Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
11:05 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

9 giờ 15 phút

Năm lên tám tuổi thằng Sinh phát hiện ra trong tủ kính của ông nội nó đặt một chiếc đồng hồ báo thức đã cũ kĩ. Điều kì lạ đối với Sinh là chiếc đồng hồ ấy không chạy tích tắc như những chiếc đồng hồ khác mà kim giờ, kim phút luôn ở thời khắc 9 giờ 15 phút. Vậy mà sao đã qua bao nhiêu năm tháng, ông nó vẫn không đem đi sửa chữa?

Tận năm mười mấy tuổi, vào một lúc thích hợp, thằng Sinh mới dè dặt hỏi ông:

- Ông ơi, chiếc đồng hồ của ông bị chết từ lâu rồi sao ông không đem chữa?

Ông nội trừng mắt:

- Không phải đâu cháu ạ. Chiếc đồng hồ của ông không chết. Nó vẫn đang sống cùng thời gian đấy!

Thằng Sinh ngớ người:

- Cháu thấy nó bị chết nhiều năm nay rồi cơ mà. Kim đồng hồ có chạy đâu, ông?

Hình như biết mình đã nói những điều không phù hợp, ông nội vỗ vỗ vào vai nó:

- Ông chỉ muốn nói với cháu rằng chiếc đồng hồ ấy đối với ông là một kỉ niệm sâu sắc. Mà những kỷ niệm thì không bao giờ chết, cháu có hiểu không?

Tất nhiên nó vẫn chưa thể hiểu hết những điều ông nói, nhưng như thế là nó biết ông rất quý cái đồng hồ đã cũ ấy, dù nó không còn chạy nữa.

Năm thằng Sinh mười bảy tuổi. Chiếc đồng hồ cũ của ông vẫn được bày trang trọng trên tủ kính. Kim đồng hồ vẫn chỉ 9 giờ 15 phút.

Một hôm, ông nội bảo:

- Hình như bấy lâu nay cháu vẫn vân vi về chuyện chiếc đồng hồ của ông phải không?

- Dạ! Là vì cháu thấy ở nhà chú Niên đồng hồ chưa hỏng, chỉ lỗi mốt thôi đã được chú ấy thay bằng chiếc khác rồi. Bây giờ nhà chú ấy có cái đồng hồ đẹp lắm ông ạ. Hình như là đồng hồ của nước ngoài.

Chú Niên mà thằng Sinh vừa nói đến là em trai bố nó, tất nhiên cũng là con trai của ông nội.

Ông cười khẽ:

- Thế hả cháu. Ừ, bây giờ ở thành phố người ta đua nhau sắm những thứ đắt tiền.

Nói thế, nhưng không hiểu sao ánh mắt ông lại thoắt buồn.

Ông cầm tay Sinh, mỉm cười:

- Ông muốn nói với cháu rằng ở đời có những chiếc đồng hồ rất đẹp, vẫn đang chạy, nhưng đang chạy trong một thời gian chết; lại có những chiếc đồng hồ kim đã vĩnh viễn ngừng quay nhưng trong lòng nó vẫn đang chuyển động từng phút, từng giây, cháu hiểu không? Cháu ạ, đêm đêm ông vẫn nghe thấy tiếng tích tắc vọng ra từ chiếc đồng hồ đặt trên tủ kính kia đấy.

Có lẽ ông nội là luật sư nên hay triết lí. Nhưng thằng Sinh lại rất thích nghe những lời khó hiểu như vậy. Những điều ông nói luôn làm cho nó bắt buộc phải tiếp tục suy nghĩ.

Ông nội nó chỉ có hai người con trai là bố nó với chú Niên. Bố nó làm công nhân lái xe cho một cơ quan nhà nước, đồng lương chả được bao nhiêu. Còn chú Niên tốt nghiệp dược sĩ, mở công ty dược phẩm rất to, mấy năm nay trở nên giàu có. Nhưng chẳng hiểu vì sao, mỗi lần nhắc tới chú Niên ông nội đều tỏ vẻ không vui.

Hồi đầu năm nay nó còn được chứng kiến một cuộc cãi vã khá căng thẳng ngay tại nhà ông nội. Mà chuyện rất đơn giản: chú Niên xuất phát từ ý tốt, bảo bố nó nên nghỉ việc nhà nước để lái xe chở hàng cho công ty dược, chú sẽ trả lương gấp bốn lần. Vậy mà bố nó nhất định không nghe. Thằng Sinh hơi lạ vì ông nội lại bênh bố và phản đối chú Niên kịch liệt. Chú Niên tức giận, bảo ông nội và bố toàn là những người bảo thủ, không thức thời.

Đến khi chú Niên chỉ tay lên chiếc đồng hồ cũ, chì chiết: “chỉ cần nhìn chiếc đồng hồ han gỉ như cục sắt vụn vô dụng của bố để trong tủ kính hơn bốn mươi năm nay là đủ biết bố cổ hủ đến mức nào”. Chú Niên vừa dứt lời, bất thần ông nội nhảy phắt đến góc nhà rút xoạt chiếc vợt cầu lông. Hôm ấy không có bố can ngăn chắc là chú Niên no đòn.

Ông nội quả là một người khó tính và khó hiểu. Thời nay các luật sư hành nghề đã nhiều người trở nên khá giả nhưng nó thấy ông nội mở văn phòng luật sư chủ yếu chỉ để giúp dân làng hiểu biết thêm về pháp luật. Đặc biệt những người bị oan sai, ông không hề tiếc công tiếc sức để giải oan cho họ. Về những chuyện đại loại như vậy, ở tuổi mười bảy nó đã hiểu được ít nhiều. Nhưng cái điều bí ẩn nằm trong cái thời khắc 9 giờ 15 phút vĩnh viễn trên chiếc đồng hồ cũ kia thì nó vẫn hoàn toàn mù tịt.

* * *

Bỗng nhiên có chuyện xảy ra: chú Niên bị công an bắt vì tội danh buôn bán thuốc giả, bị kết án chín năm tù giam.

Thời gian ấy ông nội gầy rộc đi. Ngoài thời gian tư vấn cho khách hàng, ông chỉ ngồi lặng lẽ bên cửa sổ, mắt nhìn vào xa xăm trong một nỗi buồn khôn tả. Thỉnh thoảng ông lại gọi bố mẹ thằng Sinh đến dặn đi dặn lại là phải năng đến trại giam thăm nuôi chú Niên. Ông nội nó thật kì lạ. Cái ngày chú Niên làm ăn bộn tiền thì ông ghét chú đến mức tưởng như xúc đất đổ đi, vậy mà khi chú ngồi tù lại không có ai thương chú bằng ông.

Thời gian vẫn lững thững trôi. Chiếc đồng hồ cũ kĩ của ông vẫn chỉ 9 giờ 15 phút.

Sợ ông buồn nên dạo này thằng Sinh thường xuyên đến thăm ông nội.      

Những ngày ở cùng ông, nó bỗng phát hiện thấy một điều khác thường. Trước đây, ngày nào cũng vài lần nó thấy ông ngồi nghiêm trang trên ghế để ngắm nhìn chiếc đồng hồ trên tủ kính bằng một cử chỉ đầy ngưỡng vọng. Nhưng bây giờ, thỉnh thoảng lắm nó mới thấy ông ngước lên ô tủ kính có đặt chiếc đồng hồ, nhưng cũng chỉ thoáng một giây, ông lại cúi gằm mặt xuống trong vẻ mặt u buồn. Ông nó quả là khó hiểu.

Một buổi chiều, ông nội cho gọi Sinh tới và nói với nó bằng một giọng hơi thảng thốt:

- Cháu về lấy xe máy đèo ông đi có việc.

Đập vào mắt nó là chiếc đồng hồ đã được cho vào túi ni nông đặt ngay ngắn trên bàn.

Nó e dè hỏi:

- Đi đâu hả ông?

- Ra bảo tàng của tỉnh. Cháu biết trụ sở của bảo tàng tỉnh không?

- Cháu biết. Ông đem chiếc đồng hồ này đi ạ?

- Đúng thế.

Thằng Sinh nhìn chiếc đồng hồ qua túi giấy bóng. Vẫn chỉ đúng 9 giờ 15 phút.

Nhìn vẻ mặt căng thẳng của ông nội, nó không dám hỏi thêm.

* * *

Ông giám đốc bảo tàng xoay xoay chiếc đồng hồ với vẻ đầy nghĩ ngợi:

- Thưa bác, nghĩa là bác muốn đưa chiếc đồng hồ cũ này vào bảo tàng? Xin bác sơ qua vài nét về hiện vật này có được không ạ?

- Vâng, vâng, tôi hiểu. Nhưng lúc này tôi chỉ dám nói rất ngắn gọn đây là một kỉ vật trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Muốn tìm hiểu cặn kẽ về nó, tôi xin đồng chí một đặc ân là hãy cử một cán bộ đi khảo sát về hiện vật này. Có lẽ cũng không quá phức tạp đâu ạ. Trận bom lịch sử ấy xảy ra ở một địa điểm không quá xa thành phố và cũng chỉ mới cách đây hơn bốn mươi năm. Nhiều nhân chứng hiện vẫn đang sống.

Ông giám đốc bảo tàng giọng vui vẻ:

- Thưa bác, đúng vậy! Sự kiện Đại đội Thanh niên xung phong 915 của tỉnh ta năm ấy đã san lấp hố bom thông đường cho hàng trăm chiếc xe chở lương thực vượt qua, kịp thời đưa ra tiền tuyến là một chiến công vang dội và cũng đã được Nhà nước ghi danh. Nhưng bác là người đưa hiện vật cụ thể này đến bảo tàng, cũng mong bác kể lại vài nét để…

Thằng Sinh nhìn thấy mặt ông nội hơi nhợt đi. Giọng ông ấp a ấp úng thật thảm hại:

- Thưa… à… xin… xin… đồng chí… hiểu cho là bây giờ tôi không còn… dám nói điều gì cả. Tôi không còn… xứng đáng để… nói về những điều ấy. À, mà tôi chỉ xin có một đề nghị là các đồng chí đừng vặn lại giờ của chiếc đồng hồ. Hãy để nguyên thế. Lúc nào nó cũng phải là 9 giờ 15 phút.

Thằng Sinh ngạc nhiên không hiểu vì sao ông nội nó lại lúng túng một cách khổ sở đến vậy. Trên đường về, thằng Sinh bày tỏ ý nghĩ ấy với ông nội. Ông nó lắc đầu, buồn bã:

- Ông nên trả nó về cho xã hội thì hơn cháu ạ. Ông không còn xứng đáng với nó nữa.

Cuối tháng, ông nội mất đột ngột vì một cơn tai biến.

Thế là đến tận ngày ông ra đi thằng Sinh vẫn không hề biết vì sao cái đồng hồ của ông lại luôn chỉ vào 9 giờ 15 phút.

* * *

Năm sau, thằng Sinh đỗ vào khoa lịch sử nên có dịp thường xuyên vào bảo tàng.

Một lần đứng cùng với một đoàn tham quan nó được nghe cô thuyết minh viên của bảo tàng nói ràng rẽ từng lời:

- Xin giới thiệu với quý khách, đây là chiếc đồng hồ, một di vật trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Xin các quý vị hãy nhìn kĩ, lúc nào kim giờ và kim phút của nó cũng được chỉ vào thời khắc 9 giờ 15 phút. Vì sao lại như vậy? Câu chuyện được bắt đầu từ một buổi chiều khi một cựu thanh niên xung phong của Đại đội 915 mang chiếc đồng hồ này đến nộp cho bảo tàng cùng sự im lặng đầy tâm trạng.

Dù hết sức cố gắng chúng tôi vẫn không thể khai thác thêm gì ở ông. Đồng chí giám đốc của chúng tôi đã quyết định mở một cuộc khảo sát để làm hồ sơ cho hiện vật. Phải tới sáu tháng sau mọi việc mới được hoàn tất. Trận bom năm ấy, đúng lúc Đại đội Thanh niên xung phong 915 vừa hoàn thành việc san lấp một cung đường để hàng trăm chiếc xe ô tô thoát hiểm thì máy bay địch ào đến. Một nữ đội viên trực ban trên một quả đồi đã nhanh chóng dóng một hồi kẻng báo động để toàn đại đội kịp thời xuống hầm. Nhưng người nữ đội viên thanh niên xung phong ấy đã hy sinh anh dũng, trên tay vẫn nắm chặt chiếc đồng hồ.

Khi truy điệu nữ đội viên nọ, đồng chí chỉ huy trận đánh hôm ấy đã không nén nổi xúc động, giơ cao chiếc đồng hồ nói với toàn đại đội bằng những lời vô cùng tâm huyết: “Nữ đồng đội anh hùng của Đại đội 915 của chúng ta trái tim đã ngừng đập. Chiếc đồng hồ trực ban trên tay đồng chí cũng đã vĩnh viễn ngừng quay vào hồi 9 giờ 15 phút. 9 giờ 15 phút! Đó là thời khắc đau thương và hào hùng của lịch sử không ai được phép quên! Với chúng ta, người nữ anh hùng ấy cùng chiếc đồng hồ này vẫn sống mãi với thời gian. Chúng ta nguyện hãy sống sao cho không hổ thẹn với người đã khuất!”. Hôm ấy không ai cầm nổi nước mắt. Những tiếng thét trả thù cho đồng đội rền vang mấy quả đồi.

Cô thuyết minh viên dừng lời một lát vì xúc động rồi tiếp tục:

- Thưa các bạn, vị chỉ huy của đại đội thanh niên xung phong ấy chính là người cựu thanh niên xung phong đã mang chiếc đồng hồ này tặng cho bảo tàng chúng tôi. Rất tiếc là người đã hơn suốt bốn mươi năm gìn giữ chiếc đồng hồ, một hiện vật vô giá đối với nhiều thế hệ ấy đã vĩnh viễn đi xa.

Đoàn tham quan lặng người trước những lời thuyết minh của cô gái.

Không ai để ý thấy trong đoàn có một chàng trai mấy lần đưa tay lén lau nước mắt. Chàng trai đó là Sinh. Có lẽ chỉ có nó mới hiểu được rằng chiếc đồng hồ ấy không chỉ là lịch sử bốn mươi năm mà đối với ông nội nó còn là nỗi đau không thể diễn thành lời của bốn mươi năm thời hiện tại.

Bất ngờ Sinh đưa tay lên nhìn đồng hồ. Thật kì diệu. Chiếc đồng hồ mạ vàng của nó cũng đang chỉ đúng 9 giờ 15 phút!

Truyện ngắn. Hồ Thủy Giang

2 đã tặng

0

0

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước