Xây dựng thành phố thông minh
VNTN - Khái niệm “thành phố thông minh” được sử dụng từ năm 2005 bởi các tập đoàn viễn thông hàng đầu, họ chào hàng đầu tư “thông minh” cho cả một đô thị hoặc theo từng gói module thành phần. “Thành phố thông minh” đã tạo ra trào lưu lan tỏa và một cuộc chạy đua xây dựng thành phố thông minh trên toàn thế giới, thậm chí nhiều quốc gia còn hướng đến xây dựng “quốc gia thông minh”.
Những yêu cầu đặt ra cho một “thành phố thông minh”
Ý tưởng về thành phố thông minh ra đời vào khoảng 1990 tại Mỹ và Ấn Độ, nó là ý tưởng của các chuyên gia về công nghệ thông tin với mong muốn đưa công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách của cuộc sống đô thị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện chưa có một sự đồng thuận thế nào là một “thành phố thông minh” mà chỉ có khái niệm: Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) giúp cho thành phố sử dụng hiệu quả tài nguyên của chính mình.
Trào lưu xây dựng “thành phố thông minh” đã tạo ra sự hào hứng của nhiều quốc gia, với sự tham gia của nhiều thành phố. Nhưng tính đến thời điểm này, chỉ có các thành phố là Thủ đô hành chính mới của Malaysia, Song Do của Hàn Quốc, thành phố Đại học Quảng Châu - Trung Quốc và Yokohama của Nhật được đánh giá là thông minh, còn phần lớn nhiều dự án phá sản, chưa/không tới đích, hoặc là chỉ tới đích từng phần, hoặc “thông minh” trong từng khu vực: khu vực xử lý môi trường rác thải, khu vực điều hành giao thông, khu vực sử dụng và tái tạo nước…
Có một đặc điểm chung của những thành phố được đánh giá là “thông minh” là Chính phủ đó có quy mô diện tích không lớn, mức tập trung vốn đầu tư cao (thành phố hành chính mới của Malaysia diện tích 50 km2, vốn đầu tư 11 tỷ USD; thành phố Song Do của Hàn Quốc diện tích 6,5 km2, vốn đầu tư cực lớn là 35 tỷ; thành phố Đại học Quảng Châu, Trung Quốc diện tích 43 km2 vốn đầu tư là 7 tỷ USD v.v... Các thành phố này đều xây dựng mới, nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai các ý tưởng kỹ thuật mới được chính xác và đồng bộ. Một điểm quan trọng nữa là các thành phố này cư dân đều là những “cư dân thông minh”, nó được thể hiện ở trình độ học vấn, có việc làm ổn định và có thu nhập cao.
Xây dựng và vận hành “thành phố thông minh” phải có những điều kiện cơ bản tương thích. Trước tiên là thành phố phải có được một hệ thống hạ tầng khung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiện đại, đồng bộ và phủ khắp, theo nguyên tắc “Vạn vật được kết nối”. Điều kiện đi liền với đó là sự tương thích của hạ tầng, trình độ, quy mô với cấp độ với các đối tượng: Nhà ở thông minh, cộng đồng thông minh, không gian công cộng thông minh, dịch vụ xã hội thông minh và nhà nước thông minh. Điều kiện không thể thiếu là khả năng tiếp nhận các yếu tố “thông minh” của thành phố đối với người dân. Người dân phải đảm bảo đủ khả năng tài chính để đầu tư công nghệ, thiết bị hấp thụ sự “thông minh” của thành phố. Dân trí khu vực phải ở mức cao để sử dụng hệ thống công nghệ, thiết bị đã đầu tư, đi cùng đó là sự hợp tác, hành động, chia sẻ một cách tự nguyện. Điều kiện tiếp theo là phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, trung thành với lợi ích chung để vận hành được các hệ thống của “thành phố thông minh”. Cuối cùng, thành phố cần có “Chính quyền thông minh” và “Lãnh đạo thông minh”; có được những điều này thì mới có hướng đầu tư đúng, phù hợp, có thể huy động được mọi nguồn lực để đầu tư và điều hành được “thành phố thông minh”, tạo được sự kết nối thực hiện mục tiêu đề ra.
Về hiệu quả của việc xây dựng “thành phố thông minh”, chúng ta có thể cảm nhận được từ những tín hiệu “thông minh”: Nộp thuế điện tử, một cửa liên thông, dịch vụ gọi taxi, báo điểm thi đại học, nộp chi phí điện, nước… “Thành phố thông minh” đã góp phần cải thiện điều kiện sống, tạo sự kết nối của người dân tốt hơn.
Còn nhiều điểm cần lưu tâm…
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm theo đuổi, những mặt trái của “thành phố thông minh” cũng được tổng kết và xem xét”, ví như đề án xây dựng thành phố thông minh của Nhật Bản đối với Kyodo, Toyama, Kanagawa… được lập 2008, nay đang được xem xét rà soát do những bất cập từ các mặt trái của sự phát triển “thông minh”.
Mặt trái đầu tiên chính là sự cố rủi ro công nghệ. Thành phố thông minh tức là cả thành phố sẽ là một máy tính khổng lồ, nếu một sự cố nào đó ngoài ý muốn xảy ra có thể sẽ tạo tác động khủng khiếp mà con người không lường hết được. Thực tế cho thấy, đã có những vụ hàng trăm xe hơi trên đường cao tốc ở Pháp, Anh đâm vào nhau do hệ điều hành thông minh trên đường cao tốc; hoặc vụ tê liệt hệ điều hành ở sân bay Tân Sơn Nhất năm 2017…; chưa kể những vụ khi hacker chủ động thâm nhập và đưa ra những ý đồ xấu. Thêm vào đó, khi “thành phố thông minh” vận hành cũng sẽ tạo ra hiện tượng xã hội, từ “xã hội giao tiếp” chuyển thành “xã hội điện tử”. Ở xã hội này việc giao tiếp thì nhiều nhưng không gặp ai, chất xúc tác giao tiếp xã hội bị mất đi, cơ cấu gia đình, giao tiếp giữa bố mẹ, con cái…, thậm chí cả tình yêu đều bị tác động của “Smart”. Hiện tượng tác động của thiết bị điện tử đối với xã hội vô cùng lớn, nhiều căn bệnh như tăng động, tự kỷ… đã bắt nguồn từ điện tử, gây khó khăn cho nhiều gia đình và tác động đến xã hội.
“Thành phố thông minh” có thể nói là dành cho cư dân thông minh, thu nhập cao, yếu tố này đã làm tăng khoảng cách các tầng lớp trong xã hội. Điểm thiệt thòi sẽ rơi vào các đối tượng yếu thế, người nghèo, người già…, khi không đủ điều kiện có thể bị đứng ra rìa thành phố. Thành phố sáng tạo khi vận hành sẽ được lập trình đến từng chi tiết và đôi khi được kiến tạo bởi tập đoàn công nghệ lớn sẽ làm giảm đi sự sáng tạo cá nhân. Sự “cứng” của đô thị, những gia vị, “hồn đô thị”, sự thú vị của đô thị… dần mất đi sẽ làm giảm sự hấp dẫn của đô thị. Cùng với đó, nó làm cho con người ta trở nên lười biếng vì đã có hệ thống nghĩ thay và làm thay. Sự hoạt động tốt của thành phố thông minh cũng dẫn đến sự dôi dư lao động, ảnh hưởng đến an sinh phúc lợi xã hội, có thể mất đi sự cân bằng vốn có. Sử dụng công nghệ, thông tin nhiều khi bị rò rỉ do điểm yếu về công tác bảo mật hoặc do trình độ ý thức của người dùng. Các thông tin về quản trị chính quyền, các hoạt động xã hội đến người dân khi rò rỉ sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Sau cùng là vốn đầu tư “thành phố thông minh” rất lớn, lại bị phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ… Vì vậy, thành phố thông minh luôn phải chạy đua theo để đầu tư nâng cấp, nhiều khả năng dẫn đến nợ nần và lệ thuộc.
Một góc thành phố Putrajaya - thành phố thông minh của Malaysia.
Nguồn Internet
Thái Nguyên có đang theo xu thế?
Nước ta đang bước vào giai đoạn đầu tư phát triển, việc xây dựng “thành phố thông minh” đã, đang trở thành một phong trào. Hiện đã có trên 10 thành phố trong cả nước quan tâm và triển khai ký kết với các đối tác để triển khai việc xây dựng kế hoạch trở thành “thành phố thông minh”. Cụ thể là thành phố Đà Nẵng (2012), Bình Dương (2015), thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt (2016), Phú Quốc (2017)… Nhiều thành phố khác cũng đang trong giai đoạn khởi động: Hà Nội, Hạ Long, Hải Dương, Ninh Bình… Việc phân khúc nhiều lĩnh vực “thông minh” cũng đã có hiệu quả, nhưng để xây dựng cả một đô thị lớn, một “thành phố thông minh” lại là điều cần phải nghiên cứu và xem xét một cách bài bản, thấu đáo.
Thái Nguyên đang phát triển và hướng đến thành một tỉnh công nghiệp, việc quan tâm tiếp cận đầu tư hệ thống “thành phố thông minh” đối với các đô thị trong tỉnh có thể nói là một xu thế tất yếu. Nhiều phân khúc đầu tư thông minh của Thái Nguyên đã được triển khai, ví dụ như ở lĩnh vực quản lý đầu tư công. Năm 2017, Thái Nguyên nghiên cứu tiếp cận dự án xây dựng thành phố thông minh “Khu đô thị xanh Yên Bình” bằng nguồn vốn tài trợ của Hàn Quốc; năm 2018, Viettel đang triển khai dự án Camera giám sát và trung tâm điều hành thông minh tại thành phố Thái Nguyên, vốn đầu tư 120 tỷ đồng… Tuy nhiên, với nguồn tài chính, trình độ, hạ tầng và các yếu tố khác, chúng ta cần rà soát kỹ điều kiện để trở thành “thông minh” và lựa chọn mức độ “thông minh” phù hợp, hiệu quả. Các đô thị có quy mô phù hợp, phát triển mới của Thái Nguyên có thể xem xét tiếp cận như: Khu đô thị mới phía Tây thành phố Thái Nguyên (750 ha); Khu đô thị xanh thông minh Yên Bình; khu đô thị Đại học Thái Nguyên (360 ha); khu đô thị hành chính mới Đồng Hỷ… Hoặc việc “thông minh” cũng có thể lựa chọn những lĩnh vực có cơ hội: Khu vực dịch vụ hành chính công, khu vực dịch vụ y tế, khu vực điều tiết giao thông, quản lý hệ thống cấp nước, thoát nước, chiếu sáng đô thị…
Mục tiêu mà việc xây dựng “thành phố thông minh” hướng đến là sử dụng hiệu quả tài nguyên sở hữu, thu hút nguồn lực, tài năng… Nhận diện rõ những ưu - khuyết điểm của một thành phố thông minh, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các quốc gia tiến bộ, ví như theo quan điểm của người Đức là xây dựng “thành phố xã hội” với các tiêu chí “giản dị - ít nhân tạo, nhiều tự nhiên” chứ không hoàn toàn là “thành phố thông minh”; hoặc quan điểm của Thủ tướng Singapore - một nước đang hướng đến “quốc gia thông minh” cũng nhấn mạnh: “thông minh không phải đo bằng thước đo công nghệ…, người dân là trung tâm của quốc gia thông minh chứ không phải là công nghệ”.
KTS. Nguyễn Văn Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...