt giũ, gánh nước tưới rau vườn. Ở đó, mở ra một miền cổ tích vun vén cho bao mơ ước chân phương, là góc trời lưu giữ ký ức của những trưa nắng tập bơi, ngụp lặn, đám trẻ quê cùng nhau chơi trò “chuồn chuồn cắn rốn”. Hè về, ve sầu râm ran trên nhánh gòn, nhánh mít, cơn gió nồm ngang qua thì thầm trong những vạt cỏ dại, hàng mía xanh rì cũng lao xao hòa nhịp đồng ca. Dường như, tiếng cười nói reo vui, tiếng quẫy nước rì rào, tiếng mây bay, gió hát, lâu nay vẫn còn đọng lại trong tâm hồn, nhắc nhớ bước chân tìm về nguồn cội… Xa rồi khoảng trời chân phương ấy, ta mới thấy nao nao nhớ cọng rau xanh dân dã, quanh năm một nắng hai sương tựa người quê tảo tần. Ao làng, mạch nguồn nuôi dưỡng cho những ngọn cây, nhánh cỏ vươn lên mượt mà, xanh tốt. Bữa cơm quê không khi nào thiếu vắng món rau xanh, những ngọn rau tập tàng được mẹ khéo léo vun vén, chế biến thành món xào, món luộc, bát canh đậm vị yêu thương ngọt lành. Rau muống mọc sát mặt nước ao, ra hoa phơn phớt tím để lòng ta thổn thức những gam màu hoài niệm. Rau lang, rau má, cải bợ, đắng đất,… cũng chen nhau mọc dọc bờ ao, chẳng cần bàn tay người bón chăm mà mạnh mẽ vươn lên cùng nắng gió. Thương làm sao những loài rau dại lớn lên cạnh bờ ao, gắn bó cùng ta như máu mủ thân tình. Ao quê vẫn lặng lẽ cùng người dân quê, trải qua bao đổi dời của dòng chảy thời gian, chứng kiến bao thăng trầm năm tháng. Chỉ có những người con quê hương là ngày một thêm tuổi, bầy trẻ khi xưa í ới gọi nhau hòa vào làn nước mát, nay đã lớn khôn thành cánh chim bay đến mọi phương trời. Nhà cửa chen chúc giữa bìa trời xơ xác, lọt thỏm trong hun hút tầng cao, có những bờ ao đã mãi ở lại cùng hoài niệm ngậm ngùi. Nhưng tự sâu thẳm cõi lòng, ta vẫn tin những đứa trẻ chất phác ngày ấy vẫn còn giữ trong tim hình bóng bờ ao quê yêu dấu, có hàng dừa chải tóc, lũy tre già kẽo kẹt gió sương…
Trần Văn Thiên0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...