Ấm trà Tết
VNTN - Campuchia, cuối tháng 12, bắt đầu mùa khô. Ở nhà mùa này hoa đào chắc đang kỳ hé nở, những vườn cúc, vườn quất đã vàng sắc xuân. Quê hương giờ này đang nhộn nhịp đón chào một năm mới, nhà nhà sơn tường, lau cửa; trai gái nô nức đua nhau sắm sửa áo quần giầy dép mới. Ở bên này anh em chúng tôi lặng lẽ chuẩn bị súng đạn, thuốc men, cả trung đoàn bắt đầu bước vào chiến dịch truy quét tàn quân Polpot, để rồi sau chiến dịch sẽ có bao nhiêu đồng đội của chúng tôi mãi mãi nằm lại trong những cánh rừng ngằn ngặt xanh nơi miền đất xa xôi này.
Trung đoàn tổ chức cho anh em ăn Tết trước để kịp thời gian cho chiến dịch. Nói là ăn Tết để nhắc cho mọi người biết một năm đã trôi qua chứ ở giữa nơi chiến trận còn khét mùi thuốc súng này thì lấy đâu ra rượu thịt, bánh chưng, mứt Tết…
Dũng vác cái bao trên vai, vừa mới tới đầu lán đã gọi rối rít:
- Anh em đâu ra nhận hàng Tết nè!
Nó bước nhanh vào phòng rồi dốc cái bao ra sạp vui vẻ nói:
- Mỗi người 5 gói mì Miliket loại hai tôm, một gói thuốc lá hiệu Hoa Mai, cả phòng mình được hai gói “bồ hooc” Việt Nam (loại bột cá mặn).
Anh em chúng tôi không buồn vì thiếu rượu, thịt, bánh chưng. Khi thằng Dũng đổ bao hàng Tết ra sạp đứa nào cũng cười nhưng tôi hiểu trong lòng mỗi đứa đang trào lên một nỗi buồn khôn tả. Thằng Toàn chẳng hiểu vô tình hay vì nỗi nhớ nhà đang cào xé mà miệng bật ra tiếng gọi: “Má ôi!”.
Cả phòng lặng đi.
Là phụ trách phòng và cũng là người anh lớn tuổi nhất, tôi không thể để cho cái buồn và nỗi nhớ làm mềm lòng anh em, nên vội hô to bằng một giọng vui vẻ:
- Có hàng Tết rồi, anh em mình tổ chức ăn Tết luôn.
Mấy đứa cùng reo lên hưởng ứng.
May quá vẫn còn mấy ấm trà Thái Nguyên. Thằng Duy đun nước pha một bi đông nước trà, thằng Dũng lấy cái vung nồi 60 làm mâm, bóc liền mấy gói mì Miliket, thằng Nam xé toang gói thuốc Hoa Mai, thằng Toàn, thằng Hùng xếp mấy cái bát ăn cơm làm ly uống trà. Chỉ trong một loáng anh em chúng tôi đã có một mâm Tết “thịnh soạn”. Rót ra sáu “ly” trà, tôi cầm một ly dâng lên, vừa định cất tiếng thì cậu y tá đại đội chạy xuống gấp gáp gọi:
- Các anh ơi, có một ca thương đang về, phòng mổ chuẩn bị đón thương.
Bỏ lại mâm “cỗ” Tết, thằng Dũng vơ vội bi đông nước trà, sáu anh em tôi cùng chạy xuống phòng mổ. Chắc trời cũng không nỡ phá mâm cỗ Tết của anh em chúng tôi, ca thương đạp phải mìn hộp hồ, chỉ mất có nửa bàn chân nên xử lý một lúc là xong. Phân cho y tá trực xong, anh em chúng tôi lại quây quần bên mâm “cỗ Tết”. Trà tuy có nguội nhưng hơi ấm đồng đội lại nóng lên rất nhiều. Nhấc bát nước trà tôi trịnh trọng:
- Chuẩn bị bước sang năm mới anh chúc các chú luôn vui khỏe, nhanh tay, tinh mắt hoàn thành mọi nhiệm vụ và không được thiếu ai ở cuối chặng đường.
Cả mâm cùng nâng ly.
Đón năm mới, mấy gói mì tôm nhai sống, thuốc Hoa Mai nặng nghẹn cổ, khét lẹt, bi đông nước trà nguội nhưng đầm ấm vui vẻ. Chiêu một hớp trà, nuốt miếng mì tôm sống, thằng Duy giơ tay:
- Giờ em tính thế này. Ở đây mỗi người một quê, hôm nay ăn Tết mỗi người góp một đặc sản quê mình cho Tết nó phong phú. Ta đi từ Nam ra Bắc cho nó thuận đường - Duy chỉ vào thằng Toàn - bắt đầu từ mày, Cần Thơ.
Toàn rạng ngời khuôn mặt cất giọng vẻ tự hào:
- “Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”.
- Biết là gạo trắng nước trong rồi nhưng có món nào nhậu được thì mang ra đãi anh em đi.
Toàn nhanh nhẩu:
- Trời ơi! Nói đến đồ nhậu thì quên đời đi. Em xin đãi cả phòng đặc sản rượu mận nhậu với “vũ nữ chân dài”.
Thằng Duy lầu bầu:
- Mồi không, rượu không thì chân dài với chân ngắn đây cũng chẳng thèm.
Nghe thằng Duy nói cu Toàn cười to:
- Thôi đi “cha” biết vũ nữ chân dài là cái chi không? Là khô nhái tẩm tiêu ớt đặc sản có một không hai ở Cần Thơ đấy. Khô nhái chiên hay nướng trên than mà nhậu với rượu mận thì quên đường về luôn.
Cả sáu anh em cùng gật gù:
- Ừ! Món này được đấy.
Thằng Dũng cất giọng:
- Vậy, cho một đĩa khô nhái, ba bình rượu mận nghe!
Sáu anh em gật gù và bắt đầu cùng “nhậu” rượu mận với “vũ nữ chân dài”. Tiếng nhai mì Miliket rau ráu.
Thằng Nam ngụm một hớp trà:
- Thôi nhậu món Cần Thơ vậy là đủ rồi. Uống quá, đến lúc em “bê” đặc sản quê em lên, xỉn hết rồi thì làm sao nhậu tiếp được.
- Ừa… mày cho đặc sản quê mày lên đi.
- Bến Tre quê em xin được đãi cả phòng món đuông dừa (loại sâu trong thân cây dừa mục) nhậu với rượu dừa, ai có bản lãnh thì nhậu món “đuông quá hải”.
- Đuông quá hải là món chết mẹ gì mày?
Nghe hỏi thằng Nam cười híp mắt:
- Món này chỉ dành cho người bản lãnh xứ dừa quê em thôi. Người ngoài không ai dám nhậu đâu. Đó là đuông sống bơi trong tô nước mắm. Múc một con đang bơi trong tô thả vô mồm nhai đánh bộp, làm một ly, cha! Vừa béo vừa ngọt.
Nghe thằng Nam tả cả phòng cùng xua tay:
- Thôi… dẹp… dẹp… món này dẹp… nhậu đặc sản ấy của mày gặp “anh Tào” cởi quần không kịp.
Cả phòng cười vật vã. Thằng Nam vừa cười sằng sặc vừa thanh minh:
- Em giỡn chơi chút xíu thôi chứ đuông dừa chiên hay nấu cổ hũ dừa thì nhậu hết sảy.
- Thôi, đuông gì cũng thôi. Để xem thằng Dũng An Giang đãi anh em món gì.
Dũng rít một hơi thuốc dài từ từ nhả khói, vẻ đăm chiêu:
- Quê em cũng chẳng thiếu gì món nhậu nhưng em xin biếu mỗi người một kí đường thốt nốt cùng chục bánh làm từ trái thốt nốt. Hai thứ đó thì chẳng ở đâu bằng quê em. Ngày mới sang bên này nhìn thấy cây thốt nốt em thấy nhớ nhà da diết nhưng cũng thấy như được an ủi bởi lúc nào cũng thấy hình bóng quê hương.
Lời tâm sự của thằng Dũng làm anh em thoảng buồn, nhưng đang khí thế “ăn Tết” nên cái buồn cũng chỉ thoảng qua.
Không có rượu nhưng đứa nào cũng như say, say tưởng tượng. Cùng với những món ăn tưởng tượng. Mọi người cười nói vui vẻ như đang ăn Tết ở quê nhà.
Mấy anh em ôm nhau mà cười. Mảnh trăng cuối tuần bập bềnh góc trời xa lặng lẽ tỏa sáng. Đã khuya lắm rồi nhưng chẳng đứa nào chịu đi ngủ.
Chẳng hiểu vì vui chuyện hay tại nước trà mà cả sáu anh em tôi cứ tỉnh như sáo. Rót thêm nước sôi vào bi đông, xé thêm gói Miliket, thằng Nam quê Bến Tre hỏi tôi:
- Thế ở Thái Nguyên quê anh chỗ nào cũng có cây chè mọc à? Chè nó tự mọc hay phải trồng? Chắc cũng giống quê em chỗ nào cũng có dừa, mở mắt ra là thấy dừa, dừa xanh ngút ngàn.
- Ừ quê anh chỗ nào cũng có chè, những đồi chè nối đuôi nhau xanh bạt ngàn. Những đêm trăng đi trên đường làng, hương chè thơm ngọt tận cổ.
Thằng Duy nhấc bát nước trà uống một ngụm ngẩng lên hỏi tôi:
- Em đọc truyện, thấy họ cứ nói “thưởng trà” là thế nào hả anh?
Thằng Toàn láu táu:
- Có thế mà cũng phải hỏi. Ở quê anh ấy toàn là trà, ai có công lao gì thì thưởng bằng trà, mấy lạng hay mấy cân tùy theo công lao to nhỏ, không dùng tiền mặt hay hiện vật - Toàn quay sang tôi - có phải không anh?
Thằng Duy bĩu môi:
- Mày đúng là cái loại “ôm mìn chạy trước xe tăng”. Không biết thì lặng im mà nghe.
Tôi cũng phì cười khi nghe cách giải thích của Toàn.
- Không phải như Toàn nói đâu. Anh cũng không giỏi về chuyện này lắm nhưng anh nghĩ thưởng trà cũng như uống trà thôi, như mấy anh em mình đây cũng là đang thưởng trà đấy. Các nghệ nhân họ gọi vậy cho nó tăng thêm vẻ quí phái của trà thôi.
- Ôi! Em tưởng thế nào.
Nói rồi nó cầm bát nước trà dâng lên ngang mặt trịnh trọng:
- Em mời các “bác” thưởng trà ạ!
Mấy anh em tôi cười vật vã. Nhấp một ngụm trà, tôi nói:
- Nói thì nói vậy, chứ thưởng trà thì tối thiểu cũng phải nhận thấy được bốn điều, chứ không phải dốc ngược bi đông tu ừng ực.
Cả đám nhao nhao:
- Là bốn điều gì hả anh?
- Theo anh là: hương, vị, sắc và cái quan trọng nhất là cảm.
Mấy đứa gật gù ra chiều ngẫm nghĩ lắm. Thằng Toàn lẩm bẩm:
- Hương là mùi thơm, vị thì chua cay mặn ngọt biết rồi, còn sắc, không nhẽ uống trà phải uống cùng gái đẹp?
Mấy anh em chúng tôi lại được một mẻ cười. Thằng Nam với thằng Dũng nhảy lên dúi đầu thằng Toàn xuống sạp hô:
- Đầu óc mày tối tăm, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ấy.
Thằng Toàn vẫn cố ngóc đầu lên cãi:
- Sắc không là gái đẹp thì còn là cái gì? Các cụ thường nói tửu sắc nghĩa là rượu và gái là gì.
Tôi vừa cười vừa xua tay nói:
- Sắc đây là màu sắc của trà chứ không phải nữ sắc. Các cậu thử nhìn vào bát nước trà xem có thấy màu trong xanh như ngọc không? Nói tóm lại, trà ngon là phải hương thơm, nước xanh, vị đậm.
- Thế còn cảm là cái gì hả anh?
- Cái này thì rất mơ hồ. Ví như các bậc vĩ nhân uống một chén trà họ cảm thấy như uống cả tinh hoa của trời đất, thấy cả sự an nguy của thiên hạ… Nhà văn Nguyễn Tuân cũng từng nói một ấm trà pha ngon chứa cả… Ôi! Nhiều, nhiều lắm, nhiều thứ lắm, không biết hết được.
Nghe tôi nói, thằng Toàn nhe răng cười:
- Còn với em cái cảm đầu tiên khi uống trà là đêm nay hai mắt sẽ mở trừng trừng cho đến sáng.
Tiếng cười cùng tiếng nhai mì tôm ròn cả trời đêm.
Thằng Duy ngập ngừng một lát rồi lại hỏi tiếp:
- Em còn nghe nói “độc ẩm” với “song ẩm” là thế nào hả anh?
- À, độc cứ hiểu là một đi, còn ẩm là uống. Độc ẩm là cách uống trà một mình.
Thằng Toàn ngồi ngẩn, miệng lẩm nhẩm rồi hét toáng lên:
- A, em biết rồi. Sáu anh em mình đang ngồi uống trà hôm nay gọi là “lục ẩm”.
Tôi phì cười:
- Uống trà đông người thì người ta gọi là “quần ẩm” chứ không ai đếm người như cậu.
Chắc cũng đã khuya lắm rồi. Có tiếng nai tác từ cánh rừng xa vọng lại nghe buồn mênh mang. Thằng Dũng rít một hơi thuốc dài, từ từ nhả khói, mắt nhìn về góc trời xa nơi có mảnh trăng cuối tuần đang lặng lẽ tỏa sáng.
Tôi đứng dậy tuyên bố:
- Thôi đi ngủ, mai anh em mình còn phải làm việc.
Nằm đã được một lúc lâu thằng Duy bỗng ghé tai tôi thì thầm:
- Kỳ lạ thật, uống trà xong em thấy những nỗi nhớ cứ ùa về. Em bỗng thấy nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ đất nước mình quá.
Tôi vỗ nhẹ lên vai nó, khẽ cười:
- Vậy là em đã thành nghệ nhân thưởng trà rồi đấy.
Thằng Duy cố nén tiếng cười thích chí. Tôi cũng không sao ngủ được. Bao nhiêu nỗi nhớ cứ đổ về. Chỉ có một ấm trà sao chứa đựng nhiều nỗi niềm đến vậy.
* * *
Từ sau cái đêm “ăn Tết” tưởng tượng ấy cứ mỗi lần phẫu thuật cho thương binh, Duy lại mở gói trà ra pha vào bi đông rồi gỡ từng cái khẩu trang cho mỗi người uống vài ngụm trà. Không hề quá khi nói rằng hương vị trà của quê hương đã giúp anh em chúng tôi vượt qua những căng thẳng khó khăn, tiếp cho anh em chúng tôi sức mạnh để giành lại sự sống trên tay thần chết cho bao thương binh.
Đêm mồng 2 Tết năm ấy đại đội đưa về phòng mổ một thương binh. Như mọi khi, tôi thấy thằng Duy dốc ấm trà cuối cùng ra tay để cho vào bi đông. Nó tần ngần hồi lâu rồi bớt lại vài cánh trà nhỏ cho vào túi ni - lon, cẩn thận đặt vào cái góc hộp thuốc vẫn dành riêng để đựng trà. Đến lúc làm thương xong tôi mới vỗ vai nó, hỏi: “Sao lúc pha trà em còn để lại một tí làm gì?” Duy khẽ ấp úng: “Em sợ cái cảm giác khi nhìn vào hộp đựng trà thấy trống không. Bởi vì mỗi lần nhìn thấy những cánh trà là lòng em lại thấy ấm áp, như nhìn thấy bóng hình người yêu, bóng hình quê hương, đất nước”.
Nghe thằng Duy nói, tôi lặng người.
Ở quê tôi trà chất cao hàng tạ. Mỗi độ Tết đến xuân về nhà nào cũng chuẩn bị vài cân loại trà ngon nhất, thơm nhất để mời khách đến chúc Tết. Nhưng dù trà có ngon đến đâu, thơm đến mức nào, tôi nghĩ rằng chẳng ai nhìn thấy được gì trong những cánh trà. Và có lẽ, những nghệ nhân thưởng trà cao siêu nhất chắc cũng không nhìn thấy được bóng dáng người yêu, bóng hình quê hương đất nước trong mỗi cánh trà.
Và tôi tin, chỉ có những người lính đang chiến đấu xa Tổ quốc chúng tôi mới có cách thưởng trà bằng trái tim đầy yêu thương như thế.
Đào Nguyên Hải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...