Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:43 (GMT +7)

30 năm thơ Thái Nguyên

Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2017)

VNTN - 1.

30 năm trước đây, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) ra đời, là nơi hội tụ các văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Trong sự phong phú, đa dạng của các loại hình nghệ thuật vốn rất nổi trội ở Thái Nguyên lúc bấy giờ như âm nhạc, hội họa, múa, điêu khắc, nhiếp ảnh,… những người làm thơ Thái Nguyên cũng đã tìm được ngôi nhà chung để mà gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, phát huy năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Đó là Phân hội Thơ (sau này và đến nay là Chi hội thơ). Có thể khẳng định rằng, chặng đường 30 năm của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên cũng chính là hành trình vận động, phát triển của thơ Thái Nguyên, từ đội ngũ đến số lượng tác phẩm, từ cảm hứng sáng tác đến xu hướng, cá tính nghệ thuật. Nhìn lại lịch sử 30 năm ấy, các thế hệ làm thơ Thái Nguyên hôm nay đều có thể tự hào.

Sinh ra trong không khí sôi sục những ngày đầu của sự nghiệp Đổi mới (1986), trong giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế, xã hội của đất nước sau chiến tranh, nhu cầu được nói lên tiếng nói của chính mình với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” là nhu cầu cần thiết của văn nghệ sĩ cả nước và cũng là nhu cầu tự thân của các văn nghệ sĩ Thái Nguyên giai đoạn này. Thơ Thái Nguyên, do vậy, cũng đã có những đóng góp bằng sự nỗ lực, bằng công khai phá, mở đường của các bậc tiền bối, là món ăn tinh thần hết sức quan trọng cho độc giả. Thơ phải là tiếng nói chân thực, là niềm tin của nhà thơ về xu thế đi lên của đất nước. Thế hệ đầu tiên của thơ Thái Nguyên đã làm được điều đó. Nhiều cái tên trong số họ đã quen thuộc với đọc giả Thái Nguyên từ thời Văn nghệ Việt Bắc như Ma Trường Nguyên, Khánh Kiểm, Hữu Tiệp, Thế Chính,… Thơ của họ thể hiện sự trong sáng đến thánh thiện trong tâm hồn, mặc cho những bon chen vần vũ của cuộc sống đời thường, mặc cho những trắng đen xoay đổi của xã hội trong những bước đi đầu tiên của cơ chế thị trường. Thơ không sa sút niềm tin, đơn giản vì những chủ thể sáng tạo của nó chưa bao giờ sa sút niềm tin. Cảm hứng ngợi ca vẫn là chủ đạo của thơ Thái Nguyên giai đoạn này. Ta nhận thấy rất rõ điều đó trong Mát xanh rừng cọ của Ma Trường Nguyên hay Cõng ruộng trên lưng của Hữu Tiệp. Dù viết về người lớn hay viết cho thiếu nhi thì tính chân thực vẫn là một yếu tố chủ đạo của thơ Thái Nguyên. Mặc nhiên, không có những hoài nghi về cuộc sống, không có ý thức phản tỉnh, xem xét, đánh giá lại những giá trị tinh thần đã được khẳng định như là một hiện tượng thơ ca trong cả nước lúc bấy giờ.

Trong không gian thơ Thái Nguyên những thập niên 80, 90 cuối thế kỷ trước, có sự tham góp, hiện hữu của những gương mặt làm thơ mà vì một lí do nào đó, họ đã gắn bó và in dấu ấn của mình trong thơ Thái Nguyên. Độc giả Thái Nguyên khi đó đã rất yêu, rất nhớ những câu thơ mượt mà, đầy xúc cảm của nhà thơ Đặng Vương Hưng, một nhà thơ quân đội, khi anh còn làm ở báo Quân Khu Một, hay nhà thơ trẻ Nguyễn Bình Phương, người con của quê hương Thái Nguyên với những vần thơ đầy ám ảnh về một vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa. Mảnh đất Thái Nguyên nâng đỡ bước chân của họ, là một phần trong máu thịt cuộc đời họ, để rời xa Thái Nguyên, những nhà thơ ấy đều đã thực sự trưởng thành.

Thử kiểm diện đội ngũ ban đầu ấy, ta thấy một số gương mặt mà cho đến nay, vẫn còn tràn đầy năng lượng chữ. Bên cạnh những cái tên đã nhắc đến ở trên, còn có Trần Văn Loa, Ba Luận, Hồ Thủy Giang, Vũ Đình Toàn, Nguyễn Hữu Bài, Đàm Thế Du, …

Những đóng góp của thơ Thái Nguyên thời kì đầu còn phải kể đến những nhà thơ trẻ. Họ cũng là thế hệ đầu tiên cùng với các bậc tiền bối góp phần tạo dựng nền móng cho thơ Thái Nguyên. Đó là Trần Thị Vân Trung, một giảng viên đại học, một chuyên gia giáo dục tại nước bạn Campuchia, thơ của chị duyên dáng một cách hồn hậu thể hiện một tâm hồn nữ sĩ khao khát mà kín đáo, mãnh liệt mà dịu dàng, khổ đau mà lạc quan… Đó là Võ Sa Hà với đăm đắm một nỗi niềm hướng về quê hương Cao Bằng. Thơ anh hiển lộ rõ nét và sinh động một thứ văn hóa núi đá rất chân thật và đáng yêu. Mỗi người một vẻ, một cá tính riêng trong sáng tác. Họ đã góp phần đưa Thái Nguyên vào thơ và lớn hơn, đã khơi nguồn một dòng chảy, một nguồn mạch ban đầu cho thơ Thái Nguyên.

Cuối thập niên 90 và những năm đầu tiên của thiên niên kỉ mới, thơ Thái Nguyên đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đó là sự mở rộng về đề tài và biên độ phản ánh, sự tiếp nối và phát triển về đội ngũ và sự khẳng định những dấu ấn, đóng góp của cá nhân từng nhà thơ qua việc công bố, xuất bản nhiều tập thơ mới. Kế tục và sát cánh cùng thế hệ đi trước, thơ Thái Nguyên giai đoạn này có sự góp mặt của một đội ngũ khá đông đảo những người làm thơ. Đó là những tác giả Nguyễn Ngọc Minh, Ngọ Quang Tôn, Lê Nhâm, Phan Thức, Nguyễn Thúy Quỳnh, Hiền Mặc Chất, Nguyễn Thị Minh Thắng, Lê Hùng, Bùi Công Tự,  Xuân Nùng, Đỗ Dũng, Nguyễn Đức Hạnh, Lưu Thị Bạch Liễu, Hồ Triệu Sơn, Nguyễn Kiến Thọ, Cao Hồng, Hoàng Tố Nga, Phan Thái,… Đây là thời kì bùng nổ trong sáng tác của các tác giả với sự ra đời của hàng nghìn bài thơ và hàng trăm tác phẩm, chủ yếu là các tập thơ riêng của từng tác giả. Đáng chú ý là thơ Thái Nguyên giai đoạn này đã bước đầu hình thành và bộc lộ những khuynh hướng cá tính thơ rất rõ nét. Sự nhiệt thành và say mê sáng tạo cùng với nhu cầu làm mới cho thơ đã hình thành nên ý thức thẩm mỹ của các nhà thơ Thái Nguyên giai đoạn này. Đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ và kì vọng về sự phát triển của đông đảo công chúng yêu thơ. Một số nhà thơ đã bộc lộ rõ thiên hướng sáng tác với những ưu điểm và hạn chế nhất định. Thơ Thái Nguyên giai đoạn này chứng kiến sự hồi sinh thú vị nhu cầu thưởng thức thơ ca của người đọc mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội. Đặc biệt, sự ra đời và phát triển của báo Văn nghệ Thái Nguyên đã tạo nên con đường ngắn nhất để đưa thơ Thái Nguyên đến với bạn đọc. Nỗ lực đáp ứng và tôn trọng sự kì vọng đó, các nhà thơ Thái Nguyên đã không ngừng kiến tạo những giá trị riêng cho thơ mình.

Giai đoạn từ 2010 đến nay chứng kiến con đường thơ Thái Nguyên trải qua những bước rẽ, những khúc ngoặt. Xã hội hiện đại, sự thâm nhập của văn hóa toàn cầu ngập tràn qua các trang mạng xã hội phần nào làm sao nhãng sự chú ý và quan tâm của người đọc đến với thơ. Hoặc giả, thơ, tự nó hay là do khả năng chưa bắt kịp của người viết đối với sự vận động trong vòng quay hối hả của cuộc sống, đã không còn là một hấp lực mạnh mẽ như trước. Ý thức kiếm tìm một ngã rẽ, một con đường mới cho thơ đã thể hiện sự nỗ lực và nhạy cảm cần thiết của một bộ phận tác giả, bên cạnh số ít các nhà thơ đã không vượt qua được sức ì của tuổi tác và khả năng sáng tạo. Đấy là lí do ở giai đoạn này, thơ Thái Nguyên chứng kiến sự xuất hiện ngoạn mục của một số tác giả trẻ. Đó là Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy…, cùng với họ là Trần Nhung, Gia Hân, Hoàng Thị Hiền, Doãn Long…Điều đáng chú ý là, dù chưa có nhiều những trải nghiệm về thơ, mỗi người trong số họ đều cố gắng định ra những lối đi cho riêng mình.

Nhìn lại, đó là chặng đường 30 năm với nhiều bước tiếp nối giữa các thế hệ, với sự thống nhất nhưng cũng đầy đa dạng.

Lễ hội Thơ Nguyên tiêu  - Thái Nguyên 2017

2. 

Nói đến sáng tạo nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, có hai yếu tố quan trọng để đánh giá một giai đoạn phát triển. Đó là đội ngũ và đỉnh cao, cũng là số lượng và chất lượng. Thái Nguyên, trong một chừng mực nào đó, có thể coi là đã có một đội ngũ sáng tác đủ dày, có tính ổn định và khả năng tiếp nối khá rõ giữa các thế hệ. Thơ Thái Nguyên cũng bước đầu khẳng định được vị thế của mình trong nền thơ Việt Nam hiện đại bằng lao động nghệ thuật mang dấu ấn sáng tạo của các nhà thơ, biểu hiện bằng những giải thưởng cụ thể. Nguyễn Thúy Quỳnh, Võ Sa Hà, Lưu Thị Bạch Liễu ghi tên mình vào những giải thưởng các cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhiều tác giả được giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thơ của các tác giả Thái Nguyên được đăng tải trên các báo, tạp chí từ Trung ương đến các địa phương, rải khắp các vùng miền trong cả nước. Ngoài ra, giải thưởng qua các cuộc thi thơ hàng năm, giải thưởng định kỳ 5 năm của UBND tỉnh Thái Nguyên, cũng là những ghi nhận, trân trọng công lao đóng góp và thành quả lao động mang tính sáng tạo nghệ thuật của các nhà thơ Thái Nguyên.

Trong đội ngũ các tác giả thơ Thái Nguyên hôm nay, có những nhà thơ đã trực tiếp trải qua những tháng ngày gian khổ và oanh liệt của cuộc đời người lính. Thơ của họ là những trải nghiệm sâu sắc về tình yêu đất nước, tình đồng chí đồng đội. Họ để lại dấu ấn rõ nét trong thơ. Chúng ta có thể nhận ra điều đó trong thơ của các tác giả Đỗ Dũng, Nguyễn Minh Sơn, Võ Sa Hà, Minh Thắng, Hồ Triệu Sơn, Phan Thái…, những tác giả mà nếu nói đến thơ Thái Nguyên, đặc biệt là mảng viết về chiến tranh và người lính, không thể không nói tới những đóng góp của họ.

Thơ nữ Thái Nguyên trong thời điểm hiện tại, ít nhiều đã có được vị thế nhất định trong thơ nữ Việt Nam đương đại. Những tác giả nữ Thái Nguyên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Trần Thị Vân Trung, Nguyễn Thúy Quỳnh, Cao Hồng, và bên cạnh đó là Minh Thắng, Lưu Thị Bạch Liễu… là những đại diện xứng đáng của thơ nữ Thái Nguyên, cũng là những gương mặt khá quen thuộc của thơ nữ Việt Nam hiện đại. Tác phẩm của họ đã là đối tượng nghiên cứu của các luận văn, luận án, những công trình nghiên cứu về thơ Thái Nguyên cũng như thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại.

Nói đến những người làm thơ Thái Nguyên hôm nay, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến vai trò của các câu lạc bộ thơ trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là các câu lạc bộ thơ Mùa Thu, câu lạc bộ thơ Tháng Năm... Thành viên chủ chốt của các câu lạc bộ này là những nhà thơ có kinh nghiệm, bề dày sáng tác và nhất là rất giàu nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm cao trong việc nuôi dưỡng và khích lệ những người làm thơ, phần đông là các cụ hưu trí, coi thơ như một thú vui lịch lãm và sang trọng của tuổi già. Tuy vậy, hoạt động giao lưu của các câu lạc bộ thơ này trong những năm gần đây cũng rất đáng trân trọng, với hàng trăm cuộc tọa đàm thơ ca, giao lưu, thực tế, trao đổi về thơ với các câu lạc bộ khác thuộc nhiều địa phương trong cả nước. Về một phương diện nào đó, những hoạt động này có tác dụng hâm nóng sự mến mộ thơ ca của một bộ phận độc giả, những người lớn tuổi, vẫn coi thơ là ngôi đền thiêng liêng trong đời sống tinh thần của mình.

Gần đây nhất, sự ra đời mang tính tự phát của một câu lạc bộ thơ trên mạng xã hội, mà Ban Chủ nhiệm và những người làm công tác quản trị trang thơ này, đều là người Thái Nguyên. Đó là trang thơ Tình người Thái Nguyên với sự tham gia của hơn 3000 thành viên. Cho thấy, người đọc vẫn không quay lưng lại với thơ, và nhu cầu thưởng thức thơ trong cuộc sống này, vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự vĩnh hằng của nó.

Sẽ không có một nền thơ Thái Nguyên sâu và rộng đến hôm nay nếu không nói đến ý thức, trách nhiệm và cả lòng nhiệt tình không vụ lợi của các thế hệ lãnh đạo Hội VHNT tỉnh và báo Văn nghệ Thái Nguyên. Mặt khác, sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đã mở lòng với thơ và thân thiện với những người làm thơ. Tất cả chỉ một mục đích vì sự phồn vinh và phát triển của đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, trong đó có nhu cầu thưởng thức, cảm thụ và sáng tạo thi ca.

...Những năm gần đây, các buổi giao lưu thơ, các lớp tọa đàm, bồi dưỡng về sáng tác thơ đã được Hội VHNT và Chi hội Thơ rất quan tâm và có những định hướng cụ thể. Hằng năm, Ngày Thơ Việt Nam Nguyên tiêu thực sự là ngày hội của những người làm thơ và yêu thơ Thái Nguyên, thu hút được sự quan tâm của hàng nghìn người yêu thơ, từ cụ già hưu trí đến các thầy cô giáo, các em sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh. Một số hoạt động sinh hoạt và thực hành thơ ca khác cũng phát huy được tính hiệu quả cần thiết như: Cuộc giao lưu thơ giữa những người làm thơ trẻ khu vực Việt Bắc với chủ đề Việt Bắc boong hây là một sự kiện đáng chú ý, có tác dụng khích lệ những đam mê sáng tác của những người viết trẻ. Các cuộc thi thơ thường niên trên báo Văn nghệ Thái Nguyên cũng là một sân chơi bổ ích và sòng phẳng. Ở đó, những giá trị chân chính được tôn vinh, những tài năng thơ ca được trân trọng.

3.

Thơ Thái Nguyên trong giai đoạn hiện đại và hành trình đến tương lai đang phải đối mặt với không ít những thách thức. Một mặt, nó phản ánh những đặc điểm chung nhất của nền thơ Việt Nam đương đại, đó là sự phá vỡ tính ổn định, cả về phía người sáng tác và cả về thơ. Cùng với đội ngũ làm thơ cả nước, đội ngũ thơ Thái Nguyên đang già đi cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, tức là cả tuổi tác và năng lực sáng tạo. Trong hành trình miệt mài để đi tới đích của sự hội nhập, thơ Thái Nguyên thiếu sức bền cần thiết, và thiếu những đột phá đủ mạnh để nâng tầm chất lượng. Những người làm thơ Thái Nguyên hôm nay đang đứng trước một thực tế mang tính nghịch lí khá rõ: Trung thành với lối viết truyền thống và nhu cầu tự ý thức về sự thay đổi. Tất nhiên, nhu cầu là một chuyện, năng lực của người viết lại là chuyện khác. Vậy nên, những chuyển động về mặt thi pháp như các sáng tác của Nguyễn Nhật Huy, Phạm Văn Vũ… rất đáng được trân trọng và khích lệ.

Lịch sử của thơ ca là lịch sử sáng tạo, của hành trình ngày càng tiến gần hơn đến bản thể Người. Trên hành trình ấy, dù diện mạo thơ có những thay đổi để phục vụ những sứ mạng lịch sử cao cả và vĩ đại của nó, thì bản chất của thơ bao giờ cũng kiên trì vươn tới sự hoàn thiện các giá trị thẩm mĩ. 30 năm thơ Thái Nguyên là quãng thời gian không phải là dài, nhưng cũng đủ để những mạch nguồn thơ hội tụ và lan tỏa, đủ để thành khe, thành suối, thành dòng chảy thơ ca Thái Nguyên rong ruổi và chan hòa vào dòng sông thi ca Việt Nam hiện đại.

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy