Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
19:32 (GMT +7)

Áo dài – Nét đẹp rất riêng của Huế

VNTN - Một chiều lãng du bên dòng Hương Giang, du khách bất chợt bắt gặp một tà áo dài tím, một mái tóc thề, một tiếng dạ thưa “ngọt lịm ai mê say” hẳn không khỏi bâng khuâng, nuối tiếc, nhớ nhung khi xa Huế.

Những chiếc áo dài đầy kỷ niệm

Thời học trung học phổ thông (THPT), tà áo dài trắng tinh khôi của những nữ sinh khiến nhiều nam sinh, trong đó có tôi, mê mẩn. Đến cấp học đại học, đám sinh viên nam vẫn hụt hẫng khi các bạn sinh viên nữ đến lớp trong những bộ áo quần thời trang tân thời, trẻ trung, quyến rũ, nhưng nó đã mất đi cái gì đó thùy mị, dịu dàng.

 

Áo dài làm đẹp thêm người phụ nữ Huế thời nay. Ảnh internet.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 1744, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài đã ra đời và trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong.

Tới thời vua Minh Mạng, nhà vua đã ra sắc chỉ: Các phi tần, người hầu kẻ hạ đều mặc áo dài ngay khi vừa bước chân khỏi cấm cung. Với người lớn, áo dài trở thành trang phục bắt buộc khi ra đường. Nghe những người già kể lại, trước năm 1945, Huế là một xứ sở của áo dài. Nhớ áo dài là nhớ về gánh đậu hũ xưa đầy hoài niệm. Bởi mấy mệ, mấy o bán món ăn này thời đó phải bận áo dài mới “đúng điệu”. Khi có người mua, mấy mệ, mấy o dừng lại, hạ gánh xuống, và “dạ thưa” khách dùng mấy chén? Tà áo dài, đôi quang gánh, dáng đi chậm rãi do đó đã trở nên thân thuộc một thời của mảnh đất Thần kinh (Thần kinh là do hai từ “kinh đô” và “thần bí” ghép lại).

Bên cạnh đó, từ năm 1917, Trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung kỳ được xây dựng trên đất Thần kinh. Những tiểu thư khuê các từ các vùng Đập Đá, Nam Giao, Bến Ngự, Đông Ba, Vĩ Dạ, Kim Long… nhân dịp này bước ra khỏi chốn “màn che trướng rủ” và trở thành những nữ sinh Đồng Khánh trong chiếc áo dài tím, đồng phục quy định của trường. Trong tà áo dài, các nữ sinh Đồng Khánh ai cũng buộc phải khép nép, chỉ có thể ngồi thẳng, bước ngắn, đánh nhẹ tay, khó có thể nói cười thoải mái. Màu sắc áo dài tím lại càng làm cho nét người thêm duyên dáng, mặn mà. Với lòng ngưỡng mộ, nhà thơ Mai Văn Hoan đã dành tặng cho những cô nữ sinh Đồng Khánh những vần thơ thật dễ thương: “Gió vờn tà áo khẽ lay/ Nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây mỉm cười”.

Còn nhớ, Lần đầu tiên tại Lễ hội Áo dài của Festival Huế 2002, 12 nhà tạo mẫu chuyên nghiệp đã mạnh dạn sử dụng 550 người mẫu không chuyên là các nữ sinh đến từ trường THPT Nguyễn Huệ và trường THPT Hai Bà Trưng. Lễ hội Áo dài kỳ Festival Huế năm đó tuy chưa chuyên nghiệp như bây giờ nhưng đã làm cho các du khách ngẩn ngơ trước vẻ quyến rũ của các cô gái xứ Huế trong những tà áo dài. Bởi vậy, cứ mỗi kỳ Festival về trên đất Cố đô, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vận động các chị em phụ nữ mặc áo dài khi đến công sở, nơi làm việc. Đặc biệt, có năm nữ sinh trường THPT Hai Bà Trưng và trường THPT Chuyên Quốc Học Huế đã mặc áo dài đi học còn các tiểu thương các chợ như Đông Ba, An Cựu… đã tự nguyện mặc áo dài trong suốt những ngày diễn ra Festival nhằm quảng bá hình ảnh tà áo dài Huế cũng như nét duyên của người phụ nữ Huế đến với du khách. Bên cạnh đó, nữ nhân viên nhà hàng, khách sạn và lực lượng nữ tình nguyện viên cũng mặc áo dài để tạo ấn tượng đối với du khách khi đến Huế.

Mới đây, chương trình trình diễn áo dài Festival Huế 2018 với chủ đề “Huế vàng son” tại sân khấu Bia Quốc Học với hơn 400 mẫu áo dài tinh tế đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân và du khách. Bà Nguyễn Lan Vy, Tổng đạo diễn chương trình đã chia sẻ: “May mắn là người Huế nên hiểu được văn hóa và con người Huế. Chúng tôi chọn chủ đề “Huế vàng son” với mong muốn đưa hình ảnh Huế sâu sắc và đậm nét về văn hóa đến với người xem, đặc biệt là du khách”.

Làm đẹp thêm người phụ nữ Huế thời nay

Vào tháng 9-2018, với mong muốn nâng cao vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, làm cho Huế đẹp hơn trong mắt bạn bè và du khách, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã có Thư ngỏ gửi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường THPT trên địa bàn tỉnh về việc hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài truyền thống. Tiếp đó, vào ngày 5-3, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu không thu phí vào thăm các di tích của Huế đối với những phụ nữ mặc áo dài. Ưu đãi này được thực hiện từ ngày 7 đến 9-3, nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ.

 

Nữ sinh Đồng Khánh năm 1931. Ảnh tư liệu.

Ngày 16-3 vừa qua, tại thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế. Hội thảo do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, đại diện các cơ sở doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh áo dài, các nhà thiết kế thời trang, các chuyên gia về thương hiệu… Tại đây, nhiều ý kiến đều thống nhất rằng, trong tâm thức của người Việt khi nhắc đến Huế người ta vẫn nhớ về hình ảnh không bao giờ thay đổi là những chiếc áo dài tím, nón lá và mái tóc thề. Và nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh nhận định: “Huế nên có Không gian Áo dài để áo dài Huế có điều kiện phô diễn”. Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế thì cho rằng, phát triển áo dài truyền thống Huế cần tránh xu hướng “tầm thường hóa”. Áo dài là “thượng phẩm” nên cần có chiến lược nâng cao, thể hiện được tính sang trọng. Ngoài ra, đại diện các cơ sở doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh áo dài có ý kiến nên thành lập hiệp hội sản xuất kinh doanh áo dài Huế để phát triển thương hiệu về lâu dài. Qua thời gian, tà áo dài truyền thống Huế đã thành nét đẹp duyên dáng mặn mà rất riêng của người con gái Huế và để lại biết bao ấn tượng, cảm xúc tốt đẹp trong lòng du khách.

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy