Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:36 (GMT +7)

Ào ào hành hiệp riêng một con đường

VNTN - Mới gặp người ta có thể dễ coi ông là “nổ” là hấp tấp, nhưng gần mới hiểu và càng quý ông bởi sự ngang tàng đầy “chất lính”. Đỗ Dũng là vậy, bao năm ông lay bay giữa quay cuồng những phồn tạp của cuộc sống kim tiền thời hiện đại. Và với cuộc chơi muôn mặt đó, ông vẫn như Chàng Hiệp Sĩ Xứ Man-tra, ào ào hành hiệp riêng một con đường.


Đã là bạn thì suốt đời là bạn

Người ta dễ nhận ra nhà thơ, nhà văn Đỗ Dũng bởi cái dáng nhỏ nhắn, đôi mắt sâu nặng nghĩa tình. Đỗ Dũng nói rất nhiều, mỗi lần ông tới cơ quan chỉ nghe cái giọng oang oang ở đầu cầu thang đã biết là ông. Nếu bình chọn người yêu cái “ngôi nhà” văn học nghệ thuật Thái Nguyên này nhất chắc mọi người bỏ phiếu cho ông. Không phải bởi gần như tuần nào ông cũng có mặt ở cơ quan thường trực Hội, có khi còn đến rất sớm. Cũng không phải thỉnh thoảng trong cái mớ lễ mễ văn chương, ông lại còn túm theo quà, có khi là gói bánh kẹo, lúc lại quả mít, quả ổi… mà bình chọn cho ông. Điều đơn giản là ông yêu quý anh chị em cơ quan bằng một tình yêu trong trẻo. Hay viết là thế, nhưng chẳng bao giờ thấy ông thắc mắc hay lăn tăn vì sao báo chưa đăng tác phẩm của ông. Cũng chưa bao giờ thấy ông nói xấu người nọ người kia… Chẳng biết do cảm thông với công việc “bếp núc” của chúng tôi hay vì điều gì mà có lần xem tấm ảnh anh chị em Văn nghệ Thái Nguyên chụp trong một lần đi công tác, ông cứ đòi bằng được phải cung cấp file gốc để ông phóng to treo ở nhà. Tưởng ông xin tào lao cho vui, nhưng khi đến nhà Đỗ Dũng tôi đã phải giật mình. Trong rất nhiều những bức ảnh tại căn nhà đầy sách báo, bức ảnh chúng tôi được ông phóng to treo trang trọng cạnh chân dung những đồng đội, người thân của ông như: Xuân Diệu, Huy Cận, Vi Hồng, Thiếu tướng Nguyễn Chuông… Đỗ Dũng bảo, ông chỉ treo ảnh người ông quý.

Nhà văn Ma Trường Nguyên nói về Đỗ Dũng: “Dũng nó ào ào thế thôi mà, thằng đấy nó được lắm! Không làm hại ai đâu”. Quả là vậy, mang tính cách thẳng ngay của người lính, Đỗ Dũng tốt bụng và thủy chung. Thủy chung với đồng nghiệp, bạn văn chương, đặc biệt là với những đồng đội cùng vào sinh ra tử. Những năm trước đây, người ta vẫn thấy Đỗ Dũng bụi bặm, ngang tàng ra vào chốn công quyền cao nhất của tỉnh, lại còn “dám” gọi to tên vị lãnh đạo đó là “thằng”. Nhiều người không hiểu, bĩu môi sau lưng giễu cợt: Hay hớm chi cái thói “mượn oai hùm”, “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Nhưng mấy ai hiểu rằng vị lãnh đạo to nhất tỉnh đó chính là người bạn thủa thiếu thời và là lính trinh sát với ông một thời vào sinh ra tử, “50 năm trước tao để mày “phơi áo” hàng rào/ Khi chui vào sở chỉ huy của địch”. Khi vị lãnh đạo đó sa cơ, chịu đại án, cả xã hội quay lưng thì nhà Đỗ Dũng vẫn treo tấm ảnh chụp hai người ở vị trí trang trọng. Và ông còn làm nhiều bài thơ khóc thương đồng đội. Với ông, đã là bạn thì suốt đời là bạn, ông viết: “Nếu có thể tao chết thay mày/ Cũng được mày ơi!”.

Viết để trả nợ đồng đội

Đỗ Dũng là con nuôi của cố thi sĩ, “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, điều này ông được phép ghi trong lý lịch của mình. Ông bảo, từ bé ông đã yêu và mê thơ Xuân Diệu và chính cha nuôi đã đem cho ông tình yêu văn chương. Vậy nhưng sinh ra vào thời chiến nên cuộc đời ông lắm thăng trầm và bị ám ảnh rất nhiều bởi chiến tranh.

Đỗ Dũng sinh năm 1952 tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội, sau đó lên Lào Cai. Năm 1970, khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên bây giờ) ông xung phong lên đường nhập ngũ. Vào quân ngũ, ông được biên chế về Đại đội 20, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Là chiến sĩ trinh sát, ông cùng đồng đội chiến đấu tại Lào, Thành cổ Quảng Trị, với bao gian khổ, hy sinh, cho đến khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông bị thương và rồi chuyển ra Bắc.

Rời quân ngũ, ông tiếp tục học tập và được cử đi đào tạo chuyên ngành địa lý tại Liên Xô. 4 năm học, năm 1980, Đỗ Dũng trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc và được phân công làm giảng viên Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Trong quá trình giảng dạy, từ một thương binh, ông đã nỗ lực học tập, nghiên cứu để có bằng tiến sĩ, cùng với đó là việc tâm huyết đào tạo được nhiều trí thức cho chuyên ngành địa lý nước nhà.

Tuy là một nhà giáo nhưng cuộc đời Đỗ Dũng lại gắn bó nhiều hơn với đồng đội, với văn chương. 36 năm đứng trên bục giảng ông cho ra đời 36 tác phẩm, thơ, truyện, tiểu thuyết. Các tác phẩm của ông chủ yếu viết về người lính, về đề tài chiến tranh cách mạng. Ông bảo, ông yêu văn chương nhưng viết văn và viết về đồng đội nó như sự thôi thúc khiến ông không thể đừng được. Trong chiến tranh, tình đồng đội thiêng liêng lắm và chỉ những người lính qua bom đạn, mất mát, hi sinh mới cảm được điều đó. Tự tay ông chôn một đêm 58 đồng đội ở Quảng Trị. Thậm chí phải nhét lẫn lộn thịt xương đồng đội vào 6 thùng lương khô mà không rõ là ai. Đau thương, uất hận, có những trận cả năm thằng lính cùng đồng loạt đâm thẳng lưỡi lê vào xác một tên địch. Chiến tranh thật khốc liệt, đứng trước mất mát hi sinh mọi thứ trở nên vô nghĩa chỉ còn lại tình đồng đội, như một bài thơ ông viết “Thôi đừng nói thủy chung cùng ân nghĩa/ Hãy tìm nhau đùm bọc bí bầu/ Tướng hay tá cũng trở về với đất/ Để thành cây cỏ nắng thời gian/ Lính thiết giáp cháy thui khô khốc/ Lính bộ binh co quắp đứng ngồi/ Đêm tiền nhập áo hàng rào phơi rải rác/ Mũi tấn công cửa mở máu đen ngòm...”.

Hơn bốn mươi năm, hình ảnh những liệt sỹ đồng đội vẫn lẩn khuất quanh ông, thỉnh thoảng lại hiện về rõ mồn một. Ông nói, được sống trở về là may mắn lắm rồi và ông viết như để trả nợ. Nhiều đêm mưa, sấm chớp giật đùng đoàng, ông bật dậy tay ôm đầu, khóc, gào tên đồng đội. Những lúc ấy ông lại ngồi vào bàn, viết một mạch đến sáng.

Các tác phẩm của Đỗ Dũng phần lớn là hồi ức về người lính, về đồng đội và đơn vị ông từng anh dũng chiến đấu ở những chiến trường: Cánh đồng chum Xiêng Khoảng (Bắc Lào), Quảng Trị năm 1972 rực lửa; mặt trận Bình Dương giải phóng Sài Gòn. Trong sách không chỉ có chiến công, những trận đánh ác liệt, sự hy sinh cao cả của 4000 liệt sĩ trong đơn vị ông, mà còn có những phản ánh đời sống thường nhật của người lính: sự nghèo khổ cùng cực, di chứng chất độc da cam, thương tật... Những sáng tác của Đỗ Dũng tuy còn thô tháp như những đổ vỡ ngổn ngang của chiến trường nhưng thực sự đã là những thước phim hiện thực về chiến tranh, vậy nên luôn được các đồng đội yêu thích và nhiệt tình đón nhận.

Những năm gần đây ông viết rất khỏe, từ 2018 - 2019, liền tù tì ra đời: “Đa tình thả một dòng mơ”, “Thành phố yêu thương” (thơ), và “Lính 312, Khúc bi tráng thời đại” (tiểu thuyết). Ngoài ra ông còn biên tập, tập hợp những sáng tác của đồng đội, xuất bản 2 tập, cuốn “Ký ức Thành cổ”, sắp tới sẽ xuất bản nốt 8 tập. Là Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 312 Thái Nguyên, ông tham gia tìm được 23 đồng đội hy sinh, trong đó 17 hài cốt đồng đội đã được ông cùng gia đình đưa về quê hương.

Sống và viết để tri ân đồng đội và cũng một phần ảnh hưởng “chất lính” nên ông sống ào ào và viết thật nhanh mặc những toan tính bon chen. Đỗ Dũng thanh thản khoe: “Thế là đồng đội linh thiêng đã phù hộ tôi rồi!”.

TRẦN THẮNG

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục